Quy Tắc đặt Dấu Thanh Trong Chữ Quốc Ngữ – Wikipedia Tiếng Việt
Việc đặt dấu thanh trong chữ Quốc ngữ tuân thủ một số quy tắc. Hiện nay, có ít nhất 2 quan điểm về cách đặt dấu thanh và mỗi quan điểm đều có một số nhà ngôn ngữ học ủng hộ.
Đặt dấu thanh "cũ" và "mới"
[sửa | sửa mã nguồn]Hiện nay có 2 quan điểm về cách đặt dấu thanh thường được gọi là "kiểu cũ" và "kiểu mới". Trong đời sống, ví dụ như trong các bộ gõ tiếng Việt, hiện vẫn tồn tại 2 cách đặt dấu thanh. Ví dụ: "hòa" là một cách đặt dấu thanh khác cho "hoà", trong đó, "hòa" còn gọi là cách đặt dấu thanh "cũ". Bảng sau liệt kê các trường hợp mà 2 cách đặt dấu thanh khác nhau:
"Cũ" | "Mới" |
---|---|
òa, óa, ỏa, õa, ọa | oà, oá, oả, oã, oạ |
òe, óe, ỏe, õe, ọe | oè, oé, oẻ, oẽ, oẹ |
ùy, úy, ủy, ũy, ụy | uỳ, uý, uỷ, uỹ, uỵ |
"Kiểu cũ"
[sửa | sửa mã nguồn]Quy tắc "kiểu cũ" có phần căn cứ trên nhãn quan, giữ vị trí dấu ở giữa hay gần giữa mỗi từ cho cân bằng.
- Nếu có một nguyên âm thì dấu đặt ở nguyên âm: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng
- Nếu là tập hợp 2 nguyên âm (nguyên âm đôi) thì đánh dấu ở nguyên âm đầu. Tập hợp 3 nguyên âm (nguyên âm ba) hoặc 2 nguyên âm + phụ âm cuối thì vị trí dấu chuyển đến nguyên âm thứ nhì. Ví dụ như:
- "òa" hay "tòa" thì dấu huyền đặt trên chữ "o". Nhưng nếu "toàn" thì dấu chuyển đến "a".
- "ủy" hay "thủy" thì dấu hỏi đặt trên "u". Nhưng nếu "khuỷu" thì dấu chuyển đến "y".
- Ngoại lệ là chữ "ê" và "ơ" chiếm ưu tiên, bất kể vị trí. Ví dụ như:
- "thuở", nếu căn cứ vào lệ kể trên thì dấu hỏi đặt ở chữ "u" nhưng có "ơ" thì chuyển sang "ơ".
- "chuyện", nếu căn cứ vào lệ kể trên thì dấu nặng đặt ở chữ "y" nhưng có "ê" thì chuyển sang "ê".
Kiểu cũ dựa trên những từ điển từ trước năm 1950 nên "gi" và "qu" được coi là một mẫu tự riêng. Vì vậy, "già" và "quạ" không phải là nguyên âm đôi "ia" hay "ua" mà là "gi" + "à" và "qu" + "ạ". Nếu viết nguyên âm đôi "ia" với phụ âm "gi" thì sẽ viết là "giặt gịa" và đọc là dịa [zḭʔə˨˩]).
"Kiểu mới"
[sửa | sửa mã nguồn]Quy tắc "kiểu mới" căn cứ trên ngữ âm học muốn đối chiếu chữ và âm. Quy tắc đó như sau:
- Với các âm tiết [-tròn môi] (âm đệm /ʔ/, còn được gọi là âm "zero") có âm chính là nguyên âm đơn: Đặt dấu thanh điệu vào vị trí của chữ cái biểu diễn cho âm chính đó. Ví dụ: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng, ...
- Với các âm tiết [+tròn môi] (âm đệm /w/, được biểu diễn bằng "o", "u") có âm chính là nguyên âm đơn thì cũng bỏ dấu thanh điệu vào vị trí chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: hoà, hoè, quỳ, quà, quờ, thuỷ, nguỵ, hoàn, quét, quát, quỵt, suýt, ...
- Với các âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi:
- Nếu là âm tiết [-khép] (nguyên âm được viết là: iê, yê, uô, ươ; âm cuối được viết bằng: p, t, c, ch, m, n, ng, nh, o, u, i) thì bỏ dấu lên chữ cái thứ 2 trong tổ hợp 2 chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: yếu, uốn, ườn, tiến, chuyến, muốn, mượn, thiện, thuộm, người, viếng, muống, cường, ...
- Nếu là âm tiết [+khép] (nguyên âm được viết là: ia, ya, ua, ưa) thì nhất loạt bỏ dấu vào vị trí chữ cái thứ nhất trong tổ hợp 2 chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: nghĩa, tủa, cứa, thùa, khứa, ...
- Phân biệt vị trí đặt dấu thanh điệu ở tổ hợp "ua" và "ia":
- Với "ia" thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "g" ở đầu âm tiết. Có "g" thì đặt vào "a" (già, giá, giả, ...), không có "g" thì đặt vào "i" (bịa, chìa, tía, ...). Trường hợp đặc biệt: "gịa" (có trong từ "giặt gịa" và đọc là zịa [ʐie6]).
- Với "ua" thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "q". Có "q" thì đặt vào "a" (quán, quà, quạ, ...), không có "q" thì đặt vào "u" (búa, múa, chùa, ...). Hoặc để giản tiện cho việc làm bộ gõ, có thể coi "qu" như là một tổ hợp phụ âm đầu tương tự như gi, nh, ng, ph, th, ... Khi đó, sẽ coi quán, quà, quạ, ... như là những âm tiết có âm đệm /zero/.
Những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" cho rằng vì oa, oe, uy được kí âm bằng kí hiệu ngữ âm quốc tế là /wa/, /wɛ/, /wi/ nên phải bỏ dấu vào chữ a, e và i.
Thêm vào đó, theo cách bỏ dấu gọi là kiểu "mới" bất cứ từ có biến đổi, vị trí dấu thanh không hề thay đổi.[1]
Chú ý | Theo cách "mới", vị trí dấu thanh không hề thay đổi |
---|---|
OA dấu thanh trên A | xoá nhoà, hoà hoãn, hoả hoạn, hoạt hoạ, thoái thoát, loáy hoáy, loảng xoảng, ngoáo ộp, ngoảnh nhìn, ... |
OE dấu thanh trên E | loè loẹt, nhoè nhoẹt, oẹ mửa, ngoẹo cổ, nhoẻn cười, ... |
UY dấu thanh trên Y | tuý luý, quỵ luỵ, nguỵ biện, nhuỵ hoa, huých vai, nguýt yêu, tên huý, huýt còi, xe buýt, suýt soát, huỳnh huỵch, khuỷu tay, ... |
Trong khi đó, những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" thì cho rằng cách lí luận như trên là thiếu cơ sở vì kí hiệu ngữ âm quốc tế là để biểu thị cách phát âm chứ không phải biểu thị cách viết, do đó, không thể dùng để quyết định là cách bỏ dấu kiểu "mới" là đúng hơn. Thêm vào đó, kí hiệu ngữ âm quốc tế mới chỉ được phát triển vào cuối thế kỉ XIX,[2] trong khi chữ Quốc Ngữ đã được phát triển hoàn toàn độc lập và không ngừng thay đổi từ thế kỉ XVII. Do đó, theo những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ", việc dùng IPA để quyết định xem tiếng Việt phải bỏ dấu thế nào là bất hợp lí. Những người này còn cho rằng mặc dù kí hiệu ngữ âm quốc tế là phương pháp biểu thị cách phát âm phổ dụng nhất nhưng không có nghĩa là cách biểu thị cách phát âm duy nhất cũng như không phải là cách biểu thị cách phát âm chính xác nhất, vì vậy, không có lí gì lại sử dụng nó làm chuẩn để quyết định cách bỏ dấu tiếng Việt mà không phải là một trong các phương pháp biểu thị cách phát âm khác.[3]
Trên quan điểm ngôn ngữ là do con người tạo nên và luôn biến đổi theo nhu cầu của con người, những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" còn chỉ trích những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" là đang cố phức tạp hoá tiếng Việt, gây khó khăn không cần thiết nhất là trong giảng dạy học sinh Tiểu học cũng như trong việc phát triển thuật toán và xử lí tiếng Việt trên máy vi tính. Họ còn cho rằng, thêm một quy tắc như trên không đem lại gì cho tiếng Việt nói chung và chữ Quốc ngữ nói riêng, do đó là hoàn toàn không cần thiết. Họ lấy dẫn chứng cho quan điểm của mình là việc chữ Quốc ngữ từ khi được phát triển vào thế kỉ XVII đến nay đã trải qua rất nhiều thay đổi, bổ sung có và loại bỏ cũng có.
Sử dụng
[sửa | sửa mã nguồn]Đến năm 2022, các sách giáo khoa ở Việt Nam đặt dấu thanh theo "kiểu mới" (Hoá học thay vì Hóa học).
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Bảng quy tắc giản dị để dạy trẻ em đặt dấu thanh trong tiếng Việt, Johannjs
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2011. Đã bỏ qua tham số không rõ |= (trợ giúp)
- ^ The History Of Special Education: From Isolation To Integration.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- "Quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt Lưu trữ 2005-05-21 tại Wayback Machine"", Vũ Xuân Lương, Trung tâm Từ điển Học
- "Một số ý kiến nhỏ về cách ghi dấu thanh trên văn bản tiếng Việt", Trần Thị Thìn
- "Trích từ Một số vấn đề từ điển học", Hoàng Phê - Nguyễn Ngọc Trâm
- "Vấn đề đánh dấu thanh tiếng Việt", Vũ Dũng.
- "Về bài "Vấn đề đánh dấu thanh tiếng Việt" của Vũ Dũng", Cao Xuân Hạo.
- Bảng quy tắc giản dị để dạy trẻ em đặt dấu thanh trong tiếng Việt, Johannjs
| |
---|---|
Ngôn ngữ học |
|
Từ vựng |
|
Chữ viết |
|
|
Từ khóa » Dấu ớ Trong Tiếng Việt
-
Dấu Phụ – Wikipedia Tiếng Việt
-
5 QUY ƯỚC CĂN BẢN THỐNG NHẤT CÁCH VIẾT CHỮ VIỆT
-
Dấu Mũ Trong Chữ Quốc Ngữ | HTTTD
-
Quy Tắc Chính Tả - Dấu Thanh đặt Trên Hoặc Dưới Nguyên âm - Facebook
-
â - Wiktionary Tiếng Việt
-
Ký Hiệu Dấu Cho Chữ Quốc Ngữ - Kiều Trường Lâm
-
Bảng Chữ Cái Tiếng Việt Chuẩn Theo Bộ GD&ĐT Mới Nhất 2022
-
Bảng Chữ Cái Tiếng Việt Và Những Lưu ý
-
Cách Ghi Dấu Thanh Trong âm Tiết Tiếng Việt - Học Tốt
-
Tìm Hiểu Về Bảng Chữ Cái Tiếng Việt đầy đủ Nhất - Nội Thất VITO
-
Bảng Chữ Cái Tiếng Việt Mới Và đầy đủ Nhất - Du Học Netviet
-
Kiểu Gõ Telex, Cách Gõ Telex Và Bảng Mã Tiếng Việt Telex
-
Bảng Chữ Cái Tiếng Việt Chuẩn Và Đầy đủ Mới Nhất - Review EDU
-
Giúp Bé Học Bảng Chữ Cái Tiếng Việt Và Dấu Hiệu Quả Nhờ 9 Mẹo Này!
-
Các Dấu Trong Tiếng Việt Và Những Nguyên Tắc Bất Biến - Monkey
-
BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG VIỆT - Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng