Bụi đời... Thành Phố - Báo Bình Thuận
Có thể bạn quan tâm
Đi bụi
Tối thứ sáu, như thường lệ mấy anh chị em lại rủ nhau ra vỉa hè vườn hoa Đức Nghĩa tán gẫu. Đây là quán nước của các thành viên sinh hoạt văn nghệ chung. Đang ngồi chơi, thằng cu Hiển (Nguyễn Thế Hiển, ở Tân Hải, La Gi) bước tới xòe tay xin tiền. Nói đói, sáng giờ chưa ăn gì hết. Mọi người hỏi thăm, Hiển kể: Nó bỏ đi bụi cũng được vài tuần, vì không chịu nổi những trận đòn của ba nó. “Lỳ quá mà, phải không?”. “Con đâu có lỳ, con ham chơi game à”. Sau này, khi nhờ người quen ở gần nhà Hiển xác minh mới biết, sự cố Hiển bỏ đi bụi là vì ngày thường đi phụ với mẹ bán vé số, hôm đó nhận 80 tờ vé số, bán hết nhưng không đưa tiền về mà ghé vào chơi game “sạch sẽ” rồi bị trận đòn nhừ tử của người cha, khiếp quá nó bắt xe quá giang đi Phan Thiết.
Hiển ra Phan Thiết được vài ngày thì gặp Tâm, Ngọc và Bảo. Khi đến phía trước Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Thiết, 4 đứa trải hai miếng thùng cạc - tông, một hộp cơm trắng và ly mì vừa xin được chia nhau ăn.
Tâm - Điểu Chí Tâm nhỏ tuổi, nhỏ con nhất nhóm kể: Ba em thường ít nhậu, mỗi lần uống cũng một ly thôi nhưng khi uống rượu vào thì mắt đỏ lừ, và đánh em. Người ta nói, cha em bị ma nhập, sợ bị đòn nên em đi. Cả ba đứa Tâm, Ngọc (Lộc) và Bảo cùng quê, cùng xóm. Thằng Bảo có vẻ lì đòn và không biết nghe lời. Nó cũng tránh né kể chuyện gia đình. Mỗi khi một trong ba đứa nói về nó là nó trừng mắt không vừa lòng, nên khi hỏi tên nó cũng chẳng buồn nói.
Nghỉ học sớm, nhà đứa nào cũng nghèo vì cha mẹ đều là dân lao động. Lộc có mẹ tên Điểu Thị Huệ, cha Nguyễn Văn Ngọc, gia đình ở xã Túc Trưng, huyện Định Quán (Đồng Nai). Sau vài ngày ngủ ở vỉa hè sợ phát hiện, bọn nhỏ đã tận dụng bồn nước công viên vườn hoa Đức Nghĩa bỏ không để làm chỗ ngủ, lấy mấy tấm xốp làm chiếu. Tôi mang ra cái chăn và mấy bộ quần áo, áo khoác cho chúng nhưng chỉ ngày hôm sau đã bị “giang hồ đua mất”. Bọn nhỏ bắt đầu tụ tập với những thành viên khác, mấy anh chị trong nhóm của tôi chưa biết phải làm sao đành dặn: Sáng ngủ dậy cứ tới quán cô này đưa đi ăn sáng, tối đói bụng thì đến đây và không được làm điều sai trái. Chúng “dạ”.
Được vài bữa... chúng biến mất!
“Vượt ngục”
Kể từ ngày biết bọn nhỏ, cả nhóm anh chị em tối nào cũng phải tập trung ra xem chừng. Nhưng đột nhiên mất biệt, chị Thơm sau khi dọn hàng xong chạy đến chỗ ngủ của chúng để đánh thức đưa đi ăn sáng nhưng lần này không thấy. Chị báo tin cho mọi người và cuộc hành trình tìm kiếm bắt đầu. Những nơi chúng hay tập trung không có, công viên không có, trong các chợ cũng không. Hai ngày sau, trời mưa dầm, như thói quen lại chạy qua bờ sông, cái nón màu cam mi nơ của thằng Tâm như một chấm nhỏ trong bóng đêm. Một mình, nó đứng nhìn xuống bờ sông, nói có vài chiếc ghe nhỏ, vài ba cái thúng lắc lư. Nhỏ bé và lẻ loi giữa cuộc đời. Dẫu vẫn biết nó bỏ nhà đi là không đúng, là liều thân chống chọi một mình giữa những điều ma quái đang tồn tại. Tấp xe vô, vừa giận vừa thương, tôi hỏi: “Mấy đứa kia đâu?” “Dạ, dưới thúng ở chân cầu”.
Tập trung về quán và hành trình 2 ngày mất tích được kể lại như một chiến tích của trẻ con. Như thường lệ, tối ngủ ở Công viên Đức Nghĩa, đang ngủ thì bị dân phòng địa phương “hốt” hết đưa về Trung tâm Hỗ trợ người lang lang tỉnh Bình Thuận (Tiến Thành, Phan Thiết). Ngủ được một đêm ở trung tâm, cả 4 đứa trẻ lên kế hoạch “vượt ngục”. Chờ sơ hở của cán bộ trung tâm, 4 thằng cắm đầu chạy đến tường rào, leo qua hàng rào, lọt vô “địa phận” Lữ đoàn 681, bị một sĩ quan phát hiện. “Con ra dấu cho chú đó và 4 đứa cắm đầu chạy băng ra lộ quá giang xe bus về lại Phan Thiết. Hậu quả của vụ “vượt ngục” là thằng Hiển bị đạp gai, bàn chân sưng to mưng mủ trưa nay phải đưa nó đi trạm y tế lấy gai, chích thuốc. Sau cuộc trốn thoát, bọn nhỏ sợ công an nên lúc này tôi phải nhờ người bạn cho bọn trẻ tá túc vài hôm. Sau bữa cơm có đầy đủ bốn đứa, thì hôm sau khu nhà trọ náo loạn vì nghịch ngợm. Thằng bạn cho tá túc cũng mắng vốn. Khuyên hoài không được, tôi chỉ hỏi: “Tụi con muốn sao?”. Nó bảo đi. Hai đứa Tâm và Bảo gom quần áo vào bị ni lông. Chở chúng lại chỗ cũ, đành phải để chúng đi theo cách chúng muốn.
“Con muốn xem pháo hoa”
Những ngày sát cánh cùng với bọn nhỏ, thực tế chúng không phải hư đốn chỉ là hiếu động của trẻ con. Hiển rất thương mẹ, có lần nó nói: “Chú tìm cho con việc gì làm cũng được, tháng 500.000 đồng cũng được, con sẽ gởi tiền về giúp mẹ. Mẹ con đang nuôi 3 đứa em nhỏ. Con sẽ về, mà con ở đây coi pháo hoa xong rồi về, hồi đó giờ con chưa xem lần nào”. Thằng Lộc bảo: “Mày xem qua ti vi cũng được mà. “Coi qua ti vi không có vui bằng xem ở ngoài vui hơn nhiều” - nó đáp.
Thằng Lộc hiền nhất trong nhóm, biết nghe lời và chứng tỏ là người hiểu chuyện. Lúc nào cũng nhỏ nhẹ, siêng năng. Vì Lộc không biết số điện thoại của ai trong gia đình nên rất khó liên lạc. Sáng nay phải nhờ đồng nghiệp bằng mọi cách để kiếm được địa chỉ chính xác để đưa nó về đoàn tụ cùng gia đình. “Con sẽ về nhà, con biết đường về. Chú đừng kêu cha mẹ ra, vì con tự đi con sẽ tự về”.
Trong quá trình tìm hiểu, từ người bạn ở gần nhà với Hiển mới biết, gia đình nó nghèo. Mẹ nó cũng đi bán vé số, nuôi mấy con, cha nó cũng vì ham vui nên làm gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Khi gọi điện liên hệ với mẹ Hiển: “Thôi thì trăm sự nhờ chú, chứ gởi nó vô trường hay kiếm giùm nó việc làm chứ về khổ quá rồi nó cũng đi lại”. Nghe chị nói cảm giác có điều gì đó ran rát. Thường đói khổ sẽ cam chịu để gần gũi với con cái, khi nó còn quá nhỏ để hiểu hết chuyện đời, đằng này chị lại phó thác. Thấy thương thằng Hiển! Nó thương mẹ và cũng hiểu được hoàn cảnh của mẹ nên dù có khuyên thế nào cũng nói: “Khi nào còn mình mẹ nó, nó sẽ về. Còn ba con không về, con về ba sẽ có lý do để đánh chửi mẹ, mọi người trong nhà ai cũng không thương mẹ, chuyện nhỏ cũng chửi mẹ”. Giá như, mẹ Hiển nghe được câu nói này, giá như chị biết rằng hàng ngày nó vẫn muốn gọi điện cho chị, để được nghe giọng nói của chị. Một lần, sau khi cho nó nói chuyện với chị, mắt nó rưng rưng nhưng cố gượng và nói: “Con không sao, mẹ khỏe nha”.
Tôi còn nhớ câu nói của Hiển khi tôi mới gặp nó: “Lần trước con đi, có ai tìm con đâu nên con không muốn về”, như ám ảnh trong suốt mấy tuần qua. Tụi nhỏ không có được quyền lựa chọn nơi mình sinh ra hay hoàn cảnh mình sinh sống, nhưng chúng cần lắm sự bảo bọc của người thân, của cha mẹ mà điều đó đôi khi giá trị hơn cả vật chất đến ngàn lần.
Phóng sự: Quang Nhân
Từ khóa » Bụi đời Sống ở đâu
-
Bụi đời – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bụi đời Sài Gòn - Báo Thanh Niên
-
Điểm Tựa đứng Lên: Lớn Lên Từ đứa Trẻ Bụi đời
-
Về đâu Những Cảnh Bụi đời? - VnExpress
-
Cuộc Sống Của Trẻ Bụi đời Bán Dâm ở Sài Gòn | Tach Ca Phe
-
Cuộc Sống Bụi đời Sài Gòn - Tạp Chí Đáng Nhớ
-
“Em Tên Nguyệt, Các Bạn Hay Gọi Em Là Nguyệt Bụi đời.” | Vietcetera
-
Sài Gòn Sau 18 Giờ: 'Bụi đời' Bất đắc Dĩ - Báo Gia Lai
-
Những đứa Trẻ Bụi đời Trong Căn Nhà Gần Ga Hàng Cỏ - Vietnamnet
-
Sự Thật Về Câu Chuyện “Tình đầu Bất Hạnh Của Cô Bé Bụi đời”
-
Đứa Trẻ Bụi đời Và Tuổi Thơ đã Mất
-
Tag: Cuộc Sống Của Trẻ Bụi đời Bán Dâm ở Sài Gòn - 2SaiGon.
-
Sự Thật Những đứa Trẻ Bị Bỏ Rơi Dưới Dạ Cầu ở TP HCM