BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG VÀ CÁC QUY ...
Có thể bạn quan tâm
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng? Phân biệt bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và chế tài phạt vi phạm? So sánh sự khác nhau về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng giữa bộ luật dân sự 2005 và bộ luật dân sự 2015.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là một loại trách nhiệm phổ biến thường diễn ra trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng. Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi nào? Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ 4 yếu tố sau: có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế xảy ra, bao gồm cả thiệt hại vật chất và tổn thất về tinh thần, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế và có lỗi dẫn đến vi phạm hợp đồng.
1. Có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng
(i) Có sự tồn tại hợp đồng và có sự tồn tại nghĩa vụ vi phạm
Đương nhiên, đây là điều kiện tiên quyết để có thể áp dụng trách nhiệm dân sự trong hợp đồng (cho dù đó là chế tài buộc thực hiện hợp đồng, hủy, đình chỉ hợp đồng hay phạt hợp đồng). Trước tiên, phải làm rõ sự vi phạm bắt nguồn từ một nghĩa vụ trong hợp đồng có hiệu lực và nghĩa vụ thuộc về bên vi phạm. Thông thường, các nghĩa vụ hợp đồng có thể phát sinh từ các thỏa thuận của các bên (điều khoản thỏa thuận), nhưng nếu các bên im lặng về một vấn đề nào đó thì sẽ được suy đoán là về vấn đề này, các bên đã ngầm thỏa thuận chịu sự chi phối của luật (điều khoản luật định). Chẳng hạn, nếu các bên không thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp thì sẽ áp dụng các quy định của luật pháp để xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Sự phức tạp sẽ đến nhiều hơn từ việc xác định nội dung các điều khoản thỏa thuận của các bên. Nhiều trường hợp, các thỏa thuận là các thỏa thuận ngầm. Thực tế, chúng ta vẫn gặp các điều khoản “nằm ngoài” hợp đồng chính, ví dụ như nội quy của một nơi trông giữ xe… Liệu những quy định này có được coi là điều khoản của hợp đồng để ràng buộc trách nhiệm của các bên? Trong nhiều trường hợp khác, các điều khoản viết trong hợp đồng lại không rõ ràng, tối nghĩa hoặc mâu thuẫn nhau, đòi hỏi thẩm phán phải giải thích hợp đồng. Khi giải thích hợp đồng, thẩm phán phải căn cứ vào các nguyên tắc của giải thích hợp đồng được quy định tại Điều 408 BLDS.
(ii) Có hành vi vi phạm nghĩa vụ:
Hành vi vi phạm nghĩa vụ là việc người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đó, thể hiện dưới các hình thức sau:
- Từ chối thực hiện nghĩa vụ, ví dụ, từ chối giao hàng, từ chối thanh toán tiền, từ chối làm một công việc đã hứa.
- Chậm thực hiện nghĩa vụ: ví dụ, bên nhận vận chuyển hàng có nghĩa vụ giao hàng ngày X nhưng đã giao hàng chậm vào ngay Y.
- Thực hiện một phần nghĩa vụ, ví dụ, bên bán có nghĩa vụ giao 1000 chiếc xe đạp hiệu X vào ngày 05/01/2007 nhưng vào ngày này, bên bán chỉ giao 500 chiếc xe.
- Thực hiện không đúng nghĩa vụ, thường là liên quan đến chất lượng sản phẩm hoặc công việc là đối tượng của nghĩa vụ, chẳng hạn, trong số 1000 xe đạp hiệu X giao cho bên mua, có nhiều chiếc không sử dụng được.
- Không thực hiện một nghĩa vụ: Trong một hợp đồng có rất nhiều nghĩa vụ, trong đó có các nghĩa vụ thứ yếu. Thông thường, chỉ hành vi vi phạm nghĩa vụ chính mới dẫn đến kết luận là việc thực hiện toàn bộ hợp đồng đã bị vi phạm. Ví dụ, trong hợp đồng mua bán, nghĩa vụ giao hàng và nghĩa vụ thanh toán tiền được coi là nghĩa vụ chính. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu người có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ chính nhưng lại không thực hiện một nghĩa vụ phụ. Chẳng hạn, A đã thực hiện nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng và chất lượng cho B, nhưng do nhầm lẫn, thay vi giao hàng tại địa điểm Z thì A lại giao hàng tại địa điểm K. B sẽ có quyền coi việc thực hiện toàn bộ hợp đồng đã bị vi phạm nếu chỉ ra được việc thực hiện nghĩa vụ phụ này có ý nghĩa không thể thiếu được cho lợi ích mà hợp đồng mang lại cho B. Ví dụ, chính tại địa điểm Z là địa điểm mà B có nghĩa vụ phải giao hàng tiếp cho C và việc vi phạm của A đã dẫn tới thiệt hại cho B trong quan hệ hợp đồng với C. Trong các trường hợp khác, trách nhiệm của người vi phạm chỉ liên quan đến nghĩa vụ phụ bị vi phạm chứ hợp đồng không bị coi là không thực hiện toàn bộ.
2. Có thiệt hại xảy ra
Thông thường, thiệt hại yêu cầu bồi thường do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là thiệt hại về vật chất nhưng BLDS cũng cho phép yêu cầu bồi thường các thiệt hại về tinh thần, Điều 307 BLDS quy định thiệt hại phải là thiệt hại thực tế, tính được thành tiền.
(i) Tính toán tiền bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc chung
Về mặt nguyên tắc, số tiền mà Tòa án buộc bên vi phạm phải trả cho bên bị vi phạm phải bù đắp được mọi tổn thất mà người này phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng. Nói cách khác, số tiền bồi thường thiệt hại cho phép đặt người có quyền bị vi phạm vào hoàn cảnh mà lẽ ra người này được hưởng nếu người có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng. Chính bởi vậy, thiệt hại mà bên vi phạm nghĩa vụ phải trả còn gọi là thiệt hại đền bù hay thiệt hại bù trừ. Theo thông lệ trên thế giới, tiền bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm hai loại: tổn thất đã xảy ra và khoản lợi lẽ ra thu được từ hợp đồng. Việc chứng minh tổn thất đã xảy ra không quá phức tạp nếu so với việc chứng minh khoản lợi lẽ ra thu được từ hợp đồng. Tòa án là người có toàn quyền quyết định chấp nhận hay không chấp nhận khoản lợi lẽ ra thu được từ hợp đồng. Thông thường, yêu cầu bồi thường những khoản lợi không chắc chắn, quá xa xôi về mặt thời gian hoặc phụ thuộc vào nhiều may rủi đều bị Tòa án từ chối.
LTM, cũng như LTM 1997 đã theo cách tiếp cận này của thế giới. Tuy nhiên, Điều 307 khoản 2 BLDS không phân định rạch ròi tổn thất đã xảy ra và khoản lợi lẽ ra thu được từ hợp đồng mà chỉ quy định 3 loại thiệt hại được yêu cầu bồi thường bao gồm tổn thất về tài sản: chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút. Tổn thất về tài sản có thể là giá trị số tài sản bị mất, bị hư hỏng, tiền lãi phải trả ngân hàng, tiền bị phạt vi phạm hợp đồng hoặc tiền bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải trả cho bên thứ ba do hậu quả trực tiếp của sự vi phạm hợp đồng gây ra… Vấn đề khó khăn ở chỗ, liệu thu thập thực tế bị mất, bị giảm sút có đồng nghĩa với khoản lợi trực tiếp lẽ ra thu được từ hợp đồng không? Điều 307 BLDS không có quy định nào tương tự như Điều 301 khoản 2 LTM,
(ii) Tính toán tiền lãi đối với số tiền chậm trả trong nghĩa vụ trả tiền
Điều 305 khoản 2 BLDS nêu lên nguyên tắc: trong trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ngoài hợp đồng vay tài sản, nghĩa vụ trả tiền có thể phát sinh từ rất nhiều hợp đồng khác. Chẳng hạn, nghĩa vụ trả tiền cho bên bán trong hợp đồng mua bán, nghĩa vụ thanh toán tiền thuê khoán trong hợp đồng thuê khoán… Số tiền lãi trên khoản tiền chậm trả luôn được tính là một khoản bồi thường mà người có quyền không phải chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra. Tiền luôn được coi là tài sản sinh lợi, vì vậy bên có quyền được hưởng tiền lãi chậm trả để bù đắp khoản sinh lợi lẽ ra được hưởng trong thời gian chậm trả đó.
3. Có mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm và thiệt hại
Thực chất, điều kiện này chính là điều kiện về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra: nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại xảy ra xuất phát trực tiếp từ nguyên nhân là hành vi vi phạm. Vì vậy, các loại thiệt hại gián tiếp sẽ không được xem đến khi tính toán mức bồi thường.
Trong các tranh chấp hợp đồng, các thiệt hại gián tiếp không được xem xét thường là các thiệt hại nằm ngoài việc thực hiện hợp đồng, hoặc quá xa với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng.
BLDS không có điều luật nào quy định nguyên tắc người có quyền bị vi phạm phải có nghĩa vụ ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ nhưng Điều 305 LTM quy định bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
4. Người vi phạm nghĩa vụ có lỗi
Lưu ý rằng chỉ có BLDS quy định điều kiện này còn LTM không coi lỗi là căn cứ của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Theo Điều 308 khoản 1 BLDS, người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Nhưng theo Điều 302 khoản 3 BLDS, lỗi của người vi phạm nghĩa vụ là lỗi suy đoán. Điều đó có nghĩa là về nguyên tắc, bên có quyền chỉ cần chỉ ra hành vi vi phạm của bên kia (không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ) mà không phải chứng minh lỗi vì việc chứng minh không có lỗi thuộc trách nhiệm của người vi phạm. Vậy, những trường hợp nào là trường hợp mà bên vi phạm nghĩa vụ được miễn, giảm trách nhiệm dân sự?
Các căn cứ miễn trách nhiệm dân sự do luật pháp quy định:
Căn cứ vào Điều 302 khoản 2 và 3 BLDS, người có nghĩa vụ có thể chứng minh mình không có lỗi, do đó không chịu trách nhiệm dân sự trong hai trường hợp: (i) việc không thực hiện nghĩa vụ là do sự kiện bất khả kháng hoặc (ii) do lỗi của người có quyền gây ra.
Ngoài hai căn cứ trên, LTM quy định thêm một trường hợp miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên là do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Phải chăng trường hợp này cũng được quy định vào nguyên nhân sự kiện bất khả kháng. Thực tế, BLDS không đưa ra định nghĩa nào về sự kiện bất khả kháng. Thông thường, một sự kiện được coi là sự kiện bất khả kháng khi: (1) Sự kiện đó xảy ra sau khi ký hợp đồng; (2) Sự kiện đó nằm ngoài ý chí của các bên, vì vậy, nằm ngoài hoạt động của các bên trong hợp đồng. Ví dụ, người chuyên chở hàng bằng xe tải không thể viện dẫn sự cố hỏng xe là một sự kiện sự kiện bất khả kháng bởi vì trong một chừng mực nào đó, người chuyên chở hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về sự vận hành của chiếc xe mà anh ta là chủ sở hữu hoặc là người chiếm hữu hay quản lý; (3) Sự kiện đó không thể lường trước được, chẳng hạn như thiên tai, hỏa hoạn…; (4) Sự kiện đó không thể khắc phục được, nghĩa là mọi sự cố gắng của người có nghĩa vụ nhằm khắc phục sự cố đều trở nên vô nghĩa.
Các căn cứ miễn trách nhiệm dân sự do các bên thỏa thuận – điều khoản miễn giảm trách nhiệm dân sự:
Trên thực tế, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng điều khoản miễn giảm trách nhiệm dân sự cho việc vi phạm một nghĩa vụ nào đó trong hợp đồng.
5. Mối quan hệ giữa bồi thường thiệt và phạt vi phạm hợp đồng
Chế tài phạt vi phạm hợp đồng có mục đích chủ yếu là trừng phạt, tác động vào ý thức của các chủ thể nhằm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, phòng ngừa vi phạm hợp đồng. Với mục đích như vậy, phạt vi phạm được áp dụng một cách phổ biến đối với các vi phạm hợp đồng.Khác với phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại là hình thức áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng mua bán.
Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Theo đó có thể hiểu rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ mặc nhiên phát sinh khi có đủ các căn cứ theo Điều 303 Luật Thương Mại năm 2005 mà không cần có thỏa thuận áp dụng kèm theo thỏa thuận phạt vi phạm. Hay nói cách khác, bên bị vi phạm trong hợp đồng không cần phải dựa trên một thỏa thuận trước nào đó để có thể có được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, để có quyền yêu cầu phạt vi phạm thì phải dựa trên thỏa thuận giữa các bên.
Cách tiếp cận này của Luật Thương mại năm 2005 cũng giống như Bộ nguyên tắc UNIDROIT: “(Điều 7.4.1) và “ (Điều 7.2.4).
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm” (khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2005). Khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 có cùng cách tiếp cận, nhưng có sự khác biệt so với quy định của Luật Thương mại năm 2005. Cụ thể, Bộ luật Dân sự yêu cầu bên bị vi phạm nếu muốn được áp dụng đồng thời hai chế tài cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thì cần có sự thỏa thuận là “áp dụng đồng thời” hai chế tài. Tức là vừa phải có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa phải có “yếu tố thỏa thuận” áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại thì mới có thể áp dụng đồng thời. Trong khi đó, cách tiếp cận của Luật Thương mại năm 2005 thì chỉ cần có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không cần có “yếu tố thỏa thuận” về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm vẫn có thể có quyền áp dụng đồng thời cả hai chế tài.
Trong bản thân Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tồn tại sự mâu thuẫn. Cụ thể: Thứ nhất, “các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại”, điều này có thể hiểu là khi có thỏa thuận phạt thì quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại vẫn là mặc định, nếu các bên muốn chỉ áp dụng điều khoản phạt mà không đặt vấn đề bồi thường thiệt hại thì phải nêu rõ trong thỏa thuận. Thứ hai, “… hoặc (có thể thỏa thuận) vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Điều này có thể hiểu ngược lại là trong trường hợp có thỏa thuận phạt thì quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại không còn là quyền mặc nhiên nữa, nghĩa là nếu các bên vừa muốn phạt hợp đồng, vừa muốn bồi thường thiệt hại thì phải nói rõ trong hợp đồng. Nếu chỉ thỏa thuận về phạt vi phạm và không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Như vậy, không thể đồng thời trong một điều khoản lại chứa đựng hai cách thể hiện quan điểm trái ngược nhau như vậy.
Theo tác giả, cách tiếp cận mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại năm 2005 hợp lý hơn và phù hợp với ý nghĩa, mục đích của bồi thường thiệt hại. Bởi ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm là nhằm mục đích răn đe, trừng phạt nên việc có muốn thực hiện mục đích này không thì phụ thuộc vào ý chí của các bên khi thiết lập hợp đồng. Trong khi ý nghĩa của chế tài bồi thường thiệt hại lại là bù đắp những tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm của bên vi phạm, có thể xem là “quy luật tự nhiên” gây thiệt hại thì phải bồi thường cho những tổn thất mình gây ra. Việc bên bị vi phạm không có câu chữ “bên vi phạm vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại” không có nghĩa họ từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình. Như vậy, việc quy định cần phải có một thỏa thuận “vừa phải chịu phạt vi phạm, vừa phải bồi thường thiệt hại” để được áp dụng đồng thời cả hai chế tài là không hợp lý. Chúng ta nên theo cách tiếp cận của Luật Thương mại năm 2005, chỉ cần có thỏa thuận phạt vi phạm còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn có thể mặc nhiên phát sinh khi có đủ căn cứ mà không cần phải có sự thỏa thuận trước đó song hành cùng với thỏa thuận phạt vi phạm.
6. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định tại các điều khoản sau của Bộ luật Dân sự năm 2015: Điều 13 quy định, cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Điều 360 cũng có quy định tương tự, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần (Điều 361). Điều 419 quy định cụ thể về xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng. Theo đó, thiệt hại được bồi thường sẽ bao gồm: (i) Thiệt hại vật chất thực tế xác định được: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại , thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; (ii) Khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được hưởng do hợp đồng mang lại; (iii) Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại; (iv) Thiệt hại về tinh thần.
Có thể nhận thấy, thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 có sự mở rộng hơn so với quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 khi thiệt hại được bồi thường không chỉ bao gồm những thiệt hại thực tế, hiện hữu mà còn bao gồm cả khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm lẽ ra được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Sự mở rộng này có sự tương đồng với quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại năm 2005: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm” (khoản 2 Điều 302).
Như vậy, quy định về bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 là rõ ràng và mở rộng hơn cả. So với Bộ luật Dân sự năm 2005 thì giá trị được bồi thường đã được mở rộng hơn, đồng thời chỉ rõ rằng những thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi được bồi thường do vi phạm hợp đồng – nội dung gây nhiều tranh cãi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. So với Luật Thương mại nắm 2005 thì sự mở rộng hơn được thể hiện ở việc quy định những thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
7. Bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng
Quy định về việc xác định thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi được bồi thường khi vi phạm hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 cho đến nay. Hơn nữa, dù Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định một cách cụ thể rằng thiệt hại về tinh thần cũng có thể được bồi thường trong vi phạm hợp đồng, nhưng cũng được hiểu một cách mặc thị rằng, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại (bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất kỳ một tiền lệ nào về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng. Có thể thấy, cho dù căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng nhưng khi xác định liệu có đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho những tổn thất tinh thần do vi phạm hợp đồng hay không lại là điều không dễ dàng.
Như vậy có thể thấy, đối với các thiệt hại về tinh thần được các Tòa án chấp thuận bồi thường ngoài các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã nêu trên thì còn cần phải có hai dấu hiệu:
Thứ nhất, là tính dự đoán được của thiệt hại. Bên có nghĩa vụ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà mình đã dự đoán trước hoặc có thể dự đoán trước một cách hợp lý vào thời điểm giao kết hợp đồng như là một hậu quả có thể xảy ra từ việc vi phạm hợp đồng. Đây cũng là nội dung được nêu ra trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT về “tính dự đoán trước được của thiệt hại” cùng với yêu cầu về “tính xác thực của thiệt hại” trong khi yêu cầu về mức bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, những tổn thương tinh thần mà bên bị vi phạm phải gánh chịu phải là những thiệt hại “đáng kể”. Có thể hiểu “thiệt hại đáng kể” là những thiệt hại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của bên bị vi phạm và có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe tinh thần, tâm lý của bên bị vi phạm.
Những thiệt hại tinh thần được bồi thường thường là các hợp đồng mang tính “cá nhân” (hợp đồng dân sự thông thường) hơn là các hợp đồng mang tính thương mại.Những loại hợp đồng sau đây là những hợp đồng thường được chấp thuận các khoản bồi thường cho thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng: (i) Hợp đồng giải quyết các vấn đề về nhà ở; (ii) Hợp đồng hỗ trợ cho việc sinh con; (iii) Hợp đồng vận chuyển hành khách; (iv) Hợp đồng bảo hiểm cho những chiếc ô tô mới. Có thể thấy, đối tượng của những hợp đồng này là những tài sản, công việc phải thực hiện có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân. Khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, việc gây ra những tổn thương về tinh thần là điều không tránh khỏi, thậm chí còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài. Đó là lý do một số Tòa án chấp nhận các khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần trong các dạng hợp đồng như vậy cho dù pháp luật không có quy định về điều này
Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 đã có những quy định mới, tiến bộ hơn so với BLDS 2005, đặc biệt là chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 385 BLDS 2015 “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Hợp đồng hợp pháp là một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ giữa các bên chủ thể của hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì bên đó sẽ phải gánh chịu một số hậu quả pháp lý bất lợi mà dưới góc độ khoa học pháp lý được gọi là trách nhiệm dân sự. Trong đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trong những trách nhiệm dân sự được ghi nhận tại Điều 11 BLDS 2015.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ là một trong những nội dung được bổ sung một cách cơ bản so với quy định tại BLDS 2005. Thay vì chỉ quy định chung trong một điều luật (Điều 307 BLDS 2005), BLDS 2015 dành tới 4 điều luật để quy định về nội dung này (từ Điều 360 đến Điều 363 BLDS 2015).
Từ quy định tại những điều này có thể thấy một số nội dung mới phát triển. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường được ghi nhận đầy đủ và rõ ràng hơn.
Điều 360 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” – đây là quy định mới được bổ sung tại BLDS 2015. Quy định này chỉ rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh khi có các yếu tố sau: có thiệt hại; có hành vi vi phạm nghĩa vụ; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm nghĩa vụ; có lỗi.
Các loại thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng cũng được xác định cụ thể, đầy đủ và rõ ràng, hợp lý hơn so với trước đây.
Điều 419 BLDS 2015 quy định: 1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này. 2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại. 3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.
Điều 419 đã thể hiện được các điểm mới quan trọng: Các thiệt hại được bồi thường không chỉ là các thiệt hại thực tế, hiện hữu như trước đây BLDS 2005 đã quy định mà còn cả các thu nhập bị bỏ lỡ (khoản lợi mà đáng lẽ ra trong điều kiện bình thường thì bên bị thiệt hại sẽ có được nhưng do hành vi vi phạm của bên kia mà mình đã không thu được). Điều 419 quy định thêm một loại thiệt hại được bồi thường, đó là các chi phí mà bên bị vi phạm đã phải gánh chịu trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Theo Khoản 3 Điều 419 thì người vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị hại trong đó có các pháp nhân thương mại . Đây cũng là một điểm mới liên quan đến các loại thiệt hại được bồi thường mà trước đây được quy định còn mập mờ, không rõ ràng, gây tranh chấp không đáng có.
Về nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại: BLDS 2015 quy định việc ngăn chặn, hạn chế thiệt hại trở thành một xử sự bắt buộc của bên có quyền, cụ thể, Điều 362 quy định: "Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình.”
Về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên vi phạm có lỗi, BLDS 2015 đã bổ sung Điều 363 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại xảy ra do một phần lỗi của bên vi phạm: "Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình". Quy định này phù hợp với thực tiễn và nguyên tắc tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, quy định mới này cũng bảo đảm sự phù hợp của quy định pháp luật với lẽ công bằng.
Như vậy, so với BLDS 2005, các quy định về chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng tại Bộ luật Dân sự 2015 đã có tiến bộ hơn rất nhiều. Điều này thể hiện ở việc xác định đầy đủ và rõ ràng hơn về các điều kiện (căn cứ) làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Xác định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và hợp lý hơn các loại thiệt hại được bồi thường, góp phần chấm dứt sự trách nhiệm không đáng có về các loại thiệt hại được bồi thường nói chung và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng; quy định về trách nhiệm của bên bị vi phạm trong việc ngăn chặn, hạn chế các thiệt hại có thể xảy ra cho mình.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!
Từ khóa » điều Khoản Bồi Thường Hợp đồng
-
Bồi Thường Thiệt Hại Trong Hợp đồng Là Gì ? Khái Niệm Về Bồi Thường ...
-
Bồi Thường Thiệt Hại Trong Hợp đồng Và Ngoài Hơp đồng - Luật LawKey
-
Phạt Vi Phạm, Bồi Thường Hợp đồng Dân Sự Theo Bộ Luật Dân Sự Năm ...
-
Cách Tính Mức Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Hợp đồng
-
05 Lưu ý Về điều Khoản Phạt Vi Phạm Hợp đồng - Luật Thái An
-
Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Hợp đồng - Luật Thái An
-
Thiệt Hại Là Gì? Phân Biệt “Bồi Thường Thiệt Hại Trong Hợp đồng” Và ...
-
Điều Khoản Bồi Thường Là Gì? Cách Tính Mức Bồi Thường Thiệt Hại Do ...
-
+ Điều Kiện Yêu Cầu Bồi Thường Thiệt Hại Và Cách Xác định Mức Bồi ...
-
Xác định Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Và Phạt Hợp đồng Thương ...
-
Những Quy định Về Trách Nhiệm Bồi Thường, Người Lao động Cần Chú ý
-
Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Trong Quan Hệ Hợp đồng
-
Bồi Thường Thiệt Hại Và Phạt Vi Phạm Hợp đồng
-
Nguyên Tắc Bồi Thường Thiệt Hại Theo Bộ Luật Dân Sự