[11] Khía Cạnh Thực Tiễn Trong Vai Trò Tư Vấn Pháp Lý Cho Chính Phủ
Có thể bạn quan tâm
Phân biệt góc độ luật quốc gia và luật quốc tế – độ mạnh yếu của ý kiến tư vấn – vấn đề bằng chứng – hợp pháp và chính đáng – vượt qua ranh giới hợp pháp – kỹ năng tư vấn
Trong một chính phủ luôn có một cơ quan phụ trách việc tư vấn pháp lý, tức là đưa ra các đánh giá pháp lý về một vấn đề, một sự kiện thực tế, một dự thảo chính sách hay hành động của chính phủ. Ở Việt Nam, và trong lĩnh vực đối ngoại, có vẻ như vai trò đó không dành riêng cho một cơ quan, và phụ thuộc vào lĩnh vực mà vai trò đó được phân cho các bộ khác nhau. Dù cho một hay nhiều cơ quan phụ trách việc tư vấn pháp lý cho chính phủ, có 05 yếu tố trong khía cạnh thực tiễn mà bất kỳ cơ quan nào hay cá nhân nào chịu trách nhiệm đều nên xem xét đến. Bốn yêu tố đầu tiên được rút ra từ bài viết “Luật pháp quốc tế và vấn đề sử dụng vũ lực: Chuyện gì xảy ra trên thực tế?”[1] của Michael Wood, thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc, cựu tư vấn pháp lý chính của Bộ Ngoại giao Anh (1999 – 2006). Yếu tố thứ năm đút rút từ kinh nghiệm khiêm tốn của tác giả. Trong bài viết ngăn này, chủ yếu sẽ lấy ví dụ trong vai trò tư vấn về luật pháp quốc tế.
Thứ nhất, các luật sư chính phủ (hay tư vấn pháp lý cho chính phủ) phải phân biệt được sự khác nhau trong phạm vi điều chỉnh của luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia. Một vấn đề cụ thể có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ từ kinh tế, chính trị, văn hóa,… và pháp lý. Từ góc độ pháp lý lại có thể được tách thành góc độ luật pháp quốc tế và góc độ luật pháp quốc gia. Và như mọi người đều biết, cùng một vấn đề nếu nhìn từ góc độ khác nhau sẽ ra những hình dung, phân tích, kết luận khác nhau và do đó đưa ra tư vấn chính sách khác nhau. Vai trò của một luật sư chính phủ khi đưa ra tư vấn pháp lý cho một vấn đề cụ thể cần tách biệt giữa hai góc nhìn pháp lý, quốc tế và quốc gia, để giúp lãnh đạo hình dung rõ toàn bộ khía cạnh pháp lý của vấn đề. Ví dụ nếu lãnh đạo cần biết xem việc sử dụng vụ lực chống lại một quốc gia khác có hợp pháp hay không, thì một luật sư chính phủ phải trả lời hai câu hỏi: (1) luật pháp quốc gia có cho phép chính phủ sử dụng vũ lực ra nước ngoài, có được điều động quân đội tiến hành chiến dịch ở nước ngoài và tấn công vào quốc gia khác hay không? Và (2) luật pháp quốc tế có cho phép/cấm việc sử dụng vũ lực như thế hay không? Tuy nhiên đôi khi một người tư vấn pháp lý không phân biệt hai góc độ trên; nếu người đó được đào tạo và chỉ làm với luật pháp quốc gia, câu trả lời sẽ hướng về câu hỏi thứ nhất, và ngược lại nếu người đó được đào tạo và chỉ làm việc với luật pháp quốc tế, người đó có thể bỏ qua câu hỏi thứ nhất.
Thứ hai, luật sư chính phủ phải cố gắng xác định rõ ràng và khách quan mức độ mạnh (pháp lý) trong ý kiến tư vấn pháp lý của họ. Họ không chỉ đọc và nghiên cứu tài liệu, sách vở, án lệ và đưa ra ý kiến tư vấn mà họ còn cần tự mình cho ý kiến để lãnh đạo hiểu ý kiến tư vấn của họ có thể đúng bao nhiêu % và có thể sai bao nhiêu %. Đôi khi chúng ta chỉ biết đúng hay sai cho đến khi ra tòa (và thậm chí đôi khi chính tòa cũng sai lầm). Và do đó luật sư chính phủ cũng cần tự nhận rằng họ không biết luật pháp quốc tế quy định như thế nào về một vấn đề, hoặc trong một số hiếm trường hợp họ sẽ đề xuất với chính phủ cái thực chất là cái mà họ nghĩ luật pháp quốc tế nên là (what it should be) hơn là cái đang là (what it is). Michael Wood cho rằng “cơ sở pháp lý mạnh đến đâu để một quốc gia có thể sử dụng vũ lực thực chất và cuối cùng là một câu hỏi chính sách hơn là pháp lý. Nhưng các luật sư có thể và nên tư vấn về các nguy cơ khi tiến hành hành động dựa trên cơ sở có mức độ “hợp lý”, “có thể tranh cãi” hay “có thể tranh cãi một cách hợp lý”.”[2] Điều quan trọng là phải trung thực với chính mình và với lãnh đạo và cơ quan. Đây là một trong những ranh giới đạo đức của người hành nghề luật.
Thứ ba, luật sư chính phủ phải nắm được bằng chứng và biết rõ mức độ đáng tin cậy của bằng chứng. Trong các vấn đề phát sinh liên quan đến đối ngoại, không phải lúc nào các luật sư cũng có thông tin chính thức; sự chậm trễ có thể do quá trình xác minh thông tin ở nước ngoài, thời gian trì hoãn do phối hợp trao đổi giữa các cơ quan, tính chất nhạy cảm của việc cung cấp thông tin và độ mật của thông tin,… Trong một số trường hợp luật sư chính phủ phải đưa ra tư vấn trong tình trạng thiếu thông tin, thông tin không thể/chưa xác thực. Đây là một nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng của ý kiến tư vấn (và uy tín của bản thân người tư vấn). Các luật sư cần cẩn trọng hết sức trong việc xử lý thông tin mà mình có được, chuẩn bị các kịch bản tư vấn trong trường hợp thông tin sau đó được xác minh là sai. Điều này đòi hỏi các luật sư không những có kiến thức mà còn có kinh nghiệm.
Thứ tư, các luật sư cần hết sức cẩn thận và luôn nhắc nhở mình và lãnh đạo về sự khác nhau giữa tính hợp pháp (legality) và tính chính đáng (legitimacy). Trong xung đột tại Kosovo chẳng hạn, chúng ta đọc một báo cáo cho rằng việc NATO can thiệp vào Kosovo là “bất hợp pháp nhưng chính đáng”,[3] hay trong trường hợp Mỹ tấn công vào Iraq thì có ý kiến cho rằng “hợp pháp nhưng không chính đáng”.[4] Michael Wood nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi người ta cố tình nhập nhèm hai khái niệm này.[5] Câu hỏi rằng một hành động có hợp pháp hay không nó hoàn toàn khác với câu hỏi hành động đó có chính đáng hay không. Câu hỏi về tính hợp pháp để biết liệu một hành động là đúng hay sai theo pháp luật; còn câu hỏi về tính chính đáng có thể dựa trên các căn cứ phi/ngoài-pháp luật như đạo đức, lương tâm, tôn giáo,… Đôi khi nhập nhèm giữa hai khái niệm này nhằm mục đích chính trị tốt đẹp, nhưng tuyệt đối nó không phải là một luật pháp tốt đẹp. Các luật sư chỉ nên giới hạn trong phạm vi luật pháp hoặc ít nhất nếu họ vượt ra bên ngoài khuôn khổ pháp lý thì cũng phải trình bày rõ ràng và thẳng thắn.
Thứ năm, tiếp nối với điểm thứ tư phía trên của Michael Wood, theo quan điểm cá nhân tôi, các luật sư chính phủ cần và nên đôi khi có ý kiến tư vấn vượt quá “tính hợp pháp” và bước sang “tính chính đáng”; vượt qua cái đang là đế hướng đến cái nên là và cố gắng biến cái nên là trở thành cái sẽ là. Luật pháp không phải là thứ bất động, cố định và tĩnh; luật pháp cần thiết phải vận động tiến về phía trên, thay đổi để phù hợp với môi trường và nhận thức của con người. Vượt qua câu hỏi về tính hợp pháp và nhìn vấn đề từ góc độ tính chính đáng có thể là bước đầu tiên để thúc đẩy sự phát triển của luật pháp. Các luật sư nên bám sát luật và tin vào luật nhưng cũng cần nhớ rằng mục đích của luật pháp là “công lý”. Đương nhiên, công lý đòi hỏi sự trung thực. Không hay ho gì khi các luật sư vì muốn thúc đẩy một cái tốt lại che dấu, lồng ghép, giải thích không đầy đủ để đánh lừa lãnh đạo.
Thứ sáu là vấn đề liên quan đến trình bày ý kiến tư vấn. Ở trên chúng ta vừa nhắc đến việc nhập nhèm giữa hai khái niệm “tính hợp pháp” và “tính chính đáng”, và đôi khi sự nhập nhèm là vô ý. Luật pháp cũng giống như các ngành khoa học khác; nó chuyên sâu và chuyên biệt. Luật sư chính phủ đòi hỏi phải giỏi chuyên môn nhưng người mà họ phục vụ lại có thể không biết gì hoặc chỉ có kiến thức cơ bản về luật pháp, đặc biệt là luật pháp quốc tế. Để phục vụ tốt hơn cho lãnh đạo với nền tảng như thế, các luật sư cần thiết và nhất thiết phải nắm vững các kỹ năng trình bày, cả nói và viết, để bảo đảm truyền tải chính xác ý kiến tư vấn pháp lý (đôi khi đặc biệt phức tạp) với hình thức dễ hiểu, trực tiếp và rõ ràng nhất có thể. Thiết nghĩ trong lĩnh vực tư cũng tương tự, các khác hàng đôi khi không có kiến thức về luật và người luật sư cần phải có cách trình bày hay nhất để khách hàng có thể hiểu rõ khía cạnh pháp lý trong vấn đề mà họ đối mặt. Nếu các luật sư chính phủ cứ trình bày lập luật thật tinh tế, phức tạp với vẻ đẹp logic pháp lý thần thánh của họ thì họ sẽ thất bại trong nhiệm vụ tư vấn của mình. Các luật sư hãy tưởng tượng mình được đến nghe một buổi nói chuyện chuyên sâu về chính trị thế giới, kinh tế thế giới, kế toán-kiểm toán,… thì có thể hình dung ra được sự thất bại nói trên. Michael Wood và một số người khác từng nói đâu đó rằng các luật sư cần nói tất cả mọi thứ quan trọng nhất trong câu đầu tiên, trong lý lãnh đạo còn thời gian để nghe và quyết định có nghe tiếp hay không. Kỹ năng trình bày một vấn đề phức tạp một cách đơn giản có thể là kỹ năng khó nhất và cũng mang tính chất sống còn của một luật sư và dân luật nói chung.
Trần H.D. Minh
—————————————————————————–
[1] Michael Wood, International Law and the Use of Force: What happens in practice?, 2013, download tại http://legal.un.org/avl/pdf/ls/Wood_article.pdf
[2] Như trên. Nguyên văn: “How strong a legal basis is required before a State resorts to armed force is ultimately a policy question rather than one of law. But lawyers can and should advise on the risks of acting on the basis of a ‘reasonable’, or ‘arguable’ or ‘reasonably arguable’ case…”
[3] Press briefing on Kosovo Commission, 23/10/2000, xem tại https://www.un.org/press/en/2000/20001023.kosovobrfg.doc.html
[4] James Meikle, Iraq invation was of questionable legitimacy, says British diplomat, 27/11/2009, xem tại https://www.theguardian.com/uk/2009/nov/27/iraq-war-inquiry-greenstock-resolution
[5] Nguyên văn: “Legitimacy and legality are sometimes (deliberately) blurred.”
Chia sẻ:
- Tweet
Từ khóa » Ví Dụ Khía Cạnh Pháp Lý
-
Hiểu Như Thế Nào Về Các Khía Cạnh Của Trách Nhiệm Xã Hội? - Isocert
-
Pháp Lý Là Gì ? Đặc điểm Của Pháp Lý Là Gì ? Cho Ví Dụ
-
Các Khía Cạnh Của TNXH (Các Nghĩa Vụ Trong Trách Nhiệm Xã Hội ...
-
Bàn Về Khía Cạnh Pháp Lý Khi Cơ Quan Hành Chính NN Cấp Trên Uỷ ...
-
Một Số Khía Cạnh Pháp Lý Về Mô Hình Tập đoàn Tài Chính – Ngân Hàng
-
đề Tài Vấn đề Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp | Xemtailieu
-
Nhận Diện Khía Cạnh Pháp Lý Của Biện Pháp Bảo Lưu Quyền Sở Hữu ...
-
Pháp Lý Là Gì? Một Vài Khái Niệm, định Nghĩa Có Liên Quan Về Pháp Lý?
-
Ví Dụ Các Khía Cạnh Của Trách Nhiệm Xã Hội - Blog Của Thư
-
Trách Nhiệm Xã Hội Của Doanh Nghiệp - Chánh Phúc
-
KHÍA CẠNH PHÁP LÝ Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
Pháp Lý Là Gì? (Cập Nhật 2022) - Luật ACC
-
Đề Tài: Đạo đức Kinh Doanh ở Các Doanh Nghiệp Hiện Nay, 9 ĐIỂM!
-
Bàn Về Khía Cạnh Pháp Lý Khi Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Cấp Trên ...