Tiểu Sử Bùi Quang Ngọc | Họa Sĩ Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Họa sĩ BÙI QUANG NGỌC
ảnh: Bá Khanh
Họa sĩ Bùi Quang Ngọc sinh năm 1934 tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Tuổi thơ của ông gắn liền với với một làng quê miền cát trắng, mặn mà gió biển, thơ mộng giàu truyền thống khoa bảng, làng Cảnh Dương quê hương ông. Năm 1955 ông vào học lớp trung cấp mỹ thuật đầu tiên mang tên họa sĩ Tô Ngọc Vân. Sau đó ông thi vào đại học mỹ thuật và đứng thứ nhì. Lớp học của ông hồi ấy dưới sự hướng dẫn của các thầy giáo giỏi: Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Trần Văn Cẩn… vì thế khóa học đã đào tạo nên nhiều họa sĩ tài năng như Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thụ, Đỗ Hữu Huề, Trọng Cát, Lê Công Thành, Phạm Văn Mười, Lưu Yên, Nguyễn Anh Thường… đã góp phần làm rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam.
Năm 1960 ông rời giảng đường trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thời gian này ông được tiếp xúc với cuộc sống của người công nhân đất mỏ Quảng Ninh. Và chính cái miền vùng núi trùng điệp với những tầng than đen, những hầm lò sâu thăm thẳm… lại là một môi trường thực tế tốt nuôi dưỡng ý chí và tài năng khởi đầu cho người họa sĩ trẻ với những khung cảnh, đời sống lam lũ, vất vả và cực nhọc của người thợ mỏ. Ông vừa làm vừa vẽ, vẽ quên cả tuổi đời, quên cả nỗi đau thân phận và quên cả hạnh phúc riêng tư của chính mình. Ông đã đi xuống những nơi sâu nhất dưới hầm mỏ, cùng hưởng nỗi vất vả của người công nhân. Rồi chính hội họa cùng với đau khổ và nhọc nhằn, thành công đã mỉm cười với ông. Ông có rất nhiều kí họa và tranh, cùng với phác thảo có giá trị về nghệ thuật cũng như lịch sử về vùng mỏ than Quảng Ninh. Bộ tranh kí họa và nhiều phác thảo ấy hiện nay vẫn được giữ cẩn thận tại gia đình ông. Ông coi đó là kỉ niệm một thời gian khổ của cuộc đời mình.
Năm tháng tuổi trẻ, họa sĩ Bùi Quang Ngọc sống ở Hà Nội và Quảng Ninh, hòa mình vào đời sống đó là chặng đường đáng nhớ trong đời nghệ sĩ của ông. Nên Hà Nội với ông thật máu thịt, học mỹ thuật ở đây, giao du với những nghệ sĩ nổi tiếng một thời, đó là thời gian tích lũy vốn sống quý báu, cho ông vốn liếng hội họa sau này trở thành hành trang suốt cuộc đời mình. Từ năm 1978 ông cùng gia đình vào định cư ở TP. Hồ Chí Minh.
Ở TP.Hồ Chí Minh, xưởng vẽ cũng chính là ngôi nhà ông ở hiện nay. Ngày ngày họa sĩ làm việc bên giá vẽ, ông vẽ những gì mình thích và sáng tác những gì tâm đắc. Với ông vẽ là niềm vui, là hạnh phúc. Ông có thể vẽ trực họa, có khi vẽ bằng kí ức. Có nhiều bức tranh ông vẽ rất nhanh, lại có bức vẽ lâu vì còn tùy thuộc vào cảm hứng đôi khi tiếng nói của hình, nét và màu ào ào tuôn chảy dưới bút vẽ của ông rồi lại chậm rãi như chờ đợi phút giây xuất thần. Có nhiều lúc ngồi trước toan mà không biết thế giới hình và màu dẫn ông đi về đâu? Tất cả phụ thuộc vào cảm xúc, thói quen, tình yêu và tài năng người họa sĩ. Tranh và kí họa của ông được thể hiện bút pháp mạnh mẽ, thoáng đạt, hào hoa. Nét vẽ khỏe khoắn dứt khoát, đậm nhạt mạnh, cũng có lúc ông làm nhòe hình, buông lỏng nét để tạo nên sự mềm mại. Nhiều tranh, ông sử dụng nét kết hợp với mảng để miêu tả đối tượng. Có khi chỉ dùng các mảng màu kết hợp với nhau để tạo khối và ánh sáng. Ông thường sử dụng nhiều mảng màu lớn với kỹ thuât ửng màu, kết hợp đường nét thẳng hoặc gấp khúc mạnh mẽ. Màu sắc nóng, lạnh được ông thể hiện hợp lí, màu hài hòa kết hợp với tương phản, phối hợp giữa bút và bay tạo nên những mảng màu chỗ dày, chỗ mỏng tạo thành những vết hằn trên mặt tranh và những vết nổi dầy của sơn được thể hiện theo cảm xúc dâng trào ào ạt của mình. Vì thế tranh của ông luôn tạo chất sơn dầu lung linh và trong vắt, tràn trề ánh sáng, mang dáng dấp của những gam màu son đỏ, vàng nhũ theo tranh sơn mài và chịu ảnh hưởng phong cách hiện đại của sơn dầu châu Âu, mỗi tác phẩm của ông là một sự tìm tòi phát hiện. Có thể nói một phong cách Bùi Quang Ngọc luôn đổi mới.
Các nhân vật trong mỗi bức vẽ của Bùi Quang Ngọc luôn chuyển động, xem tranh của ông, người xem nhận thấy các nhân vật không chịu đứng yên, động tác của họ rất mạnh kết hợp với bố cục chắc chắn thể hiện tay nghề cao với một nền tảng hình họa vững vàng. Có cảm giác ông vẽ rất nhanh với một cảm xúc dạt dào. Ông ưa thích vẽ những người lao động, họ là công nhân, nông dân, những người chân lấm tay bùn, họ vào tranh của ông với vẻ mộc mạc, đáng yêu. Mặc dù là họa sĩ rất ưa thích vẽ trừu tượng nhưng quan điểm nghệ thuật của ông: “Dù người họa sĩ có vẽ gì đi nữa, nghệ thuật phải luôn mang hơi thở từ thực tế cuộc sống”.
Trong căn nhà ông tranh được treo nhiều trên những mảng tường. Mỗi bức tranh là một kí ức. Sở trường của ông là vẽ chân dung, rất nhiều chân dung treo trong xưởng vẽ của mình. Năm tháng những bức chân dung theo ông về đây, ngày ngày theo dõi cuộc sống của ông. Họa sĩ mà vẽ chân dung chắc hẳn là người sống nội tâm, vẽ chân dung đã đem lại cho ông nhiều thú vị, đọc được những góc tâm hồn của nhân vật. Với bút pháp hiện đại phóng khoáng, tranh chân dung của họa sĩ Bùi Quang Ngọc mang đậm cái tình và cảm xúc của họa sĩ. Ông không dấu được tình cảm chân thành trong những bức chân dung ông vẽ. Có thể nói họa sĩ Bùi Quang Ngọc có một mảng vẽ chân dung khá đặc sắc khiến các họa sĩ cùng trang lứa và các thế hệ sau phải kính nể, đó là bộ tranh ông vẽ các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Họ là những người bạn ông, cùng thời với ông đó là danh họa Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng, Văn Cao… Các nhà văn, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, Quang Dũng, Hữu Loan, Phan Vũ, Hoàng Cầm, Thái Bá Vân… Ông thuộc vẻ mặt và cá tính họ đến nỗi đặt bút chỉ vài nét là ra chân dung người mình yêu quý.
Ở bất kì thể loại nào từ vẽ kí họa đến tranh sinh hoạt, chân dung, khỏa thân, trừu tượng… Tranh của họa sĩ Bùi Quang Ngọc đều tạo ấn tượng với công chúng. Người xem có thể xem nhiều tranh của ông mà không biết chán, ông quan niệm cuộc sống luôn đổi mới nên người họa sĩ cũng phải đổi mới chính mình, trong sáng tác không nên lặp lại. Mỗi tác phẩm có cuộc sống riêng, không thể giống nhau được. Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân đã viết về ông: ”Trên con đường hội họa, Bùi Quang Ngọc đi một mạch, cắm đầu về phía trước từ khi vào cuộc, không bao giờ ngoái trở lại tiếc rẻ những bến bờ đã dừng chân, anh đi từng bước gian nan, nhưng chính cái gian nan ấy là phẩm giá nghệ thuật của anh”.
Sống và vẽ Bùi Quang Ngọc nhận ra rằng nghệ thuật không phải là một cuộc lãng du mà ngược lại là một hành trình chuyển nặng những suy tư, tâm huyết và nhiều điều trăn trở. Ở Tuổi 80, họa sĩ Bùi Quang Ngọc vẫn lặng lẽ vẽ. Ông như một dòng sông miệt mài chảy mãi về phía trước mà không có điểm dừng. Ông không có danh hiệu “ưu tú” hay “nhân dân”, cũng không có những giải thưởng cao quý của nhà nước, nhưng những gì đã cống hiến và hi sinh cho nghệ thuật, ông đã xứng đáng là người nghệ sĩ của nhân dân, của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Hồ Minh Quân
(Tạp chí Mỹ Thuật VN)
Chia sẻ:
Từ khóa » Họa Sĩ Bùi Quang Ngọc
-
Bùi Quang Ngọc - Người Họa Sĩ Dành Trọn Tâm Huyết Cho Nghệ Thuật
-
BÙI QUANG NGỌC - Bình Minh Art Gallery
-
Họa Sĩ Bùi Quang Ngọc: "Vẽ Chân Dung Rất Khó"
-
Nhà Của Họa Sĩ Bùi Quang Ngọc - Kiến Trúc Và Đời Sống
-
Họa Sĩ Bùi Quang Ngọc: “Chân Dung Người Cùng Thời”
-
Họa Sĩ Bùi Quang Ngọc - Báo Tuổi Trẻ
-
Sẻ Chia Nỗi Nhớ - Hànộimới
-
Bùi Quang Ngọc Triển Lãm Chân Dung Người Cùng Thời - VnExpress
-
Hoa Sĩ Bùi Quang Ngọc - YouTube
-
Phó Chủ Tịch FPT Bùi Quang Ngọc Giàu Cỡ Nào? - CafeBiz
-
Bùi Quang Ngọc: Đi Và đến - Tiền Phong
-
Ông Bùi Quang Ngọc Làm Tổng Giám đốc FPT
-
Bùi Quang Ngọc - Tôi Vẽ Chân Dung Hoạ Sĩ Nguyễn Gia Trí - Talawas