Trách Nhiệm Pháp Lý Quốc Tế Của Quốc Gia (State Responsibility) Là Gì?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là gì?
  • 2 2. Trách nhiệm của các quốc gia vi phạm các cam kết quốc tế:
  • 3 3. Các loại và hình thức trách nhiệm pháp lý quốc tế:
  • 4 4. Quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm quốc tế:

1. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là gì?

Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là hệ quả pháp lý phát sinh khi quốc gia có hành vi sai phạm quốc tế. Nguồn của luật quốc tế điều chỉnh trách nhiệm quốc gia là tập quán quốc tế; cho đến nay không có bất kỳ điều ước quốc tế chung nào được ký kết trong ngành luật này. Văn bản quan trọng nhất về trách nhiệm quốc gia là một văn bản không ràng buộc, đính kèm theo một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc – Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001 (Articles on International Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts – viết tắt là ARSIWA). Văn bản ARSIWA do Uỷ ban Luật Quốc tế (ILC) dự thảo và thông qua năm 2001. Khác với các dự thảo điều khoản từng được soạn thảo, ILC không khuyến nghị Đại hội đồng thông qua như một công ước quốc tế hay triệu tập một hội nghị ngoại giao để thông qua công ước như thế. Về nguyên tắc văn bản ARSIWA chỉ nên được xem là ý kiến học giả hoặc luật mềm, nhưng nhiều điều khoản trong ARSIWA đã từng được các toà án quốc tế công nhận là phản ánh tập quán quốc tế.

Cũng lưu ý rằng trong luật pháp quốc tế, không có sự phân chia thành các hình thức trách nhiệm pháp lý như trong hệ thống pháp luật quốc gia. Thông thường, luật pháp quốc gia thường chia trách nhiệm pháp lý thành trách nhiệm trách nhiệm dân sự – trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hợp đồng (contractual) và trách nhiệm ngoài hợp đồng (tortious). Pháp luật Việt Nam phân chia trách nhiệm thành trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính và kỷ luật. Trong luật pháp quốc tế, trách nhiệm pháp lý của một quốc gia chỉ đơn thuần là các nghĩa vụ phát sinh do vi phạm luật pháp quốc tế. Cũng lưu ý rằng trong chỉ duy nhất luật hình sự quốc tế, luật pháp quốc tế có quy định riêng về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm này chỉ áp dụng cho các cá nhân. Ví dụ nếu một quốc gia xâm lược quốc gia khác thì hành vi xâm lượng sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia, còn trách nhiệm hình sự sẽ áp dụng cho lãnh đạo của quốc gia đó nếu có vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Điều 1 ARSIWA quy định rằng “Mỗi hành vi sai phạm quốc tế của một Quốc gia đều làm phát sinh trách nhiệm quốc tế đối với Quốc gia đó.” Quy định này đã được các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng như một quy định hay nguyên tắc pháp lý quốc tế từ rất lâu (như Toà PCIJ) cho đến hiện nay.

Các phần dưới sẽ giới thiệu sơ lược về hành vi sai phạm quốc tế; Nội dung của trách nhiệm pháp lý quốc tế; các hoàn cảnh loại trừ tính sai phạm quốc tế, và vi phạm quy phạm jus cogens.

Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia gọi tắt là trách nhiệm quốc gia tiếng anh là: “State responsibility”

2. Trách nhiệm của các quốc gia vi phạm các cam kết quốc tế:

Quốc gia vi phạm cam kết quốc tế khi có các hành vi không phù hợp với các nghĩa vụ mà quốc gia đó đã cam kết. Cam kết có thể xuất hiện trên cơ sở các quy phạm tập quán và quy phạm điều ước, từ các quyết định của tổ chức quốc tế, tòa án quốc tế hoặc văn bản đơn phương của chủ thể luật quốc tế. Hậu quả vi phạm pháp luật phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội và thiệt hại mà hành vi đó gây ra, tức là hành vi càng nghiêm trọng thì có thể dẫn đến thiệt hại càng nhiều. Dựa trên tiêu chí thời gian, trong lý luận luật quốc tế có hai loại vi phạm pháp luật: Một là, sự vi phạm Luật quốc tế xẩy ra tại thời điểm thực hiện một hành vi trái luật (không thường xuyên), ví dụ như việc chiếm đóng trái phép một quốc gia mà không có sự phê chuẩn về việc đó của LHQ; và Hai là, có tính chất thường xuyên, tức là luôn đang trong quá trình thực hiện.

Để xác định một hành vi vi phạm luật quốc tế cần xét đến các yếu tố như: hành vi; chủ thể; khách thể (đối tượng bị xâm hại); thiệt hại; và mối quan hệ nhân quả. Chú ý rằng, thực tiễn quan hệ pháp luật quốc tế hiện nay không xem hành vi “lỗi” của chủ thể vi phạm là một trong các yếu tố có tính điều kiện để xác định trách nhiệm pháp lý quốc tế.

Yếu tố thứ nhất, vi phạm pháp luật có thể thực hiện bằng các hành vi chủ động hoặc thụ động, kể cả không hành động. Đó là hành vi trái luật được Luật quốc tế quy định và dự kiến trừng phạt nếu vi phạm (Nghị quyết số 56/83 của Đại hội đồng LHQ về trách nhiệm), tức là có sự vi phạm cam kết trái Luật quốc tế, quốc gia vi phạm luật quốc tế khi hành vi của quốc gia đó không phù hợp với các nội dung mà chính họ đã cam kết, không phụ thuộc vào nguồn gốc hoặc tính chất.

Yếu tố thứ hai, chủ thể chịu trách nhiệm về vi phạm Luật quốc tế, có thể chỉ là các chủ thể của luật công, mà trước hết là các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, Công ước “Về trách nhiệm của quốc gia vì các hành vi trái Luật quốc tế” (2001) không điều chỉnh thủ tục truy cứu trách nhiệm đối với tổ chức quốc tế, kế cả trường hợp quốc gia hành động vì tổ chức quốc tế.

Yếu tố về khách thể, tức là lợi ích mà vì nó chủ thể đã thực hiện hành vi xâm phạm trái luật. Trong Luật quốc tế, khách thể có thể vật chất, ví dụ như tài sản, hoặc là lợi ích phi vật chất, ví dụ như hòa bình và an ninh, danh dự, nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan ngoại giao và lãnh sự.

Yếu tố thiệt hại là dấu hiệu tất yếu cấu thành hành vi trái luật, là cơ sở đặc biệt quan trọng để đưa ra các trừng phạt. Thiệt hại vật chất gồm hai loại: thiệt hại thực tế (tức là thiệt hại tài sản) và thiệt hại vì bỏ lỡ cơ hội (tức là thiệt hại mà vì hành vi trái luật đã làm mất khả năng tạo ra lợi ích). Thiệt hại phi vật chất, ví dụ như sự hạn chế chủ quyền quốc gia, hoặc làm cho suy giảm uy tín của quốc gia. Yếu tố về quan hệ nhân-quả, tức là giữa hành vi trái luật và hậu quả do hành vi trái luật gây ra cho bên bị hại.

Công ước “Về trách nhiệm của quốc gia vì các hành vi trái Luật quốc tế” năm 2001 quy định trách về nhiệm bồi thường đầy đủ chỉ phát sinh trong trường hợp thiệt hại gây ra bởi các hành vi trái Luật quốc tế có liên quan đến thiệt lại, tức là chỉ phải bồi thường cho thiệt hại là kết quả của hành vi trái luật gây ra, mà không phải là các hậu quả khác liên quan tới hành vi trái luật. Đôi khi, quan hệ nhân-quả rất khó xác định vì thiệt hại được gây ra bởi nhiều yếu tố. Ví dụ, vụ gây ra thiệt hại cho hai chiếc tàu Anh trong eo biển Corfu, không chỉ vì Albania đã không thông báo về ngư lôi có dưới nước, mà còn có liên quan đến quốc gia thứ ba đã đặt ngư lôi trước đó, do đó, việc truy cứu trách nhiệm không chỉ  đối với Albania, mà còn với cả quốc gia đã đặt ngư lôi.

Từ những những phân tích trên, có thể cho rằng cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý quốc tế là sự vi phạm các cam kết quốc tế đã được định chế bằng các quy phạm của Luật quốc tế và sự hiện diện của các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật, bao gồm: hành vi, chủ thể, khách thể, thiệt hại và quan hệ nhân-quả giữa hành vi trái luật gây nguy hiểm cho xã hôi và hậu quả của hành vi đó.

3. Các loại và hình thức trách nhiệm pháp lý quốc tế:

Khi có hành vi sai phạm quốc tế, quốc gia phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế, là hệ quả của hành vi sai phạm quốc tế. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia có nội dung chính là ba nghĩa vụ phát sinh theo luật pháp quốc tế áp đặt lên cho quốc gia có hành vi sai phạm: nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bị vi phạm; nghĩa vụ chấm dứt hành vi vi phạm và không được tái phạm và nghĩa vụ khắc phục hậu quả cho thiệt hại gây ra. Nghĩa vụ khắc phục hậu quả phải được thực hiện đầy đủ (full reparation) cho tất cả thiệt hại phát sinh, bao gồm thiệt hại vật chất và tinh thần. Khi xem xét hình thức và nội dung khắc phục hậu quả trong một vụ việc cụ thể, cần xem xét đến liệu quốc gia bị thiệt hại hay cá nhân, tổ chức liên quan có đóng góp vào thiệt hại gây ra bằng hành vi cô hay hay vô ý của mình hay không. Nói cách khác, nếu quốc gia chịu thiệt hại có hành động hoặc không hành động một cách cố ý hay vô ý làm cho thiệt hạn tăng lên thì có thể là yếu tố để giảm mức độ khắc phục hậu quả. Điều này khá tương tự như nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm trong pháp luật dân sự Việt Nam.

Hình thức khắc phục hậu quả có thể bao gồm một hoặc kết hợp của khôi phục nguyên trạng (restitution), bồi thường thiệt hại (compensation) và trách nhiệm phi vật chất (satisfication). Khôi phục nguyên trạng được áp dụng trong phạm vi khả thi và gánh nặng cho bên sai phạm không vượt quá mức bồi thường nếu áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại. Nói cách khác, quốc gia sai phạm sẽ không bị buộc phải khôi phục nguyên trạng nếu chứng minh là việc này không khả thi và bồi thường thiệt hại sẽ có lợi hơn cho bên sai phạm. Bồi thường thiệt hại có lẻ là hình thức chịu trách nhiệm pháp lý phổ biến nhất, yêu cầu phải bao quát tất cả các thiệt hại có thể quy thành giá trị tài chính, bao gồm cả tiền lãi phát sinh. Trách nhiệm phi vật chất áp dụng cho các thiệt hại không thể khắc phục bằng khôi phục nguyên trạng và bồi thường, có thể là việc thừa nhận vi phạm, tuyên bố lấy làm tiếc, xin lỗi chính thức hoặc các hình thức khác.

4. Quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm quốc tế:

Quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm quốc tế được quy định ở Điều 42 – 48 ARSIWA. Quyền yêu cầu này chỉ thuộc về quốc gia bị thiệt hại do hành vi sai phạm, và trong một số trường hợp ngoại lệ thuộc về những quốc gia khác. Theo Điều 42, về nguyên tắc chỉ có quốc gia bị thiệt hại mới có quyền yêu cầu (hay quyền khởi kiện trong một số trường hợp). Một quốc gia được xem là quốc gia bị thiệt hại (a injured state) có quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm nếu nghĩa vụ vi phạm là nghĩa vụ (a) đối với cá nhân quốc gia đó, hoặc (b) đối với một nhóm quốc gia bao gồm quốc gia đó hay đối với toàn thể cộng đồng quốc tế mà vi phạm nghĩa vụ ảnh hưởng đặc biệt đến quốc gia đó hoặc có tính chất làm thay đổi cơ bản vị thế của tất cả các quốc gia trong quá trình thực thi nghĩa vụ đó trong tương lai.

Trường hợp (a) nghĩa vụ bị vi phạm thường là nghĩa vụ nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, hoặc nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế đa phương nhưng việc thực hiện mang tính chất song phương (ví dụ nghĩa vụ của quốc gia sở tại phải có biện pháp cần thiết để bảo vệ trụ sở ngoại giao của một quốc gia khác trên lãnh thổ của mình theo Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1966). Trường hợp (b) điều chỉnh quyền của một quốc gia được xem là quốc gia bị thiệt hại khi có vi phạm đối với một nghĩa vụ mang tính chất tập thể và quốc gia đó bị thiệt hại do chịu ảnh hưởng đặc biệt hoặc do vi phạm làm thay đổi cơ bản vi thế của tất cả các quốc gia khác. Trường hợp vi phạm làm thay đổi cơ bản vị thế của tất cả các quốc gia khác cùng chịu ràng buộc bởi một nghĩa vụ thường là các nghĩa vụ liên quan đến giải trừ quân bị, thiết lập khu vực phi hạt nhân hoặc các nghĩa vụ khác mà việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên chỉ có thể nếu tất cả và từng quốc gia khác cũng thực hiện. Ví dụ như nếu một quốc gia thành viên ASEAN vi phạm nghĩa vụ thiết lập khu vực phi hạt nhân theo Hiệp ước về Khu vực phi hạt nhân Đông Nam Á thì vị thế của tất cả các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng – từng quốc gia sẽ có quyền yêu cầu như quốc gia bị thiệt hại.

Quyền yêu cầu quốc gia sai phạm phải chịu trách nhiệm còn được ILC mở rộng ra cho các quốc gia khác không phải là quốc gia bị thiệt hại. Điều 48 quy định bất kỳ quốc gia nào không phải là quốc gia vi phạm cũng có quyền yêu cầu nếu (a) nghĩa vụ đó là một nghĩa vụ tập thể của một nhóm quốc gia và nhằm bảo vệ lợi ích tập thể của cả một nhóm quốc gia đó, hoặc (b) nghĩa vụ đó là nghĩa vụ đối với toàn thể cộng đồng quốc tế (nghĩa vụ mang tính chất erga omnes). Quốc gia có quyền yêu cầu theo Điều 48 không phải với tư cách là quốc gia chịu thiệt hại như ở Điều 42 mà với tư cách là thành viên của một nhóm quốc gia hay của cộng đồng quốc tế. Việc quy định cho phép quốc gia không phải là quốc gia bị thiệt hại được quyền yêu cầu nhằm lấp khoảng trống trong việc cưỡng chế chống lại các vi phạm nghĩa vụ chung nhằm bảo vệ lợi ích tập thể. Ví dụ như các nghĩa vu về bảo vệ môi trường trên biển cả chẳng hạn; nếu một quốc gia vi phạm nhưng vi phạm đó chưa đến mức tạo ra thiệt hại cho bất kỳ quốc gia nào. Nếu không có quy định như vậy, vi phạm diễn ra nhưng không có bất kỳ quốc gia nào được quyền yêu cầu do không là quốc gia bị thiệt hại.

Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết:

– Công ước về trách nhiệm của quốc gia vì các hành vi trái Luật quốc tế năm 2001 ( ARSIWA);

Từ khóa » Ví Dụ Về Trách Nhiệm Pháp Lý Quốc Tế