Tổ Chức Bữa ăn Bán Trú Hiệu Quả Cho Trẻ Mầm Non

Như chúng ta đã biết, dinh dưỡng cho trẻ trong những năm đầu đời là tiền đề, là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển về mọi mặt sau này của đứa trẻ. Trẻ ở lứa tuổi mầm non còn quá nhỏ, cơ thể còn non nớt nên cần được chăm sóc chu đáo và cẩn thận. Hiện nay vấn đề đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến cả quá trình từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Đối với các trường mầm non thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ dừng lại ở khâu chế biến dinh dưỡng theo qui trình của bếp ăn 1 chiều mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn ngay trong quá trình vận chuyển thức ăn và tổ chức bữa ăn cho trẻ ở trên lớp.

Trên thực tế, việc tổ chức bữa ăn cho trẻ ở các trường mầm non vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến. Thường trong các bữa ăn của trẻ cô giáo mới chỉ chú ý làm sao cho trẻ ăn hết xuất chứ chưa chú ý đến việc tổ chức làm sao cho trẻ ăn ngon miệng, có tâm lý thoải mái khi ăn và vấn đề vệ sinh trước khi ăn cho trẻ chưa thực sự được chú ý, nhiều trẻ ăn kém, ăn chậm không chịu xúc ăn; Một bộ phận phụ huynh chưa yên tâm đến chất lượng tổ chức bữa ăn cho trẻ.

Để khắc phục những khó khăn trên, tôi xin đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng tổ chức bữa ăn hiệu quả cho trẻ:

1. Biện pháp 1: Tiếp nhận và kiểm tra chất lượng thực phẩm.

Để trẻ có những bữa ăn ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngoài việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chế biến dinh dưỡng đảm bảo vệ sinh an toàn ở dưới bếp 1 chiều thì khâu vận chuyển thực phẩm và tổ chức bữa ăn cho trẻ ở trên lớp đảm bảo vệ sinh an toàn cũng vô cùng quan trọng. Là một giáo viên trực tiếp tổ chức bữa ăn cho trẻ, tôi luôn chú trọng tới khâu đảm bảo vệ sinh khi vận chuyển thực phẩm; Thức ăn đưa lên cho trẻ yêu cầu phải có nắp dậy cẩn thận, thực phẩm phải còn nóng, không có mùi, màu lạ.

 

2. Biện pháp 2: Chuẩn bị chu đáo khi tổ chức giờ ăn cho trẻ

Khâu chuẩn bị trước khi tổ chức giờ ăn là vô cùng quan trọng, chuẩn bị tốt mọi điều kiện trước khi cho trẻ ăn giúp cho bữa ăn của trẻ diễn ra vui vẻ, an toàn, hình thành ở trẻ thói quen vệ sinh văn minh trong ăn uống.

Chuẩn bị đồ dùng: Bàn ghế đủ cho trẻ ngồi, kế ngay ngắn, có lối đi lại thuận tiện?, Chuẩn bị khăn mặt, bát, thìa, cốc uống nước đủ cho số lượng trẻ và có kí hiệu riêng. Mỗi bàn chuẩn bị 1 khăn lau tay,1 đĩa đựng thức ăn rơi và chuẩn bị 1 khăn lau bàn.

Chuẩn bị cho trẻ: Với trẻ mẫu giáo, cô hướng dẫn trẻ tự rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy và lau mặt sạch sẽ, đúng các bước;Đối với trẻ nhà trẻ cô giáo phải rửa tay, lau mặt cho trẻ trước khi ăn.

Đối với cô: Trước khi chia thức ăn, cô giáo rửa tay sạch bằng xà phòng, quần áo và đầu tóc gọn gàng, đeo khẩu trang, tạp dề. Cô giáo chia thức ăn và cơm ra từng bát, trộn đều, cho trẻ ăn ngay khi thức ăn còn nóng, không để trẻ ngồi đợi lâu. Cô giáo giới thiệu cho trẻ biết được ăn gì, có giá trị dinh dưỡng như thế nào?...

3. Biện pháp 3: Tạo bầu không khí vui vẻ, động viên khuyến khích trẻ trong giờ ăn.

Khi chúng ta có nguồn thực phẩm tốt, chế biến món ăn phù hợp và đảm bảo thì việc chăm sóc trẻ trong bữa ăn là vô cùng quan trọng để trẻ có thể hào hứng với việc ăn uống cũng như muốn thử những món ăn khác nhau và mới lạ.

Trong khi ăn cô giáo chú ý tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho trẻ như nói năng dịu dàng, nhẹ nhàng, động viên khuyến khích trẻ ăn hết suất. Chăm sóc, quan tâm hơn đối với những trẻ mới đến lớp, trẻ yếu hoặc mớiốm dậy. Nếu trẻăn kém, cô tìm hiểu nguyên nhân, báo cho nhà bếp, y tế hay cha mẹ trẻ biếtđể chủđộng chăm sóc trẻ tốt hơn. Tôi chú ý đế việc rèn nề nếp, vệ sinh văn minh, lịch sự trong ăn uống như mời cô và các bạn trước khi ăn; không cười đùa, không để cơm rơi vãi, nhặt cơm rơi vào đĩa cơm rơi...

Sau khi ăn: Hướng dẩn trẻ xếp bát, thìa, ghế vào nơi quy định, uống nước, lau miệng, lau tay sau khi ăn, đi vệ sinh.

4. Biện pháp 4: Làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ trẻ để nâng cao chất lượng tổ chức bữa ăn cho trẻ.

Để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở trường, Trường Mầm non Bình Minh luôn tạo mọi điều kiện để gia đình có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau của nhà trường, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe và tổ chức bữa ăn cho trẻ.

Nhà trường đã mời phụ huynh cùng tham gia tổ chức khám sức khỏe, theo dõi sức khỏe của trẻ theo định kì. Phụ huynh thường xuyên tham gia cùng với ban giám hiệu nhà trường kiểm tra đánh giá chất lượng chế biến dinh dưỡng và tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ tại trường, từ đó đóng góp ý kiến để góp phần nâng cao chất lượng tổ chức bữa ăn cho trẻ.

Với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau chúng tôi đã giúp phụ huynh nâng cao nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, phụ huynh biết được thực đơn hàng ngày của trẻ ở trường để phụ huynh tiện giám sát và cho trẻ ăn ở nhà cho phù hợp. Từ đó phụ  huynh yên tâm khi gửi con ở trường.

Quá trình chăm sóc – giáo dục trẻ mang tính xã hội hóa cao. Để thực hiện tốt công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ không chỉ cần có sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, Trường Mầm non Bình Minh thường xuyên giữ mối quan hệ mật thiết và yêu cầu được sự giúp đỡ từ các lực lượng xã hội như: Y tế phường, hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

* Kết quả đạt được.

Đối với bản thân: Nắm vững được qui trình, các bước tổ chức bữa ăn cho trẻ đảm bảo vệ sinh an toàn và khoa học.

Đối với trẻ: 100% Trẻ ăn hết xuất, ăn ngon miệng và ăn đa dạng các loại thức ăn; Hình thành ở trẻ thói quen vệ sinh văn minh trong ăn uống; Góp phần giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ béo phì.

Đối với phụ huynh: Phụ huynh hoàn toàn yên tâm về công tác tổ chức ăn bán trú của nhà trường. Phụ huynh đã hiểu và quan tâm hơn đến công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ tại trường.

Tổ chức bữa ăncho trẻ là một nội dung quan trọng trong qúa trình chăm sóc và giáo dục trẻ. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể nói chung và sự phát triển thể chất của trẻ nói riêng. Do đó cần phải tổ chức bữa ăn cho trẻ đạt hiệu quả cao nhất. Điều đó đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất cao giữa các bộ phận (Nhà bếp – trên lớp), giữa các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội; giữa gia đình và nhà trường.

Với bài viết này, tôi hy vọng đã góp phần nâng cao được chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú hiệu quả cho trẻ trong trường mầm non.

                                                                                      Người viết

                                                                                       Ngô Thị Vịnh

 

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Bữa ăn Bán Trú Cho Trẻ Mầm Non