Báo Cáo Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý II Và 6 Tháng Năm 2000

  1. TÌNH HÌNH KINH TẾ

Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2000 diễn biến theo chiều hướng tích cực. Tuy còn nhiều yếu tố chưa thật vững chắc nhưng đã chặn được xu hướng giảm sút tốc độ tăng trưởng. Theo ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I/2000 tăng 5,6%; quý II/2000 tăng 6,6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,0%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,8%; khu vực dịch vụ tăng 5,3%. Nếu so với tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 1999 thì hầu hết các khu vực, các ngành và các lĩnh vực kinh tế then chốt đều có tốc độ tăng cao hơn, thể hiện qua biểu so sánh chỉ số phát triển tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm của hai năm 1999 và 2000 dưới đây:

%

6 tháng 1999 6 tháng 2000
TỔNG SỐ 104.3 106.2
      – Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản 102.7 104.0
      – Công nghiệp và Xây dựng 107.5 108.8
            + Công nghiệp 109.4 110.8
            + Xây dựng 100.0 100.3
      – Dịch vụ 102.8 105.3

Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm nay đạt tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 1999 chủ yếu do sản xuất lương thực được mùa. Các địa phương phía nam đã thu hoạch xong 1850,4 nghìn ha lúa đông xuân với năng suất bình quân đạt 50,5 tạ/ha và sản lượng đạt trên 9,3 triệu tấn, tăng 74 vạn tấn so với vụ đông xuân trước. Các địa phương phía bắc cũng đang thu hoạch lúa đông xuân đại trà với năng suất khá cao. Ước tính năng suất bình quân của toàn bộ 1160,5 nghìn ha lúa đông xuân của các địa phương phía bắc năm nay có thể đạt 51,7 tạ/ha và sản lượng đạt khoảng 6,0 triệu tấn, tăng 50 vạn tấn so với vụ đông xuân trước. Tính chung lại, sản lượng lúa đông xuân vụ này của cả nước có thể đạt trên 15,3 triệu tấn. Nếu tính thêm gần 1,4 triệu tấn màu lương thực quy thóc thì tổng sản lượng lương thực vụ đông xuân 2000 đạt 16,7 triệu tấn, tăng gần 1,2 triệu tấn so với vụ đông xuân 1999. Như vậy vụ đông xuân này lại tiếp tục đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay, số liệu cụ thể như sau:

        Nghìn tấn

Vụ đông xuân Cả nước                            Chia ra
Miền Bắc Miền Nam
1995 11998 5556 6442
1996 13587 6331 7256
1997 14696 6628 8068
1998 14891 6481 8410
1999 15584 6847 8737
Ước tính 2000 16721 7258 9463

Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đạt tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp mở rộng được sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay tăng 14,7% so với 6 tháng đầu năm 1999, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 12,0% (Trung ương quản lý tăng 10,8%; địa phương quản lý tăng 14,6%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,7% (Dầu mỏ và khí đốt giảm 2,7% do 4 tháng đầu năm bị sự cố dàn khoan và tàu chở dầu; các doanh nghiệp khác tăng 24,8%). Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay đạt tốc độ tăng 14,7% là tốc độ tăng cao nhất so với tốc độ tăng trong 6 tháng của những năm gần đây (Tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 1996 đến 1999 lần lượt là: 13,2%; 13,6%; 12,6% và 10,3%). Sở dĩ ngành công nghiệp có tốc độ tăng cao như trên, một phần do so với 6 tháng đầu năm 1999 là thời kỳ sản xuất công nghiệp đạt mức thấp, nhưng mặt khác còn do 6 tháng đầu năm nay một số ngành công nghiệp then chốt đã tăng trưởng với tốc độ cao: Xi măng tăng 27,9%; thép cán tăng 19,1%; vải lụa tăng 17,5%; thuỷ sản chế biến tăng 22,9%. Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng khác đã giành lại được thị phần trên thị trường trong nước do Nhà nước thực hiện dán tem hàng nhập khẩu và tích cực chống gian lận thương maị: Sứ vệ sinh tăng 36,0%; gạch lát tăng 21,8%; lắp ráp xe máy tăng 50,3%; lắp ráp ti vi tăng 37,0%; lắp ráp ô tô tăng 76,4%.

Khu vực dịch vụ bước đầu lấy lại được đà tăng trưởng của những năm trước đây. So với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách 6 tháng đầu năm nay tăng 4,6% về khối lượng vận chuyển và tăng 4,7% về khối lượng luân chuyển. Hai chỉ tiêu tương ứng của vận tải hàng hoá là tăng 7,2% và tăng 10,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước tính đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với 6 tháng đầu năm 1999, trong đó quốc doanh thực hiện được 19,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,1% và tăng 10,4%; cá thể 71,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,8% và tăng 5,7%, còn lại là các thành phần kinh tế khác. Nếu chia theo ngành dịch vụ thì ngành thương nghiệp đạt 75,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 71,3% và tăng 7,4%; khách sạn nhà hàng 12,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1% và tăng 10,2%; du lịch và dịch vụ 6,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,9% và tăng 10,7%, còn lại là các cơ sở sản xuất trực tiếp bán lẻ.

Hoạt động ngoại thương chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước tính đạt 6427 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực trong nước xuất khẩu 3396 triệu USD, tăng 7,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 3031 triệu USD, tăng 56,8%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 7154 triệu USD, tăng 33,8% so với 6 tháng đầu năm 1999. Nhập siêu 727 triệu USD, chỉ bằng 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và bằng 10,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nếu so với 6 tháng đầu năm 1999 thì hoạt động xuất nhập khẩu đã có sự cải thiện rõ rệt, không chỉ tăng về kim ngạch mà còn chuyển từ xu hướng ách tắc sang xu hướng tăng trưởng với tốc

độ cao (6 tháng đầu năm 1999 kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 7,7%; kim ngạch nhập khẩu giảm 12,0%).

Thu chi ngân sách Nhà nước về cơ bản theo được tiến độ kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước tính đạt 50,9% dự toán cả năm và tăng 3,7% so cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách tăng 13,7% so cùng kỳ năm trước và đạt 43,7% dự toán chi cả năm.

Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng khá như trên nhưng hiện nay nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước một số khó khăn lớn: 

Một là, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nhìn chung còn chậm, nhất là nông sản hàng hoá. Sản lượng thóc vụ đông xuân này tăng 1,2 triệu tấn so với vụ đông xuân trước nên thóc hàng hoá tương đối lớn, nhưng 6 tháng đầu năm nay mới xuất khẩu được 1440 nghìn tấn, chỉ bằng 60%cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho giá lương thực liên tục giảm trong những tháng vừa qua, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2000 chỉ bằng 99,0% tháng 12/1999 và bằng 97,6% tháng 6/1999. Nếu loại trừ giá lương thực, thực phẩm thì giá các loại hàng hoá và dich vụ khác vẫn tăng, tuy tốc độ tăng không cao, thể hiện ở biểu số liệu dưới đây:

%

Giá tiêu dùng tháng 6/2000 so với
Tháng 6/1999 Tháng 12/1999
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG 97,6 99,0
    a. Lương thực, thực phẩm 94,8 97,7
          – Lương thực 89,4 92,4
          – Thực phẩm 96,0 99,7
    b. Không phải lương thực, thực phẩm 101,8 101,3

Hai là, mặc dù Chính phủ và các cấp, các ngành từ đầu năm đến nay tích cực triển khai các giải pháp kích cầu đầu tư, nhưng tình hình đầu tư xây dựng cơ bản nhìn chung chưa có chuyển biến đáng kể. Trong dự toán năm 2000, tổng chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển là 25700 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm  1999, nhưng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước (Vốn ngân sách Nhà nước tập trung) 6 tháng mới đạt 6500 tỷ đồng, bằng 42,1% kế hoạch năm và bằng 97% cùng kỳ năm trước.

2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Giáo dục: Ngành giáo dục đã tổ chức thi tốt nghiệp cho 3527 nghìn học sinh phổ thông các cấp, tăng 5,50% so với năm học trước, trong đó cấp tiểu học

1815 nghìn học sinh, tăng 3,24%; cấp phổ thông trung học cơ sở 1192 nghìn học sinh, tăng 2,12% và cấp phổ thông trung học 520 nghìn học sinh, tăng 24,4%. Theo báo cáo sơ bộ, kỳ thi này tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp tiểu học đạt 98,47%, giảm 0,24% so với kỳ thi trước; cấp phổ thông trung học đạt 86,57%, giảm 2,88%. Ngoài ra ngành giáo dục cũng đã tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học cho 99 nghìn học viên bổ túc văn hoá, tăng 17,85% so với kỳ thi trước và tỷ lệ tốt nghiệp đạt 81,63%, tăng 1,8%. Do đẩy mạnh xoá mù chữ và tích cực triển khai chương trình phổ cập giáo dục tiểu học nên đến nay cả nước đã có 60/61 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ với 570 quận/huyện và 9912 xã/phường. Tuy nhiên, theo kết quả Tổng điều tra dân số 1/4/1999 thì đến thời điểm này cả nước vẫn còn gần 2,2 triệu người từ 6 đến 29 tuổi chưa được đi học, trong đó 81,5 vạn cháu 6-9 tuổi; 6,1 vạn cháu 10 tuổi; 24,4 vạn cháu 11-14 tuổi; 20,4 vạn cháu 15-17 tuổi; 15,7 vạn người 18-19 tuổi và 71,3 vạn người 20-29 tuổi.

Y tế: Ngành y tế đã tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nên 5 tháng đầu năm số người mắc bệnh thương hàn chỉ bằng 28,4% cùng kỳ năm trước; số người sốt xuất huyết bằng 22,3%. Tuy nhiên số người sốt rét và nhiễm HIV/AIDS vẫn khá cao. Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2000 cả nước đã có trên 73,5 nghìn lượt người bị sốt rét, chủ  yếu tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Số người nhiễm HIV/AIDS đã phát hiện được là 18893 người, trong đó 3424 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS (1766 người đã bị chết).

Lao động và thu nhập: Theo số liệu báo cáo của các ngành và các địa phương, 6 tháng năm 2000 khu vực Nhà nước có 3420,6 nghìn lao động, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó trung ương quản lý 1419,7 nghìn người, tăng 3,2%; địa phương quản lý 2000,9 nghìn người, tăng 0,6%. Mức thu nhập bình quân 1 tháng của lao động thuộc khu vực này đạt 735,3 nghìn đồng/người, tăng 7,5%, trong đó trung ương quản lý đạt 976.2 nghìn đồng/người, tăng 7,3%; địa phương quản lý 558,3 nghìn đồng/người, tăng 8,0%.

Theo kết quả điều tra mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê tiến hành đầu năm 2000 thì thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của các hộ điều tra trong năm 1999 đạt 295 nghìn đồng, tăng 30,1% so với năm 1996, trong đó khu vực thành thị 832,5 nghìn đồng/người/tháng, tăng 63,4%; khu vực nông thôn 225,0 nghìn đồng/người/tháng, tăng 19,7%. Do thu nhập tăng nên ngoài chi tiêu thường xuyên, các hộ còn có tích luỹ đầu tư xây dựng nhà ở và mua sắm tài sản cố định. Tính bình quân trong năm 1999 mỗi hộ đã đầu tư xây dựng nhà ở 1066,3 nghìn đồng, tăng 39,4% so với năm 1996; mua sắm tài sản cố định 499,2 nghìn đồng, tăng 53,0%.

Do đời sống nhìn chung được nâng lên nên khi trả lời phỏng vấn của các điều tra viên trong cuộc điều tra nói trên, các hộ gia đình đã tự đánh giá về mức sống năm 1999 so với năm 1990 và 1996 như sau:

Tổng số

hộ

Chia ra
Khá lên Như cũ Giảm đi
 A. Đánh giá mức sống 1999        
      so với 1990 100,00 84,46 11,11 4,43
         – Thành thị 100,00 76,98 15,93 7,09
         – Nông thôn 100,00 86,78 9,62 3,60
 A. Đánh giá mức sống 1999        
      so với 1996 100,00 77,78 16,69 5,53
         – Thành thị 100,00 66,10 24,87 9,03
         – Nông thôn 100,00 81,42 14,14 4,44

Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 15,70% năm 1996 xuống còn 13,33% năm 1999, trong đó khu vực thành thị giảm từ 6,85% xuống 4,61%; khu vực nông thôn giảm từ 17,73% xuống 15,96.

Mặc dù đời sống dân cư ở cả thành thị và nông thôn nhìn chung có cải thiện, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo vẫn có xu hướng roãng ra. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của 20%  hộ có thu nhập cao nhất so 20% hộ có thu nhập thấp nhất năm 1996 là 7,3 lần, nhưng đến năm 1999 tăng lên 8,9 lần. Tương ứng các năm trên ở 10% hộ có thu nhập cao nhất so 10% hộ có thu nhập thấp nhất là 10,6 và 12,0 lần; ở 5% hộ có thu nhập cao nhất so với 5% hộ có thu nhập thấp nhất là 15,1 và 17,1 lần.

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm có thu nhập cao nhất so với nhóm có thu nhập thấp nhất (Lần)
1996 1999
    + 20% hộ có thu nhập cao nhất so với
       20% hộ có thu nhập thấp nhất  7,3  8,9
    + 10% hộ có thu nhập cao nhất so với
       10% hộ có thu nhập thấp nhất 10,6 12,0
    + 5% hộ có thu nhập cao nhất so với
       5% hộ có thu nhập thấp nhất 15,1 17,1
    + 2% hộ có thu nhập cao nhất so với
       2% hộ có thu nhập thấp nhất 27,2 29,4

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Từ khóa » Eu Năm 2000