[66] Trách Nhiệm Pháp Lý Quốc Tế Của Quốc Gia - Luật Pháp Quốc Tế

Giới thiệu chung – Hành vi sai phạm quốc tế – Nội dung trách nhiệm pháp lý – Hoàn cảnh loại trừ tính chất sai phạm – Vi phạm nghiêm trọng quy phạm jus cogens – Quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với quốc gia sai phạm – Biện pháp đối kháng

“Any system of law must address the responsibility of its subjects for breaches of their obligations.” – James Crawford, 2013.

Giới thiệu chung

Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là hệ quả pháp lý phát sinh khi quốc gia có hành vi sai phạm quốc tế (gọi tắt là trách nhiệm quốc gia – state responsibility). Nguồn của luật quốc tế điều chỉnh trách nhiệm quốc gia là tập quán quốc tế; cho đến nay không có bất kỳ điều ước quốc tế chung nào được ký kết trong ngành luật này. Văn bản quan trọng nhất về trách nhiệm quốc gia là một văn bản không ràng buộc, đính kèm theo một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc – Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001 (Articles on International Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts – viết tắt là ARSIWA). Văn bản ARSIWA do Uỷ ban Luật Quốc tế (ILC) dự thảo và thông qua năm 2001; văn bản dự thảo đi kèm với thuyết minh từng điều khoản có thể xem tại đây. Khác với các dự thảo điều khoản từng được soạn thảo, ILC không khuyến nghị Đại hội đồng thông qua như một công ước quốc tế hay triệu tập một hội nghị ngoại giao để thông qua công ước như thế. Về nguyên tắc văn bản ARSIWA chỉ nên được xem là ý kiến học giả hoặc luật mềm, nhưng nhiều điều khoản trong ARSIWA đã từng được các toà án quốc tế công nhận là phản ánh tập quán quốc tế.

Cũng lưu ý rằng trong luật pháp quốc tế, không có sự phân chia thành các hình thức trách nhiệm pháp lý như trong hệ thống pháp luật quốc gia.[1] Thông thường, luật pháp quốc gia thường chia trách nhiệm pháp lý thành trách nhiệm trách nhiệm dân sự – trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hợp đồng (contractual) và trách nhiệm ngoài hợp đồng (tortious). Pháp luật Việt Nam phân chia trách nhiệm thành trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính và kỷ luật. Trong luật pháp quốc tế, trách nhiệm pháp lý của một quốc gia chỉ đơn thuần là các nghĩa vụ phát sinh do vi phạm luật pháp quốc tế. Cũng lưu ý rằng trong chỉ duy nhất luật hình sự quốc tế, luật pháp quốc tế có quy định riêng về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm này chỉ áp dụng cho các cá nhân. Ví dụ nếu một quốc gia xâm lược quốc gia khác thì hành vi xâm lượng sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia, còn trách nhiệm hình sự sẽ áp dụng cho lãnh đạo của quốc gia đó nếu có vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Điều 1 ARSIWA quy định rằng “Mỗi hành vi sai phạm quốc tế của một Quốc gia đều làm phát sinh trách nhiệm quốc tế đối với Quốc gia đó.” Quy định này đã được các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng như một quy định hay nguyên tắc pháp lý quốc tế từ rất lâu (như Toà PCIJ) cho đến hiện nay.[2] Các phần dưới sẽ giới thiệu sơ lược về (1) hành vi sai phạm quốc tế, (2) Nội dung của trách nhiệm pháp lý quốc tế, (3) các hoàn cảnh loại trừ tính sai phạm quốc tế, và (4) vi phạm quy phạm jus cogens.

  1. Cấu thành hành vi sai phạm quốc tế

Điều 2 ARSIWA quy định hành vi sai phạm quốc tế (internationally wrongful acts) của một quốc là là hành vi “bao gồm hành động và không hành động (a) được quy cho quốc gia đó theo luật pháp quốc tế và (b) cấu thành một vi phạm nghĩa vụ của quốc gia đó.” Hành vi của quốc gia có thể là hành động (thực hiện việc gì đó trái với quy định của luật quốc tế) hoặc không hành động (không thực hiện việc gì đó mà luật quốc tế bắt buộc thực hiện). Trong Vụ kênh Corfu, Toà ICJ đã quy trách nhiệm cho Albani khi nước này biết hoặc phải biết việc đặt thuỷ lôi ở lãnh hải của mình ở kênh Corfu và không làm gì để cảnh báo các nước khác.[3] Trong Vụ bắt giữ con tin, Toà cũng quy trách nhiệm cho Iran khi không thực hiện bất kỳ biện pháp phù hợp nào để bảo vệ trụ sở, nhân viên và tài liệu của Đại sứ quán Mỹ.[4] Gần đây hơn, trong Vụ nhà máy bột giấy, Toà ICJ đã kết luận Uruguay đã vi phạm các nghĩa vụ thủ tục theo Quy chế sông Uruguay năm 1975 khi cho phép xây dựng các hai nhà máy bột giấy trên sông Uruguay mà không thông tin trước cho Uỷ ban hành chính Sông Uruguya, không thông báo trước cho Aghentina và không hoàn thành nghĩa vụ đám phán với Aghentina.[5]

Một điểm cần lưu ý là ARSIWA quy trách nhiệm cho quốc gia một cách khách quan và không cần chứng minh yếu tố lỗi (fault).[6] Nói cách khác yếu tố lỗi không phải là một cấu thành của hành vi sai phạm quốc tế – đây là điểm khác với nội luật Việt Nam.

  1. Hành vi của một quốc gia

Hành vi này nhất định phải được quy cho quốc gia, nói cách khác, đây phải là hành vi của quốc gia chứ không phải hành vi của cá nhân hay tổ chức nào đó. Vậy làm thế nào để xác định hành vi nào của hơn 90 triệu người dân và hàng trăm nghìm cơ quan, tổ chức, pháp nhân tại Việt Nam là hành vi của nước CHXHCN Việt Nam? Đây là câu hỏi quan trọng, nên ILC đã dự thảo riêng 8 điều khoản trong trong Chương II của ARSIWA. Quốc gia là một thực thể trừu tượng pháp lý (a abstract legal entity), không thể tự “hành động” trên thực tế, mà vận hành và thực hiện hành vi thông qua các cơ quan nhà nước và nhân viên thực thi công vụ của mình.[7] Nhìn chung, mọi hành vi của cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, những người khác thực thi quyền lực nhà nước hay được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm soát, thừa nhận của một quốc gia đều sẽ được quy là hành vi quốc gia.

Cụ thể, ARSIWA quy định các hành vi của các cơ quan, tổ chức sẽ được quy cho quốc gia nếu các hành vi đó là:

  • Hành vi của cơ quan nhà nước của quốc gia đó, bất kể cơ quan này thực thi chức năng lập pháp, hành pháp hay tư pháp hay bất kỳ chức năng hay có vị trí gì trong cơ cấu tổ chức nhà nước quốc gia đó. Cơ quan nhà nước bao gồm cả cơ quan trung ương và cơ quan ở địa phương (như ở Việt Nam là các cấp tỉnh, huyện và xã). Cơ quan nhà nước có thể là bất kỳ người nào hoặc thực thể được xác định theo nội luật của quốc gia đó. (Điều 4 ARSIWA)
  • Hành vi của người hay thực thể không phải là cơ quan nhà nước nhưng được luật pháp quốc gia giao thực thi quyền lực nhà nước (governmental authority). (Điều 5 ARSIWA). ILC thuyết minh rằng Điều 5 không có ý định xác định rõ phạm vi của quyền lực nhà nước mà yếu tố này phụ thuộc vào từng xã hội cụ thể, cùng với lịch sử và truyền thống của xã hội đó.[8] Khi xem xét cần tính đến không chỉ nội dung của quyền lực được trao mà còn cách thức và mục đích trao quyền lực nhà nước và phạm vi mà cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm với nhà nước khi thực thi các quyền lực đó.[9] Xét riêng Việt Nam, câu hỏi có thể được đặt ra là hành vi của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội có được xem là hành vi của nước CHXHCN Việt Nam hay không khi Hiến pháp và luật pháp quy định trao một số quyền lực cho các tổ chức này?[10]
  • Hành vi của cơ quan, tổ chức của một quốc gia nhưng cho quốc gia khác sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước của quốc gia khác đó. Hành vi được quy cho quốc gia sử dụng nếu cơ quan, tổ chức đó thực hiện hành vi trong phạm vi thực thi quyền lực nhà nước của quốc gia sử dụng. (Điều 6 ARSIWA)
  • Hành vi của cơ quan nhà nước hay người, thực thể thực thi quyền lực nhà nước ở các Điều 4, 5 và 6 cũng được quy cho quốc gia kể cả khi hành vi đó vượt thẩm quyền (ultra vires) mà quốc gia đó cho phép. (Điều 7 ARSIWA) Logics ở đây là luật pháp quốc tế áp đặt cho quốc gia phải kiểm soát hữu hiệu đối với các cơ quan, tổ chức và nhân viên của mình. Quốc gia không thể phủ nhận hành vi của mình với lý do cơ quan, tổ chức, nhân viên nhà nước đã vượt thẩm quyền, làm trái chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Hành vi của một người hay nhóm người theo hướng dẫn, chỉ đạo hay dưới sự kiểm soát của một quốc gia cũng được quy cho quốc gia đó. (Điều 8) Ví dụ như trong Vụ Nicaragua v. Mỹ, Toà ICJ đã xem xét liệu có quy tất cả các hành vi của nhóm phiến quân ở Nicargua được Mỹ hậu thuẫn cho Mỹ hay không. Toà cho rằng về nguyên tắc những hành vi của nhóm phiến quân chỉ có thể quy cho Mỹ nếu có bằng chứng chứng Mỹ có sự kiểm soát hữu hiệu (effective control) đối với các chiến dịch của phiến quân bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế.[11]
  • Hành vi của một người hay nhóm người không được luật pháp quốc gia đó cho phép nhưng vẫn thực thi quyền lực nhà nước do hoàn cảnh yêu cầu và không có cơ quan, tổ chức hay nhân viên nhà nước nào tại thời điểm đó thực thi quyền lực nhà nước. (Điều 9)
  • Hành vi của các nhóm nổi dậy, các phong trào thành lập chính phủ mới hay thành công hình thành một quốc gia mới từ lãnh thổ của quốc gia cũ cũng được quy cho quốc gia mới đó. (Điều 10)
  • Các hành vi khác được quốc gia công nhận là hành vi của mình. (Điều 11) Trong Vụ bắt giữ con tin, Toà ICJ đã kết luận việc Lãnh tụ tối cao Khomeini và các cơ quan khác của Iran ủng hộ và chấp nhận việc chiếm đóng và bắt giữ nhân viên ngoại giao và lãnh sự của những người tham gia Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đã làm cho hành vi bắt giữ con tin trở thành hành vi của quốc gia Iran.[12]
  1. Vi phạm nghĩa vụ quốc tế

Hành vi sai phạm quốc tế phải là hành vi của quốc gia vi phạm một hay nhiều nghĩa vụ của quốc gia thực hiện hành vi theo luật pháp quốc tế. Nghĩa vụ đó phải đang có hiệu lực với quốc gia đó tại thời điểm có hành vi liên quan, và bất kể nguồn gốc hay tính chất của nghĩa vụ đó là nghĩa vụ theo điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật, hành vi pháp lý đơn phương hay các nghĩa vụ từ những nguồn khác và jus cogens.[13] Lưu ý rằng trách nhiệm pháp lý của quốc gia phát sinh từ hành vi sai phạm quốc tế chứ không phải hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế, mặc dù vi phạm nghĩa vụ quốc tế là yếu tố cốt lõi. Kể cả khi xác định có hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp lý nhưng không thể quy định hành vi đó cho quốc gia thì cũng không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế cho quốc gia đó.

  1. Các hình thức chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế

Khi có hành vi sai phạm quốc tế, quốc gia phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế, là hệ quả của hành vi sai phạm quốc tế. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia có nội dung chính là ba nghĩa vụ phát sinh theo luật pháp quốc tế áp đặt lên cho quốc gia có hành vi sai phạm: (1) nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bị vi phạm,[14] (2) nghĩa vụ chấm dứt hành vi vi phạm và không được tái phạm,[15] và (3) nghĩa vụ khắc phục hậu quả cho thiệt hại gây ra.[16] Nghĩa vụ khắc phục hậu quả phải được thực hiện đầy đủ (full reparation) cho tất cả thiệt hại phát sinh, bao gồm thiệt hại vật chất và tinh thần.[17] Khi xem xét hình thức và nội dung khắc phục hậu quả trong một vụ việc cụ thể, cần xem xét đến liệu quốc gia bị thiệt hại hay cá nhân, tổ chức liên quan có đóng góp vào thiệt hại gây ra bằng hành vi cô hay hay vô ý của mình hay không.[18] Nói cách khác, nếu quốc gia chịu thiệt hại có hành động hoặc không hành động một cách cố ý hay vô ý làm cho thiệt hạn tăng lên thì có thể là yếu tố để giảm mức độ khắc phục hậu quả. Điều này khá tương tự như nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm trong pháp luật dân sự Việt Nam.[19]

“It is a principle of international law, and even a greater conception of law, that any breach of an engagement involves an obligation to make reparation.” – PCIJ, 1928.

Hình thức khắc phục hậu quả có thể bao gồm một hoặc kết hợp của khôi phục nguyên trạng (restitution), bồi thường thiệt hại (compensation) và trách nhiệm phi vật chất (satisfication).[20] Khôi phục nguyên trạng được áp dụng trong phạm vi khả thi và gánh nặng cho bên sai phạm không vượt quá mức bồi thường nếu áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại.[21] Nói cách khác, quốc gia sai phạm sẽ không bị buộc phải khôi phục nguyên trạng nếu chứng minh là việc này không khả thi và bồi thường thiệt hại sẽ có lợi hơn cho bên sai phạm. Bồi thường thiệt hại có lẻ là hình thức chịu trách nhiệm pháp lý phổ biến nhất,[22] yêu cầu phải bao quát tất cả các thiệt hại có thể quy thành giá trị tài chính, bao gồm cả tiền lãi phát sinh.[23] Trách nhiệm phi vật chất áp dụng cho các thiệt hại không thể khắc phục bằng khôi phục nguyên trạng và bồi thường, có thể là việc thừa nhận vi phạm, tuyên bố lấy làm tiếc, xin lỗi chính thức hoặc các hình thức khác.[24]

Trong Vụ liên quan đến các nhà máy bột giấy trên sông Uruguay, sau khi kết luận Uruguya đã vi phạm một số nghĩa vụ, Toà đã xem xét các yêu cầu của Aghentina về trách nhiệm pháp lý phát sinh cho Uruguya. Aghentina đã yêu cầu Toà buộc Uruguay (i) chấm dứt hành vi sai phạm, (ii) khôi phục nguyên trạng, (iii) bồi thường thiệt hại, và (iv) cam kết không tái phạm. Do tính chất của vi phạm chỉ liên quan đến các nghĩa vụ thủ tục mà không vi phạm vào nghĩa vụ thực chất, Toà bác bỏ tất cả các yêu cầu của Aghentina và cho rằng việc kết luận Uruguya đã có hành vi sai phạm như một trách nhiệm phi vật chất đã là đầy đủ.[25]

  1. Các hoàn cảnh loại trừ tính chất sai phạm

Về nguyên tắc mọi vi phạm nghĩa vụ pháp lý được quy cho quốc gia đều cấu thành hành vi sai phạm quốc tế và kéo theo trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, như gần như mọi quy định pháp lý, nguyên tắc trên có ngoại lệ. Các hoàn cảnh sau đây nếu được xác lập có thể loại trừ tính chất sai phạm của hành vi vi phạm và qua đó không phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia vi phạm (Điều 20 – 26):

  • Có sự đồng ý của quốc gia chịu thiệt hại;
  • Là hành vi tự vệ hợp pháp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc;
  • Là biện pháp đối kháng (countermeasures) đối với hành vi sai phạm quốc tế của quốc gia khác (xem mục 6 bên dưới về điều kiện và giới hạn của biện pháp đối kháng);
  • Trong hoàn cảnh bất khả kháng (force majeure) do sự xuất hiện của các hiện tượng không thể phản kháng hoặc các sự kiện không thể dự kiến trước, vượt quá sự kiểm soát của quốc gia vi phạm, khiến cho việc thực thi nghĩa vụ là không thể;
  • Thực hiện trong hoàn cảnh nguy hiểm (distress) để cứu sinh mạng của những người vi phạm hoặc những người khác mà người vi phạm có trách nhiệm mà không có bất kỳ cách nào khác ngoài thực hiện hành vi vi phạm;
  • Do tính cấp thiết (necessity) khi việc vi phạm nghĩa vụ là cách duy nhất để quốc gia vi phạm bảo vệ lợi ích thiết yếu chống lại một nguy cơ nghiêm trọng nhãn tiền và đồng thời, hành vi vi phạm không gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích thiết yếu của quốc gia khác mà quốc gia vi phạm có nghĩa vụ phải thực hiện;
  • Là hành vi tuân thủ quy phạm jus cogens.

Lưu ý quan trọng là theo Điều 27  kể cả khi xác lập hoàn cảnh để loại trừ tính sai phạm của hành vi vi phạm, hiệu lực loại trừ này chỉ giới hạn trong giai đoạn hoàn cảnh đó tồn tại chứ không giải thoát quốc gia khỏi nghĩa vụ bị vi phạm hoàn toàn, và đồng thời không ảnh hưởng đến việc bồi thường thiệt hại gây ra do hành vi vi phạm.[26] Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này không phải là một hình thức khắc phục hậu quả ở Điều 36 ARSIWA nêu ở mục trên, vì trong trường hợp viện dẫn hoàn cảnh loại trừ thì quốc gia vi phạm không có trách nhiệm pháp lý phát sinh. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ở Điều 27 này là một nghĩa vụ phát sinh khi có vi phạm nhưng không cấu thành sai phạm, nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan. Quốc gia vi phạm không được xem là sai phạm và không có trách nhiệm pháp lý phát sinh cho mình, đồng thời, quốc gia bị thiệt hại do vi phạm cũng được bảo đảm quyền lợi mà không phải hi sinh lợi ích để bảo vệ lợi ích của quốc gia vi phạm.[27]

  1. Vi phạm nghiêm trọng quy phạm jus cogens

Bên cạnh trách nhiệm pháp lý chung áp dụng cho tất cả các hành vi sai phạm quốc tế, một số nghĩa vụ đặc biệt sẽ phát sinh nếu nghĩa vụ bị vi phạm là quy phạm jus cogens (Điều 40 – 41 ARSIWA). Do tính chất quan trọng với hiệu lực pháp lý tối cao của mình, vi phạm quy phạm jus cogens cần được xử lý đặc biệt (xem thêm về jus cogens tại đây). Lưu ý rằng Điều 40 – 41 chỉ giới hạn trong các vi phạm nghiêm trọng, theo nghĩa, vi phạm này là việc không thực hiện nghĩa vụ theo quy phạm jus cogens một cách có hệ thống hoặc phổ biến. Khi vi phạm quy phạm jus cogens phát sinh, tất cả các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác nhằm chấm dứt hành vi vi phạm, và không được phép công nhận tính hợp pháp của hoàn cảnh tạo ra do vi phạm.[28] Đây là các nghĩa vụ áp dụng cho tất cả và từng quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

  1. Quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm quốc tế

Quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm quốc tế được quy định ở Điều 42 – 48 ARSIWA. Quyền yêu cầu này chỉ thuộc về quốc gia bị thiệt hại do hành vi sai phạm, và trong một số trường hợp ngoại lệ thuộc về những quốc gia khác. Theo Điều 42, về nguyên tắc chỉ có quốc gia bị thiệt hại mới có quyền yêu cầu (hay quyền khởi kiện trong một số trường hợp). Một quốc gia được xem là quốc gia bị thiệt hại (a injured state) có quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm nếu nghĩa vụ vi phạm là nghĩa vụ (a) đối với cá nhân quốc gia đó, hoặc (b) đối với một nhóm quốc gia bao gồm quốc gia đó hay đối với toàn thể cộng đồng quốc tế mà vi phạm nghĩa vụ ảnh hưởng đặc biệt đến quốc gia đó hoặc có tính chất làm thay đổi cơ bản vị thế của tất cả các quốc gia trong quá trình thực thi nghĩa vụ đó trong tương lai.

Trường hợp (a) nghĩa vụ bị vi phạm thường là nghĩa vụ nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, hoặc nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế đa phương nhưng việc thực hiện mang tính chất song phương (ví dụ nghĩa vụ của quốc gia sở tại phải có biện pháp cần thiết để bảo vệ trụ sở ngoại giao của một quốc gia khác trên lãnh thổ của mình theo Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1966).[29] Trường hợp (b) điều chỉnh quyền của một quốc gia được xem là quốc gia bị thiệt hại khi có vi phạm đối với một nghĩa vụ mang tính chất tập thể và quốc gia đó bị thiệt hại do chịu ảnh hưởng đặc biệt hoặc do vi phạm làm thay đổi cơ bản vi thế của tất cả các quốc gia khác. Trường hợp vi phạm làm thay đổi cơ bản vị thế của tất cả các quốc gia khác cùng chịu ràng buộc bởi một nghĩa vụ thường là các nghĩa vụ liên quan đến giải trừ quân bị, thiết lập khu vực phi hạt nhân hoặc các nghĩa vụ khác mà việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên chỉ có thể nếu tất cả và từng quốc gia khác cũng thực hiện.[30] Ví dụ như nếu một quốc gia thành viên ASEAN vi phạm nghĩa vụ thiết lập khu vực phi hạt nhân theo Hiệp ước về Khu vực phi hạt nhân Đông Nam Á thì vị thế của tất cả các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng – từng quốc gia sẽ có quyền yêu cầu như quốc gia bị thiệt hại.

Quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm còn được ILC mở rộng ra cho các quốc gia khác không phải là quốc gia bị thiệt hại. Điều 48 quy định bất kỳ quốc gia nào không phải là quốc gia vi phạm cũng có quyền yêu cầu nếu (a) nghĩa vụ đó là một nghĩa vụ tập thể của một nhóm quốc gia và nhằm bảo vệ lợi ích tập thể của cả một nhóm quốc gia đó, hoặc (b) nghĩa vụ đó là nghĩa vụ đối với toàn thể cộng đồng quốc tế (nghĩa vụ mang tính chất erga omnes). Quốc gia có quyền yêu cầu theo Điều 48 không phải với tư cách là quốc gia chịu thiệt hại như ở Điều 42 mà với tư cách là thành viên của một nhóm quốc gia hay của cộng đồng quốc tế. Việc quy định cho phép quốc gia không phải là quốc gia bị thiệt hại được quyền yêu cầu nhằm lấp khoảng trống trong việc cưỡng chế chống lại các vi phạm nghĩa vụ chung nhằm bảo vệ lợi ích tập thể. Ví dụ như các nghĩa vu về bảo vệ môi trường trên biển cả chẳng hạn; nếu một quốc gia vi phạm nhưng vi phạm đó chưa đến mức tạo ra thiệt hại cho bất kỳ quốc gia nào. Nếu không có quy định như vậy, vi phạm diễn ra nhưng không có bất kỳ quốc gia nào được quyền yêu cầu do không là quốc gia bị thiệt hại.

  1. Biện pháp đối kháng

Luật pháp quốc tế là một hệ thống phi tập trung, không có cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp thống nhất với thẩm quyền phổ quát đối với các quốc gia. Với đặc trưng như thế, việc cho phép các quốc gia áp dụng biện pháp đối kháng chống lại quốc gia sai phạm là hợp lý và cần thiết. Điều 49 – 54 ARSIWA quy định về điều kiện và giới hạn pháp lý cho việc áp dụng biện pháp đối kháng.

Biện pháp đối kháng là biện pháp được thực hiện bởi quốc gia bị thiệt hại chống lại quốc gia sai phạm mà nếu trong hoàn cảnh bình thường các biện pháp này được xem là vi phạm nghĩa vụ pháp lý quốc tế.[31] Biện pháp đối kháng được xem là hợp pháp nếu (i) nhằm mục đích buộc quốc gia vi phạm phải tuân thủ nghĩa vụ chịu trách nhiệm pháp lý (như nghĩa vụ khắc phục hậu quả),[32] (ii) có tính chất tương xứng với thiệt hại và quyền bị ảnh hưởng,[33] và (iii) là biện pháp khả dĩ cuối cùng để buộc quốc gia sai phạm chịu trách nhiệm.[34] Biện pháp đối kháng phải nhằm vào quốc gia sai phạm[35] và phải chấm dứt khi quốc gia sai phạm đã tuân thủ các nghĩa vụ chịu trách nhiệm.[36]

Biện pháp đối kháng không được ảnh hưởng đến nghĩa vụ cấm sử dụng vũ lực, bảo vệ các quyền con người cơ bản, các nghĩa vụ có tính chất nhân đạo cấm trã đũa, và các nghĩa vụ theo quy phạm jus cogens khác.[37] Nói cách khác, biện pháp đối kháng sẽ được xem là vi phạm luật quốc tế nếu trái với các vi phạm trên, ví dụ như đối kháng bằng vũ lực trái Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc hay đối kháng lại vi phạm của một bên về bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang bằng việc thực hiện hành vi tương tự đối với dân thường của quốc gia đối địch.

Trần H. D. Minh

————————————————————————-

[1] ILC, Draft Articles on State Responsibility 2001, Article 1, in trong Yearbook of International Law Commission, 2001, vol. II, Part Two, tr. 55. [gọi tắt là DARSIWA].   [2] Như trên, tr. 32.

[3] Vụ kênh Corfu (Anh v. Albani), Phán quyết về nội dung của Toà ICJ năm 1949, tr. 22 – 23.

[4] Vụ nhân viên ngoại giao và lãnh sự Mỹ tại Tehran (Mỹ v. Iran), Phán quyết của Toà năm 1980, đoạn 63, 67.

[5] Vụ các nhà máy bột giấy trên sông Uruguay (Aghentina v. Uruguay), Phán quyết của Toà ICJ năm 2010, đoạn 158.

[6] James Crawford và Simon Olleson, ‘The Character and Forms of International Responsibility’,  in trong Malcolm Evans (ed.), International Law, 4th ed., OUP, 2014, tr. 462.

[7] Malcolm N. Shaw, International Law, 6th ed., CUP, 2008, tr. 786; DARSIWA with commentaries, tr. 35.

[8] DARSIWA with commentaries, tr. 43.   [9] Như trên.

[10] Nhận thức chung là các cơ quan Đảng và tổ chức chính trị-xã hội không là cơ quan nhà nước nhưng luật pháp Việt Nam có quy định trao các quyền pháp lý cho các tổ chức này. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội theo Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Các tổ chức chính trị – xã hội đều có luật riêng điều chỉnh và đều được trao quyền như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao trách nhiệm trong việc tiếp công dân, tham gia công tác giải quyết khuếu nại, tố cáo, đặc xá, cử bào chữa viên nhân dân, tham gia xây dựng nhà nước, hoạt động giám sát,… (xem Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.)

[11] Vụ hoạt động quân sự và bán quân sự của Mỹ trong và chống lại Nicaragua (Nicaragua v. Mỹ), Phán quyết về nội dung của Toà ICJ năm 1986, đoạn 115.

[12] Vụ nhân viên ngoài giao và lãnh sự của Mỹ tại Tehran (Mỹ v. Iran), Phán quyết của Toà ICJ năm 1980, đoạn 74.

[13] DARSIWA with commentaries, tr. 35.   [14] DARSIWA, Điều 29.   [15] DARSIWA, Điều 30.   [16] DARSIWA, Điều 31, 34 – 39.   [17] DARSIWA, Điều 31.   [18] DARSIWA, Điều 39.   [19] Bộ luật dân sự Việt Nam, Điều 362.   [20] DARSIWA, Điều 34.   [21] ARSIWA, Điều 35.   [22] ARSIWA with commentaries 2001, tr. 99.   [23] ARSIWA, Điều 36 và 38.   [24] ARSIWA, Điều 37.

[25] Vụ các nhà máy bột giấy trên sông Uruguay (Aghentina v. Uruguay), Phán quyết của Toà ICJ năm 2010, đoạn 267 – 280.

[26] ARSIWA, Điều 27.   [27] DARSIWA with commentaries 2001, tr. 86.   [28] ARSIWA, Điều 41.   [29] DARSIWA with commentaries 2001, tr. 118.   [30] Như trên, tr. 119.   [31] Như trên, tr. 128.   [32] ARSIWA, Điều 49(1).   [33] ARSIWA, Điều 51.   [34] ARSIWA, Điều 52(1) quy định về việc biện pháp đối kháng chỉ có thể thực hiện sau khi quốc gia bị thiệt hại đã kêu gọi quốc gia sai phạm chấm dứt vi phạm và tuân thủ các nghĩa vụ, và đã thông báo trước các biện pháp cũng như để xuất đàm phán.   [35] ARSIWA, Điều 49(1).   [36] ARSIWA, Điều 53.   [37] ARSIWA, Điều 50(1).

52.094709 5.123987

Chia sẻ:

  • Tweet
Thích Đang tải...

Từ khóa » Ví Dụ Về Trách Nhiệm Pháp Lý Quốc Tế