Bàn Về Từ “phân Số” Trong Bản Dịch “hoa Quốc Kỳ Duyên”

Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Văn tự
Phạm Văn Thắm
39.Bàn về từ "Phân số" trong bản dịch "Hoa quốc kỳ duyên" (TBHNH 1996)

Cập nhật lúc 17h04, ngày 17/12/2007

BÀN VỀ TỪ “PHÂN SỐ” TRONG BẢN DỊCH “HOA QUỐC KỲ DUYÊN”

PHẠM VĂN THẮM

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

1. Hoa Quốc kỳ duyên là một truyện viết bằng chữ Hán chép trong tập Thánh Tông di thảo. Truyện viết về anh Nho sinh họ Chu mồ côi cha mẹ, nhà lại nghèo nhưng thường nằm mơ lấy công chúa Mộng Trang, được làm phò mã ở Hoa Quốc. Khi tỉnh giấc, chàng họ Chu vẫn hoàn nguyên là một anh học trò nghèo. Tuy nhiên chàng học trò nghèo ấy rất chăm học, thi đỗ Hương cống, sau lại tham dự thi Hội, rồi được bổ làm giáo thụ ở phủ Hà Nội. Căn cứ vào bản dịch của Nguyễn Bích Ngô (Nxb. Văn hóa và Viện Văn học, H. 1963), chàng họ Chu được bổ làm giáo thụ Hà Nội nhờ chàng đi thi Hội được điểm có phân số. Đoạn văn được chuyển dịch có từ phân số như sau:

“Ngày tháng thoi đưa, lại tới kỳ thi Hội, sinh vào thi, được xếp vào hạng có phân số (1) dưới “phân số” dịch giả đã chú thích “Việc dùng người thi Hội, có phân số đến thời Minh Mạng triều Nguyễn mới có. Câu này ngờ có sai lầm” (2). Dưới đoạn chú thích này, dịch giả lại chú thích thêm: “Có phân số: theo thể lệ thi Hội, người nào làm bài chưa đủ số phân điểm được đậu, nhưng đã đạt đến một số phân điểm nào đó, được xếp vào hạng khá (3).

Gần đây, để làm sáng tỏ nghĩa từ “phân số”, Nguyễn Nam trong bài “Mấy điều nghi vấn từ Hoa Quốc kỳ duyên đã viết: “Để có thể hiện rõ hơn về từ “phân số”, có thể đọc Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ: “Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), chuẩn lời nghị, những viên đồng khảo ở trong kèm theo từng kỳ văn, điểm duyệt tùy theo văn trong bài đáng ở hạng ưu là 10 phân hay 9 phân, đáng ở hạng ưu thứ là 8 hay 7 phân, đáng ở hạng ưu bình là được 6 hay 5 phân, nếu ở hạng bình thứ là được 4 hay 3 phân, nếu ở hạng thứ là được 2 hay 1 phân, nếu ở hạng kém là không đủ 1 phân, nhưng cũng ghi tên ở trên quyển có phân số (4).

Người đọc có thể nhận thấy những điều không hợp lý về cách diễn giải từ “phân số”.

1. Đối chiếu với Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì theo cách giải thích của dịch giả. “Đã đạt đến một số phân điểm nào đó được xếp vào hạng khá” là chưa chuẩn xác.

2. Sau khi đi thi Hội, chàng Chu được bổ làm quan giáo thụ ở phủ Hà Nội. Căn cứ vào Đại Nam hội điển sự lệ người có điểm phân số là thuộc hạng kém. Phải chăng triều Nguyễn bổ dụng người làm quan cả những người thuộc hạng kém?

3. Điều khiến người đọc băn khoăn, có nhà nghiên cứu đã sử dụng từ “phân số” như một cứ liệu để đoán định truyện Hoa quốc kỳ duyên được viết vào thế kỷ XIX.

4. Chúng tôi tìm đến nguyên bản. Truyện Hoa Quốc kỳ duyên chỉ còn 1 dị bản chép trong tập Thánh Tông di thảo mang ký hiệu A.202. Từ “phân số” của bản dịch được đặt trong văn cảnh ở bản chữ Hán như sau:

值 春 圍 生 赴 選 與 有 分

Chúng ta nhận thấy đoạn văn trên có 3 mệnh đề độc lập, chúng có mối liên hệ với nhau, trong đó mệnh đề có hai chữ cần lý giải, đó là chữa và chữ .

a. Chữ . Chữ này có nhiều âm đọc, và có nhiều chắc năng ngữ pháp khác nhau. Căn cứ vào từ nguyên, chữ này có một âm đọc là “dự”, chức năng ngữ pháp là động từ, nghĩa của nó là tham dự. Chữ dự, kết hợp với chữ = hữu, thành = dự hữu, trong từ điển không có từ ghép này nhưng xét trong văn cảnh nó gần nghĩa với từ dự văn nghĩa là “tham dự và cảm thấy” xét ở khía cạnh nội tâm (5). Chúng tôi có thể đoán định rằng từ có một nét nghĩa gần với từ = dự văn nghĩa là [chủ thể] tham dự và cảm thấy một điều gì đó.

b. Chữ

Chữ này ngoài âm đọc là “phân” còn có một âm đọc là “phận”. Theo từ nguyên, chữ = phận kết hợp với chữ = số, tạo thành = phận số mang nghĩa phận mệnh, số kiếp, gần nghĩa với từ số phận (6).

Như vậy, đoạn văn có thể phiên âm là “hựu trực xuân vi, sinh phó tuyển, dự hữu phận số “ngày tháng thoi đưa, lại tới kỳ thi Hội, sinh đi thi [khi] vào tham dự trường thi, chàng cảm thấy như có số phận [do trời định sẵn]. Để kiểm tra lại sự chính xác của sự chuyển dịch này, chúng tôi đọc lại toàn bài nhận thấy có nhiều chi tiết được thể hiện theo quan niệm. “Con người co số phận, do trời định” như:

1. Chu sinh nằm mộng lấy được Mộng Trang. Nhưng cuộc tình duyên của họ phải chia ly bởi Hoa Quốc có chiến tranh. Chàng họ Chu trở về cõi trần, Mộng Trang ở lại cùng Quốc mẫu lãnh mệnh dời đô. Trước khi dời đô, Quốc Mẫu nói với Chu sinh: “Còn cháu nhỏ thì đang thơ ấu, chưa tiện theo cha. Hai sáu tháng nữa sẽ xin trao trả (7).

Đó là câu chuyện trong giấc mộng. Còn chàng họ Chu ở trên cõi trần, chúng ta có thể nhận thấy tác giả đã khắc họa những sự kiện, những tình tiết xẩy ra trong đời tư của chàng họ Chu này thường phù hợp với những điều mà Chu sinh đã nằm mộng.

Trước hết chàng họ Chu sau khi thi đỗ Hương cống người chú đã dựng vợ cho chàng. Người vợ đó tên là Đồng Nhân. “Sinh nghe chữ Đồng Nhân, hợp với lời dặn của Mộng Trang, rất đỗi vui mừng (8).

Hai người lấy nhau được một năm, Đồng Nhân sinh con trai “chàng họ Chu bế con để đặt tên, chàng nhìn kỹ dung mạo của nó, thấy giống hệt như đứa con ở Hoa Quốc. Sinh nghĩ bụng hiểu ngay, lại bấm đốt ngón tay, tính ra đúng 26 tháng…(8).

Chúng ta có thể nhận thấy những gì xẩy ra trong đời thường của chàng họ Chu, dường như phù hợp hợp với những điều mà chàng họ Chu đã nằm mộng. Phải chăng đó là số phận của một con người mà tác giả luôn tin vào thuyết định mệnh mà sáng tác nên.

Phải chăng mệnh đề(9) = dự hữu phân số, chữ (10) được đọc là “phận” và từ “phân số” được hiểu là số phận, phận mệnh, rất có thể được tác giả sử dụng theo quan niệm này. Nếu sự lý giải của chúng tôi là hợp lý thì truyền Hoa Quốc kỳ duyên không thể viết vào thế kỷ XIX, mà phải được viết trước đó, cụ thể là trước năm Minh Mạng 10 [1827].

Chú thích:

1. Thánh Tông di thảo, Nxb. Văn hóa, Viện văn học, Hà Nội. 1963 tr.64.

2 + 3. Thánh Tông di thảo. Sđd tr.69.

4. Xem “Mấy điều nghi vấn từ Hoa Quốc kỳ duyên. Thông báo Hán Nôm H.1996, tr.223.

5. Hiện đại Hán ngữ từ điển. Thượng vụ ấn thư quán xuất bản 1978/

6. Hán Việt từ điển, Nxb. Trường Thi. 1957.

7. Thánh Tông di thảo Sđd tr.60.

8. Thánh Tông di thảo Sđd tr.61.

9. Thánh Tông di thảo Sđd tr.64.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn ngôn hư từ thiển thích. Bắc Kinh xuất bản xã. 1979.

2. Văn ngôn hư từ. Lã Thúc Tương, Trung Quốc Thanh niên xuất bản xã. 1954.

3. Trung Văn đại từ điển. Trung Quốc văn hóa nghiên cứu sở xuất bản 1962.

4. Thánh tông di thảo, Nxb. Văn hóa, Viện văn hóa, 1963.

5. Thông báo Hán Nôm. Nxb. KHXH H.1996.

6. Từ điển Hán Việt. Nxb. Trường Thi Sài Gòn. 1954.

Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.371-375 )

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Từ Ghép Với Từ Duyên