Chủ động Phòng Tránh Dịch Bệnh Trên Cá Tra - Tạp Chí Thủy Sản

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Cục Thú y, Bộ NN&PTNT dự báo, trong thời gian tới diện tích cá tra nuôi bị mắc bệnh có thể sẽ tiếp tục giảm và xuất hiện trong phạm vi hẹp. Tuy nhiên, hiện nay do giá cá tra cao và thị trường đang có nhu cầu lớn… nên một số cơ sở nuôi có thể mở rộng sản xuất mà không quan tâm đúng mức đến phòng, chống dịch bệnh.

Đáng chú ý là việc tổng hợp, thống kê, giám sát, phát hiện và báo cáo tại các địa phương còn yếu và chưa đầy đủ. Mặc dù đã có các quy định, hướng dẫn rất cụ thể nhưng do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và năng lực cán bộ được giao nhiệm vụ nên việc ghi chép thông tin từ tuyến cơ sở không đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tốc độ chuyển tải thông tin. Các doanh nghiệp và cơ sở nuôi cá tra cũng chưa thực hiện tốt khai báo bệnh cho cơ quan chuyên môn. Do vậy, gây khó khăn cho việc tổng hợp, phân tích, đánh giá và nhận định cảnh báo về tình hình dịch bệnh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi cá tra chưa chủ động triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở, đa số là không có kế hoạch giám sát. Hầu hết các cơ sở nuôi khi có thủy sản bị bệnh thường xả thải nước ao bệnh ra ngoài môi trường, dẫn đến các loại mầm bệnh dễ phát tán rộng trong vùng nuôi và gây bệnh ở diện rộng. Trong khi đó, chất lượng nguồn con giống bán trên thị trường cũng chưa thật sự được đảm bảo, nhất là con giống sạch bệnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Thực hiện giải pháp đồng bộ

Để chủ động phòng, tránh các loại dịch bệnh trên cá tra, đòi hỏi cần có sự phối hợp và vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan. Đặc biệt, các hộ dân và cơ sở nuôi cá tra cần xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để xuất khẩu. Thực hiện nghiêm túc các quy định về việc khai báo dịch bệnh, chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt. Sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm. Quan tâm xử lý đối với nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mầm bệnh cho cá tra.

Ngành chức năng các địa phương cần làm tốt công tác thông tin, cảnh báo về dịch bệnh và chủ động xây dựng, triển khai chương trình giám sát dịch bệnh trên cá tra theo các chương trình, kế hoạch và quyết định của Trung ương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường một cách đồng bộ để phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, kiểm dịch cá giống nhằm giảm thiểu con giống mang mầm bệnh. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, dịch bệnh khi xảy ra dù tỷ lệ nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến sản xuất do cá tra thường thả nuôi mật độ dày. Từ lúc thả con giống đến thu hoạch cá thương phẩm, dù tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 4 – 5% cũng sẽ góp phần làm đội giá thành nuôi cá tra lên rất cao. Do vậy, cần có sự phối hợp tốt giữa các địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn con giống, đảm bảo tất cả con giống khi cung ứng ra thị trường và đến tay người nuôi phải được kiểm dịch và đạt chất lượng theo yêu cầu.

An Nhiên

Từ khóa » Sở Cá Tra