Bồi Thường Thiệt Hại Và Phạt Vi Phạm Hợp đồng

Câu hỏi

Nội dung về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của Bộ Luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 (Bộ Luật dân sự năm 2005), được quy định như thế nào ?

Trả lời

Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng ?

Bồi thường thiệt hại: 

Căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự tại các Điều 302 (Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự), Điều 303 (Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ giao vật), Điều 304 (Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc), Điều 305 (Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự), Điều 306 (Trách nhiệm dân sự do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự).

Mức bồi thường thiệt hại tại Điều 307 khoản 2, như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Về lỗi trong trách nhiệm dân sư tại Điều 308, như sau: “1. Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. 2. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được”.

Như vậy, về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh, khi có đầy đủ các yếu tố sau: Có hành vi vi phạm hợp đồng (Điều 302, 303, 304, 305 và Điều 306); Có thiệt hại thực tế xảy ra (Điều 307 khoản 2); Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra; Bên vi phạm hợp đồng có lỗi (Điều 308 khoản 1). Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thực hiện hiện hợp đồng, phát sinh ngay cả trong trường hợp các bên không có thỏa thuận nào trong hợp đồng về vấn đề này. Bởi vì, Bộ Luật dân sư năm 2005 quy định rất rõ về: căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự tại các Điều 302, 303, 304, 305 và Điều 306; mức bồi thường thiệt hại tại Điều 307 khoản 2; lỗi trong trách nhiệm dân sư tại Điều 308. Ngoài ra, bồi thường thiệt hại không phải là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 318). Thực tế, Bộ Luật dân sư năm 2005, không quy định việc bồi thường thiệt hại bắt buộc phải được thỏa thuận trong hợp đồng, như đối với trường hợp phạt vi phạm hợp đồng (Điều 422 khoản 1).

Có thể thấy rằng, vấn đề cốt lõi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại là phải có thiệt hại thực tế xảy ra, trường hợp có hành vi vi phạm hợp đồng, có lỗi của bên vi phạm hợp đồng, nhưng không có thiệt hại thực tế nào xảy ra, thì bên vi phạm cũng không phải bồi thường.

Phạt vi phạm hợp đồng:

Thực hiện hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm, tại Điều 422 như sau: “1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. 2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận. 3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm”.

Bộ Luật dân sư năm 2005, không còn quy định phạt vi phạm là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 318), mà phạt vi phạm là thỏa thuận trong hợp động (Điều 422), nên bên vi phạm nghĩa vụ chỉ chịu phạt vi phạm khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng, tức là phải đảm bảo về mặt nội dung của hợp đồng dân sư như quy định tại Điều 402. Mức phạt vi phạm theo quy định tại Điều 422 khoản 2, thì do các bên thỏa thuận, không bị khống chế mà hoàn toàn tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. 

Như vậy, khác với vấn đề cốt lõi của bồi thường thiệt hại là phải có thiệt hại thực tế xảy ra, thì phạt vi phạm chỉ cần có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng và có hành vi vi phạm hợp đồng. 

Cần lưu ý rằng, mức phạt vi phạm của Bộ Luật dân sự năm 2005, khác với:

Bộ Luật dân sự số 44-L/CTN ngày 28/10/1995, tại Điều 378 quy định: Mức phạt vi phạm có thể là một khoản tiền nhất định hoặc được tính theo tỉ lệ phần trăm của giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, nhưng mức cao nhất không quá 5%. 

Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005, tại Điều 301 quy định: Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này. 

Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 về hợp đồng xây dựng trong hoạt động xây dựng, tại Điều 41 khoản 2 quy định: Mức thưởng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng làm lợi, mức phạt không vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm. 

Liên hệ:

Điện thoại: 0914 165 703 

Email: dmslawfirm@gmail.com

DMS LAW LLCGIÁM ĐỐC(Đã duyệt)Luật sư Đỗ Minh Sơn 

Từ khóa » điều Khoản Bồi Thường Hợp đồng