Ngày Đăng: 11 Tháng 05 Năm 2016 Ngôi nhà của chúng tôi đã mất, vì sự nhẹ dạ cả tin của ba má tôi mà nó đã biến mất trước sự ngơ ngác đắng cay của các thành viên trong gia đình tôi. Nói hay không nói nỗi đau mất mát này trong cuốn sách nhỏ của tôi? Tôi đã trăn trở rất nhiều điều này. Dù sao đây cũng là cuốn tự truyện ghi dấu những kỷ niệm của tôi, của gia đình và bạn bè. Chuyện mất nhà của gia đình có vẻ không thích hợp cho cuốn sách thuần túy văn chương này. Nghĩ đi là vậy, nghĩ lại thì thấy nếu bỏ qua việc mất nhà, chính xác là bị cướp mất nhà, chính là bỏ qua một mất mát to lớn, một nỗi đau dai dẳng của gia đình tôi. Khu nhà 36-38 Phố Huế rất rộng, thực tế gia đình tôi chỉ sống ở nhà số 36 với diện tích 136 mét vuông, còn nhà số 38 với diện tích 600 mét vuông chỉ dùng làm sân chơi. Sau năm 1945 ba tôi cho làm sàn nhảy Paramount rất nổi tiếng, hằng đêm thanh niên Hà Nội tụ tập về đây rất đông. Mãi đến năm 1952, Gánh hát Ái Liên sau nhiều năm lưu diễn khắp Đông Dương về “định cư” ở Hà Nội, ba dùng mảnh đất 600 mét vuông của nhà 38 xây Rạp Ái Liên. Giấy phép và họa đồ số 580 cho xây rạp Ái Liên được Sở Công chính Hà Nội cấp ngày 26/5/1952 vẫn còn đấy. | Cha mẹ của Ái Vân - Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên và ông Hà Quang Định - bên chiếc xe hơi riêng thời gia đình vẫn còn sung túc năm 1949, ở Hà Nội. | Gánh hát Ái Liên tan rã vào cuối năm 1953. Ba tôi chuyển sang làm phim, ông sử dụng Rạp Ái Liên làm trụ sở Hãng Vietfilm. Sau Giải phóng Thủ đô năm 1954 Hãng Vietfilm cũng tan rã nốt. Ngay sau đó Đoàn Ca kịch liên khu 4 từ Thanh Hóa trở về Thủ đô, mượn ngôi nhà này làm nơi tập luyện và biểu diễn. Cái tên Đoàn ca kịch liên khu 4 thoạt nghe dễ nhầm đó là đoàn văn công địa phương, thực chất nó là đoàn văn công chủ chốt của cách mạng, giống như Đoàn văn công Giải phóng vậy. Đó là đoàn ca kịch Trung Ương, cốt lõi của cách mạng, “dùng nghệ thuật để làm công tác tuyên truyền cách mạng”. Khi Đoàn Ca kịch liên khu 4 hỏi mượn ngôi nhà 38 làm trụ sở và rạp hát, ba má tôi rất phấn khởi. Còn bao nhiêu vốn liếng ba tôi bỏ ra tu sửa rạp, mua thêm ghế ngồi, lắp quạt trần, trang bị âm thanh cho rạp hát. Má tôi và chị Ái Loan cũng đầu quân vào Đoàn Ca kịch liên khu 4, coi đây như gánh hát của gia đình rất gần gũi thân thiết. Một thời gian sau Vụ Nghệ thuật - Bộ Văn hóa đề nghị cho Vụ thuê, tiền thuê nhà mỗi tháng là 24 đồng. Số tiền chẳng đáng là bao nhưng ba má chấp thuận vì đây là nơi diễn của hai má con Ái Liên, Ái Loan. Nhờ có rạp hát bà ngoại cũng có việc làm. Bà ngoại bán các thứ lặt vặt trong rạp: kẹo, bánh, ô mai, mía, trái cây… cho khách đến xem cũng có đồng vào đồng ra. Ngày 3 tháng 5 năm 1959, ông Mai Vy vụ phó Vụ Nghệ thuật viết cho ba má một tờ giấy là văn phòng Bộ định sửa chữa nhà 38 phố Huế, muốn “mượn” giấy tờ ngôi nhà. Ba má tôi vui vẻ đưa liền không nghĩ ngợi gì. Từ đó giấy tờ nhà không trả lại, đòi thế nào cũng không trả lại. Rồi Vụ Nghệ thuật ra thông báo không thuê nhà 38 nữa mà “chuyển lên Bộ quản lý”. Tưởng “Chuyển lên Bộ quản lý” thế nào, té ra Bộ tiếp tục đưa Đoàn múa rối đến diễn ở đây. Đoàn múa rối bỏ đi thì Bộ nhanh chóng biến nơi đây thành nhà ăn tập thể, rồi dần dà cho các gia đình cán bộ, công nhân viên của Bộ Văn hóa tới ở. Biến nơi đây thành một khu tập thể nho nhỏ của Bộ Văn hóa. Nhà 38 phố Huế của tôi mất trắng từ đó. Liên tục trong những năm 1970-1980-1990, ba tôi đã có nhiều đơn khiếu nại gửi Bộ Văn hóa để đòi lại toàn bộ diện tích 600 mét vuông mà Bộ Văn hóa chiếm giữ và sử dụng trái phép, nhưng không ai giải quyết. Buồn cười nhất là ngày 24-1-1989 gia đình nhận được “Giấy chứng nhận diện tích nhà được để lại sau cải tạo nhà cửa” số 55/ QLCS của UBND TP Hà Nội với nội dung gia đình tôi chỉ được sử dụng 130 mét vuông trong tổng diện tích 756 mét vuông vốn thuộc quyền thừa kế hợp pháp của ông Hà Quang Định. Tại sao chúng tôi chỉ được sử dụng 130 mét vuông? Còn diện tích 626 mét vuông cũng là đất thừa kế của ba tôi lại không được sử dụng?... | Ái Vân và cha - ông Hà Quang Định - trong một lần đi biểu diễn ở Pleiku. | Năm 2000 anh Hà Quang Văn, anh trai thứ tư của tôi, được thông báo cho mua ngôi nhà số 68 Trúc Đường, khu phố 3, phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh với giá một tỷ đồng (Nhà của Bộ Văn hóa bán phân phối cho cán bộ trong ngành. Anh Văn là hiệu trưởng Trường sân khấu điện ảnh Thành phố HCM nên có tiêu chuẩn được Bộ phân phối cho mua nhà này). Nhưng khi nhận được đơn khiếu nại của ba tôi (ông Hà Quang Định) về căn nhà 36-38 phố Huế, Bộ Văn hóa thông tin đã có văn bản trả lời rằng căn nhà 68 Trúc Đường cấp cho ông Hà Quang Văn là “để bù vào một phần diện tích tại 36-38 phố Huế mà gia đình ông đã hiến cho Nhà nước”... Năm 1998-1999 ba tôi đã có đơn khiếu nại trực tiếp gửi ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Văn Kiệt. Ông Phạm Văn Đồng đã có trao đổi với Bộ Văn hóa trên tinh thần ủng hộ “về phương diện chính sách đối với gia đình có công với cách mạng trên mặt trận văn hóa nói chung và tình cảm nói riêng". Bộ Văn hóa có cho gia đình biết rằng Bộ đang có khó khăn về nhà đất nên Bộ chưa giải quyết được. Sau đó Bộ lại thông báo có thể giải quyết đền bù bằng tiền mặt. Từ đó đến nay là năm 2015 vẫn hoàn toàn không có một động thái nào từ phía Bộ Văn hóa. Lời hứa vẫn chỉ là hứa suông. Ngôi nhà của chúng tôi đã mất, vì sự nhẹ dạ cả tin của ba má tôi mà nó đã biến mất trước sự ngơ ngác đắng cay của các thành viên trong gia đình tôi. Ba tôi không là kẻ khờ khạo, trái lại ông rất thông minh, láu lỉnh. Ba bán ô tô cho Hãng Renault, bán xe đạp cho Hãng Dura Mercier, làm ông bầu cho Gánh hát Ái Liên, làm ông chủ Hãng Vietfilms, nhờ lắm “mẹo vặt” mà ba thoát được nhiều khó khăn bất thường. Nhưng với ngôi nhà này... ba tôi trở thành người khờ dại và ngây thơ. Bao nhiêu “mẹo vặt” của ba cũng không thể giữ được ngôi nhà. Năm 2007 ba tôi chuẩn bị về trời, ông cho gọi con cháu về đầy đủ. Ba lần lượt cầm tay các con, nói: “Ba má không có gì để lại cho các con hết, chỉ có khu nhà 36- 38 phố Huế nhưng đã bị người ta lừa lấy gần hết. Tại ba nhẹ dạ cả tin…". Ba nghẹn lại không nói thêm được lời nào nữa, nước mắt lưng tròng. Ít lâu sau ông đi. Phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, còn tiếp... (Trích tự truyện Để gió cuốn đi, First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành) Sources: Vnexpress | Ái Vân | | Tiểu Sử Ái Vân |
| » Nhan Sắc Ái Vân Qua Thời Gian | » Ái Vân Và Dàn Diễn Viên Phim 'Chị Nhung' Sau Hơn 45 Năm | » Ái Vân Hội Ngộ Người Chồng Thứ Hai: Mọi Oán Hờn 'Để Gió Cuốn Đi' | » Tự truyện Ái Vân (Phần Cuối): Cuộc Sống Thời Đào Hầm Tránh Bom | » Tự Truyện Ái Vân (Phần 6): Nỗi Đau Bị Mất Căn Nhà Yêu Dấu | » Tự Truyện Ái Vân (phần 5): Cuộc Ly Hôn Lặng Lẽ | » Tự Truyện Ái Vân: Hư Thai Con Đầu Lòng Vì Chạy Show Trả Nợ | » Tự Truyện Ái Vân: Người Chồng Sắp Cưới Gây Nợ Nần | » Tự Truyện Ái Vân: Tiếng Sét Ái Tình Ở Tuổi 22 | » Ái Vân Hát, Giao Lưu Ở Đường Sách TP HCM | » Tự Truyện Ái Vân: Tuổi Dậy Thì Mơ Về 'Cánh Buồm Đỏ Thắm' | » Tự Truyện Ái Vân Bỏ Trắng Bảy Trang Về Người Chồng Thứ Hai | » Ái Vân Về Nước Ra Mắt Tự Truyện 'Để Gió Cuốn Đi' | » Ái Vân Về Nước Tham Gia Giai Điệu Tự Hào | » Thành viên EXO, SISTAR, SHINee làm MC đêm nhạc Việt - Hàn | » “Chuyện đời ca sĩ Ái Vân”: Sẽ Có Một Phần Những Cuộc Tình Quá Khứ | » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (Kỳ Cuối) | » Ca sĩ Ái Vân Gặp Nhiều Khó Khăn Khi Viết Hồi Ký | » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (10) | » Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - hồi ức một đóa hồng (9) | » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (8) | » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (7) | » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (6) | » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (5) | » Chuyện Đời Ca Sĩ Ái Vân - Hồi Ức Một Đóa Hồng (4) | |