5 QUY ƯỚC CĂN BẢN THỐNG NHẤT CÁCH VIẾT CHỮ VIỆT

Tiếng Việt, được viết thành chữ, nhờ những ký hiệu (hình vẽ hay chữ viết). Xưa, chữ Việt cổ, có thể mang hình dạng con nòng nọc (chữ khoa đẩu – nay đã thất truyền?).

Thời kỳ Bắc thuộc (từ -111 đến +938), không kể các thời kỳ giành lại được nền đôc lập trong thời gian ngắn, dân ta dùng chữ Hán, còn gọi là chữ Nho.

Một số chữ Hán phải “biến dạng” để viết tên địa danh, tên người hay tiếng địa phương của người Việt (thời đó gọi là người Giao Chỉ, hay người An-Nam) mà chữ Hán không có. Đây có thể là nguồn gốc chữ Nôm. Sau, nhờ tinh thần độc lập dân tộc, người Việt đã sử dụng và phát triển chữ Nôm thành chữ Việt, hoàn chỉnh từ thời nhà Trần với bài thơ chữ Nôm “Đuổi Cá Sấu” của Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên). Thời nhà Hồ, tiếp nối nhà Trần sau nữa là nhà Nguyễn Tây Sơn, đã coi chữ Nôm là “quốc tự”.

Từ khi những vị cố đạo người Bồ-Đào-Nha, Ý và Pháp… dùng đa số chữ cái La-Tinh tạo ra “chữ viết tiếng Việt”, ta gọi đó là chữ Quốc Ngữ. Ngày nay, chữ Quốc Ngữ được chính thức coi là chữ Việt.

Đề nghị 5 quy ước căn bản thống nhất cách viết chữ Việt

(trích sách “Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ”).

Quy Ước I Cách Phát Âm và Đánh Vần

  1. Nguyên Âm và Phụ Âm

Nguyên âm: Những chữ cái a, e, i, o, u, y và biến thể ê, ô, ơ, ư, đứng riêng một mình vẫn có nghĩa và giữ nguyên không đổi khi phát âm “tên chữ” (letter name) và “âm chữ” (sound name), gọi chung và quen thuộc là nguyên âm (vowel),ngoại trừ ă và â, đứng riêng một mình, không phátâm được và không có nghĩa.

Phụ âm: Những chữ cái như b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x, ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, qu, th, tr, đứng riêng một mình không phát âm được và không có nghĩa, phải ghép với nguyên âm mới có nghĩa (phụ thuộc vào nguyên âm), gọi chung và quen thuộc là phụ âm (consonant).

1a- Cách phát âm những nguyên âm: A/a (a), Ă/ă (á)*, Â/â* (ớ), E/e (e), Ê/ê (ê), I/i (i – i ngắn), O/o (o). Ô/ô (ô), Ơ/ơ (ơ), U/u (u), Ư/ư (ư). Y/y (y-gờ-rếch – y dài)

(* ă và â đứng một mình không phát âm được)

1b- Cách phát âm những phụ âm đơn và phụ âm ghép: Phụ âm đơn và phụ âm ghép đứng riêng một mình, không phát âm được, phải ghép với nguyên âm mới phát âm được. Theo Trần Trọng Kim (Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Lớp Đồng Ấu), phát âm “tên chữ” (kiểu cũ) và phát âm “âm chữ” (kiểu mới), theo thứ tự như sau:

B/b (bê – bơ), C/c (xê – cơ), D/d (dê – dơ), Đ/đ (đê – đơ), G/g (giê – gơ), H/h (hát – hơ), K/k (ca – cơ), L/l (en – lơ), M/m (em – mơ), N/n (en – nơ), P/p (pê – pơ), Q/q (cu – cơ), R/r (e-rờ – rơ), S/s (ét-s – sơ), T/t (tê – tơ), V/v (vê – vơ), X/x (ích-xì – xơ); CH/ch (xê-hát – chơ), GH/gh (giê-hát – gơ), GI/gi (giê-i – giơ), KH/kh (ca -hát – khơ), NG/ng (en- giê – ngơ), NGH/ngh (en-giê-hát – ngơ), NH/nh (en-hát – nhơ), PH/ph (pê-hát – phơ), QU/qu (q-u – quơ), TH/th (tê-hát – thơ), TR/tr (tê-e-rờ – trơ).

Đối với các chữ “ô, ơ”, khi phát âm thường được thêm vào “dấu huyền”: “ô” thành “ồ”, “ơ” thành “ờ”. Vì thế, âm chữ “cơ, mơ, lơ” thường được phát âm là “cờ, mờ, lờ”.

1c- Cách đánh vần:

  • Đánh vần theo kiểu cũ: Thí dụ chữ “chân” (xê-hát-ớ-chớ-en-nờ-chân = chân)
  • Đánh vần theo kiểu mới: chờ-ân-chân = chân.

Ghi chú:

  • Cách đánh vần theo kiểu mới thích hợp hơn đối với người lớn hay người ngoại quốc học tiếng Việt.

Trước các nguyên âm “i, e, ê, y”, chữ “c” đổi thành “k” và “ng” đổi thành “ngh”. Thí dụ: Viết “ki, ke, kê, ky” (không viết “ci, ce, cê, cy”), “nghi, nghe, nghê” (không viết “ngi, nge, ngê”). Chữ “g” đứng trước “e, ê” đổi thành “gh”. Thí dụ: “ghe, ghê” (không viết “ge, gê”)

Chú ý: Những chữ cái phụ âm dùng để viết tắt phải đọc bằng “tên chữ”, không đọc bằng “âm chữ”. Thí dụ hãng GMC đọc là “giê-em-xê” (tên chữ), không đọc “gờ, mờ, cờ” (âm chữ).

Bảng Chữ Cái (the Alphabets)*

Chữ Việt thường dùng, có tổng cộng 40 chữ cái và chữ cái ghép:

  • 6 chữ cái chính (vowel letters) đứng nguyên một mình vẫn có nghĩa, gọi chung và quen thuộc là nguyên âm (vowel) (1) a, (2) e, (3) i, (4) o, (5) u, và (6) y
  • 6 chữ cái chính biến thể (biến âm của nguyên âm) (1) ă, (2) â, (3) ê, (4) ô, (5) ơ, và (6) ư
  • 17 chữ cái phụ (consonants) (1) b, (2) c, (3) d, (4) đ, (5) g, (6) h, (7) k, (8) l, (9) m, (10) n, (11) p, (12) q, (13) r, (14) s, (15) t, (16) v, và (17) x
  • 10 chữ cái phụ ghép đôi (10 digraphs) (1) ch, (2) gh, (3) gi, (4) kh, (5) ng, (6) nh, (7) ph, (8) qu, (9) th, và (10) tr

– 1 chữ cái phụ ghép ba (one trigraph): (1) ngh

Tổng cộng là 40 Chữ Cái:

(1) a, (2) ă, (3) â, (4) b, (5) c, (6) ch, (7) d, (8) đ, (9) e, (10) ê, (11) g, (12) gi, (13) gh, (14) h, (15) i, (16) k, (17) kh, (18) l, (19) m, (20) n, (21) ng, (22) ngh, (23) nh, (24) o, 25) ô, (26) ơ, (27) p, (28) ph, (29) q, (30) qu, (31) r, (32) s, (33) t, (34) th, (35) tr, (36) u, (37) ư, (38) v, (39) x, và (40) y

  1. Các Dấu Tiếng Việt

Tiếng Việt sử dụng 3 loại dấu: dấu câu, dấu giọng, và dấu chữ.

A – Dấu câu thường dùng

1- Dấu chấm (.) (P. point, A. period, dot), được đặt ở cuối câu để chấm dứt câu viết đã đủ nghĩa, tạm gọi là “chấm ngắt câu” (P. point, A. full stop/period). Nếu kết thúc cả bài văn ta gọi là chấm hết (P. point final, A. full stop, the end …). Dấu chấm cũng được dùng trong toán học và trong Internet.

2- Dấu phảy, phết (,) (P. virgule, A. comma): Dùng để ngắt câu, tạo ra những đoạn nghỉ ngắn trong một câu dài gồm nhiều mệnh đề, hoặc được dùng trong một danh sách liệt kê nhiều việc, sự việc, hay món hàng. Thí dụ: Anh ấy nói được tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Anh.

Ghi chú: Dấu phảy (a không có dấu mũ), được ghi và giải nghĩa trong các Tự Điển của Huỳnh Tịnh Của, Lê Văn Đức, Nguyễn Như Ý… nhằm phân biệt với “phẩy” (a có dấu mũ), có nghĩa là “phe phẩy, phẩy bụi”. Ta thường viết quen là “phẩy” (a có dấu mũ) cho mọi trường hợp.

3- Dấu chấm phảy (;) (P. point et virgule, A. semicolon): Dùng để ngắt câu (và phân biệt hai thứ loại khác nhau) hoặcđể liệt kê. Thí dụ: Trong tủ lạnh có thịt bò, thịt heo, thịt gà; rau đủ loại sà lách, bắp cải, rau muống; trái cây tươi như táo, nho, cam; các loại nước chanh, nước táo, nước nho ép. Thật là tiên lợi.

Dấu chấm phảy cũng dùng để thay thế các “từ nối” (liên từ) như: và, vì, bởi vì, trừ phi, trong khi. Thí dụ: Sáng nay tôi đi bộ; (trong khi) tôi thích bơi lội ở hồ bơi gần nhà. Sau dấu chấm phảy không viết hoa (ngoại trừ là danh từ riêng). Thí dụ: Tôi ra hồ bơi để tắm; thông cáo cho biết khu hồ bơi đóng cửa để sửa chữa.

Khi đọc, gặp dấu chấm phảy ngừng lâu hơn đối với dấu phảy, nhưng ngắn hơn đối với dấu chấm.

4- Dấu hai chấm (:) (P. deux points, A. colon): Đặt sau các từ “thí dụ:”, “như:”, “như sau:” để đưa ra một thí dụ, để giải thích, để trình bày, để kê khai, để trích dẫn một lời nói trực tiếp hay gián tiếp.

Thí dụ: Di chúc của vua Trần Nhân Tông đã viết như sau: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác.”

a) Dấu “hai chấm” được dùng để giới thiệu một bản kê khai hay bản liệt kê. Thí dụ: Tiệm sách Khai Trí chuyên bán những tác phẩm về: nghệ thuật, kiến trúc, hoạ đồ.

(Nếu không phải bản kê khai hay liệt kê, không dùng dấu hai chấm). Thí dụ: Tiệm sách Khai Trí có đủ các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc, hoạ đồ. Trong trường hợp này, chữ đầu tiên sau dấu hai chấm của từ “Thí dụ”, hay “Ví dụ” sẽ viết hoa vì là chữ đầu của một câu mới. Chữ cái đầu tiên sau dấu hai chấm thuộc bản kê khai hay liệt kê, không viết hoa.

b) Dấu “hai chấm” được đặt giữa hai mệnh đề độc lập, khi mệnh đề sau giải thích ý nghĩa mệnh đề trước (giống như trường hợp dấu chấm phảy. Không viết hoa từ ngữ theo sau dấu hai chấm).

Thí dụ: Tôi viết Tiếng Anh thường sai chính tả: tôi không có thì giờ học vì còn phải cày 2 “dóp” để có tiền nuôi vợ con.

c)Dấu”hai chấm” còn được dùng để nhấn mạnh, đặt trước một từ ngắn ở cuối câu.

Thí dụ: Sau nhiều phiên họp tranh cãi, quan toà phán: có tội! (Cách viết này thường thấy trong văn phạm tiếng Anh).

Ngoài ba trường hợp sử dụng dấu “hai chấm” kể trên, dấu này còn được dùng để chỉ giờ phút (2:30 PM), số chia (9:3=3), dùng trong thư từ giao dịch (Kính gửi: Quý Hội Đoàn, Đoàn Thể).

Ghi chú: Sau dấu hai chấm không viết hoa, ngoại trừ là một câu viết mới trọn vẹn, một câu trích dẫn, một thành ngữ, hay ca dao tục ngữ.

5- Dấu chấm hỏi (?) (P. point d’interrogation, A. question mark). Dấu chấm hỏi được nhiều quốc gia sử dụng để đặt câu hỏi.

a) Dấu chấm hỏi đặt ở cuối câu hỏi trực tiếp. Thí dụ: Anh đi đâu đó? Cái kiếng để trên bàn đâu rồi?

b) Không dùng dấu chấm hỏi, trong câu hỏi gián tiếp. Thí dụ: Tôi hỏi bạn xem anh ta có muốn đi ăn tiệm với chúng tôi vào chiều nay.

Trong văn phạm, ta thường nói dấu chấm hỏi được dùng ở thể nghi vấn. Trên đây chỉ là cách sử dụng dấu chấm hỏi căn bản và giản dị trong văn phạm tiếng Việt.

6- Dấu chấm than (!) (P. point d’exclamation, A. exclamation mark) dùng để diễn tả cảm xúc mạnh, sự ngạc nhiên, sợ hãi hoặc sự vui, buồn. Dấu chấm than cũng dùng bày tỏ sự van xin cầu khẩn, mệnh lệnh hay khuyến khích, khuyên can. Dấu chấm than thường đặt ở cuối câu.

Thí dụ:

– Bớ người ta! Cứu tôi với!

– Ô! Anh ấy về rồi! Anh ấy thoát hiểm rồi!

– Ôi! Đẹp làm sao cảnh núi rừng hùng vĩ!

– Đừng đến sòng bài và ham mê cờ bạc! Luôn nghĩ đến câu:

“Cờ bạc là bác thằng Bần,

Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm!”

7- Dấu ngoặc ( ( ) ) (P. parenthèse, A. round brackets) dùng để cho thêm thông tin hay thí dụ nhằm giải thích hoặc làm rõ nghĩa của từ ngữ hay nhóm chữ đứng trước.

Thí dụ: Tôi tới Ba-Lê (thủ đô Pháp Quốc) và ở đó ba tuần.

8- Dấu ngoặc kép ( ” ” ) (P. guillemets, A. quotation marks) dùng để phát biểu lời nói trực tiếp hoặc trích dẫn lời một danh nhân hay ai đó trong dấu ngoặc kép.

Thí dụ: Nàng nói: “Em yêu anh.”

9- Dấu gạch ngang ( – ) (P. A. dash): Trong văn phạm Việt, thường đặt dấu gạch ngang ở đầu dòng khi viết văn đối thoại (thay cho tên người nói). Thể văn này, theo văn phạm Anh, thường dùng dấu ngoặc kép.

Thí dụ: Lan và Tâm thủ thỉ:

  • Anh đi xa, em nhớ lắm!
  • Anh cũng nhớ em da diết…

Dấu gạch ngang cũng dùng chen vào giữa câu văn, nhằm mục đích giải thích hay nói thêm về điều gì (hoặc tách ra hai mệnh đề). Thí dụ: Du lịch tới các nước Âu Châu – Pháp, Bỉ hay Anh – chúng tôi đều ở khách sạn 3 sao trở lên. (Xem thêm quy ước 5-2).

10- Dấu gạch nối ( – ) (P. trait d’union, A. hyphen) dùng để nối hai từ, thường là từ đôi hay từ ghép. Ngày nay có khuynh hướng bỏ gạch nối này (có lẽ để giản dị hoá cách viết). Dấu gạch nối vẫn cần và nên dùng khi phiên âm chữ ngoại quốc. Thí dụ: va-li (P. valise), sơ-mi (P. chemise), sà-lách(P. salade).

Ghi chú: Từ ngữ “sà-lách”, nguồn gốc từ tiếng Pháp “salade”, là món rau sống trộn dầu dấm, thường viết là “xà-lách”. Để viết thống nhất chính tả tiếng Việt khi phiên âm chữ ngoại quốc, ta nên căn cứ vào chữ viết nguyên thuỷ. (Xem thêm Quy ước 5-2).

11- Dấu gạch chéo (P. A. Oblique/slash): dùng để ngăn cách hai chữ có cùng nghĩa và cách sử dụng như nhau (lựa chọn tuỳ ý). Thí dụ: Con lợn/heo ăn ngô/bắp.

12- Dấu chấm lửng (… ) (P. A. Ellipsis): Dùng để thay thế một từ hay một câu còn thiếu trong câu văn, hoặc một lời nói hay một ngụ ý mà người viết không muốn nêu lên, cốt ý để người đọc suy đoán.

Thí dụ: Tôi chống lại những hình thức xâm lăng, nhất là xâm lăng để đồng hoá… Đây là một hành động kém văn minh nhất thời nay.

Chú ý: Dấu chấm lửng bắt đầu là dấu chấm viết sát với chữ cái cuối cùng của câu trước và để một khoảng cách (1 space) trước khi bắt đầu câu viết tiếp theo.

Ngoài 12 dấu chấm câu thường gặp trong cách viết văn của người Việt, còn một số những dấu câu khác như: “dấu hoa thị” (*) (asterisk) dùng để ghi chú, chú thích; dấu “và” (&) (ampersand) dùng thay chữ “và”; dấu ngoặc vuông ( [ ] ) (square brackets) để “cung cấp thêm một số thông tin phụ cho đoạn trước đó” hoặc bọc ngoài dấu ngoặc đơn; dấu ngoặc nhọn ({ }) (braces) dùng “để nối hai hay nhiều từ ngữ hoặc dòng thành đôi”.

B- Dấu Giọng và Dấu Chữ

1- Dấu giọng: Theo Trần Trọng Kim, tiếng Việt có 6 giọng, được ký hiệu bằng 5 dấu: dấu sắc (‘), dấu huyền (`), dấu hỏi (?), dấu ngã (~), dấu nặng (.) và không dấu (dấu huyền và không dấu được coi là thanh bằng, các dấu còn lại là thanh trắc).

Mỗi dấu giọng được đặt trên nguyên âm, sẽ làm cho âm thanh của từ ngữ được tạo thành khi phát âm, không giống âm thanh của từ khác. Thí dụ: đây và đấy (đây là ở đây, ở trước mắt. Đấy là ở đằng kia, ở phía xa).

2- Dấu chữ: Ngoài 5 dấu (6 giọng), chữ Việt còn 3 dấu chữ: dấu khăn (dấu á) ă; dấu mũ (â, ê, ô) và dấu móc (ơ, ư).

Thí dụ: Chữ “đày” (không có dấu mũ) nghĩa là đày đoạ, tù đày, tội lưu đày, đày tớ, đọc lên hơi khác với chữ “đầy” (có dấu mũ) nghĩa là bát nước đầy, đầy bụng, đầy ly, nước đầy sông. (KTTĐ, LVĐ, QATV).

Dấu chữ chỉ đặt trên các nguyên âm (ă, â, ê, ô, ơ, ư), còn gọi là biến âm của nguyên âm.

Phát âm mỗi nguyên âm có dấu chữ, cũng khác với nguyên âm không có dấu chữ. Thí dụ:âm o khác với âm ô hay ơ.

Có tổng cộng 3 dấu chữ (sáu biến âm của nguyên âm: ă, â, ê, ô, ơ và ư).

Kết hợp 3 dấu chữ (6 biến âm của nguyên âm) và 5 dấu giọng (5 dấu, 6 giọng) với các chữ cái Quốc Ngữ, tạo ra một hệ thống chữ Việt vô cùng phong phú về âm điệu.

3- Cách đánh dấu giọng:

Hiện nay Cộng Đồng Người Việt tại Hải Ngoại sử dụng hai cách đánh dấu chữ Quốc Ngữ:

– Cách đánh dấu theo mỹ thuật (kiểu cũ).

– Cách đánh dấu theo ngữ âm học (kiểu mới).

Cách đánh dấu theo kiểu cũ hay theo kiểu mới, đều có ưu và khuyết điểm.

Quy Ước II – Cách Đánh Dấu (Bỏ Dấu) Chữ Việt

  1. Dấu giọng chỉ đánh trênnguyên âm.

2- Trường hợp có 2 nguyên âm đứng cạnh nhau

Ưu tiên 1: đánh dấu trên biến âm của nguyên âm (nguyên âm có dấu chữ: ă, â, ê, ô, ơ, ư). Thí dụ: Ông giẳng ông giăng, ông giằng búi tóc (đồng dao); dưa hấu, phá lấu, tấu hài, thành nội Huế, huề, huệ, đội gạo, ơi ới, ngửi hoa, tức tưởi, hội trưởng.

Ưu tiên 2: đánh dấu trên nguyên âm chủ (các vần thường dùng oa, oe, uy, trong đó a, e, y là nguyên âm chủ, o, u chỉ là bán âm). Đánh dấu trên a, e, y. Thí dụ: hoá, hoà, hoả, hoạ, hoè, hoẹ, huý, huỷ, thuý, thuỷ, thuỵ, quý, quỳ, quỷ, quỹ, quỵ.

Chú ý: Những phụ âm kép “gi” và “qu” trong đó “i” gắn liền với “g” và “u” gắn liền với “q”, không còn giữ vai trò “nguyên âm” nữa, nên không đánh dấu trên “i” hay “u”. Thí dụ: giá, già, giả, giã, giạ; quý, quỳ, quỷ, quỹ, quỵ.

3- Trường hợp có 3 nguyên âm đứng cạnh nhau, đánh dấu trên nguyên âm đứng giữa. Thí dụ: Phiền toái, năm ngoái.

Quy Ước III – Cách Viết Hoa và Phiên Âm Tên Người

3aViết hoa theo quy tắc trong văn phạm Mỹ (capitalization) những tên riêng như tên người, quốc gia, đường phố, hội đoàn, cơ sở, tên ngày thứ tự trong tuần lễ, ngày tháng năm… Thí dụ:Lý Thường Kiệt; nước Mỹ; đường Đinh Tiên Hoàng; Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam California; hãng Toyota; Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật; Tháng Giêng, Tháng Hai,ThángBa… Tháng Mười Một hay Tháng Một, Tháng Mười Hai hay Tháng Chạp; năm Nhâm Thìn, năm Quý Tỵ…

3b- Phiên âm tên người:

Viết tên họ người Tầu: Tên họ người Tầu đôi khi lẫn lộn với tên họ người Việt, do đó nên dùng phương pháp Pinyin (bính âm) để phiên âm tên người Tầu bằng chữ cái La Tinh trước, sau đó viết tên người Tầu theo phiên âm Hán Việt trong dấu ngoặc đơn. Thí dụ: Jiang Zemin (Giang Trạch Dân).

Viết tên người, tên quốc gia, tên tỉnh và tên nước ngoài: Có thể phiên âm theo tiếng Việt, nhưng viết tên gốc trong dấu ngoặc đơn. Thí dụ: Cu-ba (Cuba). Trường hợp đã quen với cách phiên âm theo gốc tiếng Hán Việt, nên giữ nguyên và cũng viết nguyên văn tên người, tên quốc gia hay tên tỉnh nước ngoài trong ngoặc đơn. Thí dụ: Nã-Phá-Luân (Napoléon), Pháp (France), Ba-Lê (Paris).

Quy Ước IV – Cách Viết Y Dài và I Ngắn

Đây là cách viết gây nhiều tranh cãi nhất kể từ khi bộ Giáo Dục ở Việt Nam ra quy định thay thế y dài bằng i ngắn trong cách viết chữ Quốc Ngữ. Chúng tôi đồng thuận với những nhà giáo tại Việt Nam trước 1975 và tại hải ngoại sau 1975 về 3 quy ước sau:

4a- Viết y dài khi đứng một mình và có nguồn gốc Hán Việt:y phục, y tế.

4b- Viết y dài đối với tên riêng (ngoại trừ tên người đã được viết bằng i ngắn): Lý Thường Kiệt, nước Mỹ, Mỹ Tho.

4c- Viết y dài những từ ngữ gốc Hán Việt sau các chữH, M, L, K, T, Qu. (Mẹo ghi nhớ theo một trường dạy Việt Ngữ tại Texas: Học Mau Lên Kẻo Ta Quên). Thí dụ: Hy vọng, mỹ thuật, lý thuyết, kỷ yếu, tỷ lệ, quý vị.

(Những từ ngữ bé tí, tỉ mỉ, đi ị, í ới …viết i ngắn vì không có gốc Hán Việt).

Quy Ước V – Vị Trí Các Dấu Câu

1- Vị trí các dấu câu như dấu ngoặc đơn, ngoặc kép, chấm hỏi, chấm than, hai chấm, chấm phẩy, phẩy, chấm lửng… đều viết sát kế bên chữ cuối của câu (không có khoảng cách). Đây chỉ là cách viết chữ theo văn phạm Mỹ. Thí dụ: (1789), “Xuân Quý Tỵ”, Anh là ai? Than ôi! Tôi không ngờ…

2- Phân biệt cách dùng dấu gạch giữa, dấu gạch ngang (dash) và dấu gạch nối (hyphen):

– Phân biệt các dấu gạch ngang giữa (-), dấu gạch ngang dưới (_), còn gọi là gạch dưới hay gạch đít (u) và dấu gạch nối (-).

-Theo định nghĩa, dấu gạch ngang dài hơn dấu gạch nối. Tuy nhiên, trên bàn phím đánh máy điện toán (keyboard), hai dấu này là một (đối với một số máy).

– Dấu gạch ngangở đầu dòng dùng trong thể văn kể truyện.

– Dấu gạch ngang ở giữa dòng dùng để chú thích thêm cho rõ nghĩa hay rõ nơi chốn của mệnh đề trước nó. Thí dụ: Trường Cao Học Chính Trị Kinh Doanh Sài Gòn – Viện Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt – đã đào tạo được nhiều chuyên viên có bằng Cao học ở Việt Nam.

– Dấu gạch ngang dưới ít dùng.

Thí dụ: nguyen_038@yahoo.com.

– Dấu gạch dưới dùng để nhấn mạnh (từ ngữ hoặc câu văn).

Thí dụ: Sài Gòn trước kia là thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà.

Ngày nay ít dùng (hoặc không dùng) dấu gạch nối đối với những chữ ghép (tiếng Việt và Hán Việt), nhưng lại thường dùng cho các chữ phiên âm tiếng nước ngoài.

Thí dụ: a-ti-sô, a-xít, a-men, áo măng-tô…

3- Đơn vị số: Theo cách viết trong văn phạm Mỹ. Thí dụ: 1,000.00; 10,000.00.

4Ngày tháng: Viết theo văn phạm Mỹ hoặc theo ta (âm lịch). Thí dụ: 7/22/2012 hoặc 7-22-2012 (tháng viết trước – ngày – năm). Theo ta: ngày 22 tháng 7 năm 2012.

5-Phân biệt dấu hỏi (?), ngã (~):

– Đối với chữ ghép, một chữ mang dấu huyền hay dấu nặng, chữ kia mang dấu ngã (huyền, nặng = ngã). Thí dụ: dòng dõi, lộng lẫy, ầm ĩ, lặng lẽ. Ngoại lệ:hoàn hảo, mòn mỏi, học hỏi, phản bội.

– Đối với chữ ghép, một chữ không dấu (ngang) hay dấu sắc, chữ kia mang dấu hỏi (ngang, sắc = hỏi). Thí dụ: liêm sỉ, ám ảnh, dai dẳng, bóng bẩy. Ngoại lệ: Than vãn, quá vãng, ve vãn, thoáng đãng.

Mẹo để nhớ (theo tài liệu trên Internet):

“Cô Huyền mang nặng,ngã đau, cậu Ngangsắcmắc hỏi sao thế này?” (sắc mắc có nghĩa là hay soi mói, bắt bẻ – NNY).

Những cách phân biệt kể trên còn nhiều ngoại lệ, nên chưa thể gọi là quy tắc hay luật lệ. Điều cốt yếu để viết đúng dấu hỏi, ngã là học ngữ vựng và tập phát âm theo đúng dấu của ngữ vựng (Xem chương III)

6Phân biệt các vần ay, ây, au, âu:

– Phân biệt “ay” (không có dấu mũ) và “ây” (có dấu mũ). Thí dụ: đi cày – con cầy; số bảy – đòn bẩy; trình bày – một bầy (heo), thày lay – thầy giáo; lông mày – chúng mầy (tụi bây), màu (màu áo, màu bột, màu cỏ úa, màu da, màu mè, màu mỡ, màu sắc) – mầu (mầu nhiệm, thị mầu). (Xem Chương V)

Chú ý:

– Một số từ ngữ thường viết sai dấu hỏi, ngã: đã (việc đã qua) – đả (đả đảo), nghĩ (suy nghĩ) – nghỉ (nghỉ ngơi), sẽ (mai sẽ đi) – sẻ (con chim sẻ), cũng (cũng vậy) – củng (đồ đạc lủng củng), vẫn (vẫn thế) – vẩn (vẩn đục), dẫu (dẫu sao đi nữa) – dẩu (dẩu mỏ chìa môi ra), mãi (mãi mãi) – mải (mê mải), hỗ (hỗ trợ) – hổ (xấu hổ, con hổ), quỹ (ngân quỹ) –quỷ (ma quỷ) …

– Lẫn lộn chữ “c” với chữ “t”. Thí dụ:lời bạt (lời tác giả viết thêm về ý nghĩa của nội dung, thường ở cuối sách), viết thành lời bạc, rừng sác thành rừng sát, vãng lai viết thành vãn lai… (Xem chương IX – Tập II)

7Phân biệt những từ “có g” hay “không có g” ở tận cùng.Thí dụ: luôn (luôn luôn, luôn miệng, luôn thể, luôn tiện) và luông tuồng (bừa bãi); bàn hoàn (nghĩ quanh quẩn) và bàng hoàng (tâm hồn bất định, chưa kịp ổn định). (Xem chương VIII – Tập II)

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Từ khóa » Dấu ớ Trong Tiếng Việt