Bảo đảm Bữa ăn Bán Trú Cho Trẻ Mầm Non - UBND Tỉnh Thái Bình

Lo lắng khi tổ chức ăn bán trú trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp không chỉ là tâm trạng của lãnh đạo các trường mà còn của phụ huynh học sinh. Vì vậy, để bảo đảm VSATTP tại các trường có phục vụ bữa ăn bán trú, ngay từ đầu năm học Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo các trường phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất đối với khu vực bếp nấu, chế biến thức ăn, dụng cụ phục vụ; xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm VSATTP cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng; tuân thủ đúng quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn, thực phẩm hàng ngày; thường xuyên vệ sinh trường, lớp, nhà ăn, sử dụng dụng cụ sinh hoạt bảo đảm vệ sinh... Ngoài ra, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của phụ huynh tham gia giám sát việc quản lý bán trú và nấu ăn bán trú cho học sinh. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chia sẻ: Không chỉ chú trọng việc học, ngành còn chú trọng cả việc nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh chu đáo, chất lượng, an toàn. Việc tổ chức bán trú năm học này vất vả hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù lo lắng nhưng các trường cố gắng chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất tổ chức bán trú để tạo thuận lợi cho phụ huynh.

Năm học 2021 - 2022, Trường Mầm non Vũ Chính (thành phố Thái Bình) có trên 400 học sinh ở 15 nhóm lớp. Để phục vụ tốt bữa ăn bán trú, nhà trường bố trí 5 nhân viên nấu ăn, phục vụ; hệ thống bếp ăn một chiều với đồ dùng, dụng cụ nhà bếp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, bảo đảm VSATTP. Cùng với đó, thực đơn các bữa ăn đa dạng, được thay đổi hàng ngày, giúp trẻ hào hứng với bữa ăn tại trường. Hàng ngày, đại diện Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên y tế và ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm tra chất lượng thực phẩm của đơn vị cung ứng và giám sát bữa cơm của học sinh; thường xuyên quản lý, kiểm tra việc bảo đảm chế độ lưu mẫu thức ăn qua 24 giờ. 

Cô giáo Bùi Thị Dung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hiện tỷ lệ học sinh nhóm 4, 5 tuổi đến lớp đạt 100%, nhóm 2, 3 tuổi đạt khoảng 60%. Để bảo đảm VSATTP, ngoài việc khử trùng bếp ăn và toàn bộ khuôn viên, phòng học trước khi học sinh đến lớp, nhà trường yêu cầu tất cả giáo viên và nhân viên phục vụ nhà bếp phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn; hướng dẫn các cháu vệ sinh tay thường xuyên, nhất là trước và sau bữa ăn.

Nhóm lớp mầm non Smartkid (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) dù mới đi vào hoạt động trong năm học này nhưng đã huy động được hơn 30 trẻ. Công tác chăm sóc bán trú cũng được đặc biệt chú trọng. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu nhà ăn, khu phòng ở của trẻ, cô giáo Đào Thị Minh, chủ cơ sở cho biết: Để bảo đảm VSATTP, bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, bố trí khoa học với các khu riêng biệt gồm: khu tiếp nhận, khu chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn, hệ thống bàn chia, tủ đựng thức ăn. Thiết bị, đồ dùng nhà bếp như tủ hấp bát, thìa, tủ lưu mẫu thực phẩm... được trang bị đầy đủ. Chúng tôi đã lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Công tác vệ sinh, an toàn cho trẻ được ưu tiên hàng đầu. Đồ dùng của trẻ như khăn, ca uống nước được các cô đánh dấu bằng ký hiệu riêng, các bé đều nhớ và không dùng nhầm của bạn.

Để tiếp tục làm tốt công tác VSATTP, bảo vệ sức khỏe cho trẻ tại các trường mầm non, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non quản lý chặt chẽ chất lượng ăn bán trú; rà soát, mua sắm bổ sung đầy đủ đồ dùng, phương tiện phục vụ công tác chăm sóc trẻ; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để bảo đảm 100% bếp ăn bán trú thực hiện đúng quy định về VSATTP, không để xảy ra ngộ độc trong trường học.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non Vũ Chính.

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Bữa ăn Bán Trú Cho Trẻ Mầm Non