Chủ Nợ Là Gì? Có Những Loại Chủ Nợ Nào Theo Luật Phá Sản?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Chủ nợ là gì?
  • 2 2. Phân loại chủ nợ theo Luật phá sản mới nhất:
  • 3 3. Nguyên tắc thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ khi doanh nghiệp phá sản:
  • 4 4. Vai trò, điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ trong thủ tục phá sản:
  • 5 5. Quyền đòi nợ của chủ nợ khi công ty phá sản:

1. Chủ nợ là gì?

Chủ nợ là Người cho một cá nhân, tổ chức vay một món nợ bằng tiền hay hiện vật. Khi đến kì trả, chủ nợ có quyền đòi con nợ phải hoàn trả khoản tiền vay hoặc hiện vật vay, kèm theo lãi. Chủ nợ là người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, cụ thể là hợp đồng cho vay.

Chủ nợ không chỉ là những cá nhân, tổ chức kinh tế có quyền sở hữu đối với nợ mà cả những cá nhân, tổ chức kinh tế không có quyền sở hữu đối với nợ nhưng được chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền đòi nợ cũng được coi là chủ nợ và họ cũng được nhân danh chủ nợ hoặc các chủ nợ ký kết hợp đồng dịch vụ với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đòi nợ để thu hồi nợ.

2. Phân loại chủ nợ theo Luật phá sản mới nhất:

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi thế nào là chủ nợ đảm bảo, chủ nợ không đảm bảo và chủ nợ có đảm bảo 1 phần ạ? Người lao động có được coi là chủ nợ đối với doanh nghiệp phá sản không? Tôi xin cảm ơn !

Luật sư tư vấn:

Theo như quy định tại các khoản 3,4,5 Điều 4 Luật phá sản năm 2014 quy định về chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần như sau:

“4. Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

5. Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

6. Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.”

Khi doanh nghiệp bị phá sản, tức là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Nếu người lao động làm việc tại doanh nghiệp này, mà chậm trả lương sau 3 tháng kể từ khi đến hạn phải thanh toán lương thì những người lao động đó cũng là chủ nợ của doanh nghiệp.

3. Nguyên tắc thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ khi doanh nghiệp phá sản:

Không như những vụ kiện đòi tài sản trong lĩnh vực dân sự hay kinh tế, phá sản là một hiện tượng kinh tế – xã hội phức tạp, kéo theo nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các chủ nợ, bản thân doanh nghiệp mắc nợ và người làm công cũng như lợi ích xã hội nói chung. Để bảo vệ họ và những người có liên quan, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên khi phá sản, bảo vệ trật tự, kỉ cương xã hội thì việc giải quyết phá sản phải được thực hiện theo một thủ tục đặc biệt khác với thủ tục đòi nợ và thanh toán nợ thông thường.

Thứ nhất, việc thanh toán nợ mang tính tập thể . Tính tập thể của thủ tục thanh toán nợ thể hiện trước hết ở việc tất cả các chủ nợ đều có cơ hội tham gia vào quá trình đòi nợ và thanh toán nợ. Nhưng họ không thể tiến hành đòi doanh nghiệp mắc nợ phải thanh toán các khoản nợ cho mình một cách tùy tiện. Pháp luật phá sản đã thiết kế sẵn một thủ tục tư pháp đặc biệt đảm bảo sự đồng đều về quyền lợi cho các chủ nợ. Các chủ nợ sẽ được phân thành các nhóm khác nhau và yêu cầu của họ sẽ được xem xét công bằng, tại cùng một địa điểm, thời điểm và theo một thứ tự ưu tiên nhất định.

Khi có đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp của các chủ nợ không có bảo đảm, các chủ nợ có bảo đảm một phần và đại diện người lao động hoặc đại diện công đoàn, tòa án có thẩm quyền xem xét nếu đủ căn cứ thì ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Từ thời điểm này doanh nghiệp ngừng thanh toán nợ, không được thanh toán nợ cho riêng bất kì một chủ nợ nào. Các chủ nợ cũng không thể đòi thanh toán riêng khoản nợ của mình mà phải thông qua thủ tục gửi giấy đòi nợ. Việc thanh toán nợ cho các chủ nợ trong quá trình giải quyết phá sản là thanh toán chung chứ không phải cho từng cá nhân riêng biệt. Điều đó nhằm giải quyết quyền lợi của chủ nợ trên nguyên tắc công bằng và hợp lí.

Thứ hai, việc thanh toán các khoản nợ tiến hành thông qua một cơ quan đại diện có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp là tòa kinh tế tòa án nhân dân địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng kí kinh doanh( trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài). Việc thanh toán nợ của doanh nghiệp không diễn ra trực tiếp mà phải thông qua đại diện là tổ quản lí, thanh lí tài sản. Các chủ nợ nhận được một phần hay toàn bộ số nợ của mình từ đây chứ không trực tiếp từ doanh nghiệp mắc nợ. Điều này thể hiện tính đặc biệt của thủ tục phá sản, khác với việc thanh toán nợ thông thường là luôn luôn trực tiếp vào bất kì lúc nào.

Thứ ba, thanh toán các khoản nợ được tiến hành trên cơ sở số tài sản còn lại của doanh nghiệp. Việc thanh toán các khoản nợ được tiến hành trên cơ sở tài sản còn lại của doanh nghiệp. Điều này không có nghĩa là nợ bao nhiêu thì trả bấy nhiêu như nợ trong dân sự mà nghĩa vụ của doanh nghiệp mắc nợ sẽ chấm dứt sau khi dùng toàn bộ tài sản của mình để trả nợ mặc dù có thể thanh toán chưa đủ cho các chủ nợ. Đối với pháp nhân, sau khi hoàn thành nghĩa vụ này đồng thời cũng chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân đó nên việc xóa nợ đối với doanh nghiệp bị phá sản là đương nhiên. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên công ti hợp danh hiện tượng khoanh nợ có thể xảy ra (khoản 1 Điều 90 Luật phá sản), tuy nhiên các chủ nợ chỉ có thể được thanh toán khi tìm thấy chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên công ti hợp danh còn tài sản. Quy định trên của pháp luật nhằm loại trừ tình trạng các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ti hợp danh lợi dụng thủ tục đặc biệt này để xin giải quyết phá sản nhằm được xóa nợ và trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Thứ tư, việc thanh toán các khoản nợ được tiến hành sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp, việc thanh toán các khoản nợ được tiến hành sau khi có quyết định của tòa án. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định việc phục hồi, xử lý tài sản hoặc tuyên bố phá sản doanh nghiệp nhưng tòa án không trực tiếp thanh toán nợ của doanh nghiệp mà việc thanh toán nợ do tổ quản lí, thanh lí tài sản hoặc chính bản thân doanh nghiệp thực hiện (Điều 10, Điều 31 Luật phá sản). Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, thanh toán nợ trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp phải có sự đồng ý của tòa án.

4. Vai trò, điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ trong thủ tục phá sản:

Khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán nơ, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ có thể nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp. Trong thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, việc tiến hành hội nghị chủ nợ là một thủ tục không thế thiếu và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Theo Khoản 1 Điều 75 Luật phá sản năm 2014: 

Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 105 của Luật này.

Hội nghị chủ nợ được triệu tập sau khi kết thúc việc kiểm kê tài sản hoặc sau khi kết thúc việc lập danh sách chủ nợ, tùy hoạt động nào kết thúc sau. Trong thủ tục phá sản, hội nghị chủ nợ có các vai trò chủ yếu sau:

– Thảo luận và thông qua các giải pháp tổ chức lại, hoạt động kinh doanh làm cơ sở để tòa án quyết định mở thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp, hợp tác xã;

– Đề nghị Thẩm phán thay thế người quản lý, điều hành Doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản trong trường hợp xét thấy người này không có khả năng điều hành hoặc nếu tiếp tục điều hành sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã

– Thông qua sau khi thảo luận về phương án hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Hợp tác xã do các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa ra.

Những vai trò trên được thể hiện trên nghị quyết của Hội đồng chủ nợ. Tuy nhiên, chỉ những nghị quyết của Hội đồng chủ nợ hợp lệ mới có giá trị pháp lý. Theo Điều 79 Luật phá sản năm 2014, Hội nghị chủ nợ hợp lệ khi:

“1. Có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm.

Chủ nợ không tham gia Hội nghị chủ nợ nhưng có ý kiến bằng văn bản gửi cho Thẩm phán trước ngày tổ chức Hội nghị chủ nợ, trong đó ghi rõ ý kiến về những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 83 của Luật này thì được coi như chủ nợ tham gia Hội nghị chủ nợ.

2. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phân công giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải tham gia Hội nghị chủ nợ.”

5. Quyền đòi nợ của chủ nợ khi công ty phá sản:

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư! Gia đình em có nhờ công ty của 1 người quen mua xe đầu kéo trả góp. Khi chuyển tiền cho công ty này em có ghi rõ nội dung là: “chuyển 30% tiền mặt để mua xe đầu kéo”. Bây giờ công ty đó sắp phá sản. Vậy xe mà em nhờ công ty đứng ra mua có mất trắng không? Bây giờ trước khi công ty tuyên bố phá sản em phải làm gì để lấy lại tài sản của mình? 2 tháng nay em không thấy “người quen” nhắn tin số tiền phải góp cho NH là bao nhiêu, em điện thoại không thấy bắt máy mà nhắn tin cũng không thấy trả lời. Em đang rất lo, mong quí luật sư tư vấn giúp em và cho em 1 cách giải quyết tốt. Em chân thành cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

Theo như bạn trình bày, gia đình bạn có nhờ công ty của 1 người quen mua xe đầu kéo trả góp như vậy được hiểu bên bạn đang ủy quyền nhờ công ty mua hộ xe đầu kéo theo quy định Bộ luật dân sự 2015.

Nếu bên công ty không thực hiện theo đúng sự thỏa thuận của hai bên thì bên bạn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền theo quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“1. Trong trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

2. Trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền.”

Theo đó, bạn có quyền hủy bỏ hợp đồng vì phía bên công ty đã vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng, không thực hiện việc mua xe đầu kéo cho gia đình bạn mặc dù gia đình bạn đã chuyển 30% số tiền cho họ, bên công ty phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà họ đã nhận từ gia đình bạn. Nếu công ty không hoàn trả số tiền 30% mà gia đình bạn đã gửi cho công ty thì đây được coi là khoản nợ của công ty và khi công ty phá sản gia đình bạn sẽ là chủ nợ của công ty.

Như bạn trình bày, công ty sắp phá sản nếu Tòa án đang trong quá trình thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì bạn làm đơn yêu cầu gửi Tòa án nơi công ty có trụ sở để xác nhận bạn là một trong các chủ nợ của công ty.

Hoặc bạn làm đơn đề nghị theo quy định tại Khoản 11 Điều 18 Luật phá sản 2014 để bổ sung vào danh sách chủ nợ: “11. Đề nghị Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bổ sung chủ nợ, người mắc nợ vào danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ.”

Căn cứ Điều 54 Luật phá sản 2014 quy định thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:

“1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:

a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;

b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;

c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;

đ) Thành viên của Công ty hợp danh.

3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.”

Như vậy, số tiền mà gia đình bạn chuyển cho công ty để công ty mua hộ đầu xe kéo cho gia đình bạn sẽ không bị mất trắng. Và bạn có thể lấy lại được tài sản cho gia đình mình khi Tòa án tuyên bố công ty phá sản.

Từ khóa » Khái Niệm Chủ Nợ Có đảm Bảo