2. Các đệ Tử Của Khổng Tử - Bach Gia Chu Tu

Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang Chủ ]
Bách Gia Chư Tử Thảo Đường Cư Sĩ Trần Văn Hải Minh biên soạn - Phần Hai * Thân thế Bách Gia Chư Tử

2. Các đệ tử của khổng tử

A - 1. Hữu Nhược - 2. Tăng Sâm - 3. Bốc Thương - 4. Đoan Mộc Tứ - 5. Phàn Tu - 6. Ngôn Yển - 7. Nhan Hồi - 8. Trọng Do - 9. Chuyên Tôn Sư - 10. Nhiễm Cầu - 11. Tể Dư - 12. Công Dã Trường - 13. Mật Bất Tề - 14. Nhiễm Ung - 15. Tất Điêu Khai - 16. Công Tây Xích - 17. Nguyên Hiến - 18. Mẫn Tổn - 19. Tư Mã Canh - 20. Nhiễm Canh - 21. Vu Mã Thi - 22. Nhan Vô Do - 23. Cao Sài - 24. Tăng Điểm

B - 1. Nam Dung - 2.Thân Tranh - 3.Trần Cang - 4.Lao - 5.Thiềm Đài Điệt Minh - 6.Công Bá Liêu - 7.Lâm Phóng - 8.Nhụ Bi - 9.Mạnh Ý Tử.

1. Khổng Tử. * 2. Đệ Tử Khổng Tử. * 3. Mạnh Tử. * 4. Tuân Tử. * 5. Lão Tử. * 6. Trang Tử và những người trong phái Đạo gia. * 7. Mặc Tử và môn đệ. * 8. Thương Ưởng, Thân Bất Hại, Hàn Phi, Lý Tư và Lữ Bất Vi. * 9. Huệ Thi, Công Tôn Long và nhóm Tác Hạ. * 10. Tô Tần, Trương Nghi và Khuất Nguyên. * 11. Phụ Lục : Chư Tử dưới thời Tây Hán - Niên biểu những việc quan trọng dưới thời Chư Tử.

Khổng Tử mở đầu phong trào dạy học tư nhơn, tụ tập học trò rất đông, và ông dạy không bao giờ biết mệt mỏi...Học trò noi theo đạo thầy làm cho học phái hưng thịnh thêm : đó là phái Nho gia.

Lúc đầu thời Chiến quốc, đó là thời kỳ toàn thạnh của Nho gia, cho nên khi nhắc đến Chư Tử của thời ấy, là không thế nào không đề cập đến các đệ tử của Khổng Tử...mà Mạnh Tử là người được kể là người cao đệ trong số hơn 70 đệ tử của Khổng Tử.

Phần Khổng Tử Thế Gia trong sách Sử Ký có viết : " Khổng Tử dùng Thơ, Thi, Lễ Nhạc để dạy ".

Số đệ tử có đến 3000. Người thông Lục nghệ có 72 như nhóm Nhan Thục Trâu đến thọ nghiệp rất đông...như thế thì cao đệ của Khổng Tử có đến 72 người.

Trong sách Trọng Ni đệ tử liệt truyện có viết : " Kẻ thọ nghiệp mà thông, có đến 77 người ".

Chữ thông đây có nghĩa là thông Lục Nghệ (Thi, Thơ, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu).

Kiểm lại số người có chép trong sách quả đủ số 77, so với tài liệu Thế gia thì thấy nhiều hơn 5 người.

Tại sao lại có sự sai biệt như thế ? Hay là tài liệu Thế gia chỉ ghi những người tinh thông đầy đủ Lục nghệ, còn sách Liệt truyện không có ghi đủ mấy chữ " thông Lục nghệ ".

Cũng có người cho rằng số 5 người ấy chỉ là những người hay lui tới thọ nghiệp chớ chẳng phải là những môn đệ chánh thức chăng ?

Có điều đáng chú ý là Nhan thục Trâu, một môn đệ không chánh thức không thấy ghi tên trong sách Liệt truyện.

Trong quyển " sách Ẩn " có viết : Sách Khổng Tử gia ngữ có viết số môn đệ là 77 nhưng trong pho Gia miếu đồ của Văn Ông thì lại vẽ 72 người học trò.

Tài liệu Thế gia và Gia miếu đồ giống nhau, sách Liệt truyện và Gia ngữ giống nhau. Có điều đáng chú ý là trong quyển Gia ngữ bản mới ở thiên " Thất thập nhị đệ tử bi " phần sau cùng có viết : Sau đây là 72 người đệ tử của Phu Tử đều đến mức " thăng đường, nhập thất " (học đến nơi đến chốn).

Mặc dù viết như thế, nhưng số tên người chép phía sau lại tới 77 ! Qua chứng cứ trên, ta thấy sách Sử ký và Gia ngữ đều có những chỗ mâu thuẫn.

Tại sao lại có chuyện ấy ?

Sách " Sử ký thám nguyên " viết : " Có người trong truyện nầy không chép, nhưng lại thấy trong Luận Ngữ, đó là tên " Lao ", trong phần Thế gia có chép thêm 2 tên người đó là Mạnh ý Tử, Nhan thục Trâu ", dường như Mạnh ý Tử không phải là đệ tử, Lao và Nhan thục Trâu trong sách truyện không có ghi, nếu hợp tất cả tên có ghi trong các sách lại thì có đến 79 người "

Nếu xét kỹ số người đệ tử có ghi trong quyển Đệ tử truyện thì có một số khá đông, không thấy có tên trong sách Luận Ngữ. Nếu căn cứ theo Luận Ngữ, thì có một số người khộng phải là đệ tử, và cũng có một số người khác đáng nghi ngờ.

Trong các sách của Khổng môn, quyển Luận Ngữ là đáng tin hơn hết, còn Mạnh Tử nói " 70 học trò " chắc là chỉ muốn nói số tròn cho gọn.

Bây giờ, tốt hơn hết là dùng sách Luận Ngữ làm căn cứ, phối hợp với các sách Sử ký, Gia ngữ để tìm hiểu về các đệ tử của Khổng Tử...như thế có phần ổn hơn.

Theo sách Sử ký và Trọng Ni đệ tử liệt truyện thì số học trò có ghi tên đến 77, được phân làm 2 lớp.

1.- Lớp thứ nhứt là những người có tên, tuổi, việc học thấy có ghi trong sách vở, tổng cộng số nầy có tất cả là 33 người.

2.- Lớp thứ hai, là những người không có ghi tên, có đi học mà không thấy tên được nhắc trong sách vở, số nầy tổng cộng 44 người.

Thật ra, trong số người ở lớp thứ nhứt, cũng có 8 người không thấy được nhắc tên trong sách Luận Ngữ, đó là Công tích Ai, Thương Cù, Nhan Hạnh, Nhiễm Nho, Tào Truất, Công tôn Long, Bá Kiều.

Trong lớp thứ hai lại có hai tên người thấy trong Luận Ngữ, nhưng danh tánh lại khác nhau, đó là Thân Đảng, tức trong Luận Ngữ gọi là Thân Tứ, Nguyên cang Tịch, tức trong Luận Ngữ gọi là Trần Cang.

Trong Luận Ngữ cũng có 4 tên người không thấy ghi trong sách Đệ tử truyện đó là : Lao, Lâm Phóng, Nhu Bi, Mạnh ý Tử.

Lược khảo về đệ tử của Khổng Tử, căn cứ theo Luận Ngữ là chắc chắn hơn hết, nên xin theo thứ tự trong Luận Ngữ, liệt kê những nhân vật như sau :

1. Hữu Nhược.

Trong thiên Học nhi, thiên thứ nhứt của Luận Ngữ, chương đầu ghi lời nói của Khổng Tử, chương hai là ghi lời của Hữu Tử.

Hữu Tử tên là Hữu Nhược, sách tập giải dẫn lời Trịnh Huyền viết : " Là người nước Trịnh " (Trịnh Huyền có sách Mục lục về đệ tử của Khổng Tử, nhưng sách đã mất).

Sách Đệ tử truyện viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 13 tuổi, sách Chánh nghĩa lại dẫn lời sách Gia ngữ viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 33 tuổi ".

Ấn bản mới của sách Gia ngữ thiên đệ tử giải có viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 36 tuổi ". Trong các sách khác như Lễ ký, sách của Khổng Dĩnh Đạt thì lại ghi " Nhỏ hơn Khổng Tử 43 tuổi ".

Các thuyết đều khác nhau, không biết đâu là đúng.

Sách Đệ tử có chép : " Khổng Tử đã mất, đệ tử nhớ thương, Hữu Nhược hình dáng giống Khổng Tử, đệ tử đồng ý với nhau lập Hữu Nhược làm thầy, rồi thờ như thờ lúc Khổng Tử còn sống. "

Sách Gia ngữ lại chép Khổng Tử tiên tri, biết trời sẽ mưa, và Thượng Cù sẽ có 5 người con, đó là những điều truyền thuyết huyền hoặc của hậu nho đề cao Khổng Tử một cách vụng về và nhơn đó để so sánh Hữu Nhược không thể nào bằng Khổng Tử được...

Sách Luận Ngữ nhắc đến các đệ tử, dùng chữ " tử " (thầy) để gọi, duy chỉ có hai người mà thôi : đó là Hữu Nhược và Tăng Tử.

Hữu Nhược được tất cả các đồng môn tôn xưng, sách Lễ ký có viết : Lời nói của Hữu Nhược giống như Khổng Tử, sách Đệ tử truyện lại viết : Hình trạng ông giống Khổng Tử, vì thế mà tất cả môn đệ đều lập ông lên làm thầy...như thế thì " trông diện mạo mà chọn người " vậy.

Thiên Đằng văn Công trong sách Mạnh Tử có viết về sau cái chết của Khổng Tử :

" Ngày nọ, Tử Hạ, Tử Du, Tử Trương, vì thấy Hữu Nhược giống như thầy mà muốn thờ Hữu Nhược như thờ thầy nên bắt ép Tăng Tử theo.

Tăng Tử nói :

- Không nên...Sông Giang, Hán đã gột rửa, nắng thu đã hong sấy, nên sáng rỡ, không thể nào được như thế !

Quả thật chuyện đó đã có bàn đến, nhưng bị tăng Tử không đồng ý nên Hữu Nhược không được tôn...

Tăng Tử chỉ nói Khổng Tử không có ai so sánh được, không thể suy tôn một người nào để kế vị, chớ không phê phán một lời nào về Hữu Nhược cả.

Trong Sử ký có chép : Khổng Tử là người học rộng, biết nhiều, không việc gì mà không biết...Nhơn đó mà người đời sau phụ họa cho rằng Khổng Tử tiên tri để quá khen ông một cách vụng về.

Hữu Tử, họ Hữu mà tên Nhược, dường như không có gì đáng nghi cả.

Trong sách Lộ sử chép " Hữu thị là hậu duệ Hữu sào thị nhưng Hữu sào thị chỉ là một danh từ tuợng trưng chỉ người thời thượng cổ làm ổ trên cây mà ở, chớ không phải ở thời ấy có dòng Đế vương tên họ như thế.

Thời thượng cổ cũng có những tên : Hữu hùng thị, Hữu nga thị, Hữu hộ thị, Hữu tô thị, rồi Hữu Ngu, Hữu Hạ, Hữu Ân, Hữu Châu, nhưng chữ Hữu ở đây chỉ là " phát ngữ từ " mà thôi.

Từ xưa đến nay, ở Trung Hoa chưa bao giờ nghe ai có họ Hữu cả.

Sách Gia Ngữ Đệ Tử Giải có viết : Hữu Nhược, người nước Lỗ, tự là Tử Hữu như thế là tên Nhược, còn tự là Tử Hữu chớ không phải họ Hữu.

2. Tăng Sâm.

Sách Luận Ngữ, thiên Học nhi, chương tư, có ghi lời Tăng Sâm, và cũng gọi là Tăng Tử.

Tăng Sâm tự Tử Dư, trong Đệ tử truyện và Gia ngữ đều ghi nhỏ hơn Khổng Tử 46 tuổi, người ở Nam Võ thành, tức hiện nay thuộc tỉnh Sơn Đông, phía Tây Nam, cách Phí huyện 90 dặm.

Quyển " sách Ẩn " có viết : " Đất Võ thành thuộc nước Lỗ, lúc đó cũng có Bắc Võ thành, cho nên mới ghi rõ là Nam Võ thành ".

Như thế thì Tăng Tử cũng là người nước Lỗ. Tăng Tử là người nỗi tiếng có hiếu, thiên Thái Bá trong sách Luận Ngữ có viết : " Tăng Tử có bịnh, triệu môn đệ tử vào nói : " Mở chưn cho ta, mở tay ta (xem coi có gì lạ không). Kinh Thi viết : Nơm nớp lo ngại như đi gần vực sâu, như bước trên giá mỏng ". Từ nay trở đi ta mới biết là khỏi vậy các người ơi !

Trong Hiếu kinh có câu " Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cam hủy thương " là do câu nói trên mà ra vậy.

Mạnh Tử có nói : "Tăng Tử nuôi Tăng Tích, ắt có rượu, thịt, sắp dọn thì hỏi có cần thêm gì không ? Nếu có hỏi có còn thức ăn nữa không, thì cứ bảo luôn là còn. "

Mạnh Tử đã khen Tăng Tử nuôi cha.

Gia ngữ có viết : Nước Tề thường rước ông, muốn ông làm quan Khanh, nhưng ông không đến mà nói rằng :

- Cha mẹ tôi già, ăn lộc của người thì lo việc người, cho nên tôi không nỡ xa cha mẹ để làm việc cho người khác.

Như thế chúng ta đã thấy chữ Hiếu của Tăng Sâm.

Gia ngữ cũng có viết chuyện ông bỏ vợ vì vợ chưng trái lê không chín, rồi sau đó không cưới vợ nữa v.v...chuyện nầy chắc do kẻ hiếu sự đặt thêm chớ không có sự thật.

Trong các sách Đệ tử truyện, Gia ngữ, Hán chí đều nói : " Khổng Tử nói về đạo Hiếu cho Tăng Tử nghe, rồi Tăng Tử mới viết Hiếu kinh. "

Nhưng trong Hiếu kinh bắt đầu có câu : " Trọng Ni ở đó, Tăng Tử hầu... ". Như thế thì dù cho quyển sách nầy của Khổng Tử nói ra, Tăng Tử chép thì cũng không bao giờ có việc ghi lên trên mấy chữ Khổng Tử và Tăng Tử như vậy.

Người ta nghĩ rằng ai đó đã viết quyển Hiếu kinh và vì Tăng Tử có hiếu nổi tiếng, cho nên mới mượn danh mà ghi vào quyển sách.

Mạnh Tử có viết : " Tăng Tử ở Võ thành dạy học ", thật ra thì Tăng Tử không bao giờ có dạy học cả.

Trong số đệ tử của Khổng Tử, Tăng Tử là người nhỏ tuổi hơn cả và cũng thọ hơn nhiều người, cho nên trong các thiên của sách Lễ ký, thường có nhắc đến Tăng Tử luôn.

Trong thiên Lý nhơn sách Luận Ngữ có chép :

" Khổng Tử bảo Tăng Tử :

- Đạo của ta " Nhứt dĩ quán chi ".

Tăng Tử liền nói với môn nhơn :

- Cái đạo của Phu Tử, Trung Thứ mà thôi vậy "

Vì thế Chu Tử mới viết " Chỉ có mình Tăng Tử mới độc cái chơn truyền đạo thống. "

Ông cũng cho rằng thiên Đại Học trong sách Lễ Ký là do Tăng Tử viết, và định đó là một trong pho Tứ Thơ.

Trong sách Hán chí, phần Nho gia, có ghi tên sách của Tăng Tử viết gồm 18 thiên, nhưng đã bị thất lạc.

Sách " Nguyên hoà tánh soán " có viết : " Dưới thời Xuân Thu, Lữ diệt Tăng, Tăng thái tử là Vu làm quan ở nước Lỗ, bỏ ấp của mình mà trở thành Tăng thị (lớp bình dân).

Theo sách Thế bổn : Vu sanh Phụ, Phụ sanh Tích là phụ thân của Tăng Tử

3. Bốc Thương.

Tự Tử Hạ, sách Đệ tử truyện và Gia ngữ đều viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 44 tuổi ".

Sách Tập giảo dẫn lời Trịnh Huyền viết : " Bốc Thương ở Ôn Quốc ". Gia ngữ thì lại nói là người nước Vệ, sách Lễ Ký lại ghi là người nước Nguỵ.

Thành cũ nước Ôn, ngày nay nằm ở Tây Nam Ôn huyện, tỉnh Hà Nam. Ôn là một nội ấp của nhà Châu, sau thuộc nước Vệ.

Lễ ký chép là người nước Nguỵ có lẽ vì Tử Hạ đã ở một thời gian rất lâu ở vùng Ngụy phía Tây Hà.

Sách Đệ tử truyện viết : Khổng Tử đã mất, Tử Hạ ở Tây Hà dạy học, làm thầy Ngụy Văn hầu...

Sách Tùy đồ kinh chí chép đất An âm có Tây Hà đó là chỗ ở của Tử Hạ, chỗ ấy hiện nay ở phía Đông cách huyện Thang âm 30 dặm, phía Nam sông Khương thủy ; sách " Sách Ẩn " thì lại nói đất ấy hiện nay là Đồng Châu của tỉnh Thiểm Tây, còn sách Chánh nghĩa thì lại nói đó là quận Tây Hà thuộc huyện Phàn Dương tỉnh Sơn Tây, các thuyết trên đây đều không đúng.

Trong sách Sử ký, phần Nho lâm truyện có viết : " Điền Tử Phương, Đoàn can Mộc, Ngô Khởi, Cầm hoạt Ly v.v... đều thọ nghiệp với Tử Hạ ", như thế thì việc dạy học ở Tây Hà thịnh hành là dường nào cũng đủ thấy.

Trong thiên Tử Lộ, sách Luận Ngữ đã viết : " Tử Hạ làm quan Tể ở Lữ phủ ", Lữ phủ là một ấp của nước Lỗ, như thế thì Tử Hạ thường làm quan ở nước Lỗ.

Thiên Tiên Tiến trong sách kể trên cũng có viết : " Văn học thì Tử Du, Tử Hạ,... "

Trong thiên Tử Trương cũng có ghi lời Tử Hạ : " Hằng ngày đều biết cái quên của mình, hằng tháng không quên cái hay của mình...đó có thể nói là hiếu học vậy ". Như thế là Tử Hạ giỏi về văn học mà lại còn hay về ôn cố, tri tân nữa. Những nhà Kinh học cũng cho rằng, Lục kinh, đa số đều do Tử Hạ truyền, vì thế Hậu nho mới gọi Tử Hạ là thầy " truyền kinh " sắp ngang hàng với Tăng Tử là thầy " truyền đạo ", và Hán nho thì theo Tử Hạ, còn Tống nho thì theo Tăng Tử.

4. Đoan Mộc Tứ.

Tự Tử Cống, người nước Vệ. Sách Đệ tử truyện và Gia ngữ đều nói nhỏ hơn Khổng Tử 31 tuổi.

Trong thiên Tiên Tiến, sách Luận Ngữ có viết : " Ngôn ngữ, có Tể Ngã và Tử Cống ", như thế là Tử Cống giỏi về khoa ngôn ngữ.

Đệ tử truyện cũng có viết : " Tề sắp đánh Tấn, Tử Cống qua du thuyết với Ngô, bảo hãy bỏ Việt để đánh Tề, rồi lại qua Tấn du thuyết đánh Ngô, Tử Cống một lần ra đi du thuyết, giữ còn nước Lỗ, làm loạn Tề, phá Ngô, làm mạnh Tấn, làm Bá nước Việt, là nhờ giỏi về khoa ngôn ngữ...

Thật ra, chuyện ghi trên đây không giống với tài liệu Ngô thế gia và Tề thế gia...cũng có thuyết nói ông làm tướng nước Tề, Vệ, nhưng không có bằng chứng gì đáng tin.

Trong thiên Tiên Tiến cũng có chép : " Nếu Tứ không chịu mạng với đế vương mà đi buôn thì làm giàu ".

Tử Cống có tài sản đến ngàn vàng, trong các sách Đệ tử truyện, Hóa thực truyện và Gia ngữ đều có chép.

Sách Thôi thuật chép rằng, Tử Cống giàu, là chỉ lưu tâm đến việc sản xuất, chớ không phải buôn bán.

Về cuối đời Xuân Thu, thương nghiệp đã lần lần phát đạt, vì các đệ tử của Khổng Tử không chú tâm đến việc lợi, nếu lo làm giàu thì tất nhiên sẽ có nhiều người sẽ giàu lớn, lời nói của họ Thôi, không phải là không căn cứ.

Tử Cống là người có tiền nhiều nhứt trong số môn đệ của Khổng Tử, mà nghèo nhứt là Nguyên Hiến và Nhan Uyên, cho nên sách Gia ngữ và Hàn thi ngoại truyện đều có chép chuyện Tử Cống đến thăm Nguyên Hiến.

Tử Cống sùng bái ngôn luận của Khổng Tử, điều nầy thấy có chép rất nhiều trong sách Mạnh Tử, cho nên Thôi Thuật mới nói : " Khổng Tử mà được sáng danh trên đời là nhờ công của Tử Cống rất nhiều ".

5. Phàn Tu.

Tự là Tử Trì, trong sách Gia ngữ và Đệ tử truyện đều chép nhỏ hơn Khổng Tử 36 tuổi. Trịnh Huyền cho ông là người nước Tề, nhưng Gia ngữ lại nói là người nước Lỗ.

Sách Gia ngữ cũng chép : Ông thường làm quan với Quí thị, nhưng không biết căn cứ vào đâu mà sách Gia ngữ lại viết như thế.

Thiên Tử Lộ trong sách Luận Ngữ có viết : Phàn Trì xin học làm ruộng làm vườn, Khổng Tử chê là " tiểu nhơn "

Chữ tiểu nhơn nầy là đối với chữ quân tử tại vị...cũng như Mạnh Tử đã nói chữ " dã nhơn " vậy (người quê mùa).

Sách Bạch Thủy Bi có viết : " Phàn Tu tự là Tử Đạt, Phàn Hưởn tự Tử Trì, như thế dường như Phàn Tu và Phàn Hưởn là hai người...Người đời xưa dùng chữ Tu có nghĩa là " râu " mà cũng có nghĩa là chờ đợi, như thế thì Phàn Tu, tự là Trì cũng có lý...

Phần trên có nói : Một người chống gậy mỉa mai Khổng Tử : " Tay chưn không động, 5 giống lúa không phân biệt được " là ý muốn chê Khổng Tử không lao động.

Trước thời Khổng Tử, chưa có tư nhơn dạy học, thâu học phí của đệ tử [ngày xưa chữ thúc tu (bó nem) là như học phí bây giờ]. Lúc đó cũng chưa có giới bình dân đi đó đi đây du thuyết, và hoạt động chánh trị...vì hế những kẻ ẩn sĩ rất chướng tai gai mắt với phong trào mới mẻ ấy.

Ýù của Phàn Trì, có phải muốn chống đối thái độ thiếu lao động của Nho gia thời ấy chăng ? Hay là ông phẫn chí vì cái đạo không hành được trong lúc ấy chăng ? Hay là Phàn Trì đã nhận được sự cần thiết của lao động, cày cấy ; làm vườn là điều thực tế trong hoàn cảnh xã hội lúc đó ?

6. Ngôn Yển.

Tự Tử Du, Đệ tử truyện chép : " Người nước Ngô, nhỏ hơn Khổng Tử 45 tuổi ". Sách Gia ngữ chép : " Người nước Lỗ, nhỏ hơn Khổng Tử 35 tuổi... "

Theo sách Luận Ngữ, Lễ Ký, có chép thì Tử Du, Tử Hạ và Tăng Tử đều có nhiều lời nói trong các sách ấy, tuổi những người ấy xấp xỉ nhau. Có lẽ theo sách Đệ tử truyện là đúng.

Số đệ tử của Khổng Tử, người nước Lỗ là nhiều hơn hết. Kế đó là người nước Vệ, rồi sau là người nước Tống.

Sách Mạnh Tử có chép : " Nước Trần, Lương, Sở sanh ra, đẹp cái đạo của Châu Công, Trọng Ni, phía Bác học với Trung quốc ". (Trong thiên Đằng Văn Công).

Sau khi Khổng Tử mất, vì Ngô cách xa với Lỗ, và Khổng Tử cũng chưa hề đến Ngô, mà Tử Du, chỉ là người độc nhứt mà nước Ngô, không nài đường xa vạn dặm đến học, xét ra, sách Gia ngữ chép có phần đúng.

Tử Du thường làm quan ở Lỗ, làm quan Tể ở Võ Thành. Thiên Dương Hóa trong sách Luận Ngữ có viết : " Tiếc người có đại tài mà đem dùng vào việc nhỏ ".

Thiên Lễ vận sách Lễ Ký có chép Tử Du dạy " Đại đồng và Tiểu khương ", Tử Du và Tử Hạ đều nổi tiếng về văn học và cũng giỏi về Lễ, và thiên Lễ vận là cũng do học trò của Tử Du ghi chép.

7. Nhan Hồi.

Tự Tử Uyên, Đệ tử truyện và Gia ngữ đều viết : " Người nước Lỗ, một đai cơm, một bầu nước, nhưng không thay đổi sự vui thích (Thiên Ung dã, sách Luận Ngữ), học một biết mười (thiên Công dã, sách Luận Ngữ), học một biết mười (thiên Công dã Tràng), ham học, không giận dỗi vô lý, không bị lầm lỗi hai lần (thiên Ung dã) cho nên Khổng Tử khen : Ta thấy nó tiến mà không hề thấy nó dừng lại (thiên Tử Hản), các bạn đồng môn nhiều người tôn sùng, như Tử Cống đã nói : " Tứ nầy đâu dám mong như Hồi " (thiên Tiên Tiến) nhưng ông không may chết sớm, cho nên Khổng Tử khóc rất cảm động : " Trời hại ta, trời hại ta ". Tình cảm đau xót tràn ngập ngoài thái độ và ngôn ngữ, vì Nhan Uyên là một đệ tử rất đắc ý của Khổng Tử, cho nên trong thiên Tiên Tiến đã sắp ông là người có nhiều đức hạnh hơn hết.

Về tuổi của Nhan Uyên, trong Đệ tử truyện và Gia ngữ đều viết nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi.

Đệ tử truyện lại có viết : " Nhan Hồi 29 tuổi, tóc đều bạc, chết sớm ". Gia ngữ cũng viết : " Nhan Tử 29 tuổi mà tóc bạc, mới 32 tuổi mà chết sớm ".

Thiên Lực mạng trong sách Liệt tử lại viết " tài Nhan Hồi không dưới đám đông, nhưng chỉ thọ có 4, 8 (32).

Truyện Tôn Đăng, sách Tam quốc Ngô chí có viết : " Tôn Quyền lập Đăng làm thái tử, tuổi 33, Đăng đã thượng sớ viết : Nhan Hồi ở Châu Lỗ có tài thượng trí mà còn yểu chiết...hà huống gì thần đã qua tuổi thọ của ông, v.v... " như thế thì Nhan Tử chỉ có 32 tuổi dường như là đúng.

Nhan Hồi nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi, chết vào năm 32, lúc đó Khổng Tử 62 tuổi nhằm năm thứ 5 đời Ai Công.

Bá Ngư chết vào năm 12 đời Ai Công, lúc đó Khổng Tử 69 tuổi, như thế chết sau Nhan Hồi 8 năm, nhưng trong thiên Tiên Tiến sách Luận Ngữ lại chép, Nhan Uyên chết, Nhan Lộ xin chiếc xe của Khổng Tử làm cái quách, Khổng Tử đáp :

- Khi Lý (Bá Ngư) chết, cũng chỉ có quan mà không quách...

Như thế thì Bá Ngư chết trước Nhan Uyên.

Trong sách Ngũ Kinh dị nghĩa của Hứa Thận, cho đó nếu là lời giả thiết cũng không hợp tình lý, thế nên trong sách Sử Ký thám nguyên nói rằng tuổi của Nhan Uyên phải là nhỏ hơn Khổng Tử 40 mới hợp lý, vì nếu ông chết vào năm 32 tuổi, thì Khổng Tử 72, lúc đó thì Bá Ngư đã chết được 3 năm rồi...

8. Trọng Do.

Tự Tử Lộ, cũng gọi là Quí Lộ. Đệ tử truyện và Gia ngữ đều chép : " Nhỏ hơn Khổng Tử 9 tuổi, người đất Biện, Biện là một ấp của Lỗ, thành cũ hiện nay ở phía Đông huyện Tư Thủy, tỉnh Sơn Đông, như thế thì Tử Lộ cũng là người nước Lỗ.

Tử Lộ hiếu dõng, thích tiến thủ, học được điều gì chưa làm được, thì không chịu học thêm (Thiên Công dã Trường trong Luận Ngữ), nhưng ông không biết lo ngại, dè dặt, tính toán khi lâm sự để thành công nên Khổng Tử mới nói : Tay không cự cọp dữ, lội bừa qua sông nguy hiểm, chết mà không hối hận...ta không như thế (thiên Thuật nhi).

Khổng Tử cũng thường than thở : " Như ngươi Do, thì bất đắc kỳ tử vậy " (thiên Tiên Tiến).

Sau Tử Lộ làm quan ở nước Vệ và chết trong nạn Bằng Khoái đánh đuổi Triếp.

Khổng Tử đang ăn, nghe tin Tử Lộ bị chết thảm, liền khóc lớn : " Trời dứt ta, trời dứt ta ". (Xem Đệ tử truyện và thiên Đàn cung trong sách Lễ Ký).

Khổng Tử thường khen Tử Lộ : " Một lời nói có thể đoán định được việc hình ngục " (thiên Nhan Uyên) và " Nước có ngàn cổ xe có thể dùng ông vào việc tài chánh (thuế má) " (thiên Công dã Trường) thế nên trong sách Luận Ngữ có viết : " Việc chánh thì Nhiễm Hữu và Quí Lộ ".

Dưới thời Quí Hoàn Tử, ông thường làm quan Tể cho Quí thị. Lúc Khổng Tử làm quan ở nước Lỗ, mà được Quí tôn trọng dụng là cũng nhờ Tử Lộ.

9. Chuyên Tôn Sư.

Tự Tử Trương, Đệ tử truyện và Gia ngữ có viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 48 tuổi, người nước Trần ".

Sách " Sách Ẩn " dẫn lời Trịnh Huyền : " Người đất Dương Thành. Dương Thành thuộc về nước Trần... "

Thiên Tôn Sư trong " Lã thị Xuân Thu " viết : " Tử Trương thuộc về một gia đình tầm thường ở nước Lỗ " như thế là cho Tử Trương là người nước Lỗ.

Họ Chuyên Tôn đuổi Trần công tử, chuyện nầy thấy có chép trong sách Thông chí thị tộc lược...nhưng theo sách Tả truyện thì vào năm 25 đời Chiêu Công, Chuyên Tôn ra đi...Năm Chiêu Công thứ 25 thì Khổng Tử mới 35 tuổi thì Tử Trương chưa sanh, làm sao Tử Trương là con Chuyên Tôn được.

Họ Chuyên Tôn đẩy Trần công tử qua Lỗ, thế nên mới có thuyết Tử Trương là người nước Trần, nước Lỗ.

Thiên Tiên Tiến trong sách Luận Ngữ có viết : " Tử Cống hỏi Sư với Thương (Bốc Thương) ai hiền ? " Khổng Tử đáp : " Sư thì thái quá, còn Thương thì bất cập ".

Tử Cống lại hỏi thêm : " Như thế thì Sư hơn chăng ? " Khổng Tử đáp : " Thái quá thì cũng như bất cập...vì Tử Hạ tánh tình đôn hậu thành thật, nhưng khí độ lại hẹp hòi, còn Tử Trương thì khí độ rộng rãi, tánh tình xốp nổi, hay khoa trương và hơi bạc... "

Thiên Tử Trương trong sách Luận Ngữ có viết : Môn nhơn của Tử Hạ hỏi về chuyện giao thiệp với Tử Trương.

Tử Trương hỏi : " Về chuyện đó thầy Tử Hạ nói như thế nào ? ".

Môn nhơn đáp :

- Thầy Tử Hạ nói : Nếu người khá thì cùng giao thiệp. Nếu không khá thì cự tuyệt...

Tử Trương nói :

- Chỗ tôi biết thì khác : Người quân tử tôn hiền mà bao dung đám đông, khen người lành mà xót thương người dở...Ta có phải là kẻ đại hiền chăng ? Làm sao không dung người được ? Ta là kẻ chẳng hiền chăng ? Người ta sẽ cự tuyệt ta, ta làm sao cự tuyệt người được ?

Xem chương nầy, chúng ta thấy khí độ hai người không giống nhau.

Thiên Đàn cung trong sách Lễ Ký có viết : " Tử Hạ đã hết tang mà đến ra mắt...Ta đàn, họa đó mà không hòa, đàn mà không thành tiếng...

Bảo rằng : Buồn chưa quên được...vì Tiên vương chế lễ mà không dám vượt qua...

Tử Trương đã hết tang, mà đến ra mắt, ta đàn, họa đó mà hòa, đàn mà thành tiếng.

Bảo rằng : Tiên Vương chế lễ, chẳng dám chẳng đến... ".

Đọc chương nầy, ta thấy tánh tình hai người chẳng giống nhau.

Tăng Tử nói :

- Đường đường Tử Trương cũng khó mà sánh được cái nhơn của người ấy.

Theo Đệ tử truyện, Tử Hạ nhỏ hơn Khổng Tử 44 tuổi, Tử Du nhỏ hơn Khổng Tử 45 tuổi, Tăng Tử nhỏ hơn Khổng Tử 46 tuổi, Tử Trương nhỏ hơn 48 tuổi, 4 ông nầy là lớp thiếu niên đồng môn tuổi xấp xỉ nhau, mà Tử Trương nhỏ hơn hết.

Mạnh Tử có nói : Khổng Tử đã mất, Tử Hạ, Tử Du, Tử Trương vì thấy Hữu Nhược giống thánh nhơn nên muốn dùng lễ thờ Khổng Tử, thờ Hữu Nhược mà bắt Tăng Tử phải theo.

Tăng Tử không đồng ý (thiên Đằng văn Công) như thế, lúc Khổng Tử mất, 4 thầy kể trên là lãnh tụ của các đồng môn vậy.

Trong thiên " Phi thập nhị tử ", Tuân Tử đã phê bình Tử Trương, Tử Hạ và Tử Du là 3 phái " tiện Nho " mà không đề cập đến Tăng Tử là vì cho phái của Tăng Tử là chánh thống.

Sách Luận Ngữ ghi những lời đệ tử phát biểu ý kiến mình, về Tăng Tử thấy có 13 lần, Tử Hạ 12 lần, Tử Trương 2 lần, Tử Du 4 lần, 4 ông ấy là tuổi trẻ nhứt trong số đồng môn, và đó là số đệ tử nổi nhứt trong số đệ tử lớp sau.

Số đệ tử lớp trước, như Nhan Tử, chỉ thấy lời nói có một lần ; và đó là lời tán tụng Khổng Tử, lời nói của Tử Cống có 7 lần ; trong số có 5 lần tán tụng Khổng Tử còn phát biểu ý kiến mình chỉ có 2 lần...Như thế thì số đệ tử từ lớp sau phát biểu ý kiến riêng của mình nhiều hơn lớp trước.

10. Nhiễm Cầu

Tự Tử Hữu, người nước Lỗ, Gia ngữ vết : " Ông thuộc tông tộc Trọng Cung ". Đệ tử truyện và Gia ngữ đều viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 29 tuổi ".

Khổng Tử khen ông có thể làm quan Tể cho một ấp ngàn nhà, hay là một nhà có đến 100 cổ xe (Thiên Công dã Tràng trong Luận Ngữ), như vậy là giỏi về việc chánh cũng như Tử Lộ.

Nhiễm Hữu có nói về chí, cho rằng : " Nếu cần làm việc đó, thì 3 năm có thể làm cho dân ấm no " ; như thế là giỏi về lý tài.

Ông đã làm chức việc coi thu góp cho Quí thị. Khổng Tử có nói : " Cầu không phải là học trò của ta...tiểu tử hãy nổi trống công kích nó ! "

Nếu chuyên môn về lý tài thì sẽ đi đến chỗ tệ hại là cứ lo thu góp. Cá tánh của ông tương phản với Tử Lộ...cho nên Khổng Tử đã nói : " Cầu thoái bộ cho nên phải đẩy tới, còn Do thì lấn lướt người, nên phải kéo lui...(thiên Tiên Tiến).

Nhiễm Hữu thường nói : " Không phải tôi không thích cái đạo của thầy, tôi chỉ không đủ sức ".

Khổng Tử nói : " Sức không đủ, giữa đường mà bỏ, là tại ngươi tự vạch cho mình.

Tự cho mình là sức không đủ, tự vạch lằn mức cho mình mà không cầu tiến, đó gọi là thối vậy ".

Trong sách Khổng Tử thế gia có ghi chuyện Quí Khương Tử trước triệu Nhiễm Hữu trở về nước Lỗ, nhờ lời Nhiễm Hữu mà mới rước Khổng Tử về để an dưỡng tuổi già.

Khổng Tử được trở về Lỗ là nhờ công Nhiễm Hữu vậy.

11. Tể Dư

Tự Tử Ngã, sách Gia ngữ và Trịnh Huyền đều viết là người nước Lỗ, cùng với Tử Cống nổi tiếng về ngôn ngữ (thiên Tiên Tiến trong Luận Ngữ).

Đệ tử truyện và Gia ngữ đều viết : " Tể Ngã làm quan ở nước Tề, làm đại phu đất Lâm Tri, rồi làm loạn với Điền Thường mà bị tội tru di... Khổng Tử xấu hổ về việc đó... ".

Trong sách Tề thái công thế gia, có Hám Chỉ cũng tự là Ngã (Tề thế gia viết là Giám Chỉ, cũng tức là người nầy), bị Điền Thườngh giêÙt, Lý Tư truyện, cũng có viết : " Điền Thường âm mưu chiếm nước Tề, giết Tể Dư trước sân chầu...và giết Giản Công ở nhà thái miếu ".

Người ta đã lầm Hám Chỉ với Tể Ngã, trong Đệ tử truyện cũng như thế, nhưng trong Đệ tử truyện lại lầm thêm là người bị Điền Thường giết lại viết ra là người ấy cùng âm mưu với Điền Thường làm loạn, đã lầm lẫn rồi còn lầm lẫn thêm làm cho đệ tử của Khổng Tử bị hàm oan.

Các sách Cổ sử, Duy trai tục bút, Sử Ký thảo chứng đều có biện bạch chuyện nầy rất rõ ràng.

Tể Ngã ngủ ngày, Khổng Tử trách " Củi mục không thể chạm trỗ được, vách đất không thể tô phết được (thiên Công dã Tràng) ".

Tể Ngã muốn tang 3 năm ngắn lại, Khổng Tử chê là " bất nhơn " (thiên Dương Hóa). Khổng Tử lại nói : Trước kia ta đối với người, nghe lời nói mà xem xét việc làm, bây giờ ta đối với người, nghe lời nói mà tin việc làm...đối với Tể Dư ta đã thay đổi như thế.

Tể Ngã bị mắng, trách, thật ra cũng quá nhiều.

Điền Thường tức là Trần Hằng trong thiên Hiếu Vấn sách Luận Ngữ.

Trần Hằng giết vua, Khổng Tử tắm rửa mà đi chầu, xin thảo phạt, như thế thì lúc Điền Thường giết Giản Công, Khổng Tử còn sống.

Nhiễm Hữu làm nhiệm vụ thu góp cho Quí thị, Khổng Tử còn không thích việc làm đó, giả sử như Tể Ngã mà hiệp lực với Điền Thường làm loạn thì Khổng Tử đâu có thể làm thinh mà không phê phán được ?

Tử Lộ tử nạn ở nước Vệ, Khổng Tử nghe tin buồn rầu khóc lóc, giả sử như Tể Ngã bị chết trong loạn Điền Thường thì thế nào Khổng Tử cũng khóc...nhưng trong sách lại không thấy ghi hai việc nêu trên, như thế chắc chắn là đã có sự lầm lẫn về tên người.

12. Công Dã Trường

Sách Đệ tử truyện viết : Người nước Tề, tự Tử Trường. Sách " Sách Ẩn " viết : Người nước Lỗ, tên Trường. Phạm Ninh viết : Tự Tử Chi.

Sách Luận Ngữ thích văn lại dẫn lời sách Gia ngữ viết : tự Tử Trương. Sách Luận Ngữ tập giải dẫn lời Khổng an Quốc viết : " Công dã Trường người nước Lỗ, họ Công dã, tên Trường, các thuyết khác nhau là do chữ gần nhau và âm cũng tương tợ ".

Khổng Tử đã gã con cho Công dã Trường, như vậy là rễ của Khổng Tử.

13. Mật Bất Tề.

Tự Tử Tiện, sách Gia ngữ và Luận Ngữ tập giải đều viết : người nước Lỗ, sách Đệ tử truyện viết : Nhỏ hơn Khổng Tử 49 tuổi. Sách " Sách Ẩn " dẫn lời sách Gia ngữ viết : Nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi.

Sách Gia ngữ bản mới lại chép : Nhỏ hơn Khổng Tử 40 tuổi, thường làm quan Tể ở Đơn phụ, gảy đàn, chẳng ra khỏi nhà mà trị.

Sách Đệ tử truyện và Lã thị Xuân Thu đều có viết những dật sự lúc ông làm quan.

Khổng Tử khen ông : " Quân tử thay con người đó...như vậy ông cũng là một cao đệ trong Khổng môn ".

Sách Hán chí có chép : Nho gia, Mật Tử có viết quyển sách gồm 16 thiên nhưng bị thất lạc.

Sách " Chánh Nghĩa " dẫn lời Nhan thị gia huấn viết : " Vĩnh Thành huyện ở Đái Châu tức là huyện Đơn phủ cũ, phía Đông có Tử Tiện bi, có khắc " Tế Nam phục sanh " tức là người dòng dõi của Tử Tiện.

14. Nhiễm Ung

Tự Trọng Cung. Sách Tập giải dẫn lời Trịnh Huyền viết : Người nước Lỗ.

Sách " Sách Ẩn ", dẫn lời Gia ngữ viết : " là tông tộc của Bá Ngưu, nhỏ hơn Khổng Tử 29 tuổi ".

Thiên Ung dã trong Luận ngữ viết : Phu Tử gọi Trọng Cung bảo : " Con của trâu lang mà đã có sừng và sắc đỏ (có thể dùng cúng tế) tuy muốn chẳng dùng, nhưng núi sông (thần thánh) đâu có thể bỏ được. "

Gia ngữ cũng có viết : " Sanh trong gia đình một người cha bất hiếu ".

Sách Đệ tử truyện viết : " Cha của Trọng Cung là người đê tiện ". Những điều đó đều do ức đoán của sách Luận Ngữ mà ra.

Trong thiên Tiên Tiến thì liệt Trọng Cung vào hạng đức hạnh, trong thiên Ung Dã, Khổng Tử khen " Có thể khiến ngồi day mặt về phương Nam " là rất hợp với ý trên.

Trọng Cung thường làm quan Tể cho Quí thị (xem thiên Tử Lộ) mà thành tích chánh trị không thấy ghi trong sách vở, không hiểu tại sao...

15. Tất Điêu Khai.

Tự Tử Khai, sách Tập giải dẫn lời Trịnh Huyền viết : Người nước Lỗ, sách Chánh nghĩa dẫn lời Gia ngữ viết : Người nước Thái tự Tử Nhược nhỏ hơn Khổng Tử 11 tuổi.

Trong sách Hán chí phần Nho gia có Tất điêu Tử, là đệ tử Khổng Tử, hậu duệ cuả Tất điêu Khai. Sách " Tiên kinh đại huấn " viết tên là Bằng. Sách Bạch thủy bi ghi tự là Tử Tu.

Thiên Công dã Tràng sách Luận Ngữ có viết : " Phu Tử bảo Tất điêu Khai làm quan. Thưa : " Dạ đối với việc ấy tôi chưa được tự tin ". Phu Tử rất thích ".

Trong sách Luận Ngữ, thấy tên Tất điêu Khai chỉ có trong chương ấy mà thôi.

16. Công Tây Xích

Đệ tử truyện viết : " Tự Tử Hoa, nhỏ hơn Khổng Tử 42 tuổi ". Sách Tập giải dẫn lời Trịnh Huyền viết : " Người nước Lỗ. Khổng Tử khen : Thắt đai đứng chốn thiên đình, có thể nói chuyện với tân khách (Thiên Công dã Tràng, sách Luận Ngữ) ".

Tử Hoa cũng nhận mình : " Nguyện làm tiểu tướng ở chốn Tôn miếu Hội đồng " (thiên Tiên Tiến) như vậy Tử Hoa có tài về ngoại giao.

Mã Dung trong sách Luận Ngữ tập giải viết : Tử Hoa có dung nghi có thể làm hành nhơn (đi sứ)

Thiên Ung dã cũng có ghi chuyện Tử Hoa đi sứ ở nước Tề, Nhiễm Tử xin gạo cho mẹ, và Khổng Tử có nói : Chu cấp không nên tiếp giúp cho kẻ có tiền...

Đây là chuyện chép lúc Khổng Tử còn làm quan Tư Khấu, dự việc chánh ở nước Lỗ. Nếu xét cho kỹ, lúc đó Khổng Tử đúng 52 tuổi, thì Tử Hoa mới có 10 tuổi thôi, như thế là Đệ tử truyện sai lầm.

17. Nguyên Hiến

Tự Tử Tư, sách tập giải dẫn lời Trịnh Huyền viết : " Người nước Lỗ ".

Sách Gia ngữ viết : " Người nước Tống, nhỏ hơn Khổng Tử 36 tuổi ". Thiên Ung dã trong sách Luận Ngữ viết : " Nguyên Tư làm quan Tể, cho lúa 900 mà từ chối ".

Sách Gia ngữ cũng viết : " Khổng Tử làm quan Tư Khấu nước Lỗ, Nguyên Hiến thường làm quan Tể cho Khổng Tử ".

Không nghe nói Khổng Tử có Thái ấp (đất cấp) như thế thì tể đây là giao tể, không phải là ấp tể. Có thuyết nghi rằng, Nguyên Hiến nhỏ hơn Khổng Tử 26 tuổi, Gia ngữ lầm chữ " tam " với chữ " nhị ".

Nếu như Gia ngữ nói đúng thì lúc Khổng Tử làm Tư Khấu, thì Nguyên Hiến chỉ có 16 tuổi, Nguyên Hiến rất nghèo, sách Gia ngữ và Hàn thi ngoại truyện đều chép như thế.

18. Mẫn Tổn.

Tự Tử Khiên, người nước Lỗ, Đệ tử truyện viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 15 tuổi ". Gia ngữ viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 50 tuổi ".

Trong số đệ tử của Khổng Tử, Tăng Tử và Tử Trương nhỏ hơn hết, chữ 50 đây rõ ràng là 15 (chữ Nho đọc đảo ngược 50 thành 15).

Thiên Ung dã trong sách Luận Ngữ, làm quan Tể đất Phí, ông hết sức từ chối, như thế thấy ông thanh khiết thế nào.

Trong thiên Tiên Tiến, Khổng Tử lại khen Mẫn Tử có hiếu, ông cũng được khen có nhiều đức hạnh sau Nhan Tử.

Trong sách Hàn thi ngoại truyện, Nghệ văn loại tụ, có chép chuyện Lư Y cố sự là do người đời sau bày vẽ thêm. Mẫn Tử Khiên Theo bản khắc trên đá mộ chí dưới thời Bắc Ngụy (220 T.L) (rút trung Trung Quốc Văn Học Sử của Trịnh Chấn Đạc, quyển 1 trang 127)

19. Tư Mã Canh

Tự Tử Ngưu, người nước Tống, sách Luận Ngữ tập giải của Khổng an Quốc viết : Ngưu là đệ tử của Tư mã Lê, dường như cũng có tên là Lê.

Ngưu là em của Tư mã Hoàn Đồi nước Tống, Hoàn Đồi chuyên quyền ngang ngược, vua Tống thảo phạt, Hoàn Đồi thua chạy qua nước Tào rồi nước Vệ. Ngưu bỏ ấp chạy qua Tề, Hoàn Đồi cũng chạy qua Tề, Ngưu lại bỏ Tề, chạy qua Ngô, người nước Ngô không ưa, liền trở về Bắc, đi ngang qua Lỗ, chết ngoài cửa thành, cho nên Khổng Tử đã khuyên : " Người quân tử không lo, không sợ ", mà Ngưu thì có lời than : " Người ta đều có anh em, chỉ có mình tôi là không có gì cả " (thiên Nhan Uyên trong sách Luận Ngữ).

(Trong chữ Nho, Ngưu và Lê hình và nghĩa tương tợ nhau, nên Ngưu lầm ra Lê, chớ chẳng phải có hai tên).

20. Nhiễm Canh.

Tự Bá Ngưu, người nước Lỗ, sách Khuyết lý quảng chí và Thánh môn chí đều viết : nhở hơn Khổng Tử 7 tuổi.

Thiên Tiên Tiến trong sách Luận Ngữ liệt ông vào hàng đức hạnh, thiên Ung dã viết : Bá Ngưu có bịnh, Phu Tử hỏi thăm ngoài cửa và nắm tay yên ủi : " Mất ...là mạng vậy, người như vầy mà lại có bịnh như thế ".

Phu Tử thương tiếc sâu xa, tình cảm hiện rõ ra lời nói. Tên Bá Ngưu thấy trong sách Luận Ngữ chỉ có hai chương mà thôi.

Sách Luận Ngữ chỉ viết có bịnh. Đệ tử truyện và Gia ngữ đều viết : Bá Ngưu có " ác tật ".

Sách của Hoài nam Tử, Tinh thần huấn có viết : " Bá Ngưu có bịnh phong cùi, đó là bịnh khó trị và cũng dễ truyền nhiễm, thế nên mới gọi là ác tật.

Khổng Tử thân đến thăm, Bá Ngưu sợ truyền nhiễm nên không để cho Phu Tử vào, mà chỉ để đứng ngoài cửa hỏi thăm, Bá Ngưu ra ngoài nằm phía trong cửa, Khổng Tử thấy bịnh tình nguy ngập, cảm thương nên cầm tay Bá Ngưu xem thử mạch, thấy mạch đã mất nên than thở ".

Đọc đoạn nầy, thấy tình cảm của Khổng Tử đối với môn đệ thật đậm đà.

21. Vu Mã Thi

Gia ngữ viết : tự là Tử Kỳ, người nước Trần, nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi. Sách Luận Ngữ lại chép là : Vũ Mã Kỳ (thiên Thuật nhi). Đệ tử truyện chép : tự Tử Kỳ.

Sách Hán thơ, thiên Lễ kim nhơn biểu, và thiên Câu bị lãm của Lã thị Xuân Thu cũng chép là Tư Mã Kỳ.

22. Nhan Vô Do.

Tự Tử Lộ, nhỏ hơn Khổng Tử 6 tuổi, theo sách Đệ tử truyện và Gia ngữ, thì trong số đệ tử, chỉ có Nhan Lộ là lớn hơn hết.

Sách Gia ngữ viết : Nhan Do, tự Quí Lộ, cha Nhan Uyên. Lúc Khổng Tử mới bắt đầu mở trường dạy ở xóm ấp, thường đến học.

Thiên Tiên Tiến có chép : Nhan Uyên chết, Nhan Lộ xin xe của Khổng Tử để làm cái quách.

Luận Ngữ nhắc đến Nhan Lộ chỉ có chương ấy mà thôi, xem qua chương ấy, cũng chưa chắc được là ông đã có học với Khổng Tử hay không.

23. Cao Sài.

Tự Tử Cao, Đàn Cung cũng viết là Tử Cao (chữ Cao trong tên ông Cao Dao). Đệ tử truyện viết : Người nước Tề, nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi.

Sách Tập giải dẫn lời Trịnh Huyền viết Người nước Vệ. Sách Gia ngữ viết : Nhỏ hơn Khổng 40 tuổi.

Thiên Tiên Tiến trong sách Luận Ngữ viết : " Bảo Tử Lộ cho Tử Cao làm quan Tể đất Phí, Gia ngữ viết Tử Cao thường làm quan Tể đất Võ thành. Cũng có sách chép ông làm quan Sĩ sư nước Vệ, thường làm tội chặt chân người, và trong cuộc loạn Bằng Khoái, những người bị tội chặt chân thoát đượcv.v...

24. Tăng Điểm

Tự Tích, sách Đệ tử truyện lại chép là Tăng Điềm. Sách Thuyết văn viết : Điềm tuy có nghĩa là đen, nhưng lại sáng suốt.

Trong thiên Tiên Tiến, chương Thị tọa, sách Luận Ngữ có viết chuyện Tử Lộ, Nhiễm Hữu, Công Tây Hoa, mỗi người đều nói xong " chí " của mình, Phu Tử liền quay lại hỏi Tăng Tích :

- Còn Điểm, ngươi như thế nào ?

- Tôi thì khác với ba người ấy...

Phu Tử nói :

- Cũng là mỗi người nên nói lên cái chí của mình vậy.

Tăng Điểm tiếp :

- Xuân phục đã thành, kẻ đội mũ năm, sáu người, tắm ở sông Kỳ, hứng gió ở nền Võ Vu, ca hát mà về.

Trong thiên Đàn Cung cũng có chép chuyện đám tang Quí Võ Tử, Tăng Tích đứng dựa cửa mà hát v.v...cho nên Mạnh Tử đã đáp với Vạn Chương, cho rằng ông với Cầm Trương, Mục Bì là một số người mà Khổng Tử cho là cuồng sĩ (Thiên Tận Tâm).

*

Trong sách Luận Ngữ, có ghi tên số đệ tử của Khổng Tử, chỉ có 24 người kể trên mà thôi. Nhưng số người nổi danh, cũng có thêm một số người nữa, mà còn được tài liệu để tham khảo là 9 người, xin ghi thêm như sau :

1. Nam Dung.

Thiên Công Dã Trường trong sách Luận Ngữ có viết : " Phu Tử bảo Nam Dung : Nước có đạo thì không bị bỏ, nước không đạo thì khỏi bị hình lục, Phu Tử liền đem đứa cháu gái (con của anh) gả cho ông ấy ".

Sách Luận Ngữ tập giải viết : " Nam Dung là đệ tử của Nam Cung Đạo, người nước Lỗ ".

Sách Gia ngữ viết : " Nam Cung Đạo tự Tử Dung, đời trong sạch không bị bỏ, đời ô trọc không bị nhiễm. Khổng Tử đem đứa cháu gái gả cho.

Đệ tử truyện viết : " Nam Cung Quát tự Tử Dung, thiên Hiến Vấn sách Luận Ngữ viết Nam Cung Quát, Nghệ, rất thiện xạ ".

Sách tập giải dẫn lời Khổng an Quốc : Quát là Nam Cung Kỉnh Thúc. Sách Hán thơ, thiên Cổ kim nhơn biểu, sách Thù Tứ khảo tín lục đều viết là Nam Cung Quát và Nam Cung Kỉnh Thúc là một người.

Sách Lễ Ký của Trịnh Huyền viết : Nam Cung Đạo tức là Nam Cung Duyệt con của Mạnh hi Tử. Sách Thế bản cũng có viết : " Trọng Tôn Quốc sanh Nam Cung Đạo ".

Sách Tả truyện viết : Nam Cung Kỉnh Thúc và Khổng Tử qua nhà Châu, Kỉnh Thúc là con Mạnh hi Tử, tức Nam Cung Kỉnh Thúc là Nam Cung Đạo vậy.

Trong sách Hán thơ, phần Cổ kim nhơn biểu thì lại cho rằng Nam Cung Kỉnh Thúc và Nam Dung là hai người, thế nên về những nhân vật Nam Dung, Nam Cung Quát, Nam Cung Đạo, Nam Cung Kỉnh Thúc, Trọng Tôn Duyệt, những người ấy liên quan như thế nào, chưa có tài liệu nào xác định được cả.

2.Thân Tranh.

Thiên Công dã Tràng trong sách Luận Ngữ viết : Phu Tử nói : Ta chưa thấy ai cứng rắn...

Hoặc có kẻ đáp : Có Thân Tranh.

Phu Tử nói : Thân Tranh nhiều lòng dục, đâu có cứng rắn.

Sách Tập giải viết : " Thân Tranh người nước Lỗ. Sách Đệ tử truyện không có tên Thân Tranh, chỉ có Thân Đảng, tự là Châu.

Sách Chánh Nghĩa viết : " Người nước Lỗ. Sách Đệ tử khảo dẫn Lễ điện đồ của Văn ông nói có Thân Đảng ; Hán Vương Chánh bi có viết : " Không có lòng dục của Thân Đường ".

Sách Luận Ngữ thích văn có dẫn lời Gia ngữ : " Thân Tục, tự Châu. Sách Sử ký, sách Ẩn lại viết Thân Trách...các thuyết đều khác nhau không biết đâu là đúng.

3.Trần Cang.

Tự Tử Cầm, thấy có tên trong sách Luận Ngữ ở 3 chương, chương 1 là Học nhi, chương 2, Tử Cầm hỏi Tử Cống và thiên Quí thị, chương Trần Cang hỏi Bá Ngư.

Sách Luận Ngữ do Trịnh Huyền chú và thiên Đàn Cung trong kinh Lễ đều nói là đệ tử của Khổng Tử.

Trong sách Đệ tử giải không có tên Trần Cang, mà chỉ có Nguyên Cang Tịch.

Sách Gia ngữ viết : " Trần Cang, người nước Trần, tự Tử Ngươn, cũng tự là Tử Cầm, nhỏ hơn Khổng Tử 40 tuổi rồi cũng có người có tên là Nguyên Cang tự Tử Tịch, như thế thì Trần Cang và Nguyên Cang không phải là một người.

Thiên Đàn Cung viết : " Trần Tử Xa chết ở nước Vệ, vợ ông và quan Đại phu tính toán việc tuẫn táng mà Trần Tử Cang đến...Trịnh Huyền có lời chú : Tử Xa là Đại phu nước Tề, Tử Cang là em Tử Xa, như thế thì Tử Cang lại là người nước Tề.

Sách Hán thơ, thiên Cổ kim nhơn biểu phân : Trần Cang, Trần Tử Cầm và Trần Tử Cang là 3 người, và không cho là đệ tử của Khổng Tử.

4.Lao.

Thiên Tử Hản trong sách Luận Ngữ có viết : " Lao có nói : Phu Tử nói : Ta không làm thử, nên không có nghề ".

Tên Lao thấy trong sách Luận Ngữ chỉ có chương ấy mà thôi.

Trịnh Huyền, trong sách Tập giải viết : " Lao là đệ tử Tử Lao không biết họ là gì.

Thiên Tắc dương trong sách Trang Tử có viết : " Trường Ngô hỏi người về chuyện Tử Lao ".

Sách Thích văn dẫn lời Tư mã Ban viết : " Tức là Cầm Lao, đệ tử của Khổng Tử ".

Trong sách Hán thơ, thiên Cổ kim nhơn biểu cũng có Cầm Lao. Vương Kiện Tôn trong Đọc thơ tạp chí gọi tên Cầm Lao là lầm với Cầm Trương, vì Tả truyện và Mạnh Tử đều có tên Cầm Trương và sách Trang Tử cũng có Tử Cầm Trương mà không viết Cầm Lao.

Cầm Lao tự là Trương, thấy có chép trong Gia ngữ, người đời sau căn cứ theo đó mà sửa chữa lại trong sách Hán thơ.

5.Thiềm Đài Điệt Minh.

Tự Tử Vũ, người Võ thành, sách Đệ tử truyện viết : " Nhỏ hơn Khổng Tử 39 tuổi. Sách Gia ngữ viết : Nhỏ hơn Khổng Tử 49 tuổi ".

Thiên Ung dã trong sách Luận ngữ có ghi việc Tử Du làm quan Tể đất Võ thành, Khổng Tử hỏi có tìm được người giỏi không. Tử Du tiến cử Thiềm Đài Diệt Minh.

Đệ tử truyện chép : Hình trạng Tử Vũ thật xấu xa, muốn đến thờ Khổng Tử làm thầy.

Khổng Tử nghĩ rằng dù cho có tài ít, mà chịu khó học tập thì cũng có thể lập danh được.

Sau đó, Khổng Tử nói : " Ta xem lời nói để dùng người, thì bị thất bại với Tể Dư, xem diện mạo dùng người, thì bị thất bại với Tử Vũ ".

Sách Gia ngữ viết : Tử Vũ có dung mạo của người quân tử, mà tài thì không xứng, trái ngược lại những điều đã chép trong Đệ tử truyện.

6.Công Bá Liêu

Đệ tử truyện chép Công Bá Liêu, tự Tử Châu, Luận Ngữ tập giải viết : Người nước Lỗ, trong sách Gia ngữ không thấy chép tên người nầy.

Trong sách Luận Ngữ, đề cập đến Công Bá Liêu chỉ có 1 chương trong thiên Hiến Vấn, đề cập đến việc tố Tử Lộ với Quí Tôn.

Thiên Hoặc Vấn trong sách Luận Ngữ của Chu Tử chú giải cho rằng : " Đó là lúc đánh Tam độ, tìm thấy giáp binh " !

Công Bá Liêu tố cáo Tử Lộ, tức là muốn ly gián Khổng Tử như thế rõ ràng là ông nầy không phải là đệ tử của Khổng Tử. Như thế, Luận Ngữ và Đệ tử truyện đều lầm lẫn.

7.Lâm Phóng

Thiên Bát dật trong Luận Ngữ, có chép chuyện Lâm Phóng hỏi về cái goấc của Lễ, Khổng Tử khen : Đó là câu hỏi " lớn " và cũng có ghi chuyện Quí thị đến Thái Sơn, Khổng Tử lại có nói " Thái Sơn không bằng Lâm Phóng chăng ? "

Lời chú sách Luận Ngữ không có ghi ông là đệ tử, trong Đệ tử truyện cũng không thấy nói đến, duy chỉ trong Lễ điện đồ của Văn Ông nói Lâm Phóng là đệ tử của Khổng Tử mà thôi.

8.Nhụ Bi

Trong thiên Dương hoá sách Luận Ngữ, có ghi Nhụ Bi muốn ra mắt Khổng Tử.

Khổng Tử từ chối, bảo là mình có bịnh, người truyền lờivừa ra ngoài là ông lấy đàn, đàn hát, muốn cho Nhụ Bi nghe.

Thiên Tạp Ký trong Lễ ký viết : " Tang của Truất Do, Ai Công khiến Nhụ Bi đến học tang lễ với Khổng Tử, vì đó mà có thiên Sĩ tang lễ, như thế chứng minh Nhụ Bi là đệ tử Khổng Tử.

9.Mạnh Ý Tử.

Thiên Vi chánh trong Luận Ngữ, có chương Vấn hiếu của Mạnh Ý Tử, nhưng lại viết ông là Đại phu nước Lỗ, Đệ tử truyện cũng không thấy ghi tên ông, duy chỉ có sách Khổng Tử thế gia chép : Nghe theo lời di mạng của cha là Hi Tử đến học lễ với Khổng Tử

*

Trở lên, tất cả 33 người, trừ Công Bá Liêu, chắc chắn không phải là đệ tử của Khổng Tử, cũng còn một số đáng nghi ngờ.

Người đời Thanh, khảo cứu về đệ tử Khổng Tử, lạm tăng lên đến con số 109 người, như thế là có ý nghĩ " càng nhiều càng tốt " nhưng lại thiếu những bằng chứng xác đáng, không dám tin hết được. [ Trang trước ] / [ Trang sau ]

Từ khóa » đệ Tử Khổng Tử