Pháp Thí - Phật Học Ứng Dụng

Cho là nhận
  • Thay lời tựa: Thân phận con người
  • Những được mất trong đời
  • Những giá trị trong cuộc sống
  • Được và mất
  • Hãy rộng mở tâm hồn
  • Con đường chia sẻ
  • Chia sẻ những gì
  • Pháp thí
  • Cho là nhận
  • Thay lời kết: Đi tìm ý nghĩa cuộc đời

CHO LÀ NHẬN Nguyên Minh Nhà xuất bản Văn Hóa Thông TinPháp thí

 

Chúng ta vừa bàn đến việc chia sẻ niềm tin, mà thật ra cũng là một trong các hình thức pháp thí, tất nhiên là với điều kiện sự chia sẻ niềm tin đó xuất phát từ lòng vị tha và thực sự có mang lại lợi lạc cho người khác.Nhưng như đã nói, pháp thí còn có phạm trù rộng hơn rất nhiều. Nói một cách khái quát thì pháp thíphát tâm vị thatruyền đạt, chia sẻ với người khác những tri thức, hiểu biết có thể giúp mang lại lợi lạc cho đời sống của họ. Khi những lợi lạc đó chỉ giới hạn trong phạm vi đời sống thế tục thì đó là thế gian pháp thí. Nhưng nếu những lợi lạc đó có thể giúp người ta gieo trồng nhân duyên giải thoát, hướng đến sự giác ngộ viên mãn, vượt thoát luân hồi, thì đó được gọi là xuất thế pháp thí.Trong phần này chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến xuất thế pháp thí, vẫn thường được nhiều người hiểu một cách ngắn gọn là pháp thí.Vì pháp thí ở đây là giúp cho người khác có được những tri kiến cần thiết để tu tập hướng đến giải thoát, đến sự giác ngộ, nên tất cả nội dung thật ra không đi ngoài những lời dạy của đức Phật trong Kinh điển. Trong một chừng mực nhất định, pháp thí cũng chính là việc nỗ lực giảng giảitruyền bá rộng rãi Kinh điển trong phạm vi khả năng của mình, vì đó là cách tốt nhất để giúp người khác đi theo con đường giải thoát.

Tất cả mọi hiện tượng trong thế gian, ngay cả sự tồn tại của chính ta, đều chỉ là kết quả cấu thành từ rất nhiều điều kiện nhân duyên khác nhau, trong đó mỗi một điều kiện nhân duyên sẽ giữ một vai trò nhất định, nhưng không một yếu tố bất kỳ nào trong số đó có thể tự nó tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào các yếu tố khác.

Khi thực hành đúng đắn, pháp thí mang lại lợi lạc lớn lao hơn bất kỳ hình thức tài thí nào, bởi sự lợi lạc mà nó mang lại là chân thật và lâu bền, không có sự giới hạn như tài thí. Khi bạn giúp cho ai đó một lượng vật chất, sự giúp đỡ ấy chỉ có giá trị giới hạn tùy thuộc vào giá trị của lượng vật chất đó. Nhưng khi bạn giúp cho người khác nhận hiểu và tu tập hướng đến mục đích giải thoát, thì lợi ích mà người ấy nhận được trong hiện tạihết sức lớn lao, và điều đó cũng tiếp tục mang đến lợi lạc trong tương lai mà không hề có sự giới hạn. Hơn thế nữa, khi một người có sự thực hành tu tập chân chánh, chính họ cũng sẽ mang lại được nhiều lợi lạc cho những người quanh họ, và như vậy tác dụng của sự thực hành pháp thí càng được gia tăng theo chiều hướng ngày càng lan rộng.Nhưng cũng chính vì có tác dụng lâu bền và lan rộng như thế nên việc thực hành pháp thí cần phải hết sức cẩn trọng. Thử tưởng tượng, nếu bạn chia sẻ với ai đó một tri kiến sai lầm trong định hướng sống và người ấy đặt trọn niềm tin vào điều đó. Như vậy, tác hại mà bạn gây ra cho người ấy sẽ lớn lao và nghiêm trọng vô cùng, vì tri kiến sai lầm đó sẽ dẫn dắt người ấy đi theo một nếp sống sai lầm, gây hại cho bản thân và người khác. Và sự sai lầm của người ấy lại có nguy cơ lan rộng đến những người chung quanh họ, khiến cho tác hại của vấn đề càng thêm trầm trọng.Sự thận trọng trong thực hành pháp thí đòi hỏi chúng ta phải luôn tự mình thể nghiệm mọi nhận thức trước khi chia sẻ cùng người khác. Tất nhiên, thực tế là tất cả chúng ta hiện nay đều đang trong quá trình tìm kiếm và thể nghiệm từng lời dạy trong Kinh điển để có thể thực sự nhận hiểu một cách chính xác, không sai lầm. Khi ta chưa thực sự nhận hiểu một điều gì qua kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, chúng ta không nên tùy tiện mang ra chia sẻ hay dẫn dắt người khác, vì nếu có sai lầm trong sự nhận hiểu đó thì ta sẽ vô tình gây nhiều tác hại khi dẫn dắt người khác đi theo.Điều thận trọng thứ hai là chúng ta không được tự mình suy diễn, nghĩ ra những điều không hề ghi chép trong Kinh điển rồi đặt niềm tin vào đó và dẫn dắt người khác đi theo. Kinh điển do đức Phật thuyết dạy đã trải qua hơn 25 thế kỷ được vận dụng trong đời sống, đã chứng tỏ được tính chính xác trong thực tế. Những gì chúng ta chỉ nhất thời suy diễn, nhận hiểu bằng tri kiến hạn hẹp của mình nhưng chưa có sự vận dụng thực tiễn trong đời sống thì chưa thể tin chắc vào tính đúng đắn của chúng. Chúng ta có thể tự mình tiếp tục thể nghiệm và suy ngẫm về những điều ấy với sự cẩn trọng, nhưng không được tùy tiện dẫn dắt người khác đi theo niềm tin chưa được xác chứng của mình.Khi thực hành pháp thí, chúng ta phải luôn căn cứ vào những gì được ghi chép trong Kinh điển để chia sẻ cùng người khác. Như đức Phật đã dạy, tuy có rất nhiều pháp môn được thuyết giảng trong Kinh điển, nhưng tất cả đều có cùng một mục đích là hướng đến sự an lạc, giải thoát. Vì thế, vận dụng những gì được chỉ dạy trong Kinh điển để tự mình tu tập và dẫn dắt người khác bao giờ cũng là phương thức an toàn, lợi lạc nhất.Có rất nhiều phương thức để chúng ta chia sẻ những lời dạy trong Kinh điển với người khác. Tùy theo khả năng, chúng ta có thể chọn phương thức nào thích hợp nhất với mình để thực hành.Cách tốt nhất là hãy chia sẻ những gì chúng ta đã học hiểu và thực hành đạt được kết quả lợi lạc ngay trong đời sống của mình. Có rất nhiều điều thuộc phạm trù này mà ta có thể thấy như quá đơn giản, nhưng sẽ thực sự mang lại lợi lạc cho những người được ta chia sẻ. Ngược lại, nếu bạn cố chọn lấy những gì bạn cho là cao siêu, sâu sắc để chia sẻ với người khác, nhưng tự thân bạn lại chưa có sự nhận hiểu và thực hành đúng đắn, thì những điều ấy thật ra chưa hẳn đã có thể mang đến lợi lạc cho người được chia sẻ.Do đó, việc giảng giải Kinh điển nếu được sử dụng như một phương thức để thực hành pháp thí thì phải luôn có sự cẩn trọnggiới hạn trong phạm vi những gì đã được am hiểu trọn vẹn. Nếu không được như thế, chúng ta nên chọn những phương thức khác thích hợp hơn.Chẳng hạn, chúng ta có thể nỗ lực tạo điều kiện để giúp nhiều người khác tiếp cận với Kinh điển. Đó cũng là pháp thí. Những công việc như sao chép, góp sức in ấn, lưu hành Kinh điển... đều thuộc loại này. Nhờ có những công việc đó, sẽ có thêm nhiều người được tiếp cận với Kinh điển, và nhờ đó mà bản thân họ sẽ được nhiều lợi lạc trong đời sống cũng như có khả năng mang đến lợi lạc cho nhiều người khác nữa.Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong thực hành pháp thí chính là tự mình học hỏitu tập theo Phật pháp. Khi chúng ta khởi tâm từ bi hướng về tất cả chúng sanh, ta không thể loại trừ bản thân mình ra khỏi “tất cả chúng sanh” đó. Vì vậy, người trước tiên cần được nhận lãnh Giáo pháp để thực hành chính là bản thân ta. Khi bản thân ta có sự thực hànhđạt được nhiều lợi lạc, ta mới có đủ điều kiện để tiếp tục truyền rộng những hiểu biết chân chánh ấy đến với nhiều người khác. Đó chính là pháp thíVô úy thíVô úy thí có thể là một khái niệm khá xa lạ với nhiều người khi tìm hiểu về các hình thức bố thí. Trong khái niệm về vô úy thí, gần như không nhấn mạnh đến bất kỳ giá trị vật chất hay tri thức nào, mà chủ yếu là sự an ổn của người thọ thí. Mặc dù các giá trị vật chất hay tri thức đều có thể được dùng đến trong trường hợp này, nhưng chúng chỉ được xem như những phương tiện để giúp ta thực hiện mục đích chính là mang lại cho người khác sự an ổn, không sợ sệt.Sự sợ sệt, bất an của người khác có nhiều nguyên nhân. Vì thế, khi thực hành vô úy thí ta phải sáng suốt nhận biết các nguyên nhân khác nhau đó thì mới có thể chọn được phương thức thích hợp để giúp đỡ, cứu họ thoát ra khỏi sự bất an, sợ sệt.Hơn thế nữa, bản thân ta cũng có những nỗi bất an, sợ sệt, và việc tự mình thoát khỏi những bất an, sợ sệt này chính là điều kiện tiên quyết để ta có thể mang lại sự an ổn cho người khác.Khi thực hành theo lời dạy của đức Phật, chúng ta tự mình tạo ra được một nếp sống an ổn ngay giữa những biến động thường xuyên của cuộc đời. Điều đó chứng tỏ cho người khác thấy rằng sự thực hành Phật pháp của chúng ta đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó mà người khác mới có thể đặt niềm tin vào chúng ta hoặc vào những lời khuyên bảo, chia sẻ của ta.Trong phần lớn trường hợp, thật ra thì chúng ta rất ít khi có khả năng mang lại sự an ổn hoàn toàn cho người khác. Tuy nhiên, nỗ lực của chúng ta sẽ giúp họ giảm bớt sự sợ sệt, bất an, và nhờ đó có thể ứng xử một cách sáng suốt, hiệu quả hơn. Đây chính là sự lợi lạc lớn lao mà ta có thể giúp mang lại cho người khác.Khi nguyên nhân gây sợ hãi cho ai đó là những mối đe dọa khách quan từ bên ngoài, chúng ta cần có đủ sự sáng suốtsức mạnh mới có thể che chở, bảo vệ cho người ấy, và nhờ đó giúp họ được an ổn. Thực hành vô úy thí trong những trường hợp này cần có sự thận trọng, xuất phát từ lòng từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sanh thì mới tránh khỏi việc bị lôi kéo vào vòng tranh chấp thế tục. Nếu vì muốn giúp đỡ, bảo vệ một người mà ta phải đối đầu với một người khác chẳng hạn, thì cần phải hết sức tỉnh táo trước những nguyên nhân xung đột giữa đôi bên, không thể chỉ đơn thuần dựa vào nhận thức chủ quan của một trong hai phía. Trong bất kỳ trường hợp nào, sự hóa giải mọi tranh chấp bao giờ cũng là giải pháp tốt nhất nên chọn lựa.Nếu một người đang sợ hãi do những nhận thức sai lầm của họ về thực tại, chúng ta không phải làm gì khác hơn là giúp họ nhận ra những sai lầm đó. Năng lực tu tập của bản thân ta là điều kiện căn bản để đạt được trí tuệ sáng suốt nhằm nhận biết và chỉ ra những sai lầm trong nhận thức của người khác về thực tại. Có những sai lầm căn bản về nhận thức thường mang đến sự bất an và sợ sệt cho hầu hết mọi người. Chẳng hạn, nếu ta chấp nhận sự tồn tại của một bản ngã độc lập và tách biệt với mọi đối tượng bên ngoài bản ngã đó, thì nhận thức này sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là “bản ngã của ta” cần được bảo vệ trước bất kỳ tác nhân bên ngoài nào có thể gây tổn hại cho nó. Đây là nguyên nhân khởi đầu của mọi xung đột, và một khi nhận thức sai lầm chưa được thay đổi thì những xung đột loại này vẫn không thể chấm dứt.Nhưng thật ra thì không hề có một bản ngã độc lập và tách biệt như thế. Tất cả mọi hiện tượng trong thế gian, ngay cả sự tồn tại của chính ta, đều chỉ là kết quả cấu thành từ rất nhiều điều kiện nhân duyên khác nhau, trong đó mỗi một điều kiện nhân duyên sẽ giữ một vai trò nhất định, nhưng không một yếu tố bất kỳ nào trong số đó có thể tự nó tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào các yếu tố khác. Nhận thức chân thật này được đức Phật khám phá và truyền dạy, gọi là giáo pháp vô ngã. Cũng trên căn bản giáo pháp vô ngã này, khi nhìn rộng ra mọi hiện tượng khác, chúng ta thấy tất cả cũng đều sinh khởitồn tại phụ thuộc vào các yếu tố nhân duyên, không hề có một tự tánh độc lập. Nhận thức này trong đạo Phật gọi là thuyết duyên khởi, chỉ rõ rằng vạn pháp đều sinh khởi do sự hợp thành của những nhân duyên. Và vì tất cả các pháp đều do nhân duyênsinh khởi, tự chúng không hề có một thuộc tính độc lập, bền chắc hay kiên cố, nên có thể thấy rằng bản thể tuyệt đối của tất cả các pháp đều là Không. Từ tánh Không này mà khởi sinh vạn pháp, nên khi nhân duyên tan rã đều quay lại thành Không.Những nhận thức như vậy là hoàn toàn chân xác, nhưng lại dường như xa lạ với hầu hết chúng ta trong cuộc sống đời thường. Và do không có được nhận thức đúng thật về thực tại như thế nên ta mới luôn sống trong tâm trạng bất an, sợ sệt. Chẳng hạn, chúng ta luôn lo sợ người thân của mình mất đi, lo sợ tài sản của mình hao tổn, lo sợ tình cảm người khác dành cho mình thay đổi... Nhưng tất cả những điều ấy đều tất nhiên phải đến, vì đó chính là sự vận hành tự nhiên của thực tại theo với sự hợp tan, biến đổi không ngừng của các nhân duyên. Vì thế, khi nhận thức đúng và chấp nhận những sự thật này, chúng ta sẽ lập tức giải thoát khỏi tâm trạng bất an và lo sợ.Thực hành vô úy thí trong trường hợp này thật ra cũng chính là pháp thí, vì ngoài giáo pháp chân thật của đức Phật, chúng ta không còn cách nào khác hơn để giúp người khác nhận thức đúng về thực tại. Vì thế mà tự thân ta phải không ngừng tu tập, học hỏi về các sự thật trong đời sống thế tục vốn đã được đức Phật giảng dạy, như sự thật về khổ đau (Khổ đế), sự thật về nguyên nhân của khổ đau (Tập đế), sự thật về trạng thái chấm dứt khổ đau (Diệt đế) và sự thật về những phương pháp tu tập để chấm dứt khổ đau (Đạo đế). Bốn sự thật này được gọi chung là Tứ diệu đế, là những nhận thức cơ bản nhất để giúp chúng ta hiểu đúng về thực tại. Khi đi sâu vào học hỏi Tứ diệu đế, chúng ta sẽ được biết về Bát chánh đạo như những phương thức hữu hiệu để hướng đến sự dứt trừ khổ đau. Trong những trường hợp phổ biến hơn, việc thực hành vô úy thí có nghĩa là chúng ta luôn quan tâm đến sự an vui, hạnh phúc của người khác và sẵn lòng sẻ chia những nỗi lo toan, bất ổn của họ. Với tâm từ bi hướng đến tất cả chúng sanh thì mọi hành vi của ta đều sẽ mang lại lợi lạc cho người khác. Cho dù chỉ là một lời nói an ủi hay một cử chỉ cảm thông, nhưng khi chúng ta thực hiện với một lòng thương yêu sâu sắc và chân thật, ta cũng có thể giúp cho người khác được cảm thấy an ổn hơn, vững niềm tin hơn. Và đó cũng chính là vô úy thí.Pháp thí thắng mọi thíTrong tất cả các hình thức bố thí như đã đề cập trên, xuất thế pháp thí được xem là hình thức thực hành bố thí thù thắng hơn tất cả. Điều này xuất phát từ giá trị lợi lạc chân thật và lớn lao mà Giáo pháp có thể mang lại cho tất cả chúng ta trong đời sống. Cũng do tính chất đúng thật của Giáo pháp nên mọi việc làm thực sự mang lại lợi ích chân thật cho người khác đều không thể đi ra ngoài Giáo pháp. Và do đó, muốn thực hành bố thí một cách đúng thật và hiệu quả, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải bắt đầu từ việc tự mình học hỏi, tu tập theo đúng những lời Phật dạy. Một khi bản thân ta đã là một sự thể hiện sống động những lời Phật dạy, thì bất kỳ lời nói hay việc làm nào của ta cũng đều có thể xem là pháp thí, bởi mỗi một lời nói hay việc làm đó đều sẽ có giá trị dẫn dắt người khác đi theo con đường chân chánh.Cũng từ nhận thức đó, chúng ta có thể thấy rằng mọi hình thức bố thí khác nhau thật ra đều giống nhau về bản chất. Khi được thực hiện một cách đúng pháp, dù là bố thí theo hình thức nào cũng đều phải phát khởi từ tâm Bồ-đề, hay nói cách khác là tâm từ bi, vị tha, luôn hướng đến việc làm lợi lạc cho người khác. Từ khởi điểm là tâm Bồ-đề, chúng ta cần phải có một sự nhận hiểu đúng đắn, học hỏi Giáo pháp thích hợp thì mới có thể thực sự mang đến lợi lạc chân thật cho người khác, hay nói khác đi là ta phải tự mình tu tập Phật pháp để có được trí tuệ sáng suốt.Khi đã có đủ hai yếu tố từ bitrí tuệ thì mọi hành vi, lời nói của chúng ta đều có khả năng mang lại lợi lạc lớn lao cho người khác, đó cũng là điều tất nhiên. Và cho dù ta có tùy duyênthực hiện bất kỳ hình thức bố thí nào đi chăng nữa, tự thân việc làm của chúng ta khi đó cũng sẽ trở thành một biểu hiện thực tế cho những lời dạy chân chánh của đức Phật, và vì thế sẽ luôn có giá trị dẫn dắt người khác trên con đường an vui và hạnh phúc. Đó chính là pháp thí, và đó cũng chính là lý do mà trong Kinh Pháp cú đức Phật đã dạy rằng: “Pháp thí thắng mọi thí.” (Kinh Pháp Cú - kệ số 354.)

Từ khóa » Pháp Thí Là Gì