Bùi Quang Ngọc Triển Lãm Chân Dung Người Cùng Thời - VnExpress

Bùi Quang Ngọc xem triển lãm lần này là "một cái cớ để ra thăm Hà Nội". Với 32 tác phẩm sơn dầu, triển lãm của ông được chia làm hai phần riêng biệt: chân dung và tranh khỏa thân.

Chân dung Trịnh Công Sơn của Bùi Quang Ngọc.

Chân dung Trịnh Công Sơn do Bùi Quang Ngọc vẽ.

Phần thứ nhất là các bức chân dung hết sức chi tiết về những con người cụ thể, có tên tuổi địa chỉ cụ thể: các nhà văn hóa đương thời và cũng là những người anh, người bạn, người thầy của họa sĩ 76 tuổi như nhà triết học Trần Đức Thảo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Hữu Loan, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Lưu Công Nhân... Ngoài ra, còn 3 bức chân dung tự họa của tác giả.

Bùi Quang Ngọc khẳng định, ông không thể vẽ chân dung ai mà chưa gặp, chưa thấu hiểu người đó. Ông đã sống, đã trò chuyện, đã vẽ hàng trăm bức ký họa rồi mới bắt tay vào vẽ chân dung, làm sao để truyền vào bức tranh một tình cảm đặc biệt, làm hiện lên một con người sống động, thể hiện cả nhân cách của người vẽ.

Một số bức trong bộ tranh chân dung trưng bày tại triển lãm lần này nằm trong bộ tranh “Người cùng thời” họa sĩ vẽ từ năm 2007, như các bức Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt… Các bức còn lại khó xác định thời gian sáng tác.

Họa sĩ kể: “Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi đã lưu ý vẽ chân dung những người tôi yêu quý. Tôi luôn ấp ủ trong tâm khảm những gương mặt khả ái đó. Năm 1977, tôi ở Hà Nội, nhiều lần được đàm đạo và vẽ chân dung Văn Cao, Đoàn Phú Tứ, Bùi Xuân Phái, Thái Bá Vân… Sau này, khi định cư ở Sài Gòn, tôi vẽ tiếp Nguyễn Gia Trí, Trịnh Công Sơn, cả Hữu Loan và Hoàng Cầm nữa… Tôi vẽ hàng chục bức ký họa và lưu giữ từ đó đến nay”.

Bức tranh khỏa thân Vũ khúc vòng tròn, từng được Bùi Quang Ngọc vẽ đen trắng tặng người bạn là họa sĩ Lưu Công Nhân năm 1994.

Bức tranh khỏa thân "Vũ khúc vòng tròn", từng được Bùi Quang Ngọc vẽ đen trắng tặng người bạn là họa sĩ Lưu Công Nhân năm 1994.

Bùi Quang Ngọc kể kỷ niệm lần cuối cùng vẽ danh họa Nguyễn Gia Trí: “Khi cụ từ trần lúc 22h30 ngày 20/6/1993, tôi được gia đình cụ cho phép là một trong bốn người cầm nến đứng bên quan tài trước phút nhập quan. Thời khắc quá xúc động, tôi đã xé ngay tờ lịch trên trường và vẽ bức ký họa cuối cùng nhòa trong nước mắt”.

Phần thứ hai là các bức khỏa thân vẽ những con người trừu tượng, không có tên tuổi, địa chỉ, thậm chí không có cả gương mặt, nhưng chính là “tất cả chúng ta”, theo lời họa sĩ 76 tuổi.

Với những bức tranh khỏa thân, họa sĩ quan niệm, ông muốn thể hiện con người trần trụi, không Âu cũng không Á, không dân tộc màu da. Khỏa thân thể hiện sự chuyển động bên ngoài, còn chân dung là chuyển động bên trong. Đó là hai phong cách mà ông theo đuổi.

Bùi Quang Ngọc tự đánh giá điểm mạnh của mình là ở đường nét, thể hiện cấu trúc và sự chuyển động, hình khối và các yếu tố khác ông chỉ thêm vào để hỗ trợ đường nét trong tranh của mình.

“Nghệ thuật không còn làm nhiệm vụ phản ánh thế giới nữa”, họa sĩ nói. “Trung tâm của sáng tạo nghệ thuật đương đại là sự bí ẩn không cùng trong đời sống tâm linh của người nghệ sĩ. Lộ trình lãng mạn và đại tự sự đã trở thành quá khứ”. Trong con người họa sĩ của ông bao hàm con người triết học, ông sử dụng hội họa để bộc lộ con người triết học.

Một bức tự họa của Bùi Quang Ngọc.

Một bức tự họa của Bùi Quang Ngọc.

Đây là triển lãm thứ ba của Bùi Quang Ngọc tại Hà Nội. Triển lãm lần thứ nhất diễn ra năm 1996, lần thứ hai vào năm 2003.

Bùi Quang Ngọc sinh năm 1934 tại Quảng Bình. Ông từng là sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1956 đến năm 2009, họa sĩ tham gia khoảng 16 triển lãm lớn của Việt Nam và quốc tế, trong đó phần lớn là triển lãm tập thể. Trong đó, có triển lãm quốc tế “Nghệ thuật hiện đại châu Á” lần thứ 31 tại Tokyo, Nhật Bản năm 1993 và triển lãm “Hòa bình Thế giới” tại Seoul, Hàn Quốc năm 2000.

Triển lãm “Danh họa Bùi Quang Ngọc” khai mạc 9h sáng ngày 16/12 tại Trung tâm Giới thiệu và Trao đổi nghệ thuật 43 Tràng Tiền, Hà Nội.

Ảnh: Tranh chân dung của Bùi Quang Ngọc

Pham Mi Ly

Từ khóa » Họa Sĩ Bùi Quang Ngọc