Bảo Vệ Quyền, Lợi ích Của Chủ Nợ Khi Giải Quyết Thủ Tục Phá Sản ...

  1. Đầu tư - Kinh doanh

Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợKế thừa quy định của Luật Phá sản năm 2004, Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ”. Như vậy, pháp luật quy định quyền của chủ nợ ngay từ giai đoạn quyết định đến vấn đề mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp thể hiện rõ việc chủ nợ được trao quyền quyết định đối với các khoản nợ của doanh nghiệp đối với mình.

Luật Phá sản năm 2014 giới hạn chỉ chủ nợ không có đảm bảo hoặc chủ nợ có đảm bảo một phần mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để đảm bảo lợi ích cho chính chủ nợ, cũng như sự công bằng với chính doanh nghiệp mắc nợ.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp chủ nợ có đảm bảo toản bộ có thể chuyển thành chủ nợ có đảm bảo một phần hoặc chủ nợ không có đảm bảo khi giá trị tài sản đảm bảo bị giảm sút do biến động của thị trường hoặc hao mòn, hư hỏng trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, để chuyển đổi từ chủ nợ có đảm bảo toàn bộ sang chủ nợ có đảm bảo một phần hoặc chủ nợ không có đảm bảo thì phải có sự thỏa thuận giữa chủ nợ và con nợ về định giá lại giá trị tài sản đảm bảo.

Nếu đạt được thỏa thuận này chủ nợ có đảm bảo toàn bộ sẽ chuyển thành chủ nợ có đảm bảo một phần hoặc chủ nợ không có đảm bảo và có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Trường hợp này rất ít xảy ra do việc thỏa thuận khó có thể đạt được khi thỏa thuận đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của con nợ (doanh nghiệp mắc nợ). Vì vậy, trong quá trình định giá giá trị tài sản đảm bảo chủ nợ có đảm bảo toàn bộ cần định giá chính xác, khách quan và lưu ý yếu tố phòng ngừa rủi ro đối với tài sản đảm bảo.

Thời hạn nộp đơn và giới hạn các khoản nợ của chủ nợ

Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho chủ nợ, so với Luật Phá sản năm 2004, Luật Phá sản năm 2014 có những quy định thuận lợi hơn về thời gian chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và giới hạn các khoản nợ. Cụ thể, Điều 54 Luật Phá sản năm 2014 quy định “… khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

So với Luật Phá sản năm 2004, thời gian nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ dài hơn, một phần nào đó có thể ảnh hưởng tâm lý của nhóm chủ nợ muốn doanh nghiệp bị giải quyết phá sản. Song nếu xét về bản chất thì đây là cơ hội để hai bên thỏa thuận, đàm phán nhằm tìm ra phương án tốt hơn cho việc giải quyết các khoản nợ mà không nhất thiết phải thông qua thủ tục phá sản doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian giải quyết khó khăn, tránh áp lực nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía chủ nợ, cũng như giúp chủ nợ có cơ hội bảo toàn và thu hồi trọn vẹn khoản nợ từ con nợ.

Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp khi tuyên bố phá sản đều là những doanh nghiệp không còn hoặc còn rất ít tài sản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, phương án thu hồi nợ từ doanh nghiệp tuyên bố phá sản không phải là ưu tiên của các chủ nợ. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp do các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau dẫn tới việc chậm trễ trong thanh toán nợ không hẳn đều là lâm vào tình trạng phá sản và nhiều lúc chỉ là khó khăn tạm thời. Do đó, việc thay đổi quy định thời gian nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản so với Luật Phá sản năm 2004 nhằm tránh trường hợp vội vàng giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của các bên.

Luật Phá sản năm 2014 quy định, quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp của chủ nợ mà không phụ thuộc giới hạn các khoản nợ. Với quy định này, quyền của chủ nợ được đảm bảo tối đa, chủ nợ không cần chứng minh quy trình đòi nợ trước đó, cũng không cần phải xác định số lượng nợ nhiều hay ít đều có quyền khởi kiện, điều này tác động trực tiếp đến các con nợ là phải giải quyết tất cả các khoản nợ nếu không muốn bị rơi vào nguy cơ tuyên bố phá sản.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ có đảm bảo toàn bộ

Luật Phá sản năm 2014 phân biệt rõ chủ nợ không có đảm bảo, chủ nợ có đảm bảo toàn bộ và chủ nợ có đảm bảo một phần. Các chủ nợ khác nhau thì có địa vị pháp lý khác nhau trên tinh thần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ nợ có đảm bảo triệt để hơn so với các loại chủ nợ khác. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 quy định chưa rõ ràng về vấn đề này.

Cụ thể: Điều 41 Luật Phá sản quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạm đình chỉ việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với các chủ nợ có bảo đảm”.

Điều 48 Luật Phá sản năm 2014 quy định : “Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, cấm doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau: Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49”.

Quy định trên cho thấy, việc xử lý tài sản đảm bảo đối với chủ nợ có đảm bảo toàn bộ bị nghiêm cấm ngay từ thời điểm tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ án, song việc thanh toán các khoản nợ cho chủ nợ không có đảm bảo chỉ bị nghiêm cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án nhân dân có thẩm quyền. Những quy định trên đã đi ngược lại lợi ích của chính các chủ nợ có đảm bảo- chủ thể đáng được bảo vệ triệt để hơn khi giải quyết phá sản doanh nghiệp. Vì trên thực tế, dù doanh nghiệp có bị tuyên bố phá sản hay không thì tài sản đảm bảo vẫn thuộc quyền xử lý của chủ nợ có đảm bảo khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn theo sự thỏa thuận của các bên.

Những quy định tại Điều 48, Điều 49 Luật Phá sản năm 2014 mặc dù để tránh việc tẩu tán tài sản khi mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ nhưng trên thực tế, do việc quy định không thống nhất giữa các điều luật này đã cản trở các chủ nợ có đảm bảo toàn bộ thực hiện quyền của mình.

Các chủ nợ có đảm bảo toàn bộ có quyền phát mãi tài sản đảm bảo ngay từ thời điểm doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ đến hạn, nhưng pháp luật không quy định thời hạn bắt buộc phải phát mãi tài sản trong trường hợp này, cũng như đây là quyền hợp pháp của các chủ nợ có đảm bảo toàn bộ, vì vậy việc ngăn cấm xử lý tài sản đảm bảo từ thời điểm tòa án thụ lý vụ án phá sản doanh nghiệp là chưa hợp lý.

Đối với “chủ nợ mới”, Điều 47 Luật Phá sản quy định: “Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”. Điều này có nghĩa doanh nghiệp vẫn được tiếp tục ký kết các hợp đồng và thiết lập các mối quan hệ mới. Như vậy việc xuất hiện các chủ nợ sau khi tòa án tuyên bố mở thủ thục phá sản là điều không tránh khỏi. Những chủ nợ xuất hiện sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản được gọi chung là “chủ nợ mới”. Đây thực ra là những chủ nợ xuất hiện trong quá trình nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

So với Luật Phá sản năm 2004, Luật Phá sản năm 2014 đã quy định rõ, việc đảm bảo lợi ích cho “chủ nợ mới” trong thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 chưa có cơ chế phù hợp bảo vệ quyền của “chủ nợ mới” trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp để khuyến khích các đối tác tham gia vào hoạt động phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, tại Điều 68 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, danh sách người mắc nợ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án nhân dân tiến hành thủ tục phá sản, trụ sở chính của doanh nghiệp, hợp tác xã và phải gửi cho người mắc nợ trong 10 ngày làm việc kể từ ngày niêm yết. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn niêm yết, người mắc nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền đề nghị Thẩm phán xem xét lại danh sách người mắc nợ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị xem xét lại, Thẩm phán phải xem xét, giải quyết đề nghị, nếu thấy đề nghị có căn cứ thì sửa đổi, bổ sung vào danh sách người mắc nợ”.

Như vậy, thời điểm quyết định danh sách chủ nợ cuối cùng là 53 ngày kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 thì hoạt động của doanh nghiệp vẫn tiếp tục đến khi có quyết định tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản doanh nghiệp của tòa án có thẩm quyền. Với quy định này thì những “chủ nợ mới” có thể không có tên trong danh sách chủ nợ và không được thanh toán các khoản nợ khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Bởi vì, theo quy định của Luật Phá sản muốn được thanh toán các khoản nợ khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản các chủ nợ phải có tên trong danh sách chủ nợ đã được tòa án có thẩm quyền niêm yết. Những quy định trên “vô tình” đã đưa những phương án phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản chỉ mang tính chất hình thức và không có tính khả thi vì nó hạn chế sự tham gia của các đối tác kinh doanh vào quá trình này.

Tóm lại, trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp, việc bảo vệ quyền của chủ nợ là vô cùng quan trọng, nó thể hiện đúng tinh thần và vai trò pháp luật phá sản là để bảo vệ lợi ích của của các chủ nợ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thiết lập trật tự kinh doanh trên thương trường. Đồng thời, việc bảo vệ quyền, lợi ích của các chủ nợ còn thể hiện rõ nghĩa vụ của các doanh nghiệp đang tham gia vào nền kinh tế.

Sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước nhưng doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững trên cơ sở dung hòa lợi ích giữa các nhóm chủ thể trong xã hội. Chính vì vậy, việc loại bỏ những doanh nghiệp kém phát triển, kinh doanh không hiệu quả cũng là vấn đề cần thiết để làm trong sạch môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Trên thực tế, trong các mối quan hệ kinh tế, dù nhiều doanh nghiệp kinh doanh và phát triển trên cơ sở dung hòa lợi ích các bên, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp dựa vào quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp để trốn tránh các nghĩa vụ tài sản đối với các chủ thể khác. Việc ban hành các quy định bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các chủ nợ trong mối quan hệ này giúp các chủ nợ mạnh dạn hơn trong đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; đồng thời là cơ chế ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh cũng như khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Phá sản năm 2004;
  2. Quốc hội, Luật Phá sản năm 2014;
  3. Quốc hội, Luật Doanh nghiệp 2005;
  4. Quốc hội, Luật Doanh nghiệp 2014.

* ThS. Nguyễn Thị An, ThS. Lương Thị Thu Trang, Trường Đại học Tài chính kế toán

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.

Cẩn trọng khi giá vàng thế giới và trong nước giảm mạnh
Quy trình áp dụng  ISO 15189 để nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm
Kim Long Motor với tầm nhìn trở thành nhà sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô hàng đầu Việt Nam
Doanh nghiệp logistics sẽ đối diện khó khăn nào năm 2025?
Quảng Ninh: Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ
Chính thức điều chỉnh chủ trương đầu tư Sân bay Long Thành
"Cửa sáng" cho nhà ở thương mại
Bộ Xây dựng đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho nhà ở xã hội
Cẩn trọng khi giá vàng thế giới và trong nước giảm mạnh
Quy trình áp dụng  ISO 15189 để nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm
Vào cuộc đấu tranh với buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế
Vào cuộc đấu tranh với buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Nhiều doanh nghiệp bị phạt nặng vì vi phạm quy định công bố thông tin
Lòng tham - mảnh đất nuôi dưỡng cho hình thức lừa đảo Ponzi
Thu phí lối đi ưu tiên tại sân bay Đà Nẵng gây nhiều ý kiến trái chiều
Thuế quan Mỹ sẽ tạo đòn bẩy cho chiến lược "Trung Quốc + n"
"Xanh hóa" để làm chủ cuộc chơi trong Hiệp định RCEP

Từ khóa » Khái Niệm Chủ Nợ Có đảm Bảo