Nguyên Tắc Bồi Thường Thiệt Hại Theo Bộ Luật Dân Sự

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

Theo Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

Bình luận:

Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là khắc phục những tổn thất mà người bị thiệt hại phải gánh chịu khi có hành vi gây thiệt hại cũng như có sự kiện tài sản gây thiệt hại. Trên cơ sở đó nhằm duy trì trật tự xã hội, đảm bảo cho lẽ công bằng được áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Để có thể đạt được mục đích này, không chỉ đòi hỏi các quy định về bổi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải được ban hành kịp thời, đầy đủ và đúng đắn, mà còn đòi hỏi việc áp dụng các quy định này cũng phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Đây chính là lý do khẳng định việc xây dựng các nguyên tắc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hoàn toàn cần thiết.

So với Điều 605 BLDS năm 2005, quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong BLDS năm 2015 có nhiều điểm khác biệt. Trong những điểm khác biệt này, có những điểm hợp lý, nhưng cũng có những điểm chưa phù hợp và cần phải được sửa đổi nhằm tránh mâu thuẫn với các quy định khác. Thông qua những nghiên cứu cụ thể, có thể nhận thấy những điểm mới với những sự hợp lý cũng như bất cập sau:

Thứ nhât. Trong BLDS năm 2005, trong nguyên tắc bồi thường thiệt hại có ghi “thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Tuy nhiên, trong BLDS năm 2015 lại quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bồ và kịp thời”. Sự thay đổi này cho thấy chỉ những thiệt hại thực tế mới được bồi thường. Những thiệt hại do suy đoán hoặc không có căn cứ xác định thì không được bồi thường. Trong khoản 1 Điều này, có ba nguyên tắc được nhắc đến đó là nguyên tắc bồi thường toàn bộ, nguyên tắc bồi thường kịp thời và nguyên tắc thỏa thuận về mức bồi thường cũng như hình thức và phương thức bồi thường.

Bồi thường toàn bộ được hiểu là thiệt hại xảy ra bao nhiêu thì phải được bồi thường bấy nhiêu. Đây là nguyên tắc được áp dụng trong hầu hết các vụ việc liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, thiệt hại xảy ra trên thực tế có được bồi thường toàn bộ hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: người bị thiệt hại có đưa ra được đầy đủ các căn cứ chưng minh cho tât cả các loại thiệt hại không( có những thiệt hại rất khó chứng minh như tiền xe ôm đi lại để kiểm tra sức khỏe); người bj thiệt hại có lỗi đối với thiệt hại xảy ra với mình không; các bên có thỏa thuận về mức bồi thường hay không; người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có được giảm mức bồi thường hay không. Do đó, nhiều vụ việc xảy ra trên thực tế, thiệt hại thực tế có thể được xác định cụ thể nhưng người bị thiệt hại có thể không được bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Thực tế cho thấy, nguyên tắc bồi thường toàn bộ hầu như chỉ áp dụng được với trường hợp thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, bởi vì bằng cách này hay cách khác, giá trị của tài sản bị xâm phạm đều co thể được xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường. Trong trường hợp đối tượng bị xâm phạm là các giá trị nhân thân như sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín thì việc xác định thiệt hại sẽ rất khó, bởi các giá trị nhân thân và tiền tệ không phải là các đại lượng ngang giá nên không thể dùng tiền để đo giá trị nhân thân bị tổn hại. (Ví dụ: Khi sức khỏe bị xâm phạm thì có thể bồi thường được các chi phí để chữa lành vết thương, nhưng không thể bù đắp được các bộ phận cơ thể đã tổn hại như chân, tay,…). Do đó, khi các giá trị nhân thân bị xâm phạm, mức độ bồi thường thiệt hại chỉ là tương đối chứ không thể tuyêt đối như trường hợp xâm phạm tài sản.

Bồi thường kịp thời được hiểu ngay là khi thiệt hại xảy ra, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải nhanh chóng khắc phục tổn thất mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Việc khắc phục này thậm chí phải được thực hiện trước khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại được Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Nguyên tắc này được thể hiện trong một số trường hợp cụ thể như: Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra; bồi thường thiệt hại do người làm công người học nghề gây ra.

Về nguyên tắc, khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể có quyền thỏa thuận về mọi vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ đó. Do đó, trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về tất cả các vấn đề liên quan như mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường. Việc thỏa thuận này có thể diễn ra trước, trong hoặc sau khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại đã được Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, các vấn đề pháp lý có liên quan đến bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Ví dụ, nếu không thỏa thuận về mức độ bồi thường thì thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ.

Thứ hai, về việc giảm mức bồi thường, có ba sự thay đổi, cụ thể:

Một là, theo BLDS năm 2005, người được giảm mức bồi thường là “người gây thiệt hại”. Tuy nhiên, theo BLDS năm 2015, người được giảm mức bồi thường được xác định là “người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Sự thay đổi này là phù hợp, bởi vì người phải bồi thường thiệt hại đôi khi không phải là người gây thiệt hại. Hơn nữa, nếu theo quy định trong BLDS năm 2005, nhiều người sẽ cho rằng chỉ những người nào trực tiếp gây thiệt hại mà phải bồi thường thì mới có thể được giảm mức bồi thường, còn những người không gây thiệt hại nhưng phải bồi thường (ví dụ cha mẹ bồi thường thiệt hại do con dươi 15 tuổi gây thiệt hại) thì không được giảm mức bồi thường.

Hai là, theo BLDS năm 2005, chỉ những người có lỗi vô ý mới được giảm mức bồi thường. Theo BLDS năm 2015, người được giảm mức bồi thường co thể là “người không có lỗi” hoặc “lỗi vô ý”. Sự thay đổi này là hoàn toàn phù hợp, bởi vì nếu quy định như BLDS năm 2005 là không phù hợp, điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc áp dụng nguyên tắc giảm mức bồi thường trong trường hợp người chịu trách nhiệm bồi thường mà “không có lỗi”.

Ba là, theo BLDS năm 2005, người được giảm mức bồi thường chỉ là những người gây thiệt hại lớn hơn khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. Tuy nhiên, trong BLDS năm 2015, cụm từ “trước mắt và lâu dài” đã được loại bỏ. Tức là thiệt hại chỉ cần lớn hơn khả năng kinh tế tạo thời điểm giải quyết vấn đề bồi thường thì mức bồi thường đã có thể được giảm. Điều này là phù hợp, bởi vì việc xác định khả năng kinh tế ở một thời điểm trong tương lai của người gây thiệt hại là không thực tế và khó xác định.

Thứ ba, BLDS năm 2015 bổ sung thêm hai nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

Một là, “khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Đây không phải là quy định mới xuất hiện trong BLDS năm 2015, mà quy định này đã được đề cập trong BLDS năm 2005. Tuy nhiên, điểm mới thể hiện ở chỗ, trong BLDS năm 2005, quy định này được coi là một trong các trường hợp bồi thường cụ thể và thuộc nội dung của mục 3. Đến BLDS năm 2015, đây lại là một nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Điểm mới này là hoàn toàn phù hợp, bởi quy định này có thể áp dụng chung cho mọi trường hợp bồi thường thiệt hại trên thực tế, bao gồm cả thiệt hại do hành vi gây ra và thiệt hại do tài sản gây ra.

Hai là, “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”. Đây là nguyên tắc bồi thường thiệt hại mới trong đề cập BLDS năm 2015. Điểm mới này là một sự tiến bộ so với BLDS năm 2005. Nó cụ thể hóa một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tạo khoản 3 Điều 3 BLDS năm 2005 đó là: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chó, tủng thực”. Tuy nhiên, quy định này cũng có hạn chế ở chỗ, nếu thiệt hại xảy ra ngay khi có hành vi xâm phạm mà việc ngăn chặn, hạn chế cũng không thể làm cho những thiệt hại “đã xảy ra” trở thành “chưa xảy ra” thì việc không ngăn chặn, hạn chế chỉ nên được sửa đổi theo hướng như sau: “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường một phần hoặc toàn bộ nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”. Tức là nên thêm cụm từ “một phần hoặc toàn bộ” vào giữa cụm từ “không được bồi thường” và cụm từ “nếu thiệt hại xảy ra”.

Ngoài ra, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015, có những mâu thuẫn mà khi áp dụng vào trường hợp cụ thể sẽ khó xác định được nguyên tắc nào sẽ được áp dụng. Trong đó, khoản 2 xác định các điều kiện để giảm mức bồi thường thiệt hại, trong đó có trường hợp người bị thiệt hại không có lỗi. Khoản 4 lại xác định nguyên tắc bên bị thiệt hại phải chịu phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của mình. Hai quy định này khi gắn với bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra sẽ có mâu thuẫn. Nếu trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại mà người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi nhưng là lỗi vô ý thì việc bồi thường thiệt hại sẽ theo nguyên tắc ở khoản 2( người phải bồi thường thiệt hại được giảm mức bồi thường) hay khoản 4 (người bị thiệt hại không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra) Điều 585 là vấn đề chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì không thể áp dụng khoản 4 thì người bị thiệt hại hoàn toàn không được bồi thường( vì họ hoàn toàn có lỗi vô ý), đồng thời với việc chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường, điều này mâu thuẫn với điểm a khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 (chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng chỉ được loại trừ nếu hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại). Do đó, chỉ có thể áp dụng khoản 2 để xem xét việc có giảm mức bồi thường thiệt hại cho người phải bồi thường hay không. Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định với nhau, theo quan điểm của chúng tôi, khoản 4 Điều 585 phải được sửa đổi cho phù hợp, cụ thể như sau: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Chúng tôi cho rằng nên thêm đoạn “trừ trường hợp luật có quy định khác” bởi vì điều này sẽ tránh được những mâu thuẫn với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2005. Đồng thời, có thể coi điểm a khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 chính là một trong những trường hợp luật có quy định khác mà khoản 4 Điều 585 năm 2015 nhắc đến.

Trong Điều này, chỉ có nguyên tắc thay đổi mức bồi thường được giữ nguyên như trong Điều 605 BLDS năm 2005. Theo quy định tại khoản 3 Điều này, mức bồi thường thiệt hại có thể được thay đổi so với mức bồi thường tại thời điểm Tòa án giải quyết tranh chấp. Sự thay đổi này có thể là tăng lên hoặc giảm đi so với mức bồi thường ban đầu. Cả bên bồi thường và bên được bồi thường đều có quyền đưa ra yêu cầu thay đổi mức bồi thường này. Việc thay đổi mức bồi thường chỉ đặt ra đối với trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động hoặc người bị thiệt hại chết. Đây là những trường hợp mà việc bồi thường thiệt hại không được thực hiện một lần mà kéo dài trong một khoảng thời gian do Tòa án xác định. Nguyên tắc này không chỉ đảm bảo quyền lợi của các bên, mà còn bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc khác như nguyên tắc thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ (Ví dụ, ban đầu người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động nhưng không cần người chăm sóc, sau một thời gian lại cần người chăm sóc thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu mức bồi thường hàng tháng sẽ bao gồm cả chi phí cho người chăm sóc).

Từ khóa » điều Khoản Bồi Thường Hợp đồng