Bạn Bị Nóng Gan: Cần Hạ Nhiệt Cho Gan Thế Nào? - Hello Bacsi

Nóng gan nổi mụn, ngứa ngáy da chỉ là những biểu hiện bề nổi bên ngoài cho thấy tình trạng tổn thương gan của bạn đang nằm trong mức báo động.

Gan là một cơ quan nằm ngay dưới lồng xương sườn, phía bụng bên phải của bạn, đóng vai trò trong cho việc hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Khi gan bị tổn thương sẽ gây ra những triệu chứng khó chịu và tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe mà dân gian hay gọi là nóng gan.Vậy nóng gan là gì, triệu chứng nóng gan, nguyên nhân nóng gan, cách trị nóng gan ra sao? Bạn hãy cùng tìm hiểu nhé!

Nóng gan là gì?

Về mặt ngôn ngữ y học sẽ không có định nghĩa nóng gan cụ thể. Nóng gan là thuật ngữ dân gian cho thấy tình trạng gan bị tổn thương làm xuất hiện các triệu chứng gây khó chịu. Mỗi cá nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng khác nhau, hầu hết đều xuất phát do lối sống và chế độ ăn uống. Theo thời gian, những tổn thương gan này có thể dẫn đến sẹo (xơ gan), tiềm ẩn nguy cơ gây suy gan – một tình trạng đe dọa tính mạng.

Một số yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ bị tổn thương gan, gây nóng gan, trong đó nhiều nhất là uống rượu quá mức. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Hoa Kỳ, nữ giới dùng nhiều hơn 8 ly rượu mỗi tuần, còn nam giới là hơn 15 ly mỗi tuần được xem là uống nhiều rượu. Các yếu tố rủi ro khác bạn nên tránh bao gồm:

  • Thừa cân
  • Dùng chung kim tiêm
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh gan
  • Bị tiểu đường hoặc cholesterol cao
  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Tiếp xúc với độc tố hoặc thuốc trừ sâu
  • Có công việc phải tiếp xúc với máu và các chất dịch cơ thể khác
  • Sử dụng rượu bia hoặc dùng thuốc nhiều hơn liều khuyến cáo
  • Dùng một số chất bổ sung hoặc thảo dược, đặc biệt với số lượng lớn…

Nóng gan có biểu hiện gì? Tìm hiểu các triệu chứng nóng gan đáng chú ý

Nóng gan gây ngứa da

Các biểu hiện hay triệu chứng nóng gan thường gặp:

  • Hơi thở có mùi hôi: Gan bị tổn thương có thể gây khô miệng, khiến hơi thở có mùi hôi, khó chịu.
  • Màu sắc phân bất thường: Khi bị nóng gan, màu phân có thể trở nên nhạt, có máu hoặc màu hắc ín.
  • Vàng da, mắt: Tổn thương ở tế bào gan khiến bilirubin ứ đọng trong máu và làn da chuyển sang màu vàng.
  • Nước tiểu có màu vàng sẫm: Khi chức năng gan suy giảm có thể khiến độc tố chuyển xuống thận, khiến cho nước tiểu có màu vàng sẫm và đậm hơn bình thường. Đây cũng là dấu hiệu nóng gan đáng chú ý.
  • Nóng gan nổi mẩn ngứa, mề đay, phát ban: Chức năng của gan bị suy giảm có thể gây triệu chứng nóng gan, khiến độc tố tích tụ dưới da, gây nổi mẩn, phát ban, ngứa ngáy, nóng gan nổi mụn.

Một số biểu hiện nóng gan khác bạn có thể gặp phải bao gồm đau bụng, sưng ở chân, mắt cá chân, mệt mỏi mãn tính, buồn nôn hoặc nôn mửa, ăn không ngon và dễ bầm tím da.

Có thể bạn quan tâm

10 dấu hiệu bệnh gan dễ gây nhầm lẫn với các chứng bệnh khác

Điểm mặt 7 nguyên nhân phổ biến gây nóng gan

Có nhiều nguyên nhân có thể gây nóng gan bao gồm:

1. Viêm gan

Viêm gan là một bệnh nhiễm trùng gan, gây viêm và tổn thương gan, nóng gan, khiến gan khó hoạt động như bình thường. Có 5 loại viêm gan bao gồm:

  • Viêm gan A: Viêm gan A thường lây qua việc tiếp xúc với thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Các triệu chứng có thể hết mà không cần điều trị, nhưng quá trình phục hồi có thể mất vài tuần.
  • Viêm gan B: Có thể là cấp tính (ngắn hạn) hoặc mãn tính (dài hạn), lây truyền qua các chất dịch cơ thể, như máu và tinh dịch. Việc điều trị sớm viêm gan B là chìa khóa để tránh các biến chứng. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên đi khám thường xuyên nếu đang có nguy cơ mắc bệnh.
  • Viêm gan C: Bệnh có thể là cấp tính hoặc mãn tính, thường lây lan qua tiếp xúc với máu từ người bị viêm gan C. Mặc dù giai đoạn đầu thường không gây ra các triệu chứng nguy hiểm, nhưng ở giai đoạn sau có thể dẫn đến tổn thương gan vĩnh viễn.
  • Viêm gan D: Một dạng viêm gan nghiêm trọng chỉ phát triển ở những người bị viêm gan B.
  • Viêm gan E: Thường do dùng nước bị ô nhiễm, bệnh thường tự biến mất trong vòng một vài tuần mà không có biến chứng lâu dài.

2. Bệnh gan nhiễm mỡ

Chất béo tích tụ trong gan có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Có hai loại bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Nếu không được kiểm soát, cả hai loại bệnh gan nhiễm mỡ đều có thể gây tổn thương gan, nóng gan, dẫn đến xơ gan và suy gan.

3. Tình trạng tự miễn

nóng gan có thể dẫn đến xơ gan, suy gan

Tình trạng tự miễn nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, khiến gan bị tổn thương. Các tình trạng này bao gồm:

  • Viêm gan tự miễn: Tình trạng này khiến hệ thống miễn dịch tấn công gan, dẫn đến viêm, xơ gan và suy gan.
  • Xơ gan mật nguyên phát (PBC): Điều này dẫn đến tổn thương các ống dẫn mật trong gan, gây ra sự tích tụ mật. PBC có thể dẫn đến xơ gan và suy gan.
  • Viêm đường mật nguyên phát: Tình trạng viêm này gây ra tổn thương dần dần cho các ống dẫn mật, khiến mật tích tụ trong gan.

4. Vấn đề di truyền

Một số vấn đề di truyền mà bạn thừa hưởng từ cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến gan bao gồm:

  • Hemochromatosis: Hemochromatosis khiến cơ thể bạn dự trữ nhiều chất sắt hơn mức cần thiết trong các cơ quan, bao gồm cả gan. Điều này có thể dẫn đến tổn thương trong thời gian dài nếu không được kiểm soát.
  • Bệnh Wilson: Đây là căn bệnh khiến gan hấp thụ đồng thay vì giải phóng vào ống dẫn mật. Gan dễ bị tổn thương, cho phép đồng vào máu, làm tổn thương các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả não.
  • Sự thiếu hụt alpha-1 antitrypsin (AT): Tình trạng xảy ra khi gan không thể tạo ra đủ alpha-1 antitrypsin – một loại protein giúp ngăn chặn sự phân hủy enzyme trên khắp cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra bệnh phổi cũng như bệnh gan.

5. Ung thư gan

Ung thư gan là sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của các tế bào ung thư tại gan. Nếu ung thư bắt đầu ở những nơi khác trong cơ thể nhưng di căn đến gan, thì được gọi là ung thư gan thứ phát. Loại ung thư gan phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào gan. Biến chứng của các bệnh về gan khác, đặc biệt nếu không được điều trị, có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư gan.

6. Xơ gan

Xơ gan là tình trạng sẹo do các bệnh về gan và các nguyên nhân gây tổn thương gan khác, chẳng hạn như sử dụng rượu quá mức. Xơ nang và giang mai cũng có thể dẫn đến tổn thương gan, gây xơ gan.

Gan có thể tái tạo để hồi phục thương tổn, nhưng quá trình này thường dẫn đến sự phát triển của mô sẹo. Càng nhiều mô sẹo phát triển, gan càng khó hoạt động bình thường.

7. Suy gan

Suy gan mạn tính thường xảy ra khi một phần đáng kể của gan bị tổn thương và không thể hoạt động bình thường. Suy gan cấp tính là tình trạng xảy ra đột ngột, thường là xảy ra do dùng thuốc quá liều hoặc ngộ độc.

Các nguyên nhân nóng gan hầu hết đều xuất phát từ lối sống cùng chế độ ăn uống kém lành mạnh khiến tế bào gan bị tổn thương, tích tụ độc tố và phát sinh các triệu chứng nóng gan.

Chẩn đoán nguyên nhân nóng gan

Nếu bạn lo lắng về các nguy cơ của bệnh gan, tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chẩn đoán. Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách xem qua tiền sử y tế và hỏi tiền sử gia đình xoay quanh các vấn đề về gan. Tiếp theo, họ có thể hỏi bạn một số câu hỏi về các triệu chứng, thói quen uống rượu và ăn uống. Đồng thời, bạn nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc kê toa hoặc thuốc không kê đơn nào bạn đang dùng.

Sau đó bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ
  • CT scan, MRI hoặc siêu âm để kiểm tra tổn thương gan hoặc khối u
  • Sinh thiết gan để kiểm tra dấu hiệu tổn thương hoặc ung thư.

Cách điều trị tại nhà giúp mát gan hiệu quả

Nóng gan nên ăn gì

Có 3 cách trị nóng gan tại nhà bao gồm:

Chế độ ăn uống giúp mát gan

Nóng gan nên ăn gì? Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị nóng gan. Người bệnh cần xây dựng thực đơn các thực phẩm tốt cho gan cũng như hạn chế tối đa thực phẩm làm tình trạng này trầm trọng hơn.

Thực phẩm nên ăn

  • Protein: Thực phẩm này bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, đậu phụ… Bạn cần đảm bảo bổ sung 1g protein/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
  • Chất xơ: Bạn cần bổ sung các loại rau xanh khoảng 200 g mỗi ngày, chiếm 50% bữa ăn mỗi ngày.
  • Vitamin và khoáng chất: Những thực phẩm này bao gồm các loại hoa quả như cam, táo, bưởi…

Thực phẩm nên kiêng

  • Chất béo: Đồ ăn chiên, dầu mỡ có thể gây tích tụ chất độc trong gan.
  • Đường: Những thực phẩm như bánh ngọt, kẹo, trà sữa… không những làm hại gan mà còn làm tăng nguy cơ tiểu đường.
  • Nội tạng động vật: Những thực phẩm này chứa nhiều cholesterol, dễ khiến bị gan nhiễm mỡ.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế đồ ăn có gia vị cay mặn và đặc biệt là các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.

Kiểm soát căng thẳng

Bạn nên đảm bảo ngủ  7 – 8 giờ/ngày, đi ngủ trước 23 giờ để giúp gan thải chất độc và tái tạo các tế bào hư tổn. Bạn không nên làm việc quá sức mà hãy dành từ 1 – 2 giờ nghỉ ngơi, kiểm soát căng thẳng bằng cách đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện cùng người thân…

Bên cạnh đó, bạn cần tập luyện thể dục ít nhất 30 phút/ngày nhằm tăng cường quá trình trao đổi chất, duy trì hoạt động của gan và các cơ quan khác.

Thảo dược làm mát gan

Bạn có thể cân nhắc sử dụng thêm các loại thảo dược làm mát gan như nhân trần, actiso, diệp hạ châu, cà gai leo, mật nhân… Những loại thảo dược này có tác dụng làm mát cũng như hỗ trợ giải độc cho gan, giúp việc điều trị tình trạng nóng gan hiệu quả hơn.

Lưu ý là bạn không nên tự ý sử dụng thảo dược, hay mua bất kỳ loại thuốc nào trị nóng gan mà không có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý chữa bệnh sẽ khiến quá trình điều trị phức tạp và trầm trọng hơn.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn nóng gan là gì, triệu chứng nóng gan, nguyên nhân nóng gan, cách trị nóng gan. Bên cạnh việc điều trị, bạn hãy nhớ khám gan định kỳ để tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Hiện Tượng Gan Bị Nóng