Ðặc điểm Kiến Trúc Miếu Nhị Phủ Của Người Hoa Phúc Kiến ở TP ...

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có hơn 14 ngôi miếu của người Hoa gốc Phúc Kiến, đa số được xây dựng từ hơn 200 năm trước, số còn lại xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, tập trung chủ yếu ở địa bàn quận 5, như: Nguyễn Trãi, Triệu Quang Phục, Hải Thượng Lãn Ông, Lão Tử, Hồng Bàng… Trong đó, nổi bật hơn cả là miếu Nhị Phủ, hay còn gọi với tên chùa Ông Bổn, tọa lạc tại số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5.

1. ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC, TRANG TRÍ VÀ ĐIÊU KHẮC Ở MIẾU NHỊ PHỦ 

Kết cấu mặt bằng

Cổng Tam quan: Cổng được thiết kế đơn giản với kiến trúc ba cửa, gồm 1 cửa chính và 2 cửa phụ hai bên. Mái lợp ngói ống, trên mái trang trí các họa tiết tinh xảo, tạo thêm vẻ đẹp cho miếu. Phía trên cổng có tấm hoành phi ghi rõ tên gọi bằng chữ Hán: “Nhị Phủ Miếu”. Hai trụ cổng có đôi câu đối, nội dung ca ngợi công đức của thần.

Sân đền miếu – bố cục mặt bằng: Tất cả các miếu của người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh trong đó có miếu Nhị Phủ, đều có một khoảng sân ở phía trước để sử dụng vào mục đích cúng tế, sinh hoạt lễ hội. Toàn khu vực miếu có diện tích rộng khoảng 2,5ha, riêng phần sân miếu đã chiếm gần một nửa, phần còn lại là điện thờ và phòng làm việc của hội quán. Trước năm 1975, vào những ngày lễ chính, trong sân miếu có dựng sân khấu, mời đoàn hát cổ nhạc Mân Nam – Phúc Kiến đến biểu diễn và múa rồng theo truyền thống người Phúc Kiến. Sân có thể chứa được hàng trăm người đến tham dự lễ tế, lễ hội, xem hát tuồng hay các cuộc biểu diễn, thi đấu thể thao.

Khi xây dựng bất kỳ công trình nào, người Hoa đều xác định trục xây dựng chính theo hướng Bắc – Nam và miếu Nhị Phủ cũng không ngoại lệ. Các gian nhà chính nằm nối tiếp nhau theo trục Bắc – Nam, với xu hướng mở về hướng Nam và hai phía Đông – Tây khép kín bởi những công trình phụ, như: tường, hành lang, ngôi nhà phụ… đối xứng nhau qua trục chính, tạo thành mặt bằng sân khép kín. Hình thức bố cục đối xứng và không gian khép kín này phù hợp với phương thức sinh hoạt cũ, có tường rào bảo vệ, che chắn gió mưa, tạo không gian yên tĩnh. Miếu Nhị Phủ cũng có kiến trúc “nội công ngoại quốc”, trong đó hai dãy tiền điện, hậu điện khép kín vuông góc với tả điện và hữu điện, tạo thành hình vuông, khối nhà ở giữa là chánh điện.

Cửa miếu: Cửa miếu Nhị Phủ được thiết kế đơn giản. Tuy nhiên cũng giống như những ngôi miếu người Hoa khác, cổng miếu bên trong được kiến tạo công phu với những cánh cửa làm bằng gỗ quý, chắc chắn. Trên cánh cửa chính có vẽ hình hai vị thần cửa rất uy nghi, gồm Ông Thiện và Ông Ác, người Hoa cho đó là Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung. Cửa miếu có hai lớp, một lớp cửa ở trước gian tiền điện và một lớp cửa trước khi vào sân thiên tỉnh để qua phần trung điện. Lớp cửa thứ hai này khách tham quan không được vào, đây là cửa để rước thần ra khi dự lễ hoặc diễu hành. Các cánh cửa ra vào miếu (gian tiền điện) được làm từ những loại gỗ quý, dày chắc, là một trong những loại gỗ tứ thiết, tránh được mối mọt xâm thực. Trên đó, chúng được chạm trổ và trang trí những đề tài mỹ thuật độc đáo. Các cánh cửa bên ngoài đều được trang bị nắm cửa đúc bằng đồng, hình mặt hổ phù ngậm vòng thiết dữ tợn, còn ở bên trong, chốt cài cửa luôn là một thanh gỗ xiên ngang. Trên mi cửa ra vào miếu, có treo chiếc thuyền bát nhã bằng gỗ, chạm khắc nhiều hình nhân tinh xảo, nhằm tưởng nhớ về những ngày tháng gian khổ lênh đênh trên biển tìm miền đất mới.

Mặt tiền miếu làm theo kiểu nhà truyền thống Trung Hoa, có cửa lớn và hai ô cửa sổ tròn, tựa như hai con mắt đang nhìn ra phía ngoài. Cửa sổ dạng hình tròn như hai mắt hổ, đây là con vật tổ của người Hoa ở Phúc Kiến. Trong cửa có 5 chấn song bằng tre hoặc trúc, tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Hai bên cửa chính và cửa sổ tròn trang trí tranh các điển cố-điển tích Trung Hoa, như: “Bát tiên”, “Tam quốc chí”. Đặc biệt, tranh được khảm sành sứ, màu sắc rất phong phú và tươi sáng.

Tiền điện: Nằm ngay phía sau cửa chính, bên trong bài trí thoáng đãng, có bức bình phong chạm trổ, chắn ở giữa hai bức phù điêu, thể hiện hạnh phúc và thanh bình. Tiền điện chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích của toàn bộ tổng thể kiến trúc. Ở giữa tiền điện, đặt một bàn thờ lớn, với bộ tam sự đồng tam khí (đồng thau, bạc, đồng đỏ), gồm: một lư trầm, hai bình hoa hai bên.

Sân thiên tỉnh: Theo lối kiến trúc đặc trưng của người Hoa, miếu Nhị Phủ xây theo hình chữ “khẩu”, gồm bốn dãy nhà liên tiếp nhau và liên kết giữa các dãy là giếng trời (sân thiên tỉnh). Đây là khoảng không gian không có mái che, được bố trí có chủ ý để lưu thông không khí và ánh sáng. Sân thiên tỉnh có ý nghĩa biểu tượng là nơi thông liên giữa con người với thần thánh, thiên nhiên với đất trời. Sân còn có chức năng đặc biệt vào các dịp lễ hội lớn của miếu, giúp thoát khói nhang. Ở khoảng không đó, người ta sẽ gác những cây sào lên để treo những vòng nhang cuốn, trên mỗi vòng lại gắn miếng giấy đỏ ghi tên người cần cầu an. Tại miếu Nhị Phủ, sân thiên tỉnh được bố trí ở khoảng giữa tiền điện và chánh điện. Còn ở hai miếu khác cũng của người Hoa Phúc Kiến, là Hà Chương và Ôn Lăng, thiên tỉnh lại nằm ra hai bên Đông sương và Tây sương (hay Đông lang và Tây lang). Sân thiên tỉnh đóng vai trò chuyển tiếp không gian, thông gió cho toàn bộ công trình, giúp nó không bị nặng nề bởi kiến trúc và kết cấu gỗ đá, luôn hài hòa với thiên nhiên.

Chánh điện: Là nơi đặt bàn thờ vị Thần chính (chính tự) cùng các bàn thờ Thần khác (tùng tự). Các vị Thần được đặt trong các trang thờ lớn, có bao lam chạm khắc tỉ mỉ và sơn son thếp vàng, có nơi còn đặt các vị thần trong những khánh lớn như miếu Nhị Phủ. Phía trên các bàn thờ có nhiều bức hoành phi sơn thếp ghi nhận đức độ, công lao của thần. Các cột trong chánh điện được bao phủ bằng câu đối, ca ngời công đức và ân sủng của thần.

Đông sương và Tây sương: Đây là hai dãy nhà có hai hành lang nối trung điện với chánh điện, thờ Thanh Long – Bạch Hổ, để canh giữ cho miếu vững bền. Trên tường lưu trữ các tấm bia ghi sự tích miếu, các năm xây dựng, năm trùng tu, tên người đóng góp và còn là chỗ đặt văn phòng ban quản trị, phòng tiếp khách. Ngoài ra, Đông sương và Tây sương còn được tận dụng để thờ một số vị thần linh mới. Ví dụ, ở Nhị Phủ hội quán, ngoài chánh điện có hai dãy nhà, dãy bên trái đặt khánh thờ Bà Chúa Sanh Nương Nương, khánh thờ Ông Tề Thiên; dãy bên phải có khánh thờ Quan Thánh Đế Quân.

Sân cảnh quan: Để tăng tính hài hòa và có sự kết hợp với văn hóa Việt Nam ở miếu Nhị Phủ, sân cảnh quan trồng rất nhiều cây xanh, tạo sự khác biệt so với các ngôi miếu người Hoa khác và có sự giao lưu văn hóa Việt. Nghệ thuật tạo hình mô phỏng thiên nhiên trong một không gian giới hạn giúp tôn lên giá trị quần thể công trình. Chịu ảnh hưởng của vườn cảnh Á Đông, sân cảnh quan có đủ ba thành phần: mặt nước, cây xanh, đá núi nhỏ.

Hậu điện: Là tòa nhà ba gian được xây dựng bằng tường gạch, cột kèo mái kiểu kèo chống, tương tự như chánh điện; xà đòn, rui mè gỗ, mái lớp ngói ống tạo thành tòa nhà cao rộng uy nghi. Hậu điện miếu Nhị Phủ có bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế với lư hương bằng đồng khá lớn, bên trái Ngọc Hoàng thờ Phật Thích Ca, bên phải thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.

Bộ kết cấu khung miếu Nhị Phủ

Mái miếu: Nét nổi bật trong kiến trúc miếu Nhị Phủ là mái nhà cong hình thuyền, với hai thuyền khá độc đáo so với các đền, chùa, miếu ở Việt Nam, cũng như so với mái miếu của các nhóm người Hoa gốc Quảng Đông, Triều Châu… Bộ mái miếu Nhị Phủ là một trong những dạng mái đặc trưng nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Kiểu mái như hình mái đao rất ít gặp, là sự phá cách của công trình xen lẫn với khu dân cư xung quanh.

Mái miếu không đơn thuần chỉ để trang trí, mà còn mang ý nghĩa đỉnh nũi, nơi hội tụ của chư thần, là vị trí rất thiêng liêng. Mái có hình thuyền, trang trí đề tài “lưỡng long tranh châu”, cá chép, bằng nghệ thuật khảm mảnh sành sứ rất công phu. Hình thức “chống rường đấu củng khiến mái miếu hơi cong, cộng với thiết kế tạo hình hai tầng mái và các đầu đỉnh mái, đầu đao uốn cong tạo cho ngôi miếu có dáng một chiếc thuyền rồng” [1]. Mái miếu được lợp ngói âm dương tiểu, đại (ngói ống ngõa), diềm mái là ngói thanh lưu ly. Mỗi khối nhà đều có một lớp mái riêng, lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói men xanh. Sự kết hợp này tạo nên yếm ngói ở giữa. Phần mái bên hành lang và sân thiên tỉnh nối liền tiền điện với chánh điện cũng được lợp mái.

Phần mái nổi bật và công phu nhất là mái tiền điện, được thiết kế làm hai tầng, trên đỉnh mái có gắn tượng “lưỡng long tranh châu”, hình tượng hai con rồng có thân không kéo dài hết đỉnh mái mà gần như dựng thẳng đứng, đuôi xòe cao. Hai đầu đỉnh mái của hai gian phụ cũng có hình tượng này. Bốn đỉnh mái với 8 đầu đao đã tạo cho mái miếu có dáng vẻ một chiếc thuyền. Về mặt trang trí, các đầu đao còn có hình tượng “cá hóa rồng”. “Người Hoa rất hay sử dụng họa tiết trang trí cá, bởi “ngư” (cá) đọc là “yu” đồng âm với “dư” (dư thừa), do đó hình ảnh “ngư” biểu trưng cho sự dư giả, giàu có và sung túc” [2]. Ngoài ra còn có nhiều tượng người thuộc nhiều đề tài khác nhau. Diềm mái cũng được trang trí bằng nhiều chủ đề: tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), rồng, phượng, hạc… Đặc biệt, trang trí trên mái có một điểm rất quen thuộc với người Hoa ở Phúc Kiến là tất cả đều được khảm bằng mảnh gốm, sứ với đủ các màu sắc.

Lớp mái tiền điện được trang trí công phu hơn cả với thiết kế tạo hình hai tầng mái. Phần mái của gian giữa và hai gian bên có độ cao chênh nhau, tạo thành bốn đầu kìm. Từ bốn đầu kìm, tám đầu đao kéo dài xuống gần đầu mái, cộng với các đường bờ nóc được làm võng xuống, tạo cho ngôi miếu có dáng một chiếc thuyền rồng. Trên các đầu đao gắn tượng cá hóa rồng, còn ở các đầu kìm là những tượng rồng, thân dựng thẳng, đuôi xòe lên cao, tranh châu. Dọc theo đường bờ nóc và tàu đao là phù điêu rồng, phụng, mai – lan – cúc – trúc,… ghép bằng mảnh gốm nhiều màu sắc.

Trên các nóc của mỗi dãy nhà cũng trang trí tương tự. Nóc mái miếu Nhị Phủ chia thành ba đoạn cao thấp uốn cong đăng đối nhau, đầu đao cong vút, hai đầu hồi có hình tam giác lõm. Ở phần mái chính giữa, phía trên mỗi đầu đao lại có hình rồng đuôi dựng đứng, xòe ra, hai con rồng ở giữa tạo thế “lưỡng long tranh châu”, dưới mỗi bên có hai chữ Hán, ghép thành câu “phong điều vũ thuận”. Mái miếu lợp ngói ống màu đỏ, diềm mái là hàng ngói thanh lưu ly. Phần ngoài cũng của mái miếu lợp bằng ngói ống, kết hợp diềm ngói màu xanh, tạo nên yếm mái độc đáo.

Bộ mái của Trung Quốc là hệ thống phức tạp hơn nhiều. Xà ngang qua bộ trung gian của những đòn tay đỡ nóc và những thanh xà ngắn dần về phía trên, tất cả phải chịu toàn bộ hoặc một phần tải trọng mái. Bộ vì “chống rường đấu củng” xếp chồng lên nhau, được nâng cao dần theo các cấp độ khác nhau cho đến khi đạt chiều cao cần thiết. Các thanh kèo thường không xuất hiện, rui được đỡ trực tiếp bởi đòn tay cố định trên xà ngang. Hệ thống này có ưu điểm cho phép tạo mái theo một đường cong khi lồi, khi lõm [3].

Hệ thống vì, cột: Kết cấu gỗ chính của toàn bộ công trình có kiểu vì theo “chống rường đấu củng” tạo sự chắc khỏe. Đây là kết cấu không có kèo, chỉ có vì, tựa như năm ngón tay giơ lên, nên còn gọi là “chống rường giả thủ”. Đấu củng là một phần của kết cấu gỗ, đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc Trung Quốc. “Những mái nhô dài ra rất đặc trưng trong các công trình xây dựng ở Trung Quốc, cho phép nước chảy thoát rất tốt khi mưa lớn và chống nắng khi nắng nóng. Nhưng cũng vì thế mà mái khá nặng, đòi hỏi phải đỡ các bờ mái bằng những công xôn – đấu củng. Đấu củng có vị trí quan trọng trong kiến trúc cổ Trung Quốc, được tìm thấy trong tất cả các công trình lớn từ cung điện, lăng mộ, đền chùa, không những trong công trình kết cấu gỗ mà cả trong những công trình kết cấu gạch đá. Một kỹ thuật phức tạp khá hoàn hảo đối với đấu củng đã được phát triển trong nhiều thế kỷ” [4]. Nhờ khả năng chịu lực, vừa chắc, vừa nhẹ, lại tiết kiệm, đẹp và cân đối, loại vì đấu củng/giả thủ thường dùng để trang trí và được làm bằng gỗ, rất phổ biến trong xây dựng chùa, miếu người Hoa.

Miếu Nhị Phủ có kết cấu quy mô với những vòm cửa bằng đá, những hàng cột gỗ to, có cột cao đến 7m, chân cột kê trên các chân đế bằng đá chạm trổ mỹ thuật, gồm: cột cái, cột con, cột hiên, tạo nên những khối cửa vòm, bên cạnh những cửa ra vào thông thường, khiến ta có cảm giác liên hoàn trong bố cục công trình. Tại công trình, các vật liệu kết hợp xen lẫn giữa đá, gạch, ngói, được tô điểm bằng những gam màu nóng, thể hiện phong cách đặc trưng của người Hoa. Bên trong miếu gây ấn tượng bằng màu đỏ rực rỡ trên những cây cột, xà nhà, với khá nhiều hoành phi và câu đối.

Những cây cột ở tiền điện và chánh điện được bố trí đối xứng để chống đỡ mái. Phần cột này trước đây làm bằng gỗ, nhưng trong những lần trùng tu gần đây, do cột cũ bị mục mà thiếu gỗ nên thay thế bằng cột bê tông. Cột ở hậu điện vẫn làm bằng gỗ. Ngoài ra, gắn với cột còn có các xà, được đặt tên khác nhau tùy từng vị trí: xà thượng, xà hạ, xà hiên.

Với sự kết hợp hài hòa, xen lẫn những vật liệu khác nhau, như: đá, gạch, ngói, gỗ; cộng thêm sự độc đáo từ kiểu và màu ngói cho đến kết cấu vì kèo, với những màu nóng sặc sỡ, tất cả đã tạo nên nét đặc trưng thú vị cho miếu Nhị Phủ nói riêng và những ngôi miếu người Hoa Phúc Kiến nói chung.

Nghệ thuật trang trí kiến trúc

Theo kiến trúc miếu người Hoa, trước cổng miếu của nữ thần hoặc văn thần thường đặt tượng hai con kỳ lân đá án ngữ hai bên. Còn miếu của nam thần hoặc võ thần sẽ đặt tượng hai con sư tử đá chầu hai bên. Miếu Nhị Phủ thờ Ông Bổn, tức Châu Đạt Quan – một sử quan nhà Nguyên bên Trung Quốc, vì vậy trước miếu đặt hai con kỳ lân đá. Kỳ lân là con vật mang lại sự bình an, báo hiệu điềm lành, biểu tượng cho sự trường thọ, nguy nga đường bệ và hạnh phúc lớn lao. Bên trái là con lân đực (nam tả, nữ hữu) thể hiện chủ đề “lân hý cầu”. Trên bệ tượng có khắc chữ cho biết được làm vào năm Mậu Dần 1878. Tượng bên phải là lân mẹ đang ôm lân con. Nét chạm hai bức tượng đều rất tinh xảo, linh hoạt.

Ngoài ra, trước cổng tiền điện còn đặt hai chiếc bảo cổ thạch (trống đá) [5]. Trên cặp trống chạm khắc hình bát bửu là tám bảo bối mà bát tiên luôn giữ bên mình, nhằm tăng thêm vẻ uy nghi, trang trong của nơi thờ tự [6]. Vách mặt tiền trước khi vào miếu cũng được trang trí bằng cách ghép các phiến đá lại với nhau thành hình bát bửu, bát vật, bát tiên… Đặc biệt, trên mái, bờ nóc, bờ giải thường trang trí các hình nhân bằng gốm, những quần thể tiểu tượng, các loài động vật với màu sắc rực rỡ được chế tác từ những lò gốm Sài Gòn xưa. Trên bờ nóc hậu điện có tượng gốm hình ông Nhật, bà Nguyệt rất độc đáo. Mái nhà cong chồng lên nhau, có hình thuyền, trang trí phù điêu rồng, cá chép và những mảnh sành sứ ghép lại công phu. Gờ đỉnh mái ngay chánh điện và hậu điện trang trí hình tượng “lưỡng long triều ngọc”: hai con rồng ở tư thế phục tùng, hồng ngọc tỏa hào quang. Riêng gờ đỉnh mái trước khi bước vào miếu là hình ảnh “lưỡng long tranh châu”: hai con rồng ở tư thế tranh đấu, thân rồng dựng thẳng, đuôi xòe, thể hiện sức mạnh vương giả với ý chí tranh hùng, tranh bá. Trên những thanh chống xà gỗ dưới mái hiên chạm trổ những bông sen ngược đầu. Đầu phần dưới của bốn thanh chống xà gỗ thứ nhất ở mái hiên có chạm hình bông sen treo ngược với đường kính 30cm, hai đầu chiếc xà thứ hai cũng có thanh chống và trang trí tương tự. Đây là phong cách đặc trưng của người Hoa Phúc Kiến.

Kiến trúc gỗ toàn bộ trong miếu được sơn đỏ thắm, gồm các cột, bao lam, liễn,… Người Hoa quan niệm màu đỏ tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc. Đặc biệt, trên tường phía dưới mái nhà còn chạm khắc hình ảnh động – thực vật đi đôi với nhau trong cảnh sắc thiên nhiên, như: trúc – tước (quân tử, thăng quan tấn tước), mai – điểu (mùa xuân, hạnh phúc), mẫu đơn – trĩ (phú quý bình an)…

Trên các vì chống đỡ miếu cũng chạm khắc hoa văn rất tinh tế, như hình bát quái trên đòn dông tượng trưng cho âm dương, diệt tà ma. Các giả thủ cũng được trang trí, điêu khắc độc đáo, kết hợp với gam màu nóng, tạo thêm sự thanh thoát, sắc sảo. Ở đầu các xà cột và trên các thanh xà cột có gắn những tượng kỳ lân bằng gỗ hoặc các bao lam với hoa văn thể hiện nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài ra, nghệ thuật trang trí còn thể hiện chủ yếu trên các hoành phi, câu đối. Mỗi cột cao sơn đỏ được kê bằng chân đá chạm trổ những hình thù độc đáo, treo một hoặc đôi câu câu đối. Nhiều câu đối cao hơn 3m, làm cong theo chiều cong của cột.

Đa số những bức tường trên miếu thường trang trí hình ảnh các loài động vật, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, văn hóa của người Hoa Phúc Kiến, cùng nhiều bức tranh hoặc phù điêu thể hiện các điển cố trong văn học Trung Quốc và Việt Nam. Bức tường trong sân miếu Nhị Phủ được chạm trổ tranh Phong Thần Tứ đại Thiên vương, các loài động vật như: rồng, dơi, công… Ngoài ra, còn có nhiều họa tiết dơi treo ngược. Theo quan niệm người Hoa, dơi là loài thú may mắn, biểu tượng của phúc khí, bởi “biên bức” (con dơi) có cách phát âm gần giống chữ “phúc”. Hình tượng dơi thường được vẽ ở tư thế treo ngược với ngụ ý “phúc đảo” (phúc đến).

Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đặc sắc ở miếu Nhị Phủ còn thể hiện ở xung quanh các khánh thờ, với những bao lam được sơn son thếp vàng và trang trí rất tỉ mỉ bằng những chủ đề chính, như: hoa mẫu đơn (phú quý), phượng hoàng (may mắn), dơi (phúc)…

3. KẾT LUẬN

Miếu Nhị Phủ là công trình không chỉ có giá trị cao về tín ngưỡng, mà còn có giá trị nghiên cứu kiến trúc và mĩ thuật. Hệ thống kiến trúc và những nét chạm trổ tinh xảo đã góp phần làm cho ngôi miếu trở nên độc đáo, nổi bật. Hoa văn trang trí thể hiện nhiều chủ đề khác nhau, chung quy lại nhằm biểu đạt tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với các vị thần, nhằm mong được phù hộ. Qua đó, thể hiện đời sống tâm linh và văn hóa người Hoa Phúc Kiến.

Tổng thể kiến trúc miếu Nhị Phủ khá đơn giản nhưng thể hiện đặc sắc, tinh tế, khẳng định trình độ nghệ thuật đỉnh cao. Miếu xây dựng theo hệ thống kết cấu đặc trưng của Trung Quốc, với hình thức “chồng rường đấu củng” làm mái miếu hơi cong tựa như chiếc thuyền rồng. Tuy vậy, mái miếu có độ dốc không lớn là đặc trưng của miếu người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh. Có thể do điều kiện thời tiết ở miền Nam không quá khắc nghiệt, ít gió bão nên ngói lợp cũng không dày và nặng như kiến trúc người Hoa ở miền Trung, tiêu biểu là Hội An. Các “con sơn” được tạo thành hình uốn lượn đẹp mắt. Đầu thanh xà gồ và các thanh ngang, con đấu,… cũng chạm khắc tinh xảo. Tuy trải qua những thăng trầm lịch sử và mất đi một số nét truyền thống trong quá trình trùng tu, tôn tạo, nhưng miếu Nhị Phủ vẫn là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, nghệ thuật, góp phần tạo nên nét đặc sắc mang tính vùng miền trong văn hóa người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, miếu đã được công nhận di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia năm 1998.

Lam Phương

Chú thích:

[1] Bảo tàng Cách mạng TP. Hồ Chí Minh (1998), Di tích lịch sử – văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, tr.249.

[2] Huỳnh Ngọc Trảng (2002) (chủ biên), Sổ tay hành hương đất phương Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.70.

[3] Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thế Cường (2004), Kiến trúc cổ Trung Quốc, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.21

[4] Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thế Cường (2004), Sđd, tr.21.

[5] Theo truyền thuyết, vào cuối thời nhà Nguyên (Trung Quốc), triều đình suy yếu, nhà vua lo bị cướp ngôi vị, đã cho thợ đẽo đá làm thành cặp trống, nếu ai đánh trống kêu là chân mạng thiên tử. Cặp trống đặt trước miếu, ai qua lại cũng đánh thử, đến lượt Chu Nguyên Chương (người sáng lập nhà Minh sau này) đánh thì trống kêu thật.

[6] Trần Hồng Liên (2005), Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ – Tín ngưỡng & tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, tr.151-162.

Download QR 🡻

Từ khóa » Chùa ông Bổn Quận 5