Những đứa Trẻ Bụi đời Trong Căn Nhà Gần Ga Hàng Cỏ - Vietnamnet
Có thể bạn quan tâm
Đang ngồi bán mía ở vỉa hè, người mẹ ngất xỉu, ba đứa trẻ cuống lên. Chúng vẫy mấy xe xích lô nhưng không được. Mãi sau mới có một ông già chở người mẹ khốn khổ vào bệnh viện cấp cứu. Thương tình, ông cụ không lấy tiền xe.
Lúc mẹ nằm trong phòng cấp cứu, đứa anh cả (lúc đó chừng 13 tuổi) lần tìm trong túi của mẹ thấy còn 40.000 đồng.
Ăn tiêu, chi phí mấy ngày thì tiền hết sạch, thằng bé phải đi xin ăn. Nó nhặt nhạnh các vỏ hộp sữa bò vứt bỏ ở thùng rác, kỳ cạch mượn dao đục, lấy tay vét vét những giọt sữa thừa, xin nước sôi khuấy lên rồi đem bón cho mẹ.
40 ngày sau, người mẹ mất lúc nửa đêm. Cả khoa bệnh quyên góp tiền và lo toan việc đưa người mẹ về nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội). Xong mọi việc, đứa trẻ ấy cầm hai trăm ngàn, số tiền các bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong bệnh viện ủng hộ cùng mảnh khăn tang trở lại bờ hồ tìm hai em.
Kể từ đó, cả ba đứa trẻ dắt díu nhau đi ăn xin. 4 tháng sau, chúng tìm đến nhà ông Vũ Tiến (SN 1942) và bà giáo Vũ Thị Ngọc Oanh(SN 1945) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Có em mất bố, mất mẹ. Có em mất mẹ còn bố, nhưng bố đi bước nữa. Sống cảnh mẹ ghẻ con chồng thiếu thốn và khổ sở, em bỏ đi khỏi nhà. Lại có những em còn mẹ nhưng mẹ lấy chồng hoặc ốm yếu, không nuôi nổi…
Sau khi rời khỏi nhà, để sống qua ngày, có em trở thành ăn xin, có em nhận quét dọn toa tàu để được ngủ nhờ. Có em đi phụ việc với người bán cơm gánh ở sân ga nhưng cũng có những em là kẻ cắp chuyên nghiệp.
‘Dịp cận Tết ở ga, nhiều người để tiền ở túi áo ngực, loại túi áo có 2 khuy rất chắc, nhưng chỉ cần đi qua 2 lần, thằng bé 11 tuổi đã đánh cắp được toàn bộ số tiền mà người ta không biết gì.
Sau này, thằng bé và lũ bạn của nó kể với tôi. Tôi nghe xong giật mình. Tôi nói với các cháu, cả một năm vất vả, ngày lễ, ngày Tết họ mới về thăm quê, thăm bố mẹ già yếu và thăm vợ con. Họ chỉ có chút xíu tiền lương để trong túi mà con lấy mất thì người ta khổ quá.
Những đứa trẻ nghe xong cúi gằm mặt. Có đứa mấp máy môi nói nói lời hối lỗi nhưng cũng có đứa trẻ im lặng, không nói lời nào’, bà Vũ Thị Ngọc Oanh nhớ lại những câu chuyện của 30 năm về trước.
Khi đó, bà Oanh là giáo viên cấp II ở Hà Nội. Ông Tiến - chồng bà Oanh là bộ đội (sau này, ông chuyển sang ngành công an).
Năm 1988, con trai cả của bà Oanh, ông Tiến vào đại học, con trai út học cấp ba. Đồng lương thấp, không đủ để nuôi con ăn học nên ông bà thuê một căn nhà ở 65 phố Quán Sứ (Hà Nội) để mở quán bia, lấy thêm thu thập cải thiện cho gia đình.
Quán bia được đặt tên là Hoa Phượng. Địa điểm này gần chùa Quán Sứ và ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) - nơi tập trung rất đông người lang thang, không nơi nương tựa. Thấy quán ăn, nhiều người lần mò đến xin.
‘Ban đầu, họ đến rải rác 2, 3 người/ngày. Nhà tôi không bán cơm. Nhưng tôi nghĩ họ quá khổ nên mua bánh mỳ, loại bánh tương đương với giá tiền 2.000 - 3.000 đồng bây giờ rồi cho mỗi người một chiếc.
Người nọ rỉ tai người kia, dần dần lượng trẻ ăn xin kéo đến quán tôi càng ngày càng đông.
Tôi vẫn mua bánh mỳ cho chúng buổi trưa. Buổi tối, tôi bảo nhân viên nấu một nồi cơm khoảng 2 -3 kg gạo. Sau đó, tôi gom những thức ăn còn thừa trong quán rồi xào xáo lại. Hôm nào đồ ăn thừa còn ít, tôi mua mấy thanh đậu mơ, dăm bảy lạng thịt và nấu một nồi canh bày thành mâm cho chúng ngồi ăn’, bà Oanh nhớ lại.
Cứ thế chừng 8 tháng, ông Tiến, bà Oanh và những đứa trẻ đã có tình cảm với nhau từ lúc nào. Chúng bắt đầu kể cho hai ông bà những điều chúng đã và đang trải qua.
Hai ông bà nghe đến đâu, xót ruột đến đấy. Nhưng thời điểm đó, ngoài việc cho ăn, họ chỉ có thể phân tích cho bọn trẻ những điều phải trái và khuyên chúng trở về với gia đình.
‘Bản thân là một giáo viên, tôi cho rằng, việc các cháu không được ở bên gia đình, không được học văn hóa, không có người kèm cặp, dạy bảo, phải lang thang, tự kiếm sống ở độ tuổi còn quá nhỏ sẽ không tốt.
Nếu cháu nào đồng ý về quê, tôi cho tiền đi ô tô, cho tiền ăn đường. Nhưng số lượng các cháu nghe lời, trở về với gia đình không nhiều. Đa số, các cháu nói với tôi: ‘Bác ơi, con về không có ai nuôi’’, bà Oanh nhớ lại.
Một lần, vài đứa trẻ xin ông Tiến, bà Oanh cho chúng được ở lại quán, làm phục vụ để chúng đỡ phải đi lang thang. Tuy nhiên, hai ông bà không đồng ý.
‘Lúc đó, quán tôi đã đủ nhân viên. Độ tuổi của các cháu cũng không phù hợp để làm những việc ở quán nên tôi từ chối’, bà Oanh giải thích.
Mãi sau, ông Tiến nói với vợ, thay vì để các cháu phải sống lang thang, hai vợ chồng cho các cháu một nơi ăn chốn ở và một công việc phù hợp với độ tuổi của mình là bán báo.
‘Tôi thấy hợp lý nên trao đổi lại với các cháu, nhiều đứa reo lên sung sướng. Năm đó - 1989, ‘Tổ bán báo xa mẹ’ ra đời’.
Mỗi sáng, các cháu sẽ nhận báo từ người quản lý ở quán Hoa Phượng rồi mang đi bán. Chiều, tất cả về quán, ăn cơm, tắm rửa và ngủ lại.
Những ngày đầu mới hình thành, ‘Tổ bán báo xa mẹ’ có khoảng 20 trẻ bụi đời tham gia. Tất cả đều ở độ tuổi từ 12 đến 16 tuổi.
Nhưng sau đó, lượng trẻ em lang thang tìm đến, xin gia nhập tổ bán báo mỗi ngày một đông. Có thời điểm lên đến hàng trăm trẻ.
Mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau. Vì vậy, việc quản lý, hoặc đôi khi chỉ là giải quyết mâu thuẫn giữa những đứa trẻ cũng khiến ông Tiến bà Oanh phải đau đầu.
‘Nhiều trẻ đã coi ‘Tổ bán báo xa mẹ’ như mái nhà thứ hai của mình. Có cháu, bố mẹ tìm đến đón về nhà nhưng không muốn về’, ông Tiến nói và cho biết, cả ông và bà Oanh đều nhớ mãi một cậu bé quê Hải Phòng.
‘Thằng bé mồ côi mẹ, ở với bố nhưng bố lấy vợ mới. Một lần, sau khi bị bố đánh, nó bỏ đi, lang thang ở Hà Nội kiếm sống.
Được bạn bè rỉ tai, thằng bé đến gặp chúng tôi xin vào ‘Tổ bán báo xa mẹ’. Chúng tôi đã phân tích, đồng thời tìm mọi cách để đưa cháu trở về với gia đình nhưng không được.
Ở với chúng tôi được hơn 1 năm thì bố cháu tìm đến, xin đón về nhà. Tất nhiên, chúng tôi đồng ý vì không có nơi nào tốt cho các cháu hơn việc được sống với ruột thịt của mình.
Thế nhưng, rất lạ là, khi được bố đến đón, thằng bé nhất định không chịu về quê. Thấy con như vậy, người bố lao vào đấm đá con túi bụi.
Gần hai chục năm sau, thằng bé ngày nào quay trở lại nhà tôi. Cháu nói với tôi mới đi tù 10 năm về.
Hai vợ chồng tôi nghe xong, cảm thấy tiếc và rất xót xa. Bởi nếu được nuôi dạy tốt, chắc chắn đứa trẻ đó sẽ thành đạt vì thằng bé vô cùng thông minh …’, ông Tiến kể lại, giọng buồn rầu.
Ông cho biết, trong ngôi nhà với trẻ xa mẹ, những câu chuyện khiến người cứng rắn phải rơi nước mắt không hiếm.
Trong số đó, ông Tiến nhớ đến một cậu bé 12 tuổi. Sau mấy tháng được ông Tiến, bà Oanh hỗ trợ, cậu bỏ đi không nói một lời. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, cậu ta lại quay trở về.
‘Hóa ra là, năm đó, chúng tôi liên hoan đốt pháo đón giao thừa. Cậu bé nhớ mẹ quá. Khoảng 2, 3h sáng, không chịu nổi, cu cậu leo lên tầng 4, tụt theo ống thoát nước xuống đất, đi bộ một mạch về tỉnh Hà Bắc (nay tách thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) trong đêm tối.
Sáng mồng 1 về đến nơi, nhưng cậu không đủ can đảm bước vào nhà, cứ ngồi nấp ở rặng dâm bụt để dõi theo mẹ.
'Sau đó, con bỏ sang nhà bà ngoại, sà vào lòng bà khóc nức nở. Vài tiếng sau, con lại bỏ đi, lang thang khắp Hà Nội’, ông Tiến thuật lại lời cậu bé lúc cậu trở lại, xin tiếp tục được cưu mang.
Cũng trong căn nhà với những trẻ bụi đời, ông Tiến nhớ đến một đứa trẻ có thói quen ngủ ngồi.
Đứa bé ấy quê ở Ninh Bình, mẹ mất sớm, bố lấy vợ hai và say lướt khướt suốt ngày. Cháu bé bị đánh đập, hành hạ và không được đi học.
Lần đó, đứa trẻ quyết bỏ nhà ra đi. Lang thang ở Hà Nội, ai cho gì hoặc tìm được gì nó ăn nấy. Tối đến, nó tựa lưng vào các bức tường hè phố để ngủ.
‘4 năm như thế, thằng bé chỉ quen với tư thế ngủ ngồi. Nó nói, ngủ như vậy sẽ không bị lạnh như nằm cả người. Quan trọng hơn, khi bị đuổi, nó có thể ù té chạy được ngay. Khi về với chúng tôi, phải mất một thời gian rất dài, thằng bé mới có thể ngủ nằm như bao đứa trẻ khác’, ông Tiến nhớ lại, đôi mắt đã đọng nước.
Những hoàn cảnh như thế khiến ông Tiến bà Oanh không nỡ nói lời từ chối giúp đỡ. Thế nhưng từ ngày vợ chồng ông tổ chức cho trẻ đi bán báo, khắp nơi râm ran những lời đồn không hay. Nhiều người nói, ông bà bóc lột sức lao động của trẻ nhỏ, lợi dụng chúng đi bán báo, kiếm tiền.
Nghe tin đồn, tâm trạng bà Oanh chùng xuống. Nhiều đêm bà thức trắng, tự vấn lương tâm mình, phải chăng ông bà đã thương sai cách?
‘Một số trẻ nghe được về khóc sụt sùi, thuật lại cho tôi: ‘Bác ơi! bác cho chúng con bán báo, chủ yếu là nuôi chúng con nhưng người ta không biết, lại bảo các con bán báo nuôi hai bác. Con tức quá, con cãi nhau nhưng không lại với họ’, giọng trầm buồn, bà Oanh nhớ lại lời một đứa trẻ.
Bà giãi bày, ‘Kể từ khi tổ chức cho các cháu bán báo, chúng tôi phải bỏ tiền túi ra đền không ít. Ban đầu dự tính lấy tiền lãi bán báo nuôi các cháu ăn nhưng sau lãi chẳng thấy đâu... Nhiều cháu ôm cả báo, cả tiền đi mất. Vài hôm chán lại mò về xin lỗi. Tôi giận nhưng lại thương nên cũng chẳng thể trách mắng gì, vẫn dang tay đón nhận’.
Ngồi bên cạnh, ông Tiến tiếp lời vợ: ‘Dưới góc nhìn của tôi, việc bán báo có cái lợi là các cháu học chữ rất nhanh. Vì muốn bán được báo, phải biết thông tin trên đó là gì? Báo viết thế nào để mà rao. Điều đó như động lực thúc đẩy, chỉ một thời gian ngắn, nhiều cháu đã biết chữ sơ đẳng. Kiến thức cũng dần mở mang.
Một số cháu còn học được tiếng Anh bồi, giao tiếp với người nước ngoài.
Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận ra việc cho các cháu đi bán báo cũng mang lại những hệ lụy. Ở tuổi còn nhỏ, suy nghĩ nông cạn, các cháu chưa kiểm soát được hành vi, chưa kiểm soát được đồng tiền mà đã va chạm với tiền từ sớm.
Vài cháu giấu giếm, lấy tiền đi uống bia, rượu, hút thuốc lá, thậm chí là vập vào ma túy.
Hay có trường hợp vì muốn kiếm tiền mà nghĩ ra những trò ma mãnh, mời mọi người mua báo bằng cách đánh vào lòng thương, dựng chuyện, kể lể …
Đầu năm 1996, ông bà Tiến - Oanh quyết định dừng việc cho trẻ đi bán báo. Thay vào đó, hai ông bà đưa lũ trẻ về ngôi nhà ở Ngô Văn Sở, P. Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để nuôi dạy chúng ăn học, nên người.
‘Tổ bán báo xa mẹ’ được đổi tên thành ‘Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi xa mẹ’, có vai trò như một gia đình thay thế, giúp trẻ có cuộc sống ổn định, học hành đầy đủ.
Bà Oanh cho biết, bản thân là một nhà giáo, bà nhận thấy, những đứa trẻ muốn có tương lai thì phải có một nền tảng giáo dục tốt. Việc để chúng lang thang bên ngoài, dễ nảy sinh tật xấu ăn cắp, ăn trộm…
Trước khi khép lại chặng đường hoạt động của tổ bán báo, bà gọi các cháu lại, nhắn nhủ. Cháu nào muốn được ăn học thì bà nuôi. Trường hợp, các cháu không thích thì tự mưu sinh hoặc về quê. Đó là quyền của các cháu. Rất nhiều trẻ đã đồng ý ở lại với ông bà.
Sau này, ngoài việc nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang, cho các em cuộc sống mới, dạy dỗ đàng hoàng, vợ chồng bà Oanh còn mở các lớp học tình thương, dạy văn hóa, dạy hát cho trẻ em nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đó phải kể đến lớp học dành cho con em gia đình nghèo ở Phúc Xá, Phúc Tân, bãi giữa sông Hồng (Long Biên, Hà Nội).
Tuy nhiên, sau nhiều biến cố xảy ra, bà chuyển về dạy ở nhà. Hàng tuần, vào các chiều thứ 2, 4, 6, bà Oanh thuê xe chở các em từ Long Biên đến nhà bà học. Bố mẹ các em phần lớn là người ngoại tỉnh, làm lao động chân tay, không có điều kiện cho con cái đến trường.
Ngoài việc thuê xe đưa đón, cấp phát tiền ăn, sách vở, giấy bút, vợ chồng bà Oanh còn phát quần áo, giầy dép và các đồ dùng sinh hoạt cá nhân để các cháu có điều kiện học tập.
Lớp học đặc biệt này thường xuyên có khoảng 30 học sinh, học theo chương trình xóa mù chữ quốc gia. Đặc biệt, bà Oanh còn dạy học sinh hát, múa, tổ chức đưa các em thăm quan di tích lịch sử của thủ đô.
Lớp học được duy trì liên tục từ năm 1998 - 2008. Khi tuổi tác ngày càng cao, bà đành ngưng hoạt động lớp tình thương
Khi được hỏi về lý do ông bà mở lòng cưu mang, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đáng thương, ông Tiến nói, giọng nghèn nghẹn: ‘Lý do duy nhất khiến tôi làm như vậy, bởi tôi cũng từng là đứa trẻ lang thang, bị chối bỏ’.
Với ông, thời thơ ấu giống như một nốt trầm, cả đời không thể lãng quên.
Theo lời ông Tiến, ông sinh ra trong gia đình khá giả, có truyền thống học hành nhưng năm ông lên 7 tuổi, bố đột ngột qua đời, một mình mẹ ông nuôi con.
Thuở nhỏ, ông vốn là đứa trẻ hiếu động. Thay vì giáo dục, uốn nắn con bằng tình thương, mẹ ông dùng đòn roi và những câu mắng chửi nặng nề để trách mắng.
Một lần, ông Tiến trót lấy tiền của mẹ đi ăn quà vặt, mẹ ông kiên quyết đưa con ra công an, muốn gửi ông đi trại giáo dưỡng.
Vị công an từ chối tiếp nhận: ‘Nếu cháu hư đến mức phải đi cải tạo, chị có giữ tôi cũng bắt nhưng việc này chưa đến mức đó. Chỉ là việc nội bộ gia đình, giữa hai mẹ con, chị lựa lời khuyên nhủ cháu dần. Chị cho cháu đi, có thể cháu sẽ hư hơn’.
Vì nhiều nguyên nhân, năm lớp 5, ông Tiến bị đuổi học. Giận mẹ, đau đớn vì bị trường chối bỏ, ông bỏ đi bụi đời, lên tận Lào Cai, Yên Bái rửa bát, nấu cơm thuê, nhặt củi.
5 năm sau, ông quay về nhà nhưng mẹ con có khoảng cách lớn, khó có thể lấp đầy. Ông xin đi học tiếp nhưng không được nhận vì quá tuổi, xin đi làm thì chưa đủ tuổi. Ông đành xuôi theo những chiếc bè, chiếc sà lan hút cát làm cửu vạn nuôi thân.
Năm 1961, bước sang tuổi 19, vốn có giọng hát trời phú, ông Tiến thi vào đoàn văn nghệ của quân đội chuyên đi biên giới, hải đảo biểu diễn nhưng không trúng tuyển.
May mắn, vị trưởng đoàn thấy chàng thanh niên nhỏ thó, đen đúa, động lòng thương, gọi vào hỏi han. Sau đó, vị trưởng đoàn đồng ý nhận ông Tiến.
Thời kỳ hoạt động bên quân đội, ông gặp và nên duyên với bà Oanh trong một lần cả hai đi tập văn nghệ. Tuy vậy, quá khứ là trẻ lang thang vẫn được ông giấu kín, hai vợ chồng kết hôn 19 năm, ông mới tiết lộ cho vợ biết.
Ông Tiến bộc bạch: ‘Trong suy nghĩ nhiều người, trẻ lang thang có nhiều tật xấu. Ngày mới quen nhau, tôi không dám kể cho vợ vì sợ bà ấy lảng tránh’.
Người đàn ông sinh năm 1942 bày tỏ, chính vì quá khứ như nốt trầm ấy khiến ông đồng cảm nhiều hơn với những đứa trẻ lang thang.
Hiện tại, trong căn nhà ở Ngô Văn Sở, ông Tiến và bà Oanh vẫn đang nuôi ăn học cho 12 trẻ mồ côi, lang thang.
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 30 năm hoạt động, ông Tiến cho biết, hai ông bà đã hỗ trợ khoảng 600 trẻ em, trong đó có 200 trẻ tham gia ‘Tổ bán báo xa mẹ’, 400 trẻ được nuôi ăn học.
‘Trong số các cháu trưởng thành, có người trở thành ông bà chủ giàu có, có người là họa sĩ, thạc sĩ, giảng viên và không ít người có địa vị xã hội.
Trong đó, cặp đôi đặc biệt, được ông Tiến nhắc đến nhiều nhất là vợ chồng anh Nguyễn Minh Phú (SN 1973) và Lê Thị Thanh (SN 1976).
Một ngày cuối tháng 7, tại tiệm bánh trên đường Thanh Niên (Hà Nội), chị Thanh nói với PV bằng giọng xúc động: ‘Vợ chồng bác Tiến là ân nhân của gia đình tôi’.
Cả hai vợ chồng chị đều là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, lang thang ra Hà Nội lăn lộn kiếm tiền gửi về quê.
Được ông Tiến bà Oanh giúp đỡ, hai anh chị tham gia ‘Tổ bán báo xa mẹ’ và quen nhau. Năm 1994, họ xin ra khỏi tổ bán báo, về quê kết hôn.
Con gái đầu lòng ra đời, cuộc sống hai vợ chồng gặp khó khăn nên cả hai lại đưa con lên Hà Nội, tiếp tục nhờ ông Tiến, bà Oanh cưu mang.
Lúc này, bà Oanh như một người mẹ, hướng dẫn chị Thanh cách chăm sóc, nấu đồ ăn dặm cho con gái.
‘Tôi vẫn nhớ, ngày ôm con quay lại nhà bác, mấy em nhỏ nghịch ngợm, bế con tôi tung lên. Bác Oanh nhắc nhở không được, đã bật khóc vì thương cháu. Giọt nước mắt đó đọng lại trong tim tôi đến bây giờ’, chị Thanh nhớ lại.
Thời điểm đó, chị Thanh ở nhà chăm con, anh Phú ra sân bay Nội Bài bán báo. Dần dần có vốn, hai vợ chồng chị xin ra ngoài ở. Chị Thanh đi học nghề làm bánh rồi vào khách sạn làm. Năm 2008, chị xin nghỉ việc khách sạn, ra mở cửa hàng bánh đầu tiên.
Ngày khai trương, vợ chồng ông Tiến dẫn theo các em nhỏ đang cưu mang đến ủng hộ. Giờ đây, vợ chồng anh Phú, chị Thanh là chủ của 3 cửa hàng bánh ngọt lớn, các con đã đến tuổi trưởng thành, cuộc sống có thể nói là viên mãn.
Anh chị cũng tiếp nhận cả trường hợp khuyết tật, tự kỷ vào học nghề.
Ngoài ra, cố định vào ngày 5/6 hằng năm, anh chị cùng các thành viên từng được ông bà Tiến giúp đỡ quy tụ tại Ngô Văn Sở. Sau đó, họ cùng vợ chồng ông Tiến đưa các em nhỏ đi trại hè 2 ngày.
Gần đây nhất là chuyến đi Cửa Lò (Nghệ An) với hơn 100 con người.
Ông Tiến cho hay, chuyến đi nhằm mục đích gắn kết các thành viên và thế hệ thứ 3 trong ‘Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi xa mẹ’ với nhau, đồng thời giáo dục các em về sự phấn đấu, phát triển.
‘Tôi nhận thấy, các cháu đặc biệt là những cháu trưởng thành từ ‘Tổ bán báo xa mẹ’ nuôi dạy con rất tốt.
Có lẽ, xuất phát từ sự khó khăn, gian khổ của tuổi thơ mà chúng dành cho con cái sự chăm sóc chu toàn. Con cái của chúng rất ngoan ngoãn, một số cháu còn được học ở trường quốc tế với học phí đắt đỏ’, ông Tiến chia sẻ.
Ông bày tỏ, mục đích của ‘Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi xa mẹ’ là thay đổi số phận cho những đứa trẻ mồ côi, bụi đời vươn lên thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
‘Thành quả vợ chồng tôi vun trồng cho đời không phải 10 năm là nhìn thấy mà phải mất 30 năm, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, để xã hội bớt đi những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ’, ông nói.
Theo tính toán của mình, ông Tiến cho biết, số tiền bỏ ra để chăm lo cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt là không hề nhỏ. Suốt 30 năm ấy, ông bà không kêu gọi nhưng vẫn có những mạnh thường quân, tổ chức từ thiện chung tay với ông bà giúp đỡ các cháu nhỏ.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó không phải là thường xuyên. Ở tuổi ngoài 70, hai ông bà vẫn kinh doanh thêm quán cơm, cafe và tổ chức các tour du lịch để lấy kinh phí nuôi các cháu.
‘Việc làm ấy chỉ với một mục đích là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cháu có hoàn cảnh đáng thương. Ngoài ra, chúng tôi không cần các cháu phải báo đáp’, ông Tiến nói.
Ông cũng cho biết, nhiều trẻ khi nhận được sự giúp đỡ của ông bà đã ngỏ ý muốn gọi ông bà là bố - mẹ. Tuy nhiên, cả ông Tiến và bà Oanh đều không đồng ý.
‘Tôi muốn các cháu dành từ đó với những người đã sinh ra mình. Còn với chúng tôi, chỉ cần các cháu ngoan, tu chí học hành để tương lai tốt đẹp, lo được cho bản thân, giúp đỡ gia đình của mình và góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh là chúng tôi vui rồi’, ông Tiến nói.
Chuyến bay rơi ở quận 12 và cuộc trở về nhòe nước mắt sau 44 năm
44 năm trôi qua, nhiều đứa trẻ trên chuyến bay định mệnh đã trở về Việt Nam, mang theo khát khao tìm lại mẹ, nhưng mẹ ở nơi đâu để giấc mơ đoàn tụ vẫn cứ mãi xa vời…
Bài & ảnh: Vũ LụaThiết kế: Thu Hằng
Từ khóa » Bụi đời Sống ở đâu
-
Bụi đời – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bụi đời Sài Gòn - Báo Thanh Niên
-
Điểm Tựa đứng Lên: Lớn Lên Từ đứa Trẻ Bụi đời
-
Về đâu Những Cảnh Bụi đời? - VnExpress
-
Cuộc Sống Của Trẻ Bụi đời Bán Dâm ở Sài Gòn | Tach Ca Phe
-
Cuộc Sống Bụi đời Sài Gòn - Tạp Chí Đáng Nhớ
-
“Em Tên Nguyệt, Các Bạn Hay Gọi Em Là Nguyệt Bụi đời.” | Vietcetera
-
Sài Gòn Sau 18 Giờ: 'Bụi đời' Bất đắc Dĩ - Báo Gia Lai
-
Bụi đời... Thành Phố - Báo Bình Thuận
-
Sự Thật Về Câu Chuyện “Tình đầu Bất Hạnh Của Cô Bé Bụi đời”
-
Đứa Trẻ Bụi đời Và Tuổi Thơ đã Mất
-
Tag: Cuộc Sống Của Trẻ Bụi đời Bán Dâm ở Sài Gòn - 2SaiGon.
-
Sự Thật Những đứa Trẻ Bị Bỏ Rơi Dưới Dạ Cầu ở TP HCM