Cá Ông Trong Tín Ngưỡng Ngư Dân Quỳnh Lưu - Báo Nghệ An

Cá Ông trong tín ngưỡng ngư dân Quỳnh Lưu 27/02/2012 14:26

(Baonghean)- Làng nào có cá Ông (cá voi) về là gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Những ngôi đền, ngôi mộ thờ cá Ông luôn được ngư dân tới thắp hương cầu khấn thành tâm. Tín ngưỡng thờ cá Ông trở thành một nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người dân biển Quỳnh Lưu...

(Baonghean)- Làng nào có cá Ông (cá voi) về là gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Những ngôi đền, ngôi mộ thờ cá Ông luôn được ngư dân tới thắp hương cầu khấn thành tâm. Tín ngưỡng thờ cá Ông trở thành một nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người dân biển Quỳnh Lưu...

Xã Quỳnh Thọ là một trong 14 xã bãi Ngang ven biển của huyện Quỳnh Lưu. Nằm sâu trong làng, gần với con đê chắn biển là ngôi đền thờ cá Ông đã có từ rất lâu đời, cũng như chôn cất nhiều cá Ông nhất so với các xã ven biển khác. Hiện đằng sau ngôi đền vẫn còn nguyên ba ngôi mộ của ba Ông và theo như lời người dân thì ngôi đền rất linh thiêng, không chỉ với những người đi biển mà với tất cả mọi người về đây cầu Ông phù hộ.

Theo lời kể của cụ Ngô Xuân Trước, năm nay đã 94 tuổi, người am hiểu và nắm rõ nhất về lịch sử ngôi đền thì đền Đức Ông đã có từ thế kỷ XIII. Ngày đó, người đến không phải thờ cá Ông mà thờ vua nhà Trần, sau đó thì thờ cả Sát Hải tướng quân Yết Kiêu, người có biệt tài về nghề sông nước, phụ vua đánh giặc Nguyên Mông.

Đền Đức Ông (Quỳnh Lưu)

Đến thời nhà Nguyễn (Đồng Khánh năm thứ nhất), Ông cá voi đầu tiên (Đại Nhân Ngư Ông) dạt vào biển Quỳnh Thọ, được người dân đưa vào thờ cùng với các thần trong đền. Sau đó, ngôi đền được dỡ vào trong làng để nhân dân tiện thờ cúng, chỉ còn lại cái móng phía ngoài biển.

Vùng đất Lạch Thơi, chẳng biết có nhân duyên gì mà năm 1942, lại có tiếp một con cá voi nữa dạt vào. Lúc đó Ông vẫn còn sống, người dân tìm cách đưa Ông trở lại biển nhưng Ông vẫn cứ quay về cửa lạch, đến đúng ngày 17/3/1942 thì Ông "quy tiên". Ngư dân làng Quỳnh Thọ bèn lập lại ngôi đền ở móng cũ ngoài cửa biển, rồi rước các vị ngày xưa cùng vào thờ với Ông. Từ đó, ngôi đền tọa lạc yên ổn ở vùng đất quay mặt ra biển này. Mảnh đất này, cách đây 25 năm (năm 1987), cũng có một cá Ông nhỏ dạt vào và được nhân dân đưa vào thờ cúng.

Ông Mai Văn Nhâm (70 tuổi), người hiện đang trông coi ngôi đền cho biết: "Hàng năm, dân làng chúng tôi vẫn lấy ngày 17/3, ngày mà Ông thứ hai về đây làm ngày giỗ chung của các Ông. Ở Quỳnh Lưu, các xã ven biển bãi Ngang đều rất tin tưởng vào cá Ông, thể hiện tín ngưỡng thờ cá Ông từ rất lâu đời. Không chỉ ở xã Quỳnh Thọ có đền thờ cá Ông, ở những xã khác như Quỳnh Long, Quỳnh Tiến... đều có những ngôi miếu và mộ thờ cá Ông. Đối với những người dân biển, nơi nào được Ông vào và ở lại sẽ đem những may mắn, tốt lành, phát đạt đến với họ. Vì thế, họ luôn tổ chức làm đám tang, chôn cất rồi xây dựng đền, miếu để thắp hương thờ cúng cá Ông.

Tháng 8 năm ngoái, có một Ông dạt vào bãi biển Tiến Thuỷ, nặng tới 9,8 tấn, làm náo động cả một vùng quê biển. Bà Hứa Thị Sơn (66 tuổi) nói: "Hôm đấy quả là một ngày đặc biệt, tôi cứ nhớ như in cho tới tận bây giờ. Ông to lắm, vì thế người ta không thể chôn Ông theo cách bình thường mà phải xẻ ông ra. Từ lúc bắt đầu xẻ ông ra cho đến lúc đưa sang làng bên kia (làng Sơn Hải, xã Tiến Thuỷ) để chôn cất, trời mưa to như chưa bao giờ mưa như rứa. Cả làng tôi già, trẻ, đàn ông, đàn bà khóc đi đưa tang ông từ 9h đêm tới tận 2 giờ sáng".

Đến những vùng biển có Ông dạt vào và ở lại đều gắn liền với những câu chuyện kỳ lạ mà người dân kể lại, như chứng minh cho sự linh thiêng của loài cá mà họ đang thờ cúng...

Bá Hứa Thị Sơn ở xã Tiến Thủy nói: "Người dân biển chúng tôi tin vào cá Ông lắm. Từ ngày Ông về đến nay, công việc làm ăn của dân ở đây phát đạt hơn nhiều. Thuyền bây giờ mỗi lần ra khơi, cứ chu kỳ 15 ngày là về, thuyền lớn thì thu được đến 500 triệu đồng, thuyền bé hơn thì 250 - 300 triệu đồng, còn trung bình là 400 triệu đồng. Tôi có 2 người con đi câu nên cũng vẫn thường đến miếu, hoặc ra ngôi mộ ngoài biển thắp hương cầu khấn Ông phù hộ".

Cá Ông chính là cá voi xanh, khi gặp người bị nạn trên biển cá không ăn thịt, còn cứu sống họ đưa lên bờ. Bắt nguồn từ lẽ đó, người dân quan niệm rằng, cá Ông sẽ mang lại may mắn, phước lành, làm ăn phát đạt cho người đi biển. Chính vì thế, thờ cá Ông trở thành tục lệ lâu đời như một nét văn hóa tín ngưỡng gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân biển Quỳnh Lưu.

Ông Hồ Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy) nói : "Người dân biển luôn có một niềm tin đối với cá Ông, bắt nguồn từ việc cá voi là loài cá luôn cứu người hay tàu thuyền bị nạn trên biển. Ngày xưa đi biển, mỗi lần nhìn thấy cá voi là ngư dân lại rắc muối và gạo xuống. Xã Tiến Thuỷ có một ngôi miếu thờ cá Ông, tại đây chôn một cái xương cá do người dân đi biển vớt được, và một ngôi mộ cá Ông ở ngoài eo biển chôn cất con cá voi năm ngoái đã dạt vào đây. Người dân đi biển vẫn thường ra hai nơi đó thắp hương, cầu khấn Ông phù hộ họ đi thuyền gặp nhiều may mắn, bội thu, thuận buồm xuôi gió và bình an trở về".

Hồ Lài

Từ khóa » đền Thờ Cá ông ở đâu