Ai Không được Dùng Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali?
Có thể bạn quan tâm
Triamteren là thuốc lợi tiểu giữ kali, có thể làm giảm dự trữ kiềm nên có thể gây nhiễm toan chuyển hóa, pH nước tiểu tăng nhẹ.
Triamteren làm nước tiểu có màu xanh
Thuốc triamteren được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, nhưng sự hấp thu không hoàn toàn, chỉ đạt 30-70%. Tác dụng lợi tiểu xuất hiện trong vòng 2-4 giờ sau khi uống thuốc và giảm trong vòng 7-9 giờ sau đó. Tác dụng điều trị tối đa có thể phải sau vài ngày dùng thuốc mới đạt. Khi thuốc thải qua nước tiểu dưới dạng không biến đổi và dạng chuyển hóa thuốc có thể làm nước tiểu có màu xanh nhạt.
Người bệnh tim cần lưu ý khi dùng thuốc lợi tiểu giữ kali.
Dùng triamteren như thế nào?
Triamteren được chỉ định điều trị hỗ trợ phù khi suy tim sung huyết, xơ gan, hội chứng thận hư, thường liên quan đến tăng aldosteron thứ phát, điều trị phù không rõ nguyên nhân và tăng huyết áp. Tuy nhiên, triamteren không được dùng đơn độc như một liệu pháp ban đầu để điều trị suy tim sung huyết nặng, vì tác dụng điều trị tối đa có thể chậm. Nên dùng thuốc phối hợp ngay từ đầu với các thuốc lợi tiểu mạnh hơn và tác dụng nhanh hơn, ví dụ các thiazid, clorthalidon, furosemid... Sự phối hợp này rất tốt vì điều hòa cân bằng được việc thải và giữ kali trong huyết tương.
Triamteren đơn độc có ít hoặc không có tác dụng giảm huyết áp; tuy vậy, có thể dùng thuốc phối hợp với một thuốc lợi tiểu khác hoặc với một thuốc chống tăng huyết áp để điều trị tăng huyết áp nhẹ hoặc vừa.
Dùng triamteren theo đường uống. Thuốc phải chia thành liều nhỏ, uống sau bữa ăn sáng và trưa. Liều lượng triamteren tùy thuộc tình trạng bệnh và đáp ứng của từng người bệnh. Nếu ngừng thuốc đột ngột có thể gây kali niệu tăng, do đó phải ngừng thuốc từ từ (giảm liều từ từ). Nếu dùng kết hợp triamteren với các thuốc lợi tiểu khác thì cần phải giảm liều đầu tiên của mỗi thuốc và sau đó điều chỉnh liều cho thích hợp. Cần giảm liều ở người bị xơ gan.
Nếu vì lý do nào đó mà bệnh nhân uống quá liều thuốc, biểu hiện quá liều là: buồn nôn, nôn hay các rối loạn về tiêu hóa khác, có thể yếu cơ; đôi khi xuất hiện triệu chứng hạ huyết áp, đặc biệt khi dùng kết hợp với hydroclothiazid hoặc thuốc lợi tiểu khác, hoặc thuốc hạ huyết áp, tăng kali huyết. Khi đó cần ngưng dùng thuốc và chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu. Bệnh nhân phải được rửa dạ dày ngay, điều trị triệu chứng và kiểm tra chức năng thận và nồng độ chất điện giải trong huyết tương. Nếu kali huyết cao rất nguy hại cho tim, vì vậy phải dùng chất đối kháng của kali để hạ kali huyết, như dùng calci gluconat.
Đối tượng nào không được dùng thuốc này?
Chống chỉ định dùng triamteren cho những bệnh nhân: bị suy thận nặng hoặc suy thận đang tiến triển, bệnh gan nặng, chứng kali huyết cao mắc sẵn hoặc do thuốc, hoặc mẫn cảm với thuốc; người mắc chứng tăng acid uric huyết hoặc bệnh gút; có tiền sử sỏi thận; tránh dùng triamteren cho người bệnh nặng vì có thể xảy ra nhiễm toan hô hấp hoặc nhiễm toan chuyển hóa; nhiễm toan làm kali huyết tăng nhanh...
Thận trọng với người phải dùng thuốc trong một thời gian dài, phải giám sát dấu hiệu mất cân bằng điện giải, đặc biệt với người bệnh bị suy tim, bệnh thận, xơ gan. Bệnh nhân cũng cần phải kiểm tra định kỳ nồng độ kali huyết thanh, đặc biệt ở người bệnh cao tuổi, bệnh nhân bị xơ gan, đái tháo đường, suy giảm chức năng thận hoặc khi thay đổi liều. Khi xét nghiệm thấy kali huyết tăng, cần ngừng thuốc ngay. Đối với phụ nữ mang thai: đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ về dùng triamteren cho người mang thai nên chỉ dùng thuốc trong thời kỳ mang thai khi lợi ích do thuốc đem lại hơn hẳn rủi ro cho thai nhi. Bà mẹ cho con bú: vì thuốc đào thải qua sữa mẹ nên không dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Nếu cần phải dùng thuốc thì không nên cho con bú.
Tác dụng phụ cần lưu ý
Thuốc triamteren có thể gây ra các tác dụng phụ gồm: đối với tim mạch, làm hạ huyết áp, phù, suy tim sung huyết, nhịp tim chậm. Thuốc gây chóng mặt, đau đầu, mệt; buồn nôn, táo bón; khó thở; nước tiểu màu xanh nhạt; mất nước, đỏ mặt; phát ban ngoài da; chứng vú to ở đàn ông, chảy máu sau thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ; làm giảm natri huyết, tăng kali huyết, nhiễm acid chuyển hóa tăng clor...
Thông thường tác dụng phụ của triamteren nhẹ và hết khi ngừng thuốc. Nhưng bệnh nhân điều trị lâu phải được giảm sát dấu hiệu mất cân bằng điện giải; nếu tăng kali huyết, phải ngừng thuốc ngay. Có thể giảm thiểu buồn nôn bằng cách cho uống thuốc sau bữa ăn.
Tương tác thuốc bất lợi
Nếu dùng triamteren cùng với amilorid, spironolacton, thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin như enalapril, captopril... sẽ có nguy cơ cao tăng kali huyết. Khi dùng đồng thời triamteren với thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt là indomethacin có thể có hại tới chức năng thận.
Dùng kết hợp triamteren với bổ sung kali hay các thuốc có chứa kali như benzylpenicilin kali, các chế phẩm khác có chứa kali có nhiều nguy cơ tăng kali huyết hơn. Vì vậy phải tránh dùng kết hợp với các thuốc này. Không dùng kết hợp lithi với triamteren do triamteren làm giảm độ thanh thải lithi ở thận và tăng độc tính của lithi.
ThS. Bùi Ánh Nguyệt
Khắc phục tình trạng “lệ thuộc” thuốc an thần | Nguyên nhân khiến men gan tăng cao | Dùng viên đặt âm đạo vẫn không hết viêm, vì sao? |
Từ khóa » Cơ Chế Của Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali
-
Thế Nào Là Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali? | Vinmec
-
Tổng Quan Về Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali | Vinmec
-
Thuốc Lợi Niệu Giữ Kali Máu
-
Spironolacton - Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali - Y Học Cộng Đồng
-
Thế Nào Là Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali? - Mới Nhất 2022
-
Thế Nào Là Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali? - Bệnh Viện Vinmec - Suckhoe123
-
Thuốc Lợi Tiểu Và Cơ Chế Tác Dụng | BvNTP
-
Thuốc Lợi Tiểu Dùng Sao Cho đúng?
-
Thuốc Lợi Tiểu đường Uống để điều Trị Tăng Huyết áp - Cẩm Nang MSD
-
Spironolacton - Dược Thư
-
Thuốc Lợi Tiểu Dùng Trong Suy Tim - Báo Hòa Bình
-
Hạ Kali Máu - Rối Loạn Nội Tiết Và Chuyển Hóa - MSD Manuals
-
Bản Tin Cảnh Giác Dược Quí I - 2017
-
Thuốc Lợi Tiểu Là Gì? Cảnh Báo Tác Dụng Phụ Của Thuốc