Cá Tra Tăng Giá, Kéo Dài Bao Lâu?

HỮU ÐỨC

Cá tra thương phẩm ÐBSCL đang ở mức giá cao. Người nuôi cá thu hoạch có mức lãi khá nhưng vẫn còn lo xa.

Thu hoạch cá tra thương phẩm ở ĐBSCL. Ảnh: V.C

Tái hiện cơn sốt

Sau Tết Nguyên đán, từ rằm tháng giêng tới nay cá tra đúng cỡ (size) xuất ao tăng giá lên 32.000-33.000 đồng/kg (cá từ 0,8-1,2kg/con). Cá tra đang hút hàng do các doanh nghiệp (DN) cần cá nguyên liệu, nâng mức giá thu mua. Với mức giá cao như hiện thời đã “khuấy động” vùng nuôi cá tra quanh cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và khu vực hạ lưu ven sông Hậu.

Anh Toàn, người nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc cho rằng, nếu người nuôi cá giỏi, ít bị hao hụt có thể thu lãi tới 8.000-10.000 đồng/kg thời điểm này. Một số hộ nuôi cá vượt qua giai đoạn khó khăn cá tra thấp điểm nay tìm mua cá giống thả nuôi trở lại. Tuy nhiên, người nuôi cá theo dạng tự do bên ngoài không theo hợp đồng liên kết với DN vẫn còn lo sợ tái diễn rủi ro một khi thị trường dội chợ bất chừng.

Anh Phương, một chủ hộ nuôi cá tra ở bờ Bắc sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long cho hay, với tầm giá thành 25.000 đồng/kg người nuôi có thể thu lãi khá. Nhưng nghĩ lại trong hơn 2 năm qua giá cá tra “rớt sát đáy” người nuôi thua lỗ kéo dài thì với mức lời lãi hiện nay cũng khó bề bù đắp được.

Nhận thấy thị trường có giá tốt, anh Phương và nhiều hộ muốn tìm con giống nuôi thả nối vụ. Thế nhưng trở ngại lớn nhất cho người muốn thả nuôi cá lúc này là không tìm ra đủ nguồn cung cá giống. Cá tra giống giá 45.000 đồng/kg (cỡ 2 phân/con, 30 con/kg), tăng hơn 10.000-15.000 đồng/kg so với cuối năm 2021. Dù vậy, có cơ sở ương nuôi cá giống nhận đặt hàng rồi vẫn không có đủ giống để giao cho người nuôi.

Chính vì sự biến đổi tăng giảm diện tích thả nuôi cá khó bắt nhịp đồng bộ với nhu cầu thị trường nên sản xuất cá giống thường bị “trễ nhịp”. Do đó có người muốn có giống nuôi không còn cách nào khác là mua cá hương ương nuôi, chấp nhận độ hao hụt còn hơn ngồi chờ mua các cơ sở bán cá giống.

Tín hiệu mới và dự báo

Trong những tháng đầu năm 2022 chuyển động thị trường các nước EU lạc quan. Sau hơn 2 năm nhập khẩu cá tra sụt giảm mạnh, các DN xuất khẩu cá tra ở ÐBSCL cho biết qua chưa đầy 2 tháng đầu năm, thị trường EU có tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 20 triệu USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phân tích: Thị trường nhập khẩu cá tra phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó Trung Quốc chiếm 31%, Mỹ 23%, các nước đối tác tham gia Hiệp định CPTPP chiếm 13% và EU là 6,6%. Các thị trường này đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Giá cá xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi trồng, logistics, lao động… Do đó xuất khẩu cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so năm 2021.

Theo VASEP, riêng tại thị trường EU ảnh hưởng từ tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine nên dự đoán sẽ mở cơ hội cho ngành hàng cá tra nhập khẩu vào thị trường này, có thể thay cho nguồn cung cá Pollack (Minh Thái) từ Nga.

Cá Minh Thái có nhiều ở vùng biển Alaska. Sản lượng lớn chủ yếu từ Nga và Mỹ thụ hưởng. Tuy nhiên, trước dự báo thị trường và cơ hội xuất khẩu cá tra, Giám đốc một DN trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu ở ÐBSCL tỏ ra dè dặt, nhận định: Sau chu kỳ thị trường cá tra tiêu thụ trầm lắng, ảm đạm trong 2 năm qua, do đại dịch COVID-19, đứt gãy dịch vụ vận tải biển… Có lúc cá tra giá bán giảm dưới mức giá thành. Thế nhưng hiện thời “gió đổi chiều” sản phẩm cá tra phục hồi, tăng giá đạt đỉnh. Từ đó tác động tâm lý người nuôi cá, thấy bán được là tập trung nuôi ào ạt. Trong khi đó đối thủ cá tra là cá Minh Thái có sản lượng dồi dào và luôn có những tác động một khi sản lượng đánh bắt tăng lên.

Cũng theo Giám đốc DN trên, xin đừng cho rằng cá tra là vô địch thế giới, là quà tặng của thiên nhiên để rồi quên mất cá tra vốn dĩ từ trước đến nay chỉ là sản phẩm thay thế. Hiện nay có một số nước đã sinh sản nhân tạo và nuôi được cá tra và tạo sản lượng cạnh tranh với cá tra của Việt Nam. Trong khi đó cá Minh Thái vốn là cá biển nên dù cùng họ cá thịt trắng với cá tra nhưng người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ vẫn thích hơn. Ðặc biệt là người tiêu dùng Nhật Bản, gần như họ không dùng thủy sản nước ngọt.

Cần thấy rằng ở các nước châu Âu, Mỹ vốn có sở thích và truyền thống tiêu thụ cá biển, nhưng do năm 2007, sản lượng cá Minh Thái sụt giảm mạnh nên họ giảm sản lượng khai thác đến 1 triệu tấn để bảo vệ nguồn lợi loại cá này. Vì vậy, họ phải quay sang tìm sản phẩm thay thế và con cá tra có tính tương đồng (cá da trơn thịt trắng) nên được tiêu thụ mạnh. Tưởng rằng con cá tra đã chinh phục được người tiêu dùng các nước, trong giai đoạn 2007-2010 phong trào nuôi cá tra, xây dựng nhà máy chế biến cá tra trong nước bắt đầu tăng mạnh. Hậu quả sau đó, sản lượng cá Minh Thái phục hồi. Cá tra sức tiêu thụ bị ảnh hưởng giảm dần. Ðiều lưu ý rằng hầu như năm nào sản lượng khai thác cá Minh Thái trúng mùa thì cá tra lại bị bôi bẩn trên sóng truyền thông các nước. Ðơn giản chỉ vì họ làm như thế là để sản phảm cá Minh Thái của họ được tiêu thụ tốt hơn. Ðây cũng là quy luật thị trường, thị trường quyết định giá.

Vì vậy, cá tra muốn tiêu thụ tốt ở châu Âu và Mỹ cần cải thiện chất lượng chế biến thành các mặt hàng chế biến sâu như con tôm. Mặt khác, song hành cùng cơ hội vẫn còn thách thức đặt ra. Các cơ quan hữu quan ngành thủy sản và đối tác tham gia chuỗi sản xuất cần đánh giá và định hướng người nuôi. Ðó là cân bằng cung - cầu nhằm tăng lợi nhuận và giá trị cho ngành cá tra.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 đã đạt 1,62 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất đạt sản lượng cá tra thương phẩm 1,6-1,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỉ USD.

Từ khóa » Sở Cá Tra