Spironolacton - Dược Thư
Có thể bạn quan tâm
Tên chung quốc tế: Spironolactone.
Mã ATC: C03D A01.
Loại thuốc: Thuốc lợi tiểu giữ kali.
Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén 25 mg; 50 mg; 100 mg spironolacton.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Spironolacton là chất đối kháng mineralocorticoid, tác dụng qua việc ức chế cạnh tranh với aldosteron và các mineralocorticoid khác, tác dụng chủ yếu ở ống lượn xa, kết quả là tăng bài tiết natri và nước. Spironolacton làm giảm bài tiết các ion kali, amoni (NH4+) và H+. Cả tác dụng lợi tiểu và chống tăng huyết áp đều qua cơ chế đó. Spironolacton bắt đầu tác dụng tương đối chậm, cần phải 2 hoặc 3 ngày mới đạt tác dụng tối đa và thuốc giảm tác dụng chậm trong 2 - 3 ngày khi ngừng thuốc. Vì vậy không dùng spironolacton khi cần gây bài niệu nhanh. Sự tăng bài tiết magnesi và kali của các thuốc lợi tiểu thiazid và lợi tiểu quai (furosemid) sẽ bị giảm khi dùng đồng thời với spironolacton.
Spironolacton và các chất chuyển hóa chính của nó (7 alpha - thiomethyl - spironolacton và canrenon) đều có tác dụng kháng mineralocorticoid.
Spironolacton làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương, tác dụng hạ huyết áp tối đa đạt được sau 2 tuần điều trị. Vì spironolacton là chất đối kháng cạnh tranh với aldosteron, liều dùng cần thiết được điều chỉnh theo đáp ứng điều trị. Tăng aldosteron tiên phát hiếm gặp. Tăng aldosteron thứ phát xảy ra trong phù thứ phát do xơ gan, hội chứng thận hư và suy tim sung huyết kéo dài và sau khi điều trị với thuốc lợi tiểu thông thường. Tác dụng lợi tiểu được tăng cường khi dùng phối hợp với các thuốc lợi tiểu thông thường, spironolacton không gây tăng acid uric huyết hoặc tăng glucose huyết, như đã xảy ra khi dùng thuốc lợi tiểu thiazid liều cao.
Dược động học
Spironolacton được hấp thu qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ tối đa trong máu sau khi uống 1 giờ, nhưng vẫn còn với nồng độ có thể đo được ít nhất 8 giờ sau khi uống 1 liều. Sinh khả dụng tương đối là trên 90% so với sinh khả dụng của dung dịch spironolacton trong polyetylen glycol, dạng hấp thu tốt nhất. Spironolacton và các chất chuyển hóa của nó đào thải chủ yếu qua nước tiểu, một phần qua mật.
Chỉ định
Cổ trướng do xơ gan. Phù gan, phù thận, phù tim khi các thuốc chữa phù khác kém tác dụng, đặc biệt khi có nghi ngờ chứng tăng aldosteron.
Tăng huyết áp, khi cách điều trị khác kém tác dụng hoặc không thích hợp.
Tăng aldosteron tiên phát, khi không thể phẫu thuật.
Chống chỉ định
Suy thận cấp, suy thận nặng, vô niệu, tăng kali huyết, mẫn cảm với spironolacton.
Thận trọng
Tình trạng có nguy cơ tăng kali huyết như khi suy giảm chức năng thận và khi phối hợp với các thuốc lợi tiểu thông thường khác. Toan chuyển hóa do tăng clor máu có thể hồi phục (thường đi kèm với tăng kali huyết) có thể xảy ra trong xơ gan mất bù dù chức năng thận bình thường.
Các thuốc lợi tiểu nói chung chống chỉ định ở người mang thai, trừ khi bị bệnh tim, vì thuốc không phòng được và cũng không chữa được phù do nhiễm độc thai nghén và thuốc còn làm giảm tưới máu cho nhau thai.
Thời kỳ mang thai
Spironolacton có thể dùng cho người mang thai khi bị bệnh tim.
Thời kỳ cho con bú
Spironolacton có thể sử dụng cho người mẹ trong thời kỳ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các phản ứng không liên quan đến liều dùng trong ngày và thời gian điều trị. Nguy cơ phản ứng có hại thấp khi dùng liều thấp hơn 100 mg. Thông thường nhất là to vú đàn ông do tăng nồng độ prolactin nhưng thường hồi phục sau điều trị. Tăng kali huyết luôn phải được xem xét ở những người giảm chức năng thận. Nguy cơ này thấp khi dùng liều dưới 100 mg/ngày ở người có chức năng thận bình thường, với điều kiện không dùng thêm kali và phải kiểm soát việc nhận kali qua ăn uống không theo chế độ.
Thường gặp, ADR >1/100
Toàn thân: Mệt mỏi, đau đầu, liệt dương, ngủ gà.
Nội tiết: Tăng prolactin, to vú đàn ông, chảy sữa nhiều, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, chảy máu sau mãn kinh.
Tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Da: Ban đỏ, ngoại ban, mày đay.
Chuyển hóa: Tăng kali huyết, giảm natri huyết.
Thần kinh: Chuột rút/ co thắt cơ, dị cảm.
Sinh dục tiết niệu: Tăng creatinin huyết thanh.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Máu: Mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Giảm natri huyết thường biểu hiện: Khô miệng, khát nước, mệt mỏi, buồn ngủ. Ðiều này phải được xem xét thận trọng, đặc biệt khi dùng phối hợp với các loại thuốc lợi tiểu khác. Cần phải điều chỉnh liều lượng và kiểm tra định kỳ điện giải đồ.
Liều lượng và cách dùng
Người lớn:
Lợi tiểu khi phù kháng trị do xơ gan, hội chứng thận hư, suy tim sung huyết, đặc biệt nghi ngờ có tăng aldosteron, thường phối hợp với furosemid, các thiazid hoặc các thuốc lợi tiểu tương tự: Liều ban đầu là uống 25 - 200 mg/ngày, chia 2 - 4 lần, dùng ít nhất 5 ngày, liều duy trì là 75 - 400 mg/ngày, chia 2 - 4 lần.
Chống tăng huyết áp: Liều ban đầu uống 50 - 100 mg/ngày, chia 2 - 4 lần, dùng ít nhất 2 tuần; liều duy trì điều chỉnh theo từng người bệnh. Nhưng hiện nay ít được dùng để điều trị tăng huyết áp.
Tăng aldosteron tiên phát: 100 - 400 mg/ngày, chia 2 - 4 lần trước khi phẫu thuật. Liều thấp nhất có hiệu quả có thể duy trì trong thời gian dài đối với người bệnh không thể phẫu thuật.
Trẻ em:
Lợi tiểu hoặc trị tăng huyết áp, cổ trướng do xơ gan: liều ban đầu uống 1 - 3 mg/kg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 - 4 lần; liều được điều chỉnh sau 5 ngày.
Tương tác thuốc
Sử dụng đồng thời spironolacton với các chất ức chế enzym chuyển (ACE - 1) có thể dẫn tới ''tăng kali huyết" nặng, đe dọa tính mạng, đặc biệt ở người có suy thận. Tác dụng chống đông của coumarin, hay dẫn chất indandion hay heparin bị giảm khi dùng cùng với spironolacton. Các thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt là indomethacin làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của spironolacton. Sử dụng đồng thời lithi và spironolacton có thể dẫn đến ngộ độc lithi, do giảm độ thanh thải. Sử dụng đồng thời các thuốc có chứa kali với spironolacton làm tăng kali huyết. Nửa đời sinh học của digoxin và các glycosid tim có thể tăng khi dùng đồng thời với spironolacton.
Quá liều và xử trí
Biểu hiện: Lo lắng, lẫn lộn, yếu cơ, khó thở.
Xử lý: Rửa dạ dày, dùng than hoạt.
Kiểm tra cân bằng điện giải và chức năng thận.
Ðiều trị hỗ trợ. Nếu tăng kali huyết có thay đổi điện tâm đồ: Tiêm tĩnh mạch natri bicarbonat, calci gluconat; cho uống nhựa trao đổi ion (natri polystyren sulfonat - biệt dược Kayexalate....) để thu giữ các ion kali, làm giảm nồng độ kali máu.
Nguồn: Dược Thư 2002
Từ khóa » Cơ Chế Của Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali
-
Thế Nào Là Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali? | Vinmec
-
Tổng Quan Về Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali | Vinmec
-
Thuốc Lợi Niệu Giữ Kali Máu
-
Spironolacton - Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali - Y Học Cộng Đồng
-
Thế Nào Là Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali? - Mới Nhất 2022
-
Thế Nào Là Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali? - Bệnh Viện Vinmec - Suckhoe123
-
Thuốc Lợi Tiểu Và Cơ Chế Tác Dụng | BvNTP
-
Ai Không được Dùng Thuốc Lợi Tiểu Giữ Kali?
-
Thuốc Lợi Tiểu Dùng Sao Cho đúng?
-
Thuốc Lợi Tiểu đường Uống để điều Trị Tăng Huyết áp - Cẩm Nang MSD
-
Thuốc Lợi Tiểu Dùng Trong Suy Tim - Báo Hòa Bình
-
Hạ Kali Máu - Rối Loạn Nội Tiết Và Chuyển Hóa - MSD Manuals
-
Bản Tin Cảnh Giác Dược Quí I - 2017
-
Thuốc Lợi Tiểu Là Gì? Cảnh Báo Tác Dụng Phụ Của Thuốc