Bố Thí Pháp Trong Thời Hiện đại - .vn
Có thể bạn quan tâm
>>Phật pháp và cuộc sống
Bố thí là một pháp tu không thể thiếu đối với người con Phật. Phật dạy có ba loại bố thí, là bố thí tài vật, bố thí giáo pháp và bố thí sự không sợ. Bố thí tài vật là để diệt tham. Bố thí giáo pháp là để diệt si. Bố thí sự không sợ là để diệt sân. Tất cả đều xuất phát từ bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả. Tâm từ bi để cứu độ chúng sanh. Tâm hỷ xả để giải thoát bản thân. Vậy nên bố thí thật sự là một pháp tu thù thắng. Trong ba loại bố thí này, Đức Phật đề cao Pháp thí – Bố thí Pháp – như trong kinh Pháp Cú, Phật dạy: “Pháp thí thắng mọi thí”.
Bài liên quan 7 cách bố thí không tốn một đồng nhưng mang lại phước đức cả đờiMuốn thực hành Pháp thí thật không dễ, vì muốn bố thí Pháp, trước hết phải có Pháp thì mới thí được. Pháp này có thể ứng dụng, có thể thực hành, tu tập. Pháp này không phải để nói miệng, không phải như ăn bánh vẽ. Giáo pháp mà Phật bố thí cho chúng sanh rất nhiều, nhưng tất cả đều đặt nền tảng trên bốn sự thật, bốn chân lý mà thuật ngữ gọi là Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Tính chất của bốn sự thật này, Phật dạy rõ trong kinh Chuyển Pháp Luân, phần Thị Chuyển: “Này các Tỳ Kheo, đây là khổ vì tánh nó bức bách. Đây là tập vì tánh nó chiêu cảm. Đây là diệt vì tánh nó giải thoát. Đây là đạo vì tánh nó có thể tu”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy giáo pháp Phật là để hành, tu và chứng, không phải chỉ để nói. Nhưng nếu không nói thì không thể biết được đâu là chánh pháp, nên cần phải thuyết pháp, phải bố thí pháp. Sở dĩ Phật nói: “ Pháp thí thắng mọi thí” là vì chánh pháp vi diệu có thể đem lại an lạc cho người nghe, người hành ngay hiện tại và mai sau. Giáo pháp này có thể diệt si mê, một hình tướng của vô minh, có thể giúp chúng sanh thoát phiền não khổ đau, sanh tử luân hồi. Để có thể thuyết chánh pháp, một vị giảng sư cần có thời gian học hỏi, hành trì, tu tập, quán chiếu. Phải thực hành được giáo pháp mình thuyết, nếu không thì vị giảng sư ấy không thể thuyết phục chính mình nói chi là thuyết phục người khác. Không thể khuyên người ăn chay trong khi bản thân lại không thể từ chối những món ăn được chế biến từ thịt cá. Không thể khuyên người bố thí khi mà bản thân ích kỷ…
Bài liên quan Bố thí - Việc làm nhỏ mang giá trị lớn laoĐồng thời phải quán chiếu được căn cơ của người nghe để không uổng một buổi pháp thí. Chư Tổ dạy: “Thuyết bất phùng cơ bán cú đa” – nói mà không hợp cơ thì nửa câu cũng đã quá nhiều. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật chần chừ, Xá Lợi Phất ba lần thưa thỉnh Ngài mới thuyết, và có năm ngàn người không đủ nhẫn lực để nghe giáo pháp này nên bỏ đạo tràng mà ra ngoài. Do đó, giảng sư cần quán chiếu căn cơ đại chúng. Theo Đức Phật, thường trong một hội chúng có bốn hạng thính chúng. Một là chúng khải thỉnh, hai là chúng tán dương, ba là chúng đương cơ và bốn là chúng kết duyên. Chúng thứ nhất là hạng đại đệ tử thấy được nhu cầu thính pháp của đại chúng nên đứng ra thưa thỉnh. Chúng thứ hai thuộc hàng Chư Thiên hộ trì và tán dương giáo pháp. Chúng thứ ba mới thật là đối tượng nghe Pháp cần nghe, hiểu và tu tập. Chúng thứ tư không thuộc ba đối tượng trên, họ chỉ có cảm tình với Phật Pháp, chỉ mới kết duyên với Phật Pháp. Họ không phản kháng, vui vẻ chấp nhận giáo pháp mặc dù chưa hiểu. Họ biết rằng chỉ cần nghe và từ từ họ sẽ hội nhập vào chánh pháp.
Nếu quán chiếu như vậy, giảng sư sẽ không có thái độ bực bội hay chán nản khi có người bỏ ra ngoài, không chịu nghe pháp. Kinh Pháp Cú, Phật dạy chúng ta có bốn niềm vui, trong đó có niềm vui được nghe Pháp:
Vui thay Phật đản sanh
Vui thay Pháp được giảng
Vui thay Tăng hòa hợp
Vui thay tứ chúng tu
Bài liên quan 5 sự bố thí không được phước mà còn mang tộiTrong thời đại mới ngày nay, thời đại của kỹ thuật số, thời đại của thông tin bùng nổ, với công nghệ hiện đại, giáo pháp được phổ biến khá nhanh và rộng rãi. Đó là một lợi thế lớn của các vị giảng sư trong việc hoằng truyền chánh pháp. Với mức lan tỏa nhanh chóng của thời đại công nghệ này, những thông tin, bài giảng của các vị giảng sư có thể cập nhật đến quần chúng dễ dàng. Thế nhưng những thuận lợi này cũng đưa đến những tác hại. Nếu một vị giảng sư không quán chiếu căn cơ, xứ sở mà thuyết những pháp ngược lại khiến người ta hiểu lầm chánh pháp thì sự phổ biến rộng rãi và nhanh chóng này ngược lại càng tai hại. Thấu rõ những hệ lụy này, Phật đã dạy giảng sư phải hiểu rõ bốn tất đàn. Đàn là bố thí. Tất là thành tựu viên mãn. Bốn tất đàn này chính là bốn yếu tố để bố thí pháp được thành tựu; gồm có Thế giới tất đàn, Đối trị tất đàn, Vị nhân tất đàn và Đệ nhất nghĩa tất đàn. Xã hội càng tân tiến, thì vị giảng sư phải ứng dụng bốn tất đàn một cách càng hiệu quả.
Thứ nhất, vị giảng sư cần hiểu về thế giới, thời đại mình đang sống, Thế giới bây giờ gần lại nhờ những công nghệ hiện đại trên mọi mặt đối với đời sống con người. Nhưng thế giới càng gần thì tình thương càng xa. Người ta đắm chìm trong những thế giới ảo, những thế giới được xây dựng dựa trên những dục vọng của con người, mà quên đi thế giới thật của mình. Có thể nói thế giới ngày nay là thế giới của tưởng uẩn – một trong năm uẩn. Con người nấp trong thế giới ảo của chính mình, đẩy ảo tưởng của mình đi xa mãi đến khi không thể quay về được nữa. Rồi bị lôi cuốn trong thế giới ảo này, con người mất đi phương hướng và cuối cùng đánh mất chính mình. Từ đó con người bị tha hóa theo đúng nghĩa đen. Tình cảm gia đình đổ vỡ, xã hội rối loạn, thế giới bất an. Đó là thảm cảnh của thế giới hiện đại. Giảng sư cần phải thấy rõ hiện trạng này để có Pháp cứu chữa gọi là Thế giới tất đàn.
Bài liên quan Đức Phật nói về việc bố thí trong các Kinh như thế nào?Thứ hai, vị giảng sư cần phải rõ suốt về các pháp đối trị. Đây là Pháp giáo hóa đối trị các căn bệnh thời đại. Ngày nay, con người ngày càng say mê thế giới ảo và chối bỏ thực tại. Biết bao nhiêu tiền bạc và thời gian mất đi khi người ta chạy theo ảo giác, biết bao nhiêu hệ lụy đắng cay do ảo tưởng đem đến. Nên ở đây các giảng sư cần đem tuệ giác “Như thật tri kiến” để đối trị các ảo giác do thế giới ảo đem lại. Đây là Pháp đối trị gọi là Đối trị tất đàn.
Thứ ba, vị giảng sư cần quán chiếu căn cơ của người nghe, thấu rõ nhu cầu của đối tượng mình thuyết giảng. Họ khao khát pháp gì? Họ cần Thiền, Tịnh hay Mật? Họ cần giải quyết khó khăn đau khổ hiện tại, họ mong cầu phước báu hay mong muốn siêu xuất sanh tử…. “Tùy bệnh cho thuốc” chính là ý nghĩa của Vị nhân tất đàn.
Thứ tư, vị giảng sư cần thấy suốt Đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa là nghĩa lý số một, nhất lộ hướng thượng, thấy được thế giới trùng trùng duyên khởi, không khởi tâm chấp trước vướng mắc để cuối cùng thong dong tự tại trong cõi đời ô trược. Làm cho người nghe thấy suốt chân lý, thấy được bản tánh tự tâm, không còn vô minh mờ tối chính là ý nghĩa của Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Với bốn tiêu chí tất đàn, thấy rõ bốn chúng trong pháp hội, nắm vững chánh pháp, khởi tâm đại bi thuyết pháp độ sanh là hành trang hoằng pháp của một vị giảng sư ở bất kỳ thời đại nào. Đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một vị giảng sư, hơn bao giờ hết, cần dành nhiều thời giờ hơn cho sự tu tập, hành trì chánh pháp để không đắm chìm trong sự quyến rũ của công nghệ ảo. Bên cạnh đó, vị giảng sư càng cần trau dồi tuệ giác, hiểu biết thông suốt về công nghệ kỹ thuật. Có như thế, vị giảng sư ấy mới có thể làm chủ thân tâm, tùy cơ thuyết pháp, dùng ảo đối ảo, linh hoạt đưa công nghệ kỹ thuật vào phục vụ chánh pháp, ứng dụng công nghệ làm phương tiện độ sanh. Xin lấy lời thệ nguyện của Tổ Quy Sơn để tạm thay lời kết:
“Nguyện bách kiếp thiên sanh, xứ xứ đồng vi pháp lữ.”
TT. Thích Từ Nghiêm
Từ khóa » Pháp Thí Là Gì
-
Pháp Thí - Phật Học Ứng Dụng
-
Pháp Thí - Đạo Phật Ngày Nay
-
Pháp Thí Là Gì - Xây Nhà
-
Pháp Hành Bố Thí | Giác Ngộ Online
-
Bố Thí Pháp | Giác Ngộ Online
-
Chùa Pháp Vân - Bố Thí Có 3 Loại: Tài Thí, Pháp Thí Và Vô... | Facebook
-
Bố Thí Nhiếp (Tài Thí, Pháp Thí & Vô úy Thí) | KINH ĐIỂN PHẬT PHÁP
-
Bố Thí Ba La Mật - Tài Thí - Pháp Thí - Vô úy Thí - Ô-Hay.Vn
-
Bố Thí – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hạnh Bố Thí Là Gì ? Tìm Hiểu Về Hạnh Bố Thí Trong Đạo Phật
-
“Bố Thí” Trong Đạo Phật được Hiểu Là Làm Những Việc Gì ?
-
Hạnh Bố Thí | Phật Giáo Việt Nam
-
Pháp Thí Là Gì - YouTube