[226] Quy Chế Pháp Lý Của Các Cấu Trúc Trên Biển: Cách Tiếp Cận Mới ...
Có thể bạn quan tâm
Tóm tắt: Phán quyết Biển Đông 2016 đã ít nhiều thay đổi cục diện pháp lý của tranh chấp ở Trường Sa ở khía cạnh thu hẹp phạm vi tranh chấp bằng cách làm rõ và xác định cụ thể quy chế pháp lý của chín cấu trúc biển ở Trường Sa. Philippines đã có động thái tận dụng triệt để các kết luận có lợi của Phán quyết dựa trên quy chế pháp lý của từng cấu trúc biển ở Trường Sa. Bài viết này làm rõ quy định của pháp luật quốc tế về quy chế pháp lý của các cấu trúc biển, một số kết luận của Tòa Trọng tài và sự vận dụng của Philippines. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm củng cố lập trường của Việt Nam trong tranh chấp ở Trường Sa.
1. Đặt vấn đề
Quần đảo Trường Sa là đối tượng tranh chấp của năm nước sáu bên. Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện do Philippines khởi xướng không chỉ mang đến thắng lợi cho Philippines mà còn là một điểm sáng trong việc gợi mở cách tiếp cận mới trong vấn đề tranh chấp Trường Sa.
Việt Nam trước nay vẫn luôn khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa như một thể thống nhất, tuy nhiên thông qua Phán quyết, quần đảo này không đủ điều kiện để trở thành một “quần đảo” theo nghĩa pháp lý mà đó là một tập hợp các đảo đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm, … mỗi một cấu trúc biển có một quy chế pháp lý riêng. Trong đó, chỉ có các cấu trúc nổi (đảo đá) mới là đối tượng của hành vi xác lập chủ quyền hoặc trở thành đối tượng của tranh chấp lãnh thổ. Các cấu trúc bãi cạn lúc chìm lúc nổi và bãi chìm phụ thuộc vào các quy định của luật biển; các quyền đối với các cấu trúc này được xác định dựa vào vị trí của chúng đối với bờ biển liền kề.
Bài viết này phân tích quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển theo luật biển quốc tế, đặc biệt là cách giải thích và áp dụng của Tòa Trọng tài Biển Đông về các cấu trúc ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, bài viết cũng xem xét các động thái mới nhất của Philippines và Trung Quốc liên quan đến Trường Sa để từ đó đưa ra kiến nghị về lập trường phù hợp và có lợi cho Việt Nam.
2. Quy chế pháp lý của các cấu trúc biển theo luật quốc tế
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã thống nhất các quy định về quy chế pháp lý của các cấu trúc biển, bao gồm các đảo hay đảo đá (Điều 121), mỏm đá (Điều 6), bãi cạn lúc nổi lúc chìm (Điều 13) và đảo nhân tạo/ công trình nhân tạo (Điều 60 và 80). [1] Định nghĩa và quy chế pháp lý của từng loại cấu trúc biển được tóm tắt trong bảng sau:
STT | Các dạng cấu trúc biển | Định nghĩa | Quy chế pháp lý |
Đảo (Islands) | Đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh bởi nước và luôn nổi khi thủy triều lên cao. | Đảo được hưởng tất cả các vùng biển tương tự như đất liền. | |
Đảo đá (Rocks) | Đảo đá là một dạng đảo mà không có khả năng cho con người cư trú hay có một đời sống kinh tế riêng. | Đảo đá không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. | |
Các mỏm đá (reefs) | UNCLOS không có định nghĩa mà chỉ xem đây là một dạng đặc biệt của bãi cạn lúc nổi lúc chìm. | Có thể được sử dụng để vạch làm đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Không tự tạo lập các vùng biển riêng. | |
Bãi cạn lúc nổi lúc chìm (low-tide elevations) | Bãi cạn lúc nổi lúc chìm là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh bởi nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp và chìm khi thủy triều lên cao. | Có thể được sử dụng để vạch làm đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Không tự tạo lập các vùng biển riêng. | |
Đảo nhân tạo, công trình nhân tạo (artificial islands, installations or structures) | UNCLOS không có định nghĩa. Các dạng cấu trúc này phân biệt với đảo, các mỏm đá và bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở tính chất nhân tạo. Một số trường hợp không thể phân biệt được với tàu thuyền, như các giàn khoan thăm dò dầu khí di động vừa có tính chất di động của tàu thuyền, vừa cố định xuống đáy biển khi tiến hành khoan. | Không tự tạo lập các vùng biển riêng mà chỉ có một vùng an toàn (safety zone) với bán kính rộng không quá 500 mét. |
Trong đó, bãi lúc nổi lúc chìm không phải là đối tượng của hành vi thủ đắc lãnh thổ của một quốc gia. Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ chỉ áp dụng với đất liền và đảo, gồm cả đảo đá. Các hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo không làm thay đổi quy chế pháp lý của các cấu trúc biển, vì các cấu trúc biển phải được xác định phân loại theo các điều kiện tự nhiên.[2]
Có thể thấy rằng, quy chế pháp lý của bãi cạn lúc chìm lúc nổi là phức tạp nhất. Mặc dù UNCLOS 1982 đã ghi nhận tương đối rõ ràng về quy chế pháp lý của các bãi cạn lúc nổi lúc chìm nhưng việc áp dụng các quy định này trên thực tế lại bị chi phối rất nhiều bởi các toan tính chính trị hay các mưu cầu về lợi ích của các quốc gia ven biển.
Theo khoản 2 Điều 13 UNCLOS 1982, các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm nói chung không có lãnh hải riêng (và do đó cũng không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa) và sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, chúng có thể được sử dụng làm các điểm cơ sở thẳng, tức là tạo ra vùng lãnh hải nếu chúng ở cách bờ biển của lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải tính từ bờ biển lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của đảo. Nhưng nếu chúng nằm cách bờ biển của lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của một đảo ở một khoảng cách vượt quá chiều rộng lãnh hải thì không có lãnh hải riêng.[3]
Căn cứ vào khoảng cách của bãi cạn lúc chìm lúc nổi đối với bờ biển gần nhất, các bãi cạn này gồm hai loại:
Loại thứ nhất, các bãi cạn lúc chìm lúc nổi cách bờ biển gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải.
Trong trường hợp này, quốc gia ven biển hoàn toàn có quyền khẳng định chủ quyền đối với bãi cạn trên cơ sở bãi cạn nằm trong vùng biển có chủ quyền của quốc gia ven biển. Các bãi cạn lúc nổi lúc chìm như vậy có khả năng được xem như điểm để kẻ đường cơ sở thẳng. Vai trò của các bãi cạn bị giới hạn bởi vị trí địa lý của chúng đối với các bờ biển. Những cấu trúc biển này được xem như những “điểm cơ sở phái sinh” (parasitic basepoints) dựa vào khả năng mở rộng bờ biển dựa vào khoảng cách của chúng đối với đường cơ sở của đất liền hoặc đảo[4].
Việc sử dụng các bãi cạn lúc chìm lúc nổi vào việc kẻ đường cơ sở thẳng cũng phải phù hợp với các quy định tại các khoản 1, 4 Điều 7 và khoản 7 Điều 47 UNCLOS 1982. Do đó, đặt trường hợp nếu bãi cạn cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải nhưng lại không đáp ứng đủ các điều kiện thì cũng không được xem là điểm kẻ tính đường cơ sở. Nhìn chung, để trở thành điểm kẻ đường cơ sở thì bãi cạn lúc chìm lúc nổi cần đáp ứng các tiêu chí sau:
Một là, về vị trí, bãi cạn lúc chìm lúc nổi phải cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải.
Hai là, khi kẻ đường cơ sở đi qua bãi cạn này thì tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1.
Ba là, các đường cơ sở không thể kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà tại đó không có xây đặt các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt biển hoặc sự thừa nhận chung của quốc tế.
Bốn là, các vùng nước trên trong các bãi đá ngầm bao quanh các đảo và vành đai san hô, cũng như mọi phần của một nền đại dương có sườn dốc đất đứng, hoàn toàn hay gần như hoàn toàn do một chuỗi đảo đá vôi hay một chuỗi các mỏm đá lúc chìm lúc nổi bao quanh, có thể được coi như là một bộ phận của đất.
Loại thứ hai, các bãi cạn lúc chìm lúc nổi nằm cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải.
Các quy định trong UNCLOS 1982 dựa trên đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải củng cố cho quan điểm cho rằng quốc gia không thể có yêu sách chủ quyền đối với các bãi cạn lúc chìm lúc nổi nằm cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải. Bởi lẽ, các bãi cạn này được luật quy định không có lãnh hải.
Song song đó, Điều 2 UNCLOS 1982 có quy định rằng: “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình, và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải”. Từ đó, chủ quyền của quốc gia trên biển là chủ quyền được mở rộng theo nguyên tắc “đất thống trị biển”. Do đó, việc quy định các bãi cạn này không có lãnh hải có thể ngầm hiểu rằng các bãi cạn loại này đã không được xem là “đất” để từ đó mở rộng chủ quyền ra các vùng biển xung quanh.
Quy chế pháp lý của các bãi cạn nằm ngoài lãnh hải sẽ vẫn phụ thuộc vào vị trí của chúng đối với đất liền và đảo gần nhất. Cụ thể hơn, nếu vị trí của các bãi cạn nằm trên thềm lục địa thì quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với cấu trúc đó. Còn nếu bãi cạn nằm ở ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia thì chúng được xem là “vùng” (zone). Các công trình nhân tạo được xây dựng trên các cấu trúc này sẽ được hưởng vùng an toàn có bán kính 500 mét.
Trong vụ kiện Biển Đông, Tòa Trọng tài đã dựa vào các quy định về cấu trúc biển để đi đến kết luận rằng tất cả các cấu trúc biển trong quần đảo Trường Sa không có bất kỳ thực thể nào là đảo với đầy đủ các vùng biển (islands with full entitlements).[5] Cụ thể hơn, Tòa Trọng tài theo đệ trình của Philippines đã “định danh” cho 09 cấu trúc biển sau:
Một là, các cấu trúc biển là đảo đá gồm: Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef-North) và Đá Gạc Ma (Johnson Reef).
Hai là, các cấu trúc biển là bãi lúc nổi lúc chìm gồm: Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Vành Khăn (Mischief), Đá Lạc (Gaven Reef-South) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).
3. Cách tiếp cận mới của Philippines đối với quần đảo Trường Sa
Ngày 05/6/2021, Cựu thẩm phán Toà án tối cao Francis Jardeleza cùng với hai chuyên gia khác đã đệ trình thư lên Tổng thống Philippines Duterte đề xuất về việc đưa ra Luật đường cơ sở mới sửa đổi Luật số 9522 của Philippines. Thông qua báo chí và một số học giả, dự luật này nhắm tới việc phân chia và xác định rõ quy chế pháp lý của 128 thực thể (theo cách tính của Philippines) ở quần đảo Trường Sa thành các đảo đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi chìm. Trên cơ sở đó, kẻ đường cơ sở đối với các cấu trúc nổi và yêu sách vùng lãnh hải rộng 12 hải lý xung quanh các cấu trúc này[6]. Điển hình là trường hợp kẻ đường cơ sở thẳng xung quanh đảo Thị Tứ, quy thuộc Đá Xu Bi vào lãnh hải của đảo Thị Tứ.
Ông Francis Jardeleza cho rằng, lý do cho việc đưa ra dự luật này là: (1) làm cho Luật đường cơ sở của Philippines phù hợp hơn với Phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông năm 2016 và (2) làm rõ điểm kết thúc vùng lãnh hải có tranh chấp và điểm bắt đầu của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không bị tranh chấp của Philippines.[7]
Đối với trường hợp của Đảo Thị Tứ, đảo đá lớn thứ nhì ở quần đảo Trường Sa, với diện tích 0.32 km vuông (chỉ đứng sau đảo Ba Bình) và hiện do Philippines đang chiếm đóng trái phép. Đây là một cấu trúc nổi, do đó, chủ quyền của quốc gia ven biển phải được xác lập theo nguyên tắc chiếm hữu thực sự. Việt Nam luôn khẳng định mình là nước đã xác lập chủ quyền đối với đảo Thị Tứ một cách công khai, hòa bình và liên tục từ trước sự chiếm đóng của Philippines[8].
Đá Xu Bi vốn dĩ là một bãi cạn lúc chìm lúc nổi đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, các tác động nhân tạo không thể là thay đổi bản chất pháp lý của đá Xu Bi. Vì vậy, quy chế pháp lý của đá Xu Bi vẫn là một bãi cạn lúc chìm lúc nổi và được xác định tùy thuộc theo vị trí đối với đảo Thị Tứ. Điều đáng lưu ý là Phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông năm 2016 ghi nhận rõ vị trí “đáng tranh cãi” của đá Xu Bi vì có khoảng cách xa hơn 12 hải lý đối với đảo Thị Tứ nhưng lại nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ đá Cái Vung[9].
Chiểu theo các quy định về quy chế của các cấu trúc biển nêu trên, đảo Thị Tứ là một đảo đá không thích hợp cho đời sống dân cư nên chỉ có thể hưởng vùng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý. Nếu áp dụng đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của đảo Thị Tứ là đá Cái Vung, đá Hoài Ân, đá Tri Lễ thì đá Xu Bi sẽ nằm trong lãnh hải và thuộc chủ quyền của quốc gia đã xác lập chủ quyền hợp pháp với đảo Thị Tứ.
Mặc dù, cuối cùng Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 cũng đưa ra kết luận đá Xu Bi nằm trong lãnh hải của đảo Thị Tứ khi kẻ đường cơ sở thẳng[11], nhưng việc Philippines cải tạo đảo Thị Tứ và đề xuất chính thức kẻ đường cơ sở thẳng xung quanh đảo này là một cách thực chất đưa đá Xu Bi quy thuộc đảo Thị Tứ không còn là “vấn đề gây tranh cãi” nữa.
Cách tiếp cận trên cho thấy Philippines đã tận dụng triệt để một cách thực chất các kết luận có lợi từ Phán quyết Biển Đông năm 2016 chứ không phải “phớt lờ” bản án này như nhiều phát ngôn ngoài mặt của Tổng thống Philippines Duterte. Cách tiếp cận quần đảo Trường Sa dựa trên các quy định của luật biển quốc tế là bước đi rất khôn khéo. Bởi lẽ, (1) cơ sở pháp lý cho hành động trên được củng cố bởi một phán quyết quốc tế và (2) hành động của Philippines không mang tính chất vũ lực do đó ít va phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế ngoài những nước có tranh chấp trực tiếp.
4. Kết luận và kiến nghị
Luật biển quốc tế, được củng cố và làm rõ bởi giải thích của Tòa Trọng tài Biển Đông, đã quy định tương đối chặt chẽ về quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển về mặt lý thuyết. Philippines hiện nay cũng có động thái phát triển cách tiếp cận theo quy chế pháp lý của từng cấu trúc biển này đối với các cấu trúc biển nằm trong yêu sách của họ ở Trường Sa bên cạnh 09 cấu trúc đã được Tòa Trọng tài “chỉ mặt gọi tên” một cách cụ thể. Cách tiếp cận dựa trên luật pháp quốc tế này cũng sẽ trở thành xu thế tất yếu cho việc giải quyết tranh chấp trong tương lai, theo đó nhằm củng cố lập trường, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và lập hồ sơ một cách chân xác nhất tình trạng địa lý và quy chế pháp lý của từng cấu trúc biển ở Trường Sa (và cả ở Hoàng Sa nếu có thể) một cách riêng lẽ thay vì cách tiếp cận “toàn bộ quần đảo” trước nay.
Thứ nhất, lập hồ sơ quá trình xác lập chủ quyền đối với từng câu trúc nổi.
Chỉ có các cấu trúc nổi là đối tượng của việc xác lập chủ quyền dựa theo nguyên tắc chiếm hữu thực sự. Một hòn đảo được hưởng đầy đủ các vùng biển như nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khi tự thân hòn đảo có khả năng đáp ứng cho một cộng đồng dân cư sinh sống ổn định. Còn một đảo đá không thích hợp cho con người đến sống chỉ có thể hưởng vùng nội thủy và lãnh hải mà thôi. Như vậy, Việt Nam phải lập hồ sơ cho từng cấu trúc nổi, phải chứng minh các hành vi chủ quyền công khai, hòa bình và liên tục đối với từng cấu trúc nổi nằm trong tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông. Các tài liệu chứng minh càng cụ thể và rõ ràng về danh tính và tọa độ từng cấu trúc nổi đến đâu thì sức thuyết phục trong lập trường của Việt Nam được gia tăng lên đến đấy.
Thứ hai, xác định quy chế pháp lý cụ thể của các bãi cạn lúc chìm lúc nổi để có hướng bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam phù hợp nhất, theo đó, có các nhóm bãi cạn lúc chìm lúc nổi sau:
Một là, đối với các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà Việt Nam chiếm đóng, nằm trong phạm vi lãnh hải của một đảo nổi gần kề mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Sự thuyết phục trong lập trường của Việt Nam đối với nhóm cấu trúc này tùy thuộc theo hồ sơ chủ quyền đối với đảo nổi gần kề trên.
Hai là, đối với các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà nước ngoài chiếm đóng, nằm trong phạm vi lãnh hải của một đảo nổi gần kề mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Sự thuyết phục trong lập trường của Việt Nam đối với nhóm cấu trúc này cũng tùy thuộc theo hồ sơ chủ quyền đối với đảo nổi gần kề. Theo đó, Việt Nam có đủ cơ sở yêu cầu nước ngoài rút người ra khỏi nhóm bãi cạn này.
Ba là, đối với các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà Việt Nam chiếm đóng, nằm ngoài phạm vi lãnh hải của một đảo nổi gần kề mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhóm bãi cạn này cần phải được xác định vị trí đối với lục địa Việt Nam. Nếu bãi cạn nằm trên thềm lục địa (hoặc thềm lục địa mở rộng) của Việt Nam thì hướng bảo vệ quyền lợi là chứng minh tình trạng địa lý này. Còn nếu bãi cạn nằm trên thềm lục địa (hoặc thềm lục địa mở rộng) của nước ngoài, Việt Nam cần hết sức cân nhắc và cần chủ động thỏa thuận với nước ngoài để bảo lưu tình trạng các quyền và lợi ích hiện có. Còn nếu bãi cạn nằm ngoài vùng biển có quyền tài phán quốc gia của bất kỳ nước nào thì phương hướng củng cố quyền lợi của Việt Nam là bảo vệ vùng an toàn có bán kính 500 mét.
Bốn là, đối với các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà nước ngoài chiếm đóng, nằm ngoài phạm vi lãnh hải của một đảo nổi gần kề mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhóm bãi cạn này cũng cần phải được xác định vị trí trong từng trường hợp cụ thể như: Nếu bãi cạn nằm trên thềm lục địa (hoặc thềm lục địa mở rộng) của Việt Nam thì cần chứng minh tình trạng địa lý này và có thể yêu cầu nước ngoài rút người ra khỏi bãi cạn. Còn nếu bãi cạn nằm trên thềm lục địa (hoặc thềm lục địa mở rộng) của nước ngoài hay nằm ngoài vùng biển có quyền tài phán quốc gia của bất kỳ nước nào, Việt Nam cần điều chỉnh lại các tuyên bố về quyền và lợi ích trên Biển Đông để tránh gây phức tạp thêm tình hình.
Năm là, đối với các đối với các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà chưa có nước nào chiếm đóng, Việt Nam cũng xác định quy chế dựa vào vị trí của chúng tương tự các trường hợp trên để có lập trường phù hợp.
Trần Thị Kim Nguyên, Thạc sĩ, Giảng viên, Khoa Luật – Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Mail: tranthikimnguyen1994@gmail.com
[1] Trần Hữu Duy Minh (2018), “Phán quyết ngày 12.7.2016 trong Vụ kiện Biển Đông: Quy chế của các thực thể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông”, https://iuscogens-vie.org/2018/06/03/81/, truy cập ngày 07/9/2021.
[2] Trần Hữu Duy Minh (2018), “Phán quyết ngày 12.7.2016 trong Vụ kiện Biển Đông: Quy chế của các thực thể ở quần đảo Trường Sa và tác động đến yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông”, https://iuscogens-vie.org/2018/06/03/81/, truy cập ngày 07/9/2021.
[3] Nguyễn Bá Diến (2009), “Quy chế pháp lý quốc tế chung về biển, đảo và những vấn đề cần áp dụng đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội – Luật học, 25, 145-162.
[4] Chris Carleton, Clive Schofield (2002), Developments in the Technical Determination of Maritime Space: Delimitation, Dispute Resolution, Geographical Information Systems and the Role of the Technical Expert, Maritime Briefing, Volume 3 Number 4 ISBN 1-897643-47-0, tr. 38.
[5] Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Phán quyết về nội dung năm 2016, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, đoạn 643 – 648.
[6] Viện Biển Đông (2021), Bản tin tuần Biển Đông (ngày 4/6 – 10/6/2021), Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/bien-dong-tuan-qua/7718-ban-tin-tuan, truy cập ngày 07/9/2021.
[7] Viện Biển Đông (2021), Bản tin tuần Biển Đông (ngày 4/6 – 10/6/2021), Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/bien-dong-tuan-qua/7718-ban-tin-tuan, truy cập ngày 07/9/2021.
[8] Một số sự kiện pháp lý then chốt chứng minh Việt Nam là quốc gia có danh nghĩa chủ quyền đối với đảo Thị Tứ như sau:
Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có nêu đích danh đảo Thị Tứ.
Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng hòa thường ghé thăm đảo Thị Tứ, cụ thể năm 1961 là tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn còn năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hòa và dựng bia trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5.
[9] Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Phán quyết về nội dung năm 2016, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, đoạn 369.
[10] Ảnh tác giả tự chụp màn hình từ phần mềm Google Earth
[11] Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Phán quyết về nội dung năm 2016, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, đoạn 1203.
Chia sẻ:
- Tweet
Từ khóa » Cấu Trúc Sa
-
Học Ngữ Pháp JLPT N3: さ (sa)
-
Ngữ Pháp N4: さ (sa) - JLPT Sensei Việt Nam
-
さ [sa] - Tiếng Nhật
-
Phân Biệt さ/み [sa/mi] | Tiếng Nhật
-
Ngữ Pháp N3: ~ さえ
-
Phương Pháp Phân Tích Có Cấu Trúc ( SA) - Bài Viết Sưu Tầm
-
Ngữ Pháp させられます-Tổng Hợp Ngữ Pháp N4 - Học Tiếng Nhật
-
Trung Quốc Lắp đặt Trái Phép Cấu Trúc Bí ẩn ở Biển Đông
-
Chu Sa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những Ngôi Nhà Có Cấu Trúc độc đáo Trên Sa Mạc - CafeLand.Vn
-
[PDF] CẤU TRÚC ĐẤT
-
Phân Biệt "dessert" Và "desert" - Tiếng Anh Mỗi Ngày
-
(PDF) Nghiên Cứu đặc điểm Cấu Trúc Móng Trước Kainozoi Khu Vực ...