Biểu Hiện Của Triết Lý âm Dương Trong Kiến Trúc Cổ Việt Nam

Khái quát về Triết lý Âm – Dương và những ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam

Với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, văn minh của người Việt ra đời với những đặc trưng điển hình của một nền văn hóa nông nghiệp, từ tư duy nhận thức đến ứng phó với tự nhiên và tổ chức đời sống.

Trong những điều kiện được tự nhiên ban tặng, từ thời kỳ Đồ đá giữa, người Việt nguyên thủy đã thuần hóa được một số loại cây trồng như bầu, bí, đặc biệt là cây lúa nước, nguồn lương thực chủ đạo của cư dân nơi đây và cái nghề trồng lúa nước đã trở thành cơ sở để hình thành nên văn hóa Việt Nam, văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Đình Tây Đằng, Hà Tây

Với cư dân nông nghiệp, sinh sôi nảy nở là khát vọng lớn nhất, là điều kiện để mùa màng được bội thu. Và trong hoạt động thực tiễn, con người nhận thức được những gì tạo ra sự sinh sôi nảy nở, đó là sự giao hòa Trời – Đất, Mẹ – Cha, Đực – Cái, Âm – Dương… Triết lý Âm – Dương ra đời trên cơ sở này và các mặt đối lập, sự hài hòa giữa chúng. Đây là một lối nhận thức xuất phát từ ngay trong đời sống của người nông nghiệp, và nó là sản phẩm sáng tạo của người Việt nói riêng và văn hóa nông nghiệp phương Nam1 nói chung.

Nội dung cơ bản của Triết lý Âm – Dương là quy luật về thành tố Âm và Dương, trong Âm có Dương và trong Dương có Âm, xác định một yếu tố là Âm hay Dương phải có tương quan cụ thể. Bên cạnh quy luật về thành tố là quy luật về sự chuyển hóa của các thành tố, Âm – Dương chuyển hóa lẫn nhau, Âm cực sinh Dương và Dương cực sinh Âm.

Chùa Keo – Hành Thiện, Nam Định

Trên cơ sở nhận thức đó, tư duy của người Việt được hình thành, một lối tư duy lưỡng phân. Người Việt nhìn vũ trụ trong một cấu trúc phân đôi, thống nhất của hai cặp đối lập Âm – Dương, Cao – Thấp, Núi và Nước, giống như thủy tổ của mình, Cha Lạc Long Quân (Nước), Mẹ Âu Cơ (Núi). Và trong thế giới tâm linh, họ thờ vật tổ là Bò sát, Cá sấu, Chim và Cóc (con vật lưỡng cư, đủ âm, đủ dương).

Bởi lối tư duy này, tính cách hiền lành của người Việt được tạo ra bởi lối sống quân bình: “Dĩ hòa vi quý”, người Việt nhìn cuộc sống rất lạc quan: “Trong họa có phúc, trong rủi có may” bởi trong Âm có Dương, trong Dương có Âm và Âm – Dương luôn chuyển hóa lẫn nhau. Mọi ứng xử của người Việt mềm dẻo, dung hòa với tự nhiên cũng như với xã hội. Tất cả góp thành những đặc trưng cơ bản của nền văn hóa lúa nước linh hoạt, uyển chuyển “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”

Triết lý Âm – Dương với Kiến trúc cổ Việt Nam

Nói đến kiến trúc cổ Việt Nam, có người cho rằng nó là bản sao của kiến trúc Trung Hoa và không có bản sắc. Đấy là những nhận định chưa đúng đắn. Cách người Việt tận dụng tự nhiên để làm ra một nền văn minh thực vật từ Tre, Nứa, Lá, Gỗ góp phần xác định hình ảnh kiến trúc Việt, cách người Việt ứng phó với mưa nắng của xứ sở nhiệt đới gió mùa để tạo ra cấu trúc ngôi nhà cũng xác định hình ảnh Kiến trúc Việt “Nhà cao cửa rộng” – Đó cũng là cách người Việt tạo ra tổ chức công năng trong công trình kiến trúc hài hòa với nghề nghiệp, với đời sống tâm linh và tư duy nhận thức, góp phần khẳng định bản sắc trong kiến trúc Việt.

Chùa Bút Tháp, Bắc Ninh

Có thể nói, người Việt là chủ thể sáng tạo của kết cấu Kiến trúc với “tàu đao mái lá”, với “kèo – cột, đấu – củng, xà – bảy”… Mà ở đó, Triết lý Âm – Dương góp một phần tạo ra những nét độc đáo của Kiến Trúc Việt.

– Triết lý Âm – Dương trong tổ chức không gian cảnh quan

Khác với kiến trúc phương Tây, không gian của công trình luôn phát triển theo chiều cao như một sự khẳng định cho sự chế ngự tự nhiên, kiến trúc cổ Việt Nam, cũng giống như các nước phương Đông, không gian dàn trải theo chiều sâu và chiều rộng, bởi con người nơi đây luôn xem trọng và tôn thờ tự nhiên. Chính bởi điều này, các công trình Kiến trúc của người Việt luôn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, từ nhà ở dân gian đến những công trình tôn giáo, hành chính, đều gắn với cảnh quan sông nước.

Công trình kiến trúc của người Việt thường có quy mô vừa phải, gợi lên cảm giác gần gũi, thân thiện. Tổng thể của công trình là sự sắp xếp những nếp nhà ẩn, hiện trong những tán cây. Phía trước của công trình thường là sông, ngòi, ao, hồ. Nó tạo ra một không gian thanh bình và trầm lắng.

Một trong nét độc đáo của kiến trúc Việt là công trình không tách khỏi môi trường sông nước. Văn hóa Việt Nam được xếp vào không gian văn hóa nước, nguồn nước đối với cư dân nông nghiệp vô cùng quan trọng. Từ xa xưa, người Việt đã sùng bái nước, nước là phần trong không gian vũ trụ của người Việt: Núi và Nước, Mẹ và Cha, Âm và Dương, tất cả là sự tổng hòa tạo ra sự sống.

Và cách bài trí cảnh quan công trình như vậy không chỉ là kết quả của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, sản phẩm của văn hóa nước mà nó còn là sản phẩm của Triết lý Âm – Dương mà bài viết này muốn nói đến.

Công trình kiến trúc cao là dương, hồ ao, thấp, sâu là âm. Công trình nhìn ra, soi bóng trên sông, trên hồ tạo ra sự đối đãi âm – dương, có như vậy mọi thứ mới được phát sinh, phát triển. Nếu không có dòng chảy tự nhiên như sông, ngòi thì người Việt đào ao, hồ ở phía trước để hài hòa với công trình. Nguyên tắc này đặc biệt được biểu hiện sâu sắc trong kiến trúc đình làng. Ngôi đình không chỉ là nơi cố kết của cộng đồng làng xã, nó còn là nơi cố kết vận mệnh của cả làng, vậy nên, không gian đó phải được tạo bởi sự hài hòa Âm – Dương (Ngôi Đình với Hồ, Ao). Có như vậy, làng mới được “Người khang, vật thịnh”

– Triết lý Âm – Dương với cái đẹp của Kiến trúc Việt

Triết lý Âm – Dương còn ảnh hưởng đến cách tổ chức không gian để tạo ra cái đẹp cho công trình Kiến trúc. Người Việt luôn biết kết hợp hài hòa các không gian cao – thấp, trên – dưới, trước – sau, thưa – mau, để tạo ra tính nhịp điệu trong không gian của công trình Kiến trúc. Đây cũng chính là sự hài hòa giữa các mặt đối lập, tiêu chí quan trọng để tạo ra cái đẹp. Mà với người Việt, là sự hài hòa của hai mặt Âm và Dương.

– Triết lý Âm – Dương trong quy thức của kiến trúc Việt

Kết cấu khung nhà gỗ của người Việt là một sản phẩm sáng tạo mang đặc trưng của cư dân nông nghiệp. Tổ chức không gian trong ngôi nhà mang đậm tính cộng đồng của người nông dân Việt, nhà chia gian chứ không chia phòng. Bộ phận chịu lực chính của ngôi nhà là bộ cột, thường là 4 đến 6 hàng cột, cột được đặt trực tiếp trên đế kê chân cột, không chôn sâu dưới đất để tạo sự vững chắc. Cùng với cột là xà, xà là những giằng ngang, liên kết các cột lại với nhau tạo thành một bộ khung chịu lực. Câu đầu, là xà chính, đặt trên cùng, là mộng khóa hai đầu trên của cột cái với nhau, cột cái và cột quân gắn với nhau bằng xà nách. Bộ phận quan trọng phải kể đến nữa là kẻ, là các dầm đơn đặt theo phương chéo của mái nhà, gác lên các cột bằng liên kết mộng. Kẻ ngồi liên kết đầu cột cái sang cột quân, kẻ hiên liên kết cột quân và cột hiên. Kể đến nữa là các bẩy, là các dầm trong khung nhà, liên kết các cột quân sau nhà với nhau để đỡ phần mái phía sau. Ngoài ra còn phải kể đến những cấu kiện khác như: Hoành, dui, mè… và bộ vì kèo hình tam giác đỡ mái nhà ở trên.

Tất cả các cấu kiện này được nối kết với nhau bằng hệ thống mộng – chốt. Đây có thể nói là sản phẩm sáng tạo từ tư duy nông nghiệp, mọi thứ là sự tổng hòa, gắn kết của hai mặt đối lập, âm và dương, hay nói cách khác, đây chính là sản phẩm sinh ra từ Triết lý Âm dương.

Trong cấu kiện nhà gỗ của một số tộc người ở Việt Nam như người Thái, người Dao, cũng sử dụng xà, cột nhưng chúng được gắn kết với nhau bằng cách buộc dây, còn với người Việt là gắn kết mộng – chốt, lồi – lõm, âm – dương. Lối kết cấu này xuyên suốt chiều dầy của lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam.

Hình ảnh ngôi nhà trên Trống Đồng

Từ thời Sơ sử, Người Việt đã biết tạo mộng – chốt để gắn kết các bộ phận làm nhà, một cột nhà sàn của người Việt cổ tìm thấy trong di chỉ văn hóa Văn Điển cao hơn 4m vẫn còn nguyên dấu vết mộng sàn là minh chứng cho điều đó.Tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh, Vĩnh Phúc, được xây dựng vào thời nhà Trần (1226-1400), là một tòa tháp cổ hiếm hoi của nền kiến trúc Phật giáo Lý – Trần còn lại đến ngày nay. Tương truyền, tòa tháp cao 13 tầng, đến nay còn 11 tầng. Đây là một tòa tháp bằng đất nung, ngoài những giá trị về Kiến trúc, trang trí thì kết cấu của tòa tháp cũng là một giá trị sáng tạo độc đáo. Thân của tháp Bình Sơn được cấu trúc bằng hai lớp gạch: Gạch khẩu và gạch ốp. Gạch khẩu chịu lực có nhiều kích cỡ để trơn được sử dụng xây bệ, xây bên trong tháp và giật cấp làm mái phân tầng. Phần lớn các viên gạch khẩu được cấu trúc có mộng – chốt, tạo dáng khớp nhau theo từng lớp, từng tầng rồi mới nung rắn chắc để xây, bảo đảm liên kết chặt và khả năng chịu lực lớn. Gạch ốp sử dụng bên ngoài, với những trang trí hoa văn rất phong phú.

Tháp Bình Sơn, Chùa Vĩnh Khánh, Vĩnh Phúc

Tiếp nối sự sáng tạo của ông cha, kết cấu này được vận dụng trong suốt lịch sử dựng nhà của người Việt, từ những ngôi nhà dân gian đến những công trình công cộng như: Đình, chùa, đền, miếu, cho đến các dinh thự…

Thay lời kết

Nghệ thuật là sự phản ảnh nhận thức của con người về thế giới xung quanh, nghệ thuật của người Việt cũng vậy. Như đã nói, nhận thức lưỡng phân về vũ trụ, về nhân sinh mà hình thành nên triết lý Âm – Dương, ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống, đến tính cách, đến tổ chức đời sống của người Việt, trong đó có tổ chức không gian để ở, làm thành một đặc trưng của kiến trúc cổ Việt Nam. Chính nhờ kết cấu mộng – chốt này mà ngôi nhà của người Việt mang tính linh hoạt rất cao, linh hoạt trong xử lý kết cấu, ngôi nhà dễ tháo lắp, di rời, xoay chuyển, linh hoạt trong tổ chức không gian.

Nói đến sự ảnh hưởng của Triết lý Âm dương trong Kiến trúc cổ Việt Nam, không thể không nói đến ngói âm – dương, ngói lưu ly, đây là sáng tạo của người Việt ảnh hưởng cả đến Kiến trúc của các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản … Ngói âm dương được cấu tạo gồm hai lớp, Ngói dương là lớp lợp nằm ngửa, ngói âm là ngói úp xuống ngói dương. Ngói âm dương được lợp đón diềm mái, không chỉ tạo ra những giá trị về mặt thẩm mỹ cho công trình Kiến trúc mà cấu trúc này còn có tác dụng tạo ra một khoảng trống giữ khí, thông gió cho mái nhà, giúp thoát nước dễ dàng. Nó cũng tạo sự thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Đây là một thành tựu quan trọng trong Kiến trúc Việt Nam được tạo ra từ lối tư duy nhận thức đậm chất nông nghiệp và Triết lý Âm – Dương.

Qua những phân tích ở trên, đủ thấy để tạo ra một bản sắc của Kiến trúc Việt là cả một quá trình lao động sáng tạo của cha ông, mà ở đó những tư duy nhận thức của cư dân nông nghiệp là một dấu ấn quan trọng để tạo ra những đặc trưng của kiến trúc cổ Việt Nam.

KTS Đoàn Hồng Lư (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2020)

Từ khóa » Trình Bày Hai Quy Luật Của Triết Lý âm Dương