Chương 4 Môn đệ đức Khổng - Bác Sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

CHÂN DUNG KHỔNG TỬ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Mục lục | Phi lộ | chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo

Chương 4

Môn đệ đức Khổng

Sau khi đã khảo sát về tiểu sử đức Khổng, tưởng cũng nên đề cập ít là sơ qua về các môn đệ đức Khổng. Lý do trước tiên là các môn đệ đức Khổng chính là những người có công bảo tồn, phát huy và phổ biến đạo Khổng. Sau nữa, học về các môn đệ, ta sẽ biết rõ đức Khổng hơn, qua các lời lẽ đối thoại giữa Thầy, trò.

Tục truyền đức Khổng có đến hàng mấy nghìn học trò. Điều đó chắc không đúng sự thật, vì lấy đâu ra thì giờ, ra chỗ mà dạy. Vả lại đâu phải cứ dạy nhiều mới là hay, dạy ít nhưng thành nhân hết mới hay.

Nên chúng ta chỉ nên lưu ý đến số đệ tử giới hạn trong khoảng 72 (đời sau gọi là thất thập nhị hiền, xem Nho Giáo Trần Trọng Kim I, tr. 200), 77 (Khổng Tử viết: Thụ nghiệp thân thông giả, thất thập hữu thất nhân, giai dị năng chi sĩ dã. Legge, Chinese Classics I, 112), hoặc hơn 80 (Legge, Chinese Classics I, pp. 112- 127).

Trước hết, chúng ta đề cập đến những đệ tử có tên trong Tứ Thư. Sau đó chúng ta sẽ trình bày ba danh sách:

a/ Danh sách ít nhiều môn đệ xếp theo tuổi.

b/ Danh sách ít nhiều môn đệ xếp theo sở trường.

c/ Danh sách Tứ Phối, Thập Nhị Triết, và Tiên Nho được dự phần hương khói nơi Khổng Miếu.

I. Những môn đệ có tên trong Tứ Thư

1- Nhan Hồi:

Nhan Hồi tự là Tử Uyên hay Nhan Uyên, sinh năm 513, kém đức Khổng 39 tuổi. Ông là cao đồ của Khổng Tử, đứng đầu hàng Tứ Phối. Người sau xưng là Phục Thánh Nhan Uyên. Người nước Lỗ, thông minh xuất chúng, theo đức Khổng từ 16, 17 tuổi. Từng chia sẻ hoạn nạn với Ngài ở Khuông (LN XI, 22) (năm 427), ở Trần, Thái (489) (LN XI, 2; XV, 1). Nhà nghèo nhưng an bần, lạc đạo (LN VI, 9). Khiêm cung (LN V, 25), ý hợp tâm đầu với Khổng Tử (LN XI, 3), biết lẽ xuất xử hành tàng như Ngài (LN VII, 10). Thích hỏi về đức nhân (LN XII, 1), về trị quốc (LN XV, 10). Một lòng tu đạo tiến đức (LN IX, 10, 20; XI, 2; IX, 19; XI, 6). Chết năm 482 khi 32 tuổi (LN XI, 6, 7, 8, 9, 10).

2- Tăng Sâm:

Tăng Sâm tữ Tử Dư sinh năm 506, kém đức Khổng 46 tuổi. (Sau xưng là Tăng Tử hay Tông Thánh Tăng Sâm).

Người ở Nam Vũ Thành. Thực thà chất phác (LN XI, 17). Lĩnh hội được đạo trung thứ (LN IV, 5). Truyền đạo cho Tử Tư, Tử Tư truyền cho Mạnh Tử. Hiếu thảo (LN 1, 9; XIX, 17, 18). Ưa xét mình (LN I, 4). Thích có bầu bạn để học hỏi, tiến đức (LN XII, 23). Không muốn làm gì vượt quyền hạn mình (LN XIV, 29). Sau đó có mở trường (MT Ly Lâu hạ 31). Chủ trương người đứng đầu nước phải thành khẩn, tiết tháo, khiêm cung (LN VIII, 4, 5, 6, 7, 8). THông cảm với dân và thương dân (LN XIX, 19). Sau được liệt vào hàng Tứ Phối.

3- Mẫn Tổn:

Mẫn Tổn tự Tử Khiên, sinh năm 537, kém đức Khổng 15 tuổi. Người nước Lỗ. Đại hiếu (có tích trong Nhị Thập Tứ Hiếu). Không ưa quyền thế, xa hoa, ưa đạo hạnh, ẩn dật (LN VI, 7). Dáng điệu thư thái (LN XI, 12), ngôn từ đoan chính (LN XI, 13).

4- Nhiễm Canh:

Nhiễm Canh tự Bá Ngưu, người nước Lỗ, sinh năm 545, kém đức Khổng 7 tuổi. Đạo đức như Mẫn Tử, Nhan Uyên, Trọng Cung (LN XI, 2). Sau bị bệnh phong (LN VI, 8).

5- Nhiễm Ung:

Nhiễm Ung tự Trọng Cung, người Lỗ, sinh năm 523, kém đức Khổng 29 tuổi. Đức hạnh (LN XI, 2), tuy người cha không ra gì (LN XI, 4). Đức Khổng cho rằng ông đáng làm vua (LN VI, 4). Sau ông ra làm quan với nhà họ Quí (LN XIII, 2). Hay hỏi về nhân (LN XII, 2), về sùng đức (LN XII, 10), chính trị (LN XIII, 2). Sau có mở trường.

6- Tể Dư:

Tể Dư tự Tử Ngã (Tể Ngã), người nước Lỗ, có tài biện bác, có khiếu chính trị (LN XI, 2). Một lần bị Khổng Tử chê về tội ngủ ngày (LN V, 9). Chủ trương nhân là liều chết cứu người (LN VI, 24). Chủ trương nên để tang cha mẹ một năm thôi (LN XVII, 20). Sau làm quan ở Tề, chết năm 482 nhân loạn Trần Hằng.

7- Đoan Mộc Tứ:

Đoan Mộc Tứ tự Tử Cống, người nước Vệ. Sinh năm 521, kém đức Khổng 31 tuổi. Có tài biện bác, có khiếu chính trị (LN XI, 2). Tâm phục đức Khổng (LN I, 10; IX, 6, 12; XXI, 22, 23, 24, 25). Đức Khổng liệt vào bậc có tài chính trị, có thể ra làm quan đại phu (LN V, 3). Đã có lần ra tham chính ở Lỗ (LN III, 17). Được đức Khổng tâm sự (LN XVII, 18). Thường hay đàm đạo cùng đức Khổng, để hỏi về sĩ (LN XIII, 20), quân tử (LN II, 13), về nhân vật (về Tử Trương, Tử Hạ, LN XI, 15) (về Khổng Văn Tử LN V, 14) (về Quản Trọng, LN XIV, 18), về chính trị (LN VI, 28; XII, 7), về cách tiếp nhân xử thế, về các định luật luân lý (LN XII, 24; XVII, 23; XIX, 20, 21). Nhận mình thua Nhan Hồi (LN V, 8). Mới được truyền nhân đạo (LN V, 11; XV, 23), chưa được truyền thiên đạo (LN V, 12). Cư tang đức Khổng 6 năm (MT Công Tôn Sửu thượng 3).

8- Nhiễm Cầu:

Nhiễm Cầu tự Tử Hữu (Nhiễm Hữu), người nước Lỗ, sinh năm 523 kém đức Khổng 29 tuổi. Có tài chính trị (LN XI, 2). Đức Khổng cho rằng chỉ làm được gia thần, không làm được đại phu (LN XI, 23). Đã từng làm gia thần cho Quí Khang Tử (LN XI, 23; XIII, 14; XVI, 1), tuy nhiên ông không ngăn ngừa được những sự lạm dụng của họ Quí (LN III, 6;XVI, 1), lại còn cố làm giàu cho họ Quí, nên đức Khổng giận, nói không còn phải là học trò nữa (LN XI, 16; MT Ly Lâu thượng 14). Vẻ người đoan chính (LN XI, 12), nhưng nhút nhát (LN XI, 21), cho rằng mình không theo nổi đạo Khổng (LN VI, 10). Hỏi đức Khổng về chính trị (LN XIII, 9). Không thân cận đức Khổng bằng Tử Cống (LN VII, 14).

9- Trọng Do:

Trọng Do tự Tử lộ hay Quí Lộ. Sinh năm 543, kém đức Khổng 9 tuổi. Tính tình cương trực, nóng nảy (LN XI, 25). Thô lỗ (LN XI, 17). Ít biến báo (LN VII, 18) nhưng rộng rãi (LN V, 25). Chủ trương tri hành hiệp nhất (LN V, 13). Theo đức Khổng rất sớm. Có lẽ theo Ngài từ khi Ngài sang Tề (LN XIV, 4) vì thế, là một đệ tử duy nhất, dám phê bình hoặc can gián Ngài. Phê bình đức Khổng vì đã yết kiến Nam Tử (LN VI, 26). Can Ngài không nên theo Qui Sơn Phất Nhiễu (LN XVII, 5), Phật bật (LN XVII, 7). Trình độ tâm thần còn thấp kém (LN XI, 14), khuyên Thầy cầu nguyện (LN VII, 34). Thích lễ nghi, hình thức bên ngoài (LN IX, 11), lo thờ phụng quỉ thần (LN XI, 2). Vất vả vì Thầy (LN XVIII, 6, 7). Hay đàm đạo cùng đức Khổng về chính trị (LN XIII, 1, 3) về kẻ sĩ (LN XIII, 28) về quân tử (LN XIV, 45), về người hoàn thiện (LN XIV, 1, 3) người nhân (LN XIV, 17) về dũng (LN XVII, 23; TD X) về cách thờ vua (LN XII, 23). Đức Khổng thường dạy dỗ riêng (LN XVII, 8). Theo đức Khổng thời Tử Lộ cương quyết, có thể làm quan (LN VI, 6) nhưng chỉ có thể làm gia thần, không thể làm quan đại phu (LN XI, 23), và đoán rằng Tử Lộ chết bất đắc kỳ tử (LN XI, 12). Có thời làm quan với Quí Thị (LN XIV, 38) nhưng không biết dùng người (LN XI, 24). Thích cầm quân (ít ra đó là sở nguyện của ông) (LN XI, 25). Chết ở vệ, ở Thích thành trong loạn Xuất Công, Khổng Ly, Khoái Hội. Phe Khoái Hội xẻ thịt ông ra ngâm giấm. (xem Lễ Ký Đàn Cung II). Đức Khổng thương xót như con (xem Lễ Ký Đàn Cung II).

10- Ngôn Yển:

Ngôn Yển: tự Tử Du, người nước Ngô. Sinh năm 507, kém đức Khổng 45 tuổi. Con người văn học, nho phong (LN XI, 2). Vụ bản (LN XVII, 12, 13, 14, 15). Chủ trương không nên đàn hạch người trên, chỉ trích bè bạn nhiều (LN IV, 25). Làm quan Tể ấp Võ Thành (LN VI, 12). Đem nhạc dạy dân (LN XVII, 4).

11- Bốc Thương:

Bốc Thương tự Tử Hạ. Sinh năm 508, kém đức Khổng 44 tuổi. Người nước Vệ. Con người văn học (LN XI, 2). Chưa đạt đạo Trung Dung (LN XI, 15). Đức Khổng khuyên ông nên sống cao thượng (LN VI, 11) và dạy về hiếu (LN II, 8). Tử Hạ sau có mở trường dạy học. Chủ trương tuần tự nhi tiến (LN XIX, 12), con người phải hướng thượng (LN I, 7), phải có tâm thành (LN III, 8), không nên quá ư hào nháng (LN XIX, 4) và quân tử không nên mất thì giờ vào những việc nhỏ (LN XIX, 4). Đã học, phải chuyên tâm (LN XIX, 7), phải học cho súc tích, sâu rộng (LN XIX, 5), nên chọn những người hay mà giao tiếp (LN XIX, 3).

12- Chuyên Tôn Sư:

Chuyên Tôn Sư tự Tử Trương, sinh năm 504, kém đức Khổng 48 tuổi. Tính tình phóng khoáng, tiêu sái (LN XIX, 3). Chưa đạt đạo Trung Dung (LN XI, 15). Mong học giỏi để làm quan, hưởng lộc (LN II, 18), muốn học để biết tiên tri, tiên đoán (LN II, 23). Hỏi đức Khổng rất nhiều và được giải đáp dài dòng nhất về nhiều vấn đề như: nhân sự (về Tử Văn, Trần Văn Tử, LN V, 18), sĩ khí (LN XII, 9; XIX, 1), thiện nhân (LN XI, 19), tôn sùng đức tính (LN XII, 10), đức sáng suốt (LN XII, 6), cư tang của vua chúa như của vua Cao Tông (LN XIX, 43), chính sự (LN XII, 14), trách nhiệm của kẻ lãnh đạo dân nước (LN XX, 2). Ông sau cũng mở trường. Chủ trương: linh động, bao dung (LN XIX, 3), cần có đạo đức sâu rộng mới đáng sống (LN XIX, 3).

13- Hữu Nhược:

Hữu Nhược tự Tử Nhược, hay Hữu Tử. Không biết rõ kém đức Khổng bao nhiêu tuổi: 13, 33, 36, hay 43 tuổi. Dung nghi giống đức Khổng, nên sau này Tử hạ, Tử Trương, Tử Du muốn tôn làm thầy; Tăng Tử can mới thôi (MT Đằng Văn Công thượng 4). Dầu sao cũng được các đồng môn trọng vọng. Luận Ngữ chỉ có Hữu Nhược và Tăng Sâm là những đệ tử được tôn xưng là Hữu Tử, Tăng Tử (LN I, 2). Chủ trương vụ bản, dạy hiếu đễ tức là dạy làm công dân tốt (LN I, 2), chủ trương cư xử phải trang nghiêm, hòa duyệt (LN I, 12), người được hứa hẹn bậy, cư xử hợp lễ, làm con có tốt thời sau mới trở thành cha tốt (LN I, 13), làm vua phải thương dân (LN XII, 9). Rất tâm phục đức Khổng (MT Công Tôn Sửu thượng 2).

14- Công Dã Tràng:

Công Dã Tràng tự Tử Trường, con rể đức Khổng (LN V, 1).

15- Phàn Tu:

Phàn Tu hay Phàn Trì tự Tử Trì, sinh năm 515, kém đức Khổng 37 tuổi. Đức Khổng chê chí khí nhỏ hẹp (LN XIII, 4). Hỏi đức Khổng về nhân (LN II, 5; XII, 21) về trí (LN VI, 20), về cách tu đức (LN XII, 20), về cách làm ruộng (LN XIII, 4).

16- Công Tây Xích:

Công Tây Xích tự Tử Hoa, sinh năm 510, kém đức Khổng 42 tuổi. Có lần đức Khổng phái đi sứ sang Tề (LN VI, 3). Muốn giữ chức quan nhỏ (LN XI, 25).

17- Tăng Điểm:

Tăng Điểm tự Tăng Tích (cha Tăng Sâm). Thích sống ẩn dật, ngoài vòng cương tỏa lợi danh (LN XI, 25).

18- Mật Bất Tề:

Mật Bất Tề tự Tử Tiện. Sinh năm 503, kém đức Khổng 49 tuổi. Được đức Khổng khen là người quân tử (LN V, 2).

19- Tất Điêu Khai:

Tất Điêu Khai (Tử Khai (tự Tử Nhược). Sinh năm 541, kém đức Khổng 11 tuổi. Có lần đức Khổng khuyên ra làm quan. Ông không chịu vì chưa tự tin (LN V, 5). Sau có mở trường.

20- Nguyên Hiến:

Nguyên Hiến (Nguyên Tư) tự Tử Tư. Thanh liêm, không ham tài lộc (LN VI, 3).

21- Tư Mã Canh:

Tư Mã Canh tự Tử Ngưu. Anh Hoàn Khôi. Hỏi về quân tử (LN XII, 4). Phàn nàn vì thân phận cô đo8n (LN XII, 5).

22- Trần Cang:

Trần Cang tự Tử Cầm. Hỏi về đức Khổng (LN I, 10). Hỏi dò Bá Ngư xem đức Khổng có truyền cho điều gì lạ không (LN XVI, 13). Nghĩ rằng đức Khổng không hơn Tử Cống (LN XIX, 25).

23- Nhan Vô Diêu:

Nhan Vô Diêu (Nhan Do) tự Lộ hay Quí Lộ. Cha Nhan Uyên (LN XI, 7). Sinh năm 546, kém đức Khổng 5 tuổi.

24- Vu Mã Kỳ:

Vu Mã Kỳ (Vu Mã Thi) tự Tử Kỳ, sinh năm 522, kém đức Khổng 30 tuổi.

25- Cao Sài:

Cao Sài tự Tử Cao, sinh năm 522, kém đức Khổng 30 tuổi. Kém học thức (LN XI, 17). Tử Lộ cho ra làm quan, đức Khổng không bằng lòng (LN XI, 24).

26- Nam Dung Đạo (Quát):

Nam Dung Đạo tự Tử Dung (LN XIV, 6), được đức Khổng khen là quân tử (LN XIV, 6).

27- Thân Trành:

Đức Khổng cho rằng có tính tham, chứ không phải cương quyết (LN V, 10).

28- Lao:

Lao (Cầm Trương) tự Tử Khai (LN IX, 6; MT XIII, hạ 37).

29- Đạm Đài Diệt Minh:

Đạm Đài Diệt Minh tự Tử Vũ. Người trung trực (LN VI, 12).

30- Công Bá Liêu:

Công Bá Liêu tự Tử Chân. Có lần gièm Tử Lộ với Quí Thị (LN XIV, 38).

31- Lâm Phỏng:

Lâm Phỏng tự Tử Khưu. Hỏi đức Khổng về gốc Lễ (LN III, 4, 6).

32- Nhu Bi:

Có lỗi, muốn gặp đức Khổng, bị từ chối khéo (LN XVII, 19).

II. Danh sách ít nhiều môn đệ xếp theo tuổi

A. Những môn đệ chết trước đức Khổng

- Nhan Hồi (513- 482), chết năm 32 tuổi khi đức Khổng 70 tuổi.

- Tử Lộ (543- 481) chết trong loạn ở Thích Thành (ở Vệ) khi đức Khổng 71 tuổi.

- Nhiễm Canh sinh năm 545, sau chết bệnh phong (LN VI, 8).

- Tể Ngã sau làm quan nước Tề. Chết năm 482, kỳ Trần Hằng nổi loạn.

B. Niên canh ít nhiều đệ tử khi đức Khổng mất (năm 479)

- Nhan Lộ (cha Nhan Hồi) 68

- Tất Điêu Khai 62

- Mẫn Tử Khiên 58

- Nhiễm Cung (Trọng Cung) 44

- Nhiễm Cầu (Nhiễm Hữu) 44

- Vu Mã Kỳ 43

- Cao Sài 43

- Tử Cống 32

- Công Tây Xích 31

- Hữu Nhược 30

- Tử Hạ 29

- Tử Du 28

- Tăng Tử 27

- Phàn Trì 26

- Tử Trương 25

- Mật Bất Tề (Tử Tiện) 24

III. Danh sách ít nhiều môn đệ xếp theo sở trường

A. Đức hạnh: Nhan Hồi, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung.

B. Ngôn ngữ, đối đáp: Tể Ngã, Tử Cống.

C. Chính trị: Nhiễm Hữu, Tử Lộ.

D. Văn học: Tử Hạ, Tử Du.

(xem LN XI, 2).

(Như vậy thì lúc sinh thời đức Khổng, Tăng Tử và Hữu Nhược chưa nổi bật. Sau khi đức Khổng mất, mới gây được nhiều thanh thế và uy tín.)

IV. Danh sách Tứ Phối, Thập Nhị Triết và Tiên Nho

A. Tứ Phối:

1- Nhan Hồi tự Tử Uyên (Phục Thánh Nhan Uyên).

2- Tăng Sâm tự Tử Dư (Tông Thánh Tăng Sâm).

3- Khổng Cấp tự Tử Tư (Thuật Thánh Tử Tư).

4- Mạnh Kha tự Mạnh Tử (Á Thánh Mạnh Kha).

(Tử Tư và Mạnh Tử không phải là môn đệ đức Khổng. Tăng Tử dạy Tử Tư, Tử Tư truyền lại cho Mạnh Tử.)

B. Thập Nhị Triết (Thập nhị tiên hiền)

1- Mẫn Tổn tự Tử Khiên.

2- Nhiễm canh tự bá Ngưu.

3- Nhiễm Ung tự Trọng Cung.

4- Tể Dư tự Tử Ngã (Tể Ngã).

5- Đoan Mộc Tứ tự Tử Cống.

6- Nhiễm Cầu tự Tử Hữu (Nhiễm Hữu).

7- Trọng Do tự Tử Lộ (Quí Lộ).

8- Ngôn Yển tự Tử Du.

9- Bốc Thương tự Tử Hạ.

10. Chuyên Tôn Sư tự Tử Trương.

11. Hữu Nhược tự Tử Nhược (Hữu Tử).

12. Chu Hi tự Nguyên Hối (Trọng Hối). (Chu Hi là một thạc nho thời Tống, 1130- 1200).

C. Tiên Nho:

1- Đạm Đài Diệt Minh tự Tử Vũ.

2- Mật Bất Tề tự Tử Tiện.

3- Nguyên Hiến tự Tử Tư.

4- Công Dã Tràng tự Tử Trường (Tử Chi).

5- Nam Cung Quát (Đạo) tự Tử Dung.

6- Công Triết Ai tự Qúi Thứ (Quí Trầm).

7- Tăng Điểm (Tử Triết).

8- Nhan Vô Diêu (Nhan Lộ).

9- Thương Cù tự Tử Mộc.

10- Cao Sài tự Tử cao (Quí Cao).

11- Tất Điêu Khai tự Tử Khai, Tử Nhược, Tử Du.

12- Công Bá Liêu tự Tử Chu.

13- Tư Mã Canh tự Tử Ngưu (Lê Canh).

14- Phàn Tu tự Tử Trì.

15- Công Tây Xích tự Tử Hoa.

16- Tư Mã Thi (Kỳ) tự Tử Kỳ.

17- Lương Chiên (Lý) tự Thúc Ngư.

18- Nhan Hạnh tự Tử Liễu.

19- Nhiễm Nhụ tự Tử Lộ, Tử Tăng, Tử Ngư.

20- Tào Tuất tự Tử Tuần.

21- Bá Kiền tự Tử Triết.

22- Công Tôn Long tự Tử Thạch.

23- Nhiễm Quí tự Tử Sản (Tử Đạt).

24- Công Tổ Câu Tư tự Tử Chi.

25- Tần Tổ tự Tử Nam.

26- Tất Điêu Xa tự Tử Liễm.

27- Nhan Cao tự Tử Kiêu.

28- Tất Điêu Đồ Phụ tự Tử Hữu.

29- Nhưỡng Tứ Xích tự Tử Đồ.

30- Thương Trạch tự Tử Quí.

31- Thạch Tác (Thục) tự Tử Minh.

32- Nhiệm Bất Tề tự Tốn.

33- Công Lương Nhụ (Nhu) tự Tử Chính.

34- Hậu Xứ (Thạch Xứ) (Hậu Kiền) tự Tử Lý (Lý Chi).

35- Tần Nhiễm tự Tử Khai.

36- Công Hạ Thủ tự Tử Thừa.

37- Hệ Dung Điểm tự Tử Triết.

38- Công Kiên Định (Công Hữu) tự Tử Trọng.

39- Nhan Tổ tự Tử Tương.

40- Ô Đơn tự Tử Gia.

41- Câu Tỉnh Cương tự Tử Cương.

42- Hãn Phụ Hắc tự Tử Hắc, Tử Sách.

43- Tần Thương tự Tử Phi.

44- Thân Đảng vChu.

45- Nhan Chi Bộc tự Tử Thúc.

46- Vinh Kỳ tự Tử Kỳ.

47- Huyện Thành tự Tử Kỳ, Tử Hoành.

48- Tả Nhân Dinh tự Tử Hành.

49- Yến Cấp tự Ân (Tử Tư).

50- Trịnh Quốc tự Tử Đồ.

51- Tần Phi tự Tử Chi.

52- Thân Chi Thường tự Tử Hằng.

53- Nhan Khoái tự Tử Thanh.

54- Bộ Thúc Thặng tự Tử Xa.

55- Nguyên Cang tự Tử Tịch.

56- Lạc Khái tự Tử Thanh.

57- Liêm Khiết tự Tử Dung.

58- Thúc Trọng Hội tự Tử Kỳ.

59- Nhan Hà tự Tử Nhiễm.

60- Địch Hắc tự Tử Triết (Triết Chi).

61- Qui (Bang) tự Tử Liễm.

62- Khổng Trung tự Tử Miệt.

63- Công Tây Dư Như tự Tử Thượng.

64- Cầm Trương tự Tử Khai.

65- Trần Cang tự Tử Cang, Tử cầm.

66- Công Tây Điểm tự Tử Thượng.

67- Huyền Đản tự Tử Tượng.

68- Lâm Phỏng tự Tử Khưu.

69- Cừ Viên tự Bá Ngọc (LN XIV, 26; XVI, 6).

70- Thân Trành.

71- Mục Bì (MT XIII hạ 37).

72- Tả Khâu Minh, bình giải Xuân Thu (LN V, 24).[1]

CHÚ THÍCH

[1] Những sách dùng để tham khảo:

a/ Tứ Thư

b/ Chinese Classics của James Legge.

c/ Chư Tử Thông Khảo của Tưởng Bá Tiềm.

d/ Nho giáo của Trần Trọng Kim.

e/ Khổng Tử Thánh Tích Đồ của Khổng Đức Thành.

Những chữ viết tắt ở 4 chương đầu:

LN: Luận Ngữ.

MT: Mạnh Tử.

TD: Trung Dung.

ĐH: Đại Học.

Mục lục | Phi lộ | chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Đính chính gia phả đức Khổng | Phụ lục | Sách tham khảo

Từ khóa » đệ Tử Khổng Tử