Hạnh Bố Thí | Phật Giáo Việt Nam

1. Tài thí: Gồm hai loại: Ngoại tài thí và Nội tài thí.

Ngoại tài thí là dễ hiểu rồi. Chúng ta dùng của cải vật chất, tiền bạc của gia đình mình làm ra để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, hoặc giúp đỡ những người không may đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Làm từ thiện, phúc lợi xã hội. Dùng của cải vật chất của mình để cúng dường xây dựng, tu sửa chùa chiền và hộ trì Tam Bảo… Là ngoại tài thí.

Còn nội tài thí là gì? Đó là dùng sức lực của chính mình để giúp đỡ mọi người. Ví dụ, có người đẩy xe nặng lên dốc, bạn đến giúp họ một tay thì bạn đã bố thí bằng nội tài thí rồi đó. Hoặc có người đuối nước vừa vớt lên, biết cách hô hấp, bạn dừng lại giúp họ hô hấp và thoát khỏi cơn nguy kịch. Đó gọi là nội tài thí.

Những chiến sĩ và công an đã quên mình để bảo vệ cho sự bình yên và an toàn của mọi người và xã hội, hoặc những sự hy sinh cao thượng để cứu người cũng như những nghĩa cử vô cùng tốt đẹp như: Hiến máu nhân đạo v.v… Cũng thuộc về bố thí nội tài đấy!

Lại nữa, ví dụ trên đường đi bạn phát hiện thấy một cục đá, gạch hay một vật gì đó rơi rớt ra. Biết chắc rằng trong đêm tối hay có người đi đường không để ý mà vô tình leo lên thì tai nạn sẽ rất khôn lường. Vì nếu không may xe ngã bất ngờ, người văng ra ngoài, lại gặp đúng lúc xe ô tô đi lên không tránh kịp thì không biết điều gì bất hạnh sẽ xảy ra? Biết được nguy hiểm này rồi, bạn nên dừng lại lấy vật đó bỏ đi nơi khác khiến không còn có khả năng gây ra nguy hiểm cho người tham gia giao thông nữa. Dù có mất chút ít thời gian trên hành trình của bạn nhưng tôi tin chắn rằng chúng ta sẽ cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi mình vừa mới làm một việc tốt.

Nếu đi cùng với con cháu, bạn nên dành cơ hội này cho con cháu mình làm thì tốt hơn! Thông qua đó, giáo dục chúng nó phải biết sống vì mọi người. Khi đã biết sống vì mọi người rồi thì không thể gì sau này chúng nó bất hiếu với bạn và với ông bà người thân được? Làm được như vậy là bạn đã bố thí bằng nội tài thí rồi đó! Những việc thế này thì đâu cần tiền bạc gì phải không các bạn? Đâu có cần giàu nghèo mới làm được mà phước đức lại rộng lớn vô lượng vô biên. Vì trong trường hợp này là Âm Đức. Việc làm tốt của mình mà không cần ai phải biết thì gọi là Âm Đức, còn nếu đi kể ra cho người khác biết với ý khoe khoang thì chỉ là Dương Đức.

2. Pháp thí: Là bạn dùng sự hiểu biết Phật pháp, tuỳ khả năng, tuỳ duyên mà chia sẻ cho người khác cùng nghe để họ cũng biết được cách sống tốt, cách tu hành thoát khổ được vui. Đó gọi là: “Vì người diễn thuyết”, là “Tự độ, độ tha và tự lợi, lợi tha” trong Đạo Phật.

Được lợi ích cho mình rồi thì chúng ta cũng phải tìm cơ hội và phương tiện để làm cho người khác cùng có lợi. Bạn nên mạnh dạn để nói Phật pháp cho mọi người cùng nghe khi đủ nhân duyên. Có thể lúc đầu, có người chưa thể hiểu nhiều, nhưng đừng ngại! Vì dù sao ít ra bạn cũng là người khơi lại, hoặc gieo thêm một chủng tử Giác Ngộ vào kho A-lại-da thức (Tàng thức) của họ rồi! Lần sau, nếu gặp Thiện Tri Thức khác khai thị thì họ sẽ dễ dàng nghe hiểu hơn. Không lần này thì lần sau, kiếp sau, hoặc sau nữa! Khi hội đủ nhân duyên thì hạt giống ấy tất sẽ được nẩy mầm, đơm bông và kết trái.

Chúng ta phải nên tuỳ duyên và mạnh dạn mở một con đường đất. Khi nào đủ duyên thì tự họ ắt sẽ khai mở con đường nhựa. Chuyện rằng, có một ông già 80 tuổi ngày nào cũng rất kiên trì và nhẫn nại đào núi mở đường vì ông thấy đường vòng quá xa, làm người dân vất vả. Hằng ngày, mọi người qua lại đều nói: Ông điên rồi sao? Ông đã 80 tuổi, thì đến khi nào mới xong? Ông đáp: Tôi biết! Nhưng ý chí tôi còn cao hơn núi. Nếu đời tôi không xong thì đời con tôi, cháu, chắt, chít ắt phải xong. Nhờ vào ý chí và tâm thành này của ông lão mà chiêu cảm được mọi người và nhà nước để tâm giúp đỡ, làm cho tâm nguyện ấy của ông đã trở thành hiện thực. Và thế là một năm sau, con đường mới đã hình thành… Rất nhiều người và đất nước cũng đã thành công bằng ý chí và nghị lực kiên cường, không thoái lui này!

Thiết nghĩ sự nghiệp tự lợi lợi tha của chúng ta cũng phải nên như thế! Những điều trên đây, Kinh sách cũng đã có dạy: “Thống lý đại chúng tất cả không ngại”…

Hoặc gặp sách, băng đĩa dạy người học Phật và lòng thương cha kính mẹ, hiếu thảo ông bà, yêu mến thiên nhiên, quê hương đất nước v.v… Bạn nên thỉnh và giới thiệu cho mọi người biết để thỉnh tặng. Chúng ta cũng có thể mang đến từng nhà cho mượn. Người không đọc được, mình chịu khó đọc giúp cho họ nghe. Trong các loại bố thí, Đức Phật dạy: “Pháp thí là đệ nhất và pháp thí thắng mọi thí”. Thật vậy, nếu giúp người bằng tiền của thì chỉ giúp một thời gian ngắn thôi. Còn nếu đem Phật pháp giới thiệu cho họ tỏ ngộ, phát tâm tu hành thì họ sẽ lìa khổ, được vui và vĩnh viễn thoát khỏi sinh tử luân hồi thì còn có điều gì cao thượng hơn thế nữa?

Hơn nữa, trong trường hợp này thì bạn đã giúp Phật một cánh tay đắc lực hoá độ chúng sinh và hộ trì Chánh Pháp. Vậy bạn là người con Phật (Phật tử) chân chính rồi? Cùng với sự tu hành đúng pháp nữa thì khi lìa bỏ báo thân này, Phật và Bồ-tát không tiếp dẫn bạn thì tiếp dẫn ai đây? Phật và Bồ-tát trước kia cũng là người như chúng ta nhưng do biết tu hành, làm thiện tích đức, cứu nhân độ thế nên đã thành Phật. Chúng ta cũng vậy! Nếu suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình mà thuần thiện thì sẽ cảm ứng với Phật, Bồ-tát và tương ưng với cảnh giới thuần thiện của chư Phật chư Bồ-tát. Nhờ vào Tự lực là lực tu hành, công phu niệm Phật của bạn, cộng với Tha lực là lực cảm ứng, gia trì và tiếp dẫn của Phật thì khi lâm chung, Phật, Bồ-tát sẽ xuất hiện ở trước bạn. Niệm trước niệm sau, nhanh hơn khẩy móng tay, liền được theo Phật vãng sanh về cõi Phật hưởng trọn an vui và không còn sanh tử trong Lục đạo Luân hồi khổ đau nữa.

Xin được nói thêm về kinh nghiệm làm bố thí pháp. Tôi thấy hiện nay đa số các ngôi chùa thôn quê, vùng sâu vùng xa đều không có đủ Kinh sách, băng đĩa học Phật (trên 70% dân số sống nông thôn). Vì vậy, có một kinh nghiệm hay mà tôi mạo muội khuyên mọi người nên làm. Đó là tìm về để tặng các ngôi chùa này tủ sách Phật pháp. Hiện nay, ở thôn quê rất nhiều người muốn học Phật, muốn dạy con cháu làm người tốt mà không tìm đâu ra băng đĩa hay sách để học. Hơn nữa, nhờ vào tủ sách này của bạn mà người dân có thể biết cách sống tốt hơn và có thêm cơ hội gieo duyên với Phật pháp.

Trước tiên, hãy bắt đầu làm từ những ngôi chùa quê hương nội ngoại trước. Sau đó, nếu có khả năng nữa thì có thể mở rộng ra làm bất cứ chùa nào cũng được. Việc này đối với người tài chính còn eo hẹp thì có hơi khó một chút, chứ thảnh thơi một tí hoặc mấy gia đình cùng góp lại thì tôi nghĩ sẽ không sao? Băng đĩa và sách Phật pháp thường Quý Thầy làm nhằm trợ duyên cho người học Phật nên rất rẻ. Có nhiều sách được nhiều người ấn tống miễn phí. Ăn tiêu bao nhiêu rồi cũng hết các bạn ạ! Chỉ cần chịu khó một chút thì có thể làm được một việc vô lượng phước đức này! Thậm chí, các bạn có thể khuyên con cháu dùng tiền lì xì Tết mà làm được việc này thì quá tốt! Để cho con cháu mình cũng có cơ hội làm thiện, tích đức và dần hướng chúng đến những việc lành từ khi còn tuổi nhỏ. Thông qua đây, các bạn có thể dạy con cháu rất hay. Con cháu bạn cũng sẽ rất vui và hạnh phúc khi biết chúng cũng có khả năng làm nhiều việc thiện lành như người lớn. Để lại bao nhiêu là tiền của thì sau này chúng cũng có thể sẽ tiêu sạch, chi bằng để lại phước đức và một nền tảng đạo đức vững chắc cho con cháu của chúng ta phải không các bạn? Qua đó, cho chúng thấy cần phải biết sống vì mọi người nhiều hơn nữa, phải có lòng từ bi hỷ xả chứ không nên ích kỷ như một số trẻ em hiện nay. Từ Bi là nền tảng của hoà bình. Thế giới sẽ không bao giờ có hoà bình thật sự và bền vững nếu con người không có lòng Từ Bi.

Ngoài ra, tặng sách học Phật cho các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cải tạo, bệnh viện… Cũng là điều rất nên làm như một số nước Phật giáo đã làm rất hiệu quả. Bệnh nhân, hoặc người nhà họ, người đang cải tạo… Những lúc thế này có thể đọc và hiểu về cuộc đời, nhân quả, cũng như phải biết bỏ ác làm lành, giữ giới… Biết đâu họ lại tìm ra được lẽ đạo và điểm tựa tâm linh để vượt qua những lúc khó khăn nhất của đời người? 3. Vô uý thí: Vô là không, Uý là sợ. Đem điều không sợ hãi bố thí cho người khác, loài khác gọi là vô uý thí. Ví dụ, có một bà lão muốn qua đường nơi đông người mà không thể tự qua được. Bạn dừng lại, đến nắm tay ân cần dẫn dắt bà qua đường, làm bà không còn sợ hãi nữa thì bạn đã đem cái gọi là sự bố thí vô uý cho bà lão rồi đấy! Ngoài ra, việc chăm sóc người bệnh hoặc động viên và giúp đỡ mọi người trong lúc khổ đau, hoạn nạn cũng là hạnh vô uý thí. Hoặc gặp con vật nào đang lâm nạn, thập tử nhất sinh, nếu có điều kiện bạn hãy ra tay cứu giúp thoát nạn và thả chúng về với môi trường tự nhiên của chúng thì cũng gọi là Bố thí Vô uý đấy!

Tuy nhiên, việc hiểu rõ về Pháp môn Niệm Phật để khai thị cho người lúc thập tử, nhất sinh để họ có thể hiểu và không còn sợ cái chết. Làm cho họ tỉnh táo và phát tín tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc của Phật A Di Đà là hạnh vô uý thí lớn nhất của người con Phật. ***

Có một kinh nghiệm xin chia sẻ ra đây để chúng ta cùng suy nghĩ. Nếu làm được các bạn sẽ vô tình mà đạt được cả ba mục đích: Tài thí, Pháp thí và Vô Uý thí.

Mỗi năm Tết đến Xuân về, chúng ta hãy nên dành ra một ít thu nhập của mình trong năm cùng kết hợp lại về các nơi chùa chiền ở nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, của ít lòng nhiều để làm từ thiện. Các bạn nên mua các món quà thông thường cần thiết cho ngày Tết như: Đường, trà, bánh kẹo… Lồng vào những túi quà ấy là những cuốn sánh học Phật nho nhỏ dễ hiểu thôi và một vài băng đĩa mà Quý Thầy giảng về đạo đức làm người, hay dạy bảo con cái thương cha kính mẹ, hiếu thảo với ông bà, yêu quý thiên nhiên, yêu quê hương đất nước v.v… để tặng. Hiệu quả sẽ là rất lớn! Nhờ vào sự giúp đỡ này mà một số người dân nghèo thôn quê sẽ bớt đi một ít nhọc nhằn lo lắng về một số khoản phải lo trong dịp Tết. Như vậy là bạn đã giúp cái Vô uý cho họ rồi! Thêm nữa, về nhà trong dịp Tết rảnh rỗi họ có thể lấy sách ra đọc, lấy đĩa ra nghe, xem. Qua đó, họ hoặc con cháu họ có thể học được rất nhiều điều hay lẽ phải và những gì đơn giản nhất của Đạo Phật như hạnh nhẫn nhục, giữ giới, lòng từ bi… Hay hiểu được sâu sắc hơn việc gì là ác, việc gì là thiện, việc gì nên làm, việc gì không nên làm v.v… Như vậy, chỉ cần trong một việc làm mà các bạn đã đạt được cả ba cái hạnh trong cùng một lúc. Đó là: Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí. Thật không thể nghĩ bàn!

Ngoài ra, Phật cũng đã dạy, mỗi khi nhìn thấy người khác làm việc thiện, chúng ta nên sanh tâm vui mừng hoặc trợ giúp họ thì phước đức rất lớn, có thể bằng với người trực tiếp bố thí. Kinh Tứ Thập Nhị Chương (HT Thích Hoàn Quan dịch), Phật dạy: “Thí như lửa của một cây đuốc vậy, vài trăm ngàn người đều dùng đuốc đến chia nhau mà lấy về nấu ăn hay thắp sáng, nhưng cây đuốc kia vẫn như cũ. Phước của người bố thí cũng lại như thế”. Đây là việc tưởng chừng đơn giản, nhưng với người có tâm phàm thường rất khó làm. Vì thường thì họ sẽ ganh tị hơn thua, chê bai, chỉ trích… Tâm làm thiện nhưng do ganh tị, hơn thua, tranh đấu thì dễ bị rơi vào cảnh giới A-tu-la. Vì vậy, chúng ta nên sanh tâm hoan hỷ và nếu có thể thì hãy trợ giúp tất cả những việc làm thiện lành của người khác. Và cũng thầm ước, nếu có điều kiện thì mình cũng sẽ làm tốt như người ta.

Thực tế cho thấy, những người có tâm thuần thiện thì thường họ sẽ không những nói suông để rồi chỉ chờ vào việc hoan hỷ với việc thiện lành của người khác mà có phước đức mà họ sẽ thật sự làm khi có điều kiện. Vì vậy, hiện tại họ thường an vui, hạnh phúc, tương lai sẽ thêm giàu có, sung túc. Ngược lại, bỏn xẻn thì quả báo sẽ là thiếu thốn trong ngày vị lai. Hoặc nặng hơn nữa, sau khi thân tàn mạng chung có thể sẽ rơi vào cảnh giới Ngạ quỷ đói khát trăm bề không thể nào diễn tả nỗi.

Ngày xưa, thời Đức Phật còn tại thế có rất nhiều câu chuyện bố thí thật cảm động. Trong “Thập Đại Đệ Tử Phật Thích Ca” (Lý Thái Thuận và Trương Quân) có trích dẫn một câu chuyện trong Kinh rằng, Ma-ha Ca-Diếp là một trong mười vị đệ tử hàng đầu của Đức Phật đã từng độ thoát một bà lão nghèo không nơi nương tựa.

Ngày ấy, bà lão vừa mới xin được ít nước cơm. Trên đường khất thực, Ca-Diếp ghé vào gặp bà lão. Khi nhìn thấy vị Sa-môn khất thực, bà lão thầm nghĩ, không lẽ người này còn nghèo hơn ta sao? Bà tìm hoài mà vẫn không có gì để bố thí. Bà nói: “Thưa Sa-môn! Con thật hổ thẹn vì không có gì để cho Ngài cả !”. Thật ra, Ca-Diếp muốn đến đây là để cứu độ bà lão, muốn cho bà có cơ hội tu bố thí để kiếp sau thoát khỏi kiếp nghèo và sanh về cõi lành hưởng sung sướng, an vui. Ca-Diếp nói với bà lão rằng, đã nhìn thấy và biết bà mấy hôm rồi. Hôm nay ghé thăm bà. Ngài nói với bà lão: “Người nào biết khởi tâm bố thí thì người đó không còn là người nghèo nữa. Ai biết hổ thẹn thì người ấy đã mặc pháp y. Bà đã có hai thứ đó rồi! Vậy bà không còn là nghèo nữa. Trên thế gian này, có biết bao nhiêu người giàu có nhưng tiếc tiền của nên họ không hề biết bố thí và cũng không hề có tâm hổ thẹn về việc ấy. Đó mới là những người bần cùng”. Nghe vị Sa-môn giảng giải bà lão hiểu được nên trong lòng tràn đầy hy vọng vào một kiếp sau tốt đẹp. Bà bưng chén nước cơm vừa xin được trước đó trịnh trọng dâng lên cúng dường vị Sa-môn. Ngài Ma-ha Ca-Diếp thọ nhận lễ vật và chú nguyện hồi hướng. Hôm ấy, bà mạng chung và nhờ vào phước lực này nên liền sanh lên cõi trời Đao-Lợi thành một Thiên nữ xinh đẹp. Hôm nọ, Thiên nữ đã nhớ lại nhân duyên cúng dường ngày ấy nên liền từ cõi Trời bay xuống rải Thiên hoa cúng dường vị Sa-môn năm xưa…

Ngoài ra, trong nhà Phật cũng còn một câu chuyện nữa về cúng dường của một cô bé nghèo không người thân, thường ăn xin rất đáng để chúng ta suy ngẫm và hãy nên phát cho được cái tâm bố thí, cúng dường này. Chuyện rằng, hôm ấy khi ăn xin trước cổng chùa, thấy rất nhiều người tập trung. Cô hỏi liền biết, hôm nay là lễ Tự Tứ rằm tháng bảy, mọi người đến để lễ Phật và cúng dường chư Tăng. Và cô gái đã phát tâm xin cúng hai đồng xu nhờ mua ít muối cho vào nồi canh cúng dường để cho tất cả chư Tăng tụ hội về chùa có thể hưởng được. Hôm ấy, Hoà Thượng trụ trì nói với mọi người: “Hôm nay có Đại Thí Chủ đến cúng dường!” Rồi cho thỉnh một hồi chuông trống và đích thân đến tiếp nhận lễ vật và chú nguyện hồi hướng cho cô. Nhờ vào phước lành này, mãi về sau cô được một vị Quan trong triều đình đi ngang và nhìn thấy nên nhận về làm con nuôi. Cô gái lớn lên ngày càng xinh đẹp. Năm ấy, khi Thái Tử kén vợ, tìm hoài mà vẫn chưa được người ưng ý. Vị quan đành dẫn cô gái nuôi lên để giới thiệu. Không ngờ, khi vừa gặp, Thái Tử bằng lòng ngay. Thế là Thái Tử đã kết hôn với cô gái. Về sau, khi nhà vua băng hà, Thái Tử lên ngôi vua và cô trở thành Hoàng Hậu đầy giàu sang, quyền lực. Một hôm, Hoàng Hậu cho người chở rất nhiều của cải đến cúng chùa nhưng lần này lại với tâm ngạo mạn và đòi hỏi Hoà Thượng phải đích thân nhận lễ vật và hồi hướng. Hôm ấy Hoà Thượng không lên mà bảo cho chú tiểu lên nhận thay. Hoàng Hậu vô cùng tức giận đến gặp Hoà Thượng hỏi lý do tại sao khi xưa chỉ cúng dường hạt muối mà đích thân Hoà Thượng tụng Kinh hồi hướng. Nay cả xe của cải lại cử một chú tiểu? Hoà Thượng ôn tồn giải thích: “Xưa kia dù chỉ là hạt muối, nhưng con đã phát tâm chân thành dâng cúng và thật sự đã quên đi lợi ích của mình. Nay cho dù là tài sản rất lớn, nhưng với cái tâm nhỏ mọn ấy, nên chỉ cần chú tiểu tiếp nhận là được.” Hoàng Hậu chợt tỉnh ngộ và thành tâm sám hối.

Qua hai câu chuyện trên cho thấy chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn hơn về cúng dường và bố thí, nhất là không phải cần nhiều tiền của thì chúng ta mới làm được. Chỉ cần với tấm lòng chân thành và cung kính, hay chỉ cần phát tâm thôi như bà lão nghèo kia mà phước đức cũng đã rất lớn. Vì vậy mọi người đừng nên e ngại của ít mà bỏ qua cơ hội bố thí, cúng dường mà hãy cố gắng phát cho được cái tâm ấy mới là điều đáng quý thì cuối đời này, hay kiếp sau chúng ta mới thoát được nỗi thống khổ do thiếu thốn của cải vật chất. Âu đó cũng là do kiếp trước đã bỏn xẻn không có tâm bố thí, cúng dường mà ra! Điều quan trọng là khi bố thí hay cúng dường chúng ta không nên nghĩ mình là người bố thí, người khác là kẻ nhận bố thí và giá trị của vật bố thí thì phước đức mới rộng lớn. Bố thí như vậy gọi là: “Tam luân không tịch”. Phật dạy, bố thí được như thế thì phước đức dụ như hư không bốn hướng rộng lớn mênh mông không thể nghĩ bàn.

Mỗi lần đến chùa để cúng dường, chúng ta chỉ nên khởi nghĩ rằng mình dùng tịnh vật này cúng dường chư Tăng, Ni để Quý Thầy, Quý Cô có thêm điều kiện yên tâm tu học và hoằng dương chánh pháp. Chỉ cần như thế là đủ. Đừng nên cầu xin gì cho mình và cũng đừng nghĩ gì về phước đức hay công đức gì cả! Như thế thì ý nghĩa của việc cúng dường và bố thí mới vô lượng vô biên. Hơn nữa, gieo nhân gì sẽ gặt được quả ấy! Cần gì phải cầu? Bên cạnh đó, làm được chút phước lành nào cũng phải nên hồi hướng cho tổ tiên ông bà, cha mẹ và tất cả chúng sanh thì phước báu ấy mới được viên mãn.

Ngày nay, chúng ta thường cầu mong khoẻ mạnh, sống lâu, giàu sang, thông minh, trí tuệ nhưng hãy tự nhìn lại thì những gì chúng ta đã và đang làm hầu hết đều đi ngược với những gì mà mình mong cầu thì làm sao toại nguyện được? Kinh dạy, bố thí tài sẽ được tài phú, giàu sang, của cải dư thừa; Bố thí pháp thì sẽ được thông minh trí tuệ; Bố thí vô uý được khoẻ mạnh, sống lâu. Nếu trong mạng chúng ta không có tài thì làm gì cũng khó. Nếu trong mạng đã có tài thì làm bất cứ nghề gì cũng dễ kiếm ra tiền và trở nên giàu có. Nếu không biết bố thí vô uý, lại còn sát sanh hại vật thì thường bị bệnh tật, thọ mạng ngắn ngủi. Keo kiệt, bỏn xẻn không bố thí tài thì tương lai sẽ nghèo khổ… Lý do chính là đây! Vì vậy, lợi ích và phước báu của việc cúng dường, bố thí, giúp người, cứu vật và từ thiện xã hội là vô cùng to lớn không thể nghĩ bàn!

Từ khóa » Pháp Thí Là Gì