Bàn Về Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa Trong điều Kiện Xây Dựng Và Hoàn ...
(Ảnh: internet)
1. Khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN)
Khái niệm pháp chế XHCN có từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. V.I.Lê-nin là người đưa ra định nghĩa pháp chế và các nguyên tắc của nó đã làm giàu thêm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật. Khái niệm pháp chế: “Pháp chế XHCN là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị - xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, nhân viên nhà nước và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện Hiến pháp, pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để, chính xác. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích của tập thể, của công dân đều bị xử lý theo pháp luật”(1).
Do ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của pháp chế XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần đề cập trong các nghị quyết, chỉ rõ phương hướng và biện pháp cần thiết để tăng cường pháp chế XHCN. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh: “Phải dùng sức mạnh của pháp chế XHCN kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống những hành vi phạm pháp. Các cấp ủy Đảng, từ trên xuống dưới phải thường xuyên lãnh đạo công tác pháp chế... kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các cơ quan pháp chế”(2). Nghị quyết Đại hội VII của Đảng khẳng định: “Điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật của nhân dân”(3). Tại Đại hội VIII của Đảng, quan điểm này được xác định: “Tăng cường pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức...”(4).
Như vậy, tăng cường pháp chế XHCN là một đòi hỏi khách quan của quá trình quản lý và lãnh đạo. Nó trở thành nguyên tắc hiến định của xã hội ta được quy định tại Điều 12, Hiến pháp 1992: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN. Các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật”. Do đó, pháp chế XHCN là một khái niệm rất quan trọng trong tổ chức của bộ máy nhà nước, trong hoạt động của mỗi chủ thể, công dân. kể từ Đại hội VI của Đảng đến nay, các nghị quyết của Đảng thường xuyên, liên tục đề cập đến vấn đề này. Hiến pháp với tính chất là đạo luật cao nhất của nhà nước đã thể chế hóa quan điểm nêu trên của Đảng, càng chứng tỏ pháp chế XHCN rất cần thiết, không thể thiếu trong đời sống xã hội nước ta.
Những nguyên tắc của pháp chế XHCN:
Một là, tính thống nhất. Nội dung cơ bản: nhận thức, hiểu và áp dụng pháp luật phải thống nhất trong phạm vi cả nước. V.I.Lê-nin viết: “Pháp chế không thể là pháp chế của tỉnh Caluga hoặc tỉnh Ca-dan được mà phải là pháp chế duy nhất cho toàn nước Nga và cho cả toàn thể Liên bang các nước cộng hòa Xô-viết nữa”(5). Nguyên tắc pháp chế nhằm xóa bỏ tư tưởng cục bộ, địa phương, làm cho các địa phương liên hệ, phát triển, hồi sinh, hợp tác. Tính thống nhất đòi hỏi sự sáng tạo, song trong khuôn khổ pháp luật. Ví dụ: ngày làm việc 8 tiếng, song không cứ phải thống nhất làm việc từ 7 giờ, mà tùy vào điều kiện của địa phương, đơn vị công tác.
Hai là, pháp chế và tính hợp lý. Trong môi trường pháp luật, tính hợp lý được biểu hiện là sự phù hợp với luật, đối với các mục đích đặt ra, các chủ thể lựa chọn phương án tối ưu về việc thực hiện pháp luật. Cơ sở của tính hợp lý của pháp luật là sự phản ánh đúng đắn trong pháp luật các đòi hỏi của sự phát triển xã hội. Nếu pháp luật quy định đúng đắn ý chí của đông đảo quần chúng nhân dân lao động, các giá trị xã hội, thì chắc chắn pháp luật là hợp lý.
Ba là, không có ngoại lệ. Nội dung của nguyên tắc này là khi pháp luật đã ban hành, ai cũng phải thực hiện, nếu vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo pháp luật. V.I.Lê-nin viết: “Tính nghiêm minh của pháp luật hoàn toàn không phải ở chỗ hình phạt đó phải nặng, mà ở chỗ phạm tội thì không thoát khỏi bị trừng phạt”.
Bốn là, pháp chế XHCN gắn liền với dân chủ.
Dưới chế độ dân chủ, pháp luật thừa nhận mọi công dân đều có quyền bình đẳng trong việc tham gia quản lý và tham gia công việc nhà nước. Chủ nghĩa xã hội và dân chủ gắn bó với nhau. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là dân chủ, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội là ở đó. Chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại và phát triển được nếu thiếu dân chủ và dân chủ không thể thực hiện được đầy đủ, mở rộng nếu không thể hiện bằng hệ thống pháp luật XHCN. V.I.Lê-nin viết: “phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thử nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn...”(6). Dân chủ là chế độ chính trị của nhà nước XHCN với sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân lao động vào công việc nhà nước. Dân chủ có mối quan hệ không tách rời với pháp chế XHCN. Không thể có dân chủ chân chính bên ngoài pháp chế XHCN. Ngược lại, trạng thái pháp chế lại phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện dân chủ XHCN trong đời sống nhà nước và xã hội. Dân chủ là một trong những tiền đề bảo đảm của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
năm là, mối quan hệ giữa pháp chế và văn hoá. V.I.Lê-nin coi đây là điều kiện quan trọng để thực hiện pháp chế XHCN. Người viết: “Nếu chúng ta không áp dụng cho bằng được điều kiện cơ bản ấy để thiết lập pháp chế thống nhất trong toàn Liên bang, thì không thể nào nói đến vấn đề bảo vệ và xây dựng bất cứ một nền văn hoá nào được”(7). Trình độ văn hoá của nhân dân lao động và những cá nhân có trách nhiệm càng cao thì việc thực hiện pháp luật càng tự giác và thống nhất, ngược lại, sự tăng cường pháp chế lại mở ra khả năng lớn để phát triển văn hoá XHCN.
2. Nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền đã có từ lâu trong lịch sử, khái niệm này được xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 4-3 trước công nguyên (TCN). Đại diện cho tư tưởng này là những nhà triết học lỗi lạc của thời cổ đại như Platon (437-347 TCN), Aristot (384-322), Xixêrông (106-43 TCN). Thời kỳ này họ tìm kiếm những nguyên tắc, hình thức để thiết lập mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật. Họ đặt ra những câu hỏi: nhà nước và pháp luật quan hệ với nhau như thế nào? con người đối với pháp luật ra sao?... Aristot viết: “Con người, khi hoàn thiện, là động vật tiến bộ nhất, nhưng khi tách rời khỏi pháp luật và công lý thì lại là loại động vật xấu xa nhất” (Chính trị học, Q.1, Phần I). Tư tưởng nhà nước và pháp quyền tiếp tục phát triển vào thế kỷ XVII-XVIII và trở thành một học thuyết chính trị pháp lý. Những đại biểu nổi tiếng nhất là Loxkơ (1632-1704), Vonte (1644-1778), Mongtexikiơ (1689-1755). Những tư tưởng nổi bật: tính tối cao của pháp luật; nhân dân là chủ thể tối cao của pháp luật, phân chia quyền lực...
Học thuyết nhà nước pháp quyền được Đảng, Nhà nước ta vận dụng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước pháp quyền mang tính phổ biến, tồn tại ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Úc. Pháp quyền là một loạt những quy định được ghi nhận trong luật pháp nhằm quản lý công dân của một quốc gia, là cách thức tổ chức xã hội trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật, tất cả mọi người đều tuân thủ và được hưởng lợi từ pháp luật. Pháp quyền là một loạt những giá trị chung gắn kết một quốc gia; làm cho hoạt động của chính phủ trở nên minh bạch và dễ đoán trước. Nó tạo nên môi trường thuận lợi cho đầu tư, thương mại và hợp tác quốc tế; tạo điều kiện cho cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Pháp quyền tạo điều kiện cho người dân làm chủ cuộc sống dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình.
Tóm lại, pháp quyền là công cụ để một quốc gia duy trì cuộc sống ấm no trong nước cũng như củng cố vị thế trên trường quốc tế. Một quốc gia mạnh bởi thể chế và cam kết với người dân về pháp quyền. Đây là những yếu tố quan trọng không kém gì những yếu tố như tài nguyên, khí hậu hoặc địa lý của quốc gia đó.
Ở Việt Nam, Bác Hồ đã sử dụng thuật ngữ pháp quyền từ năm 1919. Khi các cường quốc đồng minh họp Hội nghị Véc-xây, Bác đã có bài viết với tiêu đề “Việt Nam yêu cầu ca” gửi tới Hội nghị: Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Tám điều phải có thần linh pháp quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng sớm nhất về tư tưởng pháp quyền. Khái niệm Nhà nước pháp quyền được sử dụng lần đầu tiên tại Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ngày 25/11/1991 khi thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nội dung cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam đã được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam”. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(8). Hội nghị lần thứ tám, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) xác định tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nêu rõ các quan điểm chỉ đạo cải cách bộ máy nhà nước ta theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền tiếp tục được khẳng định trong các Nghị quyết của các Đại hội toàn quốc của Đảng, được luật hóa trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Đây là bước đi đúng, hợp xu hướng thời đại của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề nhà nước và công dân. Cốt lõi của Nhà nước pháp quyền là tính tối cao của pháp luật, các mối quan hệ trong xã hội có nhà nước đều lấy pháp luật làm thước đo; đều bình đẳng trước pháp luật, mọi người đều được hưởng lợi từ pháp luật.
3. Mối liên hệ Nhà nước pháp quyền và pháp chế XHCN
Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền có mối liên hệ với pháp chế. Nhà nước pháp quyền khẳng định tính tối cao của pháp luật, trong đó Hiến pháp là đạo luật cơ bản, pháp luật chi phối và điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhà nước định ra pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Đây là đặc trưng cơ bản nhất của Nhà nước pháp quyền nói chung cũng như Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam nói riêng. Vì thế, nhất thiết phải tăng cường pháp chế nhằm tạo ra những văn bản pháp luật có chất lượng để tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, phòng tránh sự lạm quyền của cán bộ, cơ quan nhà nước...
Nhà nước pháp quyền đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hay cá nhân đều phải tuân theo pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải bảo đảm tôn trọng pháp luật - thước đo đầu tiên đối với tất cả các chủ thể trong xã hội. Bởi vì, pháp luật được coi là giá trị chung, là đại lượng mang tính phổ biến, bảo đảm mọi người được bình đẳng và công bằng xã hội. Nhà nước muốn trở thành Nhà nước pháp quyền phải được tổ chức trên cơ sở pháp luật. Mọi tổ chức và hoạt động của nhà nước được pháp luật quy định và bảo đảm cho các quy định đó có hiệu lực pháp lý. Tổ chức nhà nước từ cơ quan quyền lực, hành chính, tư pháp từ Trung ương cho đến địa phương, cơ sở đều do pháp luật quy định. Pháp luật quy định thẩm quyền cho từng loại cơ quan, quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tất cả những lĩnh vực ấy đều được các chế tài của pháp luật bảo đảm thực hiện. Lý luận Mác - Lênin và thực tiễn chỉ ra rằng quản lý xã hội bằng pháp luật là có hiệu quả nhất, văn minh nhất.
Nhà nước pháp quyền đối lập với những tư tưởng coi thường pháp luật. Hiện tượng coi thường pháp luật của một số cán bộ và nhân dân thực chất là đối lập pháp quyền. Trong Nhà nước pháp quyền, quyền con người được mở rộng theo nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, cán bộ nhà nước, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nguyên tắc này thể hiện sự ràng buộc của pháp luật đối với tất cả mọi người, không phân biệt địa vị xã hội, chức vụ, chống lại sự tự tiện, chuyên quyền, độc đoán của cán bộ nhà nước, cơ quan nhà nước và nhà nước...
Để thực hiện được những nội dung trên, Nhà nước pháp quyền Việt Nam không chỉ cần có đủ luật, mà còn yêu cầu cao về chất lượng các đạo luật, phải có hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, ổn định lâu dài. Vì vậy, phải tăng cường pháp chế trong tất cả các lĩnh vực như: xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật, tổ chức bộ máy, phát huy dân chủ...
Như vậy, pháp chế XHCN là công cụ cơ bản, chủ yếu để đưa pháp luật vào cuộc sống nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện hiện nay và lâu dài.
4. Một số giải pháp dựng nhà nước pháp quyền XHCN
- Thứ nhất, tăng cường pháp chế trong hoạt động lập pháp, lập quy để có hệ thống pháp luật tốt về nội dung và hình thức. Trong đó bảo đảm tính pháp quyền cao; bảo đảm tính mở của pháp luật; tính khách quan của pháp luật. Muốn vậy, Quốc hội phải mạnh. Đại biểu Quốc hội cần tài trí, thông minh; biết nói, dám nói, bàn cãi, chất vấn; là người nắm được quy luật tự nhiên, xã hội, tư duy...
- Thứ hai, tăng cường pháp chế trong thực hiện pháp luật. Trong thực hiện pháp luật có nhiều công đoạn, song cần lưu ý áp dụng pháp luật, vì chủ thể của áp dụng pháp luật là cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước có thẩm quyền. Vì thế, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước ta. Họ cần có thái độ phụng sự nhân dân chứ không phải “cai trị” dân. Thực tế vẫn còn những cán bộ, công chức là lực cản của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bộ phận này kém hiểu biết về pháp luật; cố tình không làm đúng pháp luật để trục lợi. Do vậy, nâng cao trình độ văn hoá của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước ta hiện nay để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là việc làm cần thiết.
- Thứ ba, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng. Đảng, Nhà nước ta đã xác định tham nhũng là quốc nạn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền trong đó pháp luật là tối thượng, song nếu có luật tốt mà trong xã hội, trong bộ máy nhà nước còn tình trạng hối lộ, tham nhũng thì kết quả sẽ xấu hơn. V.I.Lê-nin đã viết: “Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được áp dụng trong điều kiện hối lộ còn được dung thứ và được thịnh hành”(9).
- Thứ tư, nâng cao văn hoá của nhân dân. Để thực hiện tốt pháp luật, mỗi con người và toàn xã hội phải có một trình độ văn hoá nhất định. Một bộ phận không nhỏ nhân dân có trình độ văn hoá còn bất cập... là lực cản rất lớn để xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Ghi chú:
(1) TS. Đỗ Ngọc Hải, Pháp chế XHCN trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBDN các cấp ở nước ta hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia, H.2007, tr.54
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.121
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.121
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.45
(5), (7) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mát xcơva, 1980, t.45, tr.232, tr.233
(6) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, T.42, tr.97
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, 1994, tr.56
(9) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1980, T.47, tr.218.
TS Luật học. Đỗ Ngọc Hải - Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I / Tạp chí Tổ chức Nhà nước Số 12/2009
Từ khóa » Chế Xã Hội Chủ Nghĩa Là Gì
-
Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa Là Gì ? Quy định Về ... - Luật Minh Khuê
-
Khái Niệm Về Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa? Các Yêu Cầu Của Pháp ...
-
Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa Là Gì? Yêu Cầu Của Pháp Chế XHCN?
-
Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa Của Nhà Nước Cộng ... - Luật Hoàng Phi
-
Nguyên Tắc Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa Trong Quản Lý Hành Chính Nhà ...
-
Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa Là Gì?
-
[PDF] 19 Chuyên đề 2 PHÁP LUẬT, PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA I ...
-
Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa Là Gì? Trình Bày Những Yêu Cầu Cơ Bản ...
-
Phân Tích Khái Niệm Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa
-
Pháp Chế Là Gì? Nguyên Tắc Pháp Chế Hiện Nay [cập Nhập 2022]
-
[PDF] Và Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa
-
Tăng Cường Pháp Chế Trong Xây Dựng Nhà Nước Pháp Quyền Theo ...
-
HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM