Ca Sĩ Ái Vân: Cuộc đời Tôi Nốt Trầm Nặng Quá - Công An Nhân Dân

  • Ca sĩ Ái Vân bình tâm về lại phố xưa
  • Ca sĩ Ái Vân: "Không đủ nhạy cảm để chọn đúng người"

Cuộc trò chuyện với Ái Vân là cách để hiểu chị hơn đằng sau những trang sách, mà chị gọi là "cục nợ".

- Là một trong những giọng ca nhạc nhẹ chói sáng ở phía Bắc thập niên 70-80, nhưng được biết, chị từng có ý định theo học đạo diễn sân khấu?

+ Sau khi được giải ở Đức năm 1981, đến năm 1987 tôi trở lại Đức biểu diễn thì phía Đông Đức có hỏi về nguyện vọng của tôi. Lúc đó, tôi bảo mình muốn trở thành đạo diễn sân khấu nhạc nhẹ và họ để ý điều ấy.

Ca sĩ Ái Vân trong buổi ra mắt tự truyện "Để gió cuốn đi".

Ở Đông Đức, chừng 1, 2 năm họ lại tổ chức một khóa học đạo diễn sân khấu tạp kỹ, không phải khóa học thường niên nên khi nào có đủ học viên họ mới bắt đầu. Khi có khóa học, họ có lời mời và bên Việt Nam đồng ý cho tôi đi học.

Tôi sang Đức theo học đạo diễn sân khấu nhưng không có nghĩa học xong sẽ không hát nữa. Tôi vẫn gắn với sân khấu, gắn với âm nhạc.

- Vậy là thời điểm đó, chị có hai mục đích để ra đi: một là đi học đạo diễn sân khấu; và, hai là ở lại?

+ Thực ra mục đích chính vẫn là đi học. Nhưng sang bên đó, không ngờ biến cố "bức tường Berlin" khiến mọi sự hoàn toàn thay đổi. Tôi đi học để trở về, vì tôi có tham vọng được làm sân khấu nhạc nhẹ. Nhưng chẳng may lại có sự kiện như vậy, thành ra mình cũng chẳng biết làm như thế nào.

Ca sĩ Ái Vân trước đây.

Tôi chỉ mua vé một chiều, thêm vào đó, những chuyện khủng hoảng không giải quyết được. Có nhiều yếu tố khác khiến tôi phải bước tới. Không có cách nào khác.

- Kể cả việc phải bỏ lại sau lưng quê hương, bố mẹ và đặc biệt là đứa con trai vừa lên 4 tuổi?

+ Tất nhiên, để bỏ lại sau lưng mọi thứ như vậy, chắc chắn phải có điều gì đó mạnh hơn tất cả. Nhưng thôi, tôi chỉ muốn nói rằng mình ra đi không phải như nhiều người đồn đại vì vật chất hay danh lợi.

Trước khi ra đi, tôi không nghĩ mình có tương lai. Tôi chỉ nghĩ là mình bỏ tất cả, sẽ làm công nhân hay bất cứ nghề gì cũng được, để mình tồn tại.

- Rồi chị có đi làm công nhân không?

+ Thời gian đầu khó khăn lắm. Không phải khó khăn về vật chất bởi tôi được chính phủ Đức hỗ trợ ăn ở. Tôi ở đó, giống như tất cả những người Angola, Mozambique… hay những người đi xuất khẩu lao động khác. Tất cả mọi người đều như nhau.

Tôi chấp nhận thực tại đó, vì tôi biết mình chả là ai cả. Cái khó với tôi là phải chịu đựng nỗi nhớ, nỗi đau xa con, xa bố mẹ. Tất cả lúc đó rất mờ mịt, không có ngày trở về, không biết bao giờ sẽ gặp lại con mình.

Nhưng rất may, trong sự rủi ro khi phải ra đi như thế thì tôi lại có cơ hội để phát triển sự nghiệp nghệ thuật của mình theo hướng hoàn toàn khác, không phải là ca sĩ nhạc nhẹ nữa mà là dân ca.

Tôi lại được hát, được sống, được yêu thương. Rồi con trai lại sang với mình. Trong câu chuyện đó, tôi phải cảm ơn "Tập hai" vì đã cho con qua với mình.

- Đang ở Tây Đức với cuộc sống không phải lo miếng cơm manh áo, rồi vì sao chị lại sang Mỹ?

+ Tôi sang Mỹ theo ông xã. Ông xã là Giám đốc kỹ thuật của một công ty IT. Hãng cử anh sang Mỹ làm đại diện bên đó, vậy nên cả gia đình chúng tôi cùng đi. Sang Mỹ cũng là môi trường để tôi hoạt động nghệ thuật vì bên đó có điều kiện hơn ở Âu châu.

- Nhân nói về "Tập ba", xin được hỏi, chị và anh Nguyễn Lê Tiến đã gặp nhau như thế nào?

+ Hơn một năm từ Đông Đức qua Tây Đức thì tôi gặp anh Tiến. Anh là du học sinh từ miền Nam sang đây. Chúng tôi biết nhau qua bạn bè giới thiệu. Anh Tiến là người không nói nhiều nhưng ở anh toát ra cái gì đó rất ấm cúng và tin cậy. Quen nhau 2 tháng thì chúng tôi đến với nhau.

Ca sĩ Ái Vân và "tập ba" của mình - anh Nguyễn Lê Tiến.

Tôi không biết vì sao, có lẽ là do ông trời sắp đặt vì cả hai đến với nhau tự nhiên, không phải giữ kẽ, không phải đá lông nheo, không tim đập thình thịch. Tôi thấy nó kỳ lạ lắm. Nó tự nhiên như khí trời.

- Tôi cũng thấy kỳ lạ! Bởi lẽ, trước đó chị đã có hai cuộc hôn nhân bị đổ vỡ…

+ Thực sự là tâm lý tôi lúc đó giống như con chim sợ cành cong, nhưng ở bên anh Tiến, tự nhiên tôi cảm thấy có sự bình yên, ấm áp. Thú thật, lúc đầu tôi chưa yêu anh ấy đâu nhưng tôi cảm thấy đây là người mình yên tâm, tin cậy.

Trước tiên, tôi muốn con mình đón sang phải có một người bố; thì đây là người bố tốt. Nhưng rồi sống với nhau, giữa chúng tôi có sự trân trọng và tin cậy. Tôi cảm thấy người này có thể chia sẻ tất cả mọi điều.

Anh Tiến là người biết lắng nghe, không cãi (Cười). Chúng tôi gặp nhau năm 1991 và chính thức cưới nhau vào tháng 7 năm 1992.

- Tưởng rằng những thăng trầm trong cuộc sống của chị đã được "gió cuốn đi". Nhưng tâm tư chị vẫn nặng trĩu khi nhắc đến con trai. Bằng chứng là chị đã khóc khi được hỏi về con trai trong buổi ra mắt sách…

+ Thực ra, con trai tôi cũng là một mảnh lego trong bức tranh, là nhân chứng và cũng là nạn nhân của một bi kịch gia đình. Tuy nhiên, lúc đó con còn nhỏ lắm. Tuổi thơ của con không bình lặng, êm đẹp như đáng lẽ đứa trẻ nào cũng phải có.

Tự truyện "Để gió cuốn đi" do First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Khi phải ra đi trong lúc con mới 4 tuổi, đó là độ tuổi rất đáng yêu, cần có mẹ bên cạnh nên tôi cảm thấy vô cùng có lỗi với con. Cho đến bây giờ, dù con đã 31 tuổi rồi, tôi vẫn có sự mặc cảm vì có lỗi với con. Tôi thấy có lỗi với con không chỉ là chuyện ra đi mà ngay cả những gì con phải gánh chịu.

Ngay cả sau này, khi cháu đã sang với mẹ, vì mưu sinh tôi phải đi hát nhiều lắm. Vẫn cảm thấy khi mình có khái niệm nhiều về cách dạy con, về cuộc sống gia đình với một đứa trẻ trong một hoàn cảnh hơi khác thường như thế, đáng lẽ mình có đủ kiến thức, đủ hiểu biết và đủ kinh nghiệm để có thể bù đắp vết thương trong tâm hồn và thể xác của con. Lẽ ra tôi phải làm được rất rất nhiều hơn thế. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn canh cánh mình là người rất có lỗi với con.

- Trong tự truyện "Để gió cuốn đi", chị đã quyết định xóa trắng 8.808 từ sau khi đã viết, chỉ để "giữ cho con". Phải chăng chị vẫn chưa đủ can đảm để đối diện với chuyện này?

+ Không. Tôi vẫn đối diện bình thường chứ. Con trai cũng biết tôi viết tự truyện, có điều con không hình dung được như thế nào, mức độ câu chuyện ra sao. Những câu chuyện xảy ra phần lớn là trước khi con ra đời (Giọng ngập ngừng). Tôi không muốn làm tổn thương và khơi dậy vì bản thân con cũng muốn quên đi những gì con phải trải qua.

- Rồi không lẽ suốt đời chị cứ phải mang tâm trạng dằn vặt, mặc cảm như vậy? Giữa chị và con trai đã từng có những lần "mặt đối mặt", để con hiểu rõ hơn những tâm tư mà chị phải mang…

+ Thực ra, tôi nghĩ năm tháng trôi qua thì vết thương đã lành rồi. Bản thân tôi cũng rất ngại phải khơi lại những chuyện của quá khứ. Có lẽ tận trong sâu thẳm, con cũng muốn quên điều đó. Cho nên tôi cũng không muốn khơi lại những gì quá đau thương đối với con.

Tôi không giấu, con trai biết chuyện chứ. Tôi có buổi phỏng vấn con, và có nói là buổi phỏng vấn sẽ dùng cho câu chuyện này. Tất cả con đều biết và ủng hộ tôi. Nhưng tôi muốn để dành một khoảng cho con nghĩ về phụ huynh của mình. Tôi nghĩ vậy. Không nên biến tướng nhiều quá.

Tôi không giấu nhưng có lẽ đến một thời điểm nào đó con sẽ biết. Tôi đã viết ra rồi nhưng có lẽ đối với người mẹ, con lúc nào cũng bé bỏng, mong manh nên tôi muốn giữ, cho đến khi cảm thấy con sẵn sàng đương đầu. Còn hiện tại con chưa sẵn sàng. Bản thân tôi cũng thế, và những người liên quan cũng chưa sẵn sàng.

- Xin hỏi câu cuối cùng: Tâm thế của chị bây giờ như thế nào?

+ Tôi thấy rất nhẹ nhàng. Không ai muốn cuộc đời mình phải trải qua những nốt trầm, ai cũng muốn nốt thăng. Nhưng dĩ nhiên, cuộc đời đâu phải như thế. Chỉ có điều, cuộc đời của tôi nốt trầm lại nặng quá. Nếu nhìn ở phương diện lạc quan, chính những nốt trầm đó mới tạo nên một cuộc đời thú vị.

Trải qua những điều đó xong, tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng. Khi đủ chín, đủ già, đủ vật vã để nhìn lại mọi thứ, mình sẽ thấy rất thanh thản và nhẹ nhàng. Giống như nhìn lại cuộc đời của ai đó, chứ không phải của mình.

Từ khóa » Ca Sĩ ái Vân Tự Truyện