Đọc Tự Truyện Ái Vân, Nhớ Một Thời Hà Nội - Tiền Phong

Thời xa vắng

“Đọc tự truyện Thành Long, cảm thấy như anh ấy đang đóng phim trên mặt giấy, sống động, cũng đặc sắc thú vị, biểu cảm phong phú y như vậy”- đạo diễn Hong Kong Alex Law nhận xét. Còn Ái Vân ngoài những nét chính đời riêng, đã gợi được không khí Hà Nội một thời trong cuốn sách hơn 300 trang của mình.

Một thời Hà Nội, đó trước hết là thời thiếu nữ mộng mơ, mơ về Cánh buồm đỏ thắm. Ái Vân hơn tôi nhiều tuổi nhưng thế hệ tôi nghĩ về tình yêu cũng sách vở như chị. Ăn uống giống nhau, được dạy dỗ giống nhau, xem cùng một loại phim (của các nước xã hội chủ nghĩa) nên nghĩ hệt nhau. Hồi ấy các thiếu nữ Hà Nội mà Ái Vân là đại biểu, đúng như chị viết, hay mơ ở vào địa vị nhân vật Axôn trong bộ phim nổi tiếng Cánh buồm đỏ thắm của Liên xô. Mơ được chàng đẹp trai y hẹn tới đón trên con tàu căng cánh buồm đỏ thắm, lãng mạn.

Chục năm trước trong loạt bài Nhan sắc phố phường và bài Hậu vận của hồng nhan, tôi từng điểm Ái Vân như một niềm tự hào của phố Huế. Người da trắng như Tây, nét rất Tây này có lúc cũng xuống sắc, mặt đầy sủi cảo nhưng nhìn chung, cứ là sáng trưng. Đứng chọn rau cũng sáng cả một góc chợ Hôm. Đánh cầu lông ở vỉa hè trông cũng điệu ơi là điệu.

Nhà Ái Vân ở 36 phố Huế, tôi số 9A, chếch một chút nhưng suốt ngày sang chơi với Hằng, đứa bạn thân ở mặt phố, số 28 gần nhà Ái Vân nên hay quan sát. Một đứa bạn cùng lớp nữa - Tạ Trung Kiên, là em họ Ái Vân, ở gác ngay trên đầu nhà chị. Tôi vài lần vào cái xóm này, chỉ biết là khu tập thể Bộ Văn hóa, luôn nhếch nhác. Thế rồi bây giờ đọc tự truyện mới biết hai số nhà 36-38 phố Huế rộng 736m2 đều từng của gia đình chị, cho thuê rồi bị chiếm mất một cách vô lý, chỉ còn 136m2 làm cái tổ trú ngụ của đại gia đình gần hai chục con người.

600 m2 bị mất đó nếu chị kể đúng sự thật, nó là gia sản lớn mà bán đi, ăn mấy đời không hết. “Phố Huế ngồi ghế xa lông làm ông tất cả”- xưa dân phố Huế vẫn tự hào như thế, là tên phố rất kêu. Mà chỉ phố Huế đoạn giáp Hàng Bài thôi, không tính đoạn gần “bang Ca-li-phooc-ni Mơ”.

Chuyện bao cấp đói khổ thì cư dân phố Huế như tôi và Ái Vân ôn nhiều rồi. Tết đến xếp hàng ở Bách hóa Tổng hợp mua túi hàng Tết giống hệt nhau bằng phiếu tiêu chuẩn. Thỉnh thoảng mô-típ nhà vệ sinh tập thể lại trở về trong giấc điệp, tỉnh dậy cứ là toát mồ hôi hột. Cho nên hãy hình dung ca sĩ Ái Vân diện ngất trời, phóng xe máy Peugeot màu cá vàng đi trên đường thì đáng thèm ước thế nào.

Nhìn trong sách, thấy ảnh mấy ca sĩ nòng cốt Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ Trung ương một thời gồm Mạnh Hà, Vũ Dậu, Lệ Quyên, Ái Vân, Quang Huy đi đánh “Pắc”, thật trẻ trung và “tẩm toái”. Đánh Pắc tức là đánh lẻ, không hát cho đoàn mình mà hát ở các tụ điểm, hoặc hát hợp đồng với các cơ sở. Chữ Pắc là tiếng lóng bắt nguồn từ cách gọi đội quân đánh thuê Park Chung Hee. Không thể thiếu những ngày tháng sôi động đó khi hồi ức. Quả thực đội hình đánh Pắc của Ái Vân và nhiều toán Pắc khác đã mang lại cho bọn trẻ con chúng tôi và khán giả mọi lứa tuổi ngày ấy vô số niềm vui ở các sân khấu “bãi” như công viên Thống Nhất hoặc trước cửa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cũng không thể thiếu các thương vụ thời bao cấp của các nghệ sĩ nhà ta khi lưu diễn nước ngoài, chuyện nào cũng buồn cười, tiếu lâm của một thời.

Một đề tài nữa từng được cả Hà Nội bàn tán là những chuyến vượt biên của các nghệ sĩ: Ngọc Tân, Vân Khánh, Huyền Châu... (hát), A Sa (múa), Cao Thắng, Tuấn Vinh... (xiếc), Thành Được (cải lương, trong Nam). Thì sách Ái Vân gợi lại được một phần. Bao năm nay tên của những người này đã biến mất đối với khán giả Hà Nội trừ Ngọc Tân.

“Trời cho Ái Vân nhan sắc 10 nhưng tài năng chỉ 8. Cô ấy đã biến điều không thể thành có thể, biến điểm 8 này thành điểm 10”.

NSƯT Mạnh Hà

Chuyện tình Ái Vân không phong phú như tưởng tượng. Có hai cuộc chính mà chị gọi là Tập 1 và Tập 3, còn lại chỉ lớt phớt. Đặng Dũng, “Tập 1”, người trong mộng của nhiều thiếu nữ Hà thành một thuở nay định cư nước Đức, gia đình đề huề. Nhìn ảnh thì thấy “chả liên quan” ngày trẻ. Và đọc sách thấy sợ phết, tuổi trẻ làm ăn liều lĩnh của anh. Ngày xưa nghe đồn thì tưởng đơn giản hơn. Việc Ái Vân để trắng 7 trang về “Tập 2” với lý do đoạn này gợi ký ức "kinh hoàng, đau đớn, nhục nhã", khiến độc giả người thì ngơ ngác, người thì khen là tuyệt chiêu bán sách. Tuy nhiên rải trong sách, tác giả cũng hé lộ nguyên nhân bỏ nước ra đi năm 1990 là do muốn chạy trốn khỏi “tập” này, khỏi cuộc sống bị “vùi dập cả hồn lẫn xác”.

Nói thì bảo nhớ dai chứ cư dân phố Huế đoạn giáp Hàng Bài ngày đó, từ số nhà 1 đến 46 ai mà chả biết Ái Vân ăn đòn như két, khiến phụ huynh thỉnh thoảng sấp ngửa lên báo công an phường. Đời là thế đấy, và tài sắc làm vậy nhưng ai bảo cứ toàn chọn những lối đoạn trường mà đi.

Đọc tự truyện Ái Vân, nhớ một thời Hà Nội ảnh 1

Ái Vân và người đồng nghiệp, người anh thân thiết Mạnh Hà, Hà Nội 12/5. Ảnh: Tú Quyên.

Gió có cuốn đi

Một tuần sau cuộc ra mắt sách ở TPHCM, Ái Vân ra Hà Nội làm tiệc chia vui với bạn bè trường Nhạc và Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ Trung ương. Trông chị sinh động, ổn hơn hồi tôi gặp mấy năm trước. Có phải năng lượng từ việc viết sách, ra sách đã làm nên điều đó? Hoặc người này đã an phận hoàn toàn rồi?

Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong sách? - tôi hỏi. “Trăm phần trăm” - Ái Vân quả quyết.

“Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc ấy thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ” (Thép đã tôi thế đấy). Thời bao cấp đó và những hệ lụy của nó, gọi là cuộc “tôi thép” chắc không quá lời. Song Ái Vân chẳng phải kiểu phụ nữ quật cường, như Minh Hạnh (nhà thiết kế) chẳng hạn. Từng là một trong những ca sĩ được ưu ái nhất, nổi tiếng tài sắc, có vẻ cao sang lại “con nhà”, thế nhưng ngoài chuyến vượt biên cả nước bàn tán, người phụ nữ này trong những tình huống gay cấn thường tỏ ra khá yếu đuối, và cư xử hơi nhũn nhặn quá trong mọi hoàn cảnh. Đọc sách thấy khóc suốt. Bị hai đức ông chồng qua mặt hoặc chà đạp, cũng chỉ biết chịu đựng? Hát ở hải ngoại, có lúc bị vài ca sĩ đồng nghiệp tẩy chay với cái cớ vớ vẩn “Ái Vân là ca sĩ Việt cộng”, cũng chỉ biết khóc mùi mẫn? Lệ Quyên còn hiền hơn. Mà Lệ Quyên mới là típ hiện đại cả ngoại hình, giọng hát, phong cách trên sân khấu. Lệ Quyên còn tạo hình ảnh “lấy được chồng rồi là không còn biết trời trăng gì nữa” căn cứ vào cuộc sống định cư ở Pháp, và tâm sự mới nhất qua sách Ái Vân.

Những phụ nữ được trời cho nhiều thứ, khiến thiên hạ ghen tị này, dường như dễ chao đảo, cung bậc ngả nghiêng. Chẳng may vớ phải chồng không ổn thì đời ra bã. (Lệ Quyên có vẻ may mắn hơn bà chị Ái Vân về chuyện hôn nhân). Đàn ông quan trọng thật.

Mà nói vậy thôi, đâu chỉ thế hệ Ái Vân, Lệ Quyên mới hơi tí là rúm tứ túc. Đến thế hệ chúng tôi sau này, được giáo dục thế nào đó mà sợ từ hàng xóm hạ lưu sợ đi. Đến bệnh viện sợ bác sĩ, ra đường sợ công an, đến trường học sợ từ ông thường trực. Chúng tôi còn chả coi bản thân mình ra gì, thì ai coi chúng tôi ra gì. Nỗi sợ đó giờ đã hết đâu.

Cho nên mới nói, có cả một thời xa vắng hiện lên trong sách của một nghệ sĩ rất Hà Nội như Ái Vân, mà có khi chính người viết cũng không biết đầy đủ về điều đó.

Dương Phương Vinh

Từ khóa » Ca Sĩ ái Vân Tự Truyện