Cách Lập Bảng Tiến độ Thi Công Công Trình (mẫu Chuẩn Nhất 2021)

Là một văn bản quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, vậy bạn đã biết cách lập bảng tiến độ thi công công trình như thế nào cho chuẩn xác và chuyên nghiệp chưa?

Ngoài yếu tố khoa học, kỹ thuật thì bảng tiến độ thi công công trình đòi hỏi phải có tính dễ hiểu và cả nghệ thuật ở trong đó. Mặc dù là các thông tin khô khan nhưng nhiệm vụ của người lập là phải trình bày sao cho rõ ràng, dễ hiểu và có cảm tình đối với người xem. Nếu bạn được phân công việc lập bảng tiến độ nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu thì những hướng dẫn chi tiết trong bài viết này sẽ giúp bạn biết thực hiện một cách chỉn chu, hoàn hảo nhất.

Tìm hiểu về bảng tiến độ thi công

Trong lĩnh vực xây dựng, bảng tiến độ thi công là một văn bản quen thuộc, được sử dụng phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nó là cái gì và dùng để làm gì.

- Khái niệm

Tiến độ thi công được hiểu là kế hoạch thực hiện các hạng mục trong một dự án.

bảng tiến độ thi công công trình 1

Bảng tiến độ thi công là văn bản hay sơ đồ (trình bày dưới dạng bảng) thể hiện tiến trình thực hiện các hạng mục xây dựng. Tại đó thể hiện rõ thời gian và không gian cho các hạng mục cần thi công.

Đây được xem là văn bản có tính pháp lý giữa nhà thầu thi công với chủ đầu tư đã cam kết với nhau trên hợp đồng. Dựa vào văn bản này, chủ đầu tư sẽ biết được tiến độ công trình hiện đã và đang thực hiện được đến đâu, có đúng như tiến độ được đề ra hay không.

- Chức năng, mục đích

  • Ở giai đoạn dự án chưa được triển khai: bảng tiến độ chính là những kế hoạch và cách tổ chức dự án, nhìn vào đó người xem sẽ biết được bao giờ dự án triển khai, triển khai ở đâu, thời gian nào triển khai hạng mục nào, bao giờ kết thúc,...
  • Ở giai đoạn dự án đã và đang triển khai: thì bảng tiến độ chính là “camera” theo dõi, quan sát các hạng mục trong kế hoạch đã thực hiện được gì, đang thực hiện công việc gì; rà soát, kiểm tra những công việc xem có đúng tiến độ và chất lượng đã được đề ra hay không.
  • Ở giai đoạn dự án đã hoàn thiện: bảng tiến độ chính là tiêu chuẩn dùng để đánh giá, thẩm định chất lượng và dùng để nghiệm thu công trình. Một bảng tiến độ càng chi tiết, cụ thể bao nhiêu thì càng giúp chủ đầu tư giám sát công trình tốt bấy nhiêu, đồng thời kiểm soát ngân sách được tốt.

Các phương pháp lập bảng tiến độ thi công

- Phương pháp sơ đồ ngang (Gantt)

bảng tiến độ thi công công trình 2

Phương pháp này xuất hiện vào đầu thế kỷ 19, do Henry Gantt - kỹ sư người Pháp dẫn đầu.

Theo đó, bảng tiến độ sẽ được thể hiện bằng những đường thẳng nằm ngang liên tục hoặc đứt quãng tỷ lệ với lịch thời gian. Chỉ cần một hệ tọa độ vuông góc, trong đó trục tung thể hiện công việc, trục hoành thể hiện thời gian là đã diễn tả được tiến độ của một kế hoạch thật dễ dàng.

Ưu điểm: dùng được cho nhiều đối tượng, dễ lập, dễ điều chỉnh và bổ sung.

Nhược điểm: không thể hiện được những dự án phức tạp, không thấy rõ được mối liên hệ logic của các công việc dự án.

- Phương pháp sơ đồ xiên (Cylogram)

bảng tiến độ thi công công trình 3

Đây là sơ đồ diễn tả tiến trình công việc theo thời gian và thể hiện những mối quan hệ trong không gian. Vì vậy nó thường được dùng để thể hiện các dự án sản xuất theo dây chuyền, có tính liên tục và điều hòa.

Nhược điểm của phương pháp này là không thực hiện được với các dự án lớn, phức tạp, không tính toán được thời hạn xây dựng.

- Phương pháp sơ đồ mạng

bảng tiến độ thi công công trình 4

Sơ đồ mạng là tên gọi chung của nhiều phương pháp sử dụng lý thuyết mạng, như là: phương pháp đường găng CMP, phương pháp kỹ thuật ước lượng và kiểm tra dự án PERT, phương pháp sơ đồ mạng công việc MPM. Trong đó phương pháp CPM và PERT được sử dụng phổ biến hơn.

Sơ đồ mạng được xây dựng dựa trên mô hình toán học hiện đại là lý thuyết đồ thị với 2 yếu tố cơ bản là công việc và sự kiện. Tại sơ đồ này, các công việc sẽ được thể hiện một cách sinh động, nhìn thấy rõ cả mối quan hệ công tác và những mối quan hệ bắt buộc về công nghệ hoặc logic về tổ chức. Nhờ vậy mà không bỏ sót bất kỳ công việc nào, bảng tiến độ nhờ vậy mà thể hiện khoa học và chính xác hơn.

Hướng dẫn lập bảng tiến độ thi công công trình chuẩn nhất

- Yêu cầu và cơ sở để lập bảng

Yêu cầu về tiến độ hoàn thành thi công:

  • Đề xuất những phương pháp thi công công nghệ để áp dụng cho dự án
  • Các trường hợp sử dụng nguyên vật liệu có sẵn để tiết kiệm tài nguyên, khai thác công suất máy móc đang có
  • Thực hiện xây dựng hợp lý và cách thức xây dựng hiện đại, tiên tiến, phù hợp với tính chất, điều kiện của các loại công trình
  • Tập hợp nguồn lực vào những khâu quan trọng
  • Luôn cân bằng và đảm bảo nhịp độ thi công công trình.

Những cơ sở để đảm bảo cho tiến độ thi công:

  • Sơ đồ bản vẽ công trình (Xem: Tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật xây dựng)
  • Tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật và những quy phạm trong kỹ thuật
  • Quy định sử dụng lao động, máy móc, vật tư
  • Năng lực của đơn vị thi công
  • Phương pháp sử dụng trong thi công
  • Đặc điểm của địa chất, giao thông khu vực tại công trình
  • Diện tích của công trình thi công
  • Hệ thống điện, nước cung cấp cho quá trình thi công
  • Thời gian hoàn thành và bàn giao.

- Các bước lập bảng tiến độ thi công cho công trình

+ Bước 1: Xác định công việc sẽ đưa vào bảng tiến độ

Đầu tiên bạn sẽ thiết lập hệ thống phân chia công việc, sau đó chia nhỏ các hoạt động ra. Bạn có thể sử dụng Work Breakdown Structure - WBS (cấu trúc phân chia công việc) để xác định và hợp nhóm các yếu tố công việc rời rạc của dự án.

Ở bước này bạn cần lưu ý:

  • Phân chia cụ thể các công việc hợp lý, chi tiết với từng khoảng thời gian;
  • Lựa chọn khoảng thời gian phù hợp và gần với tiến độ mà chủ đầu tư đưa ra;
  • Rà soát, ghi rõ những hạng mục quan trọng để tập trung, chú ý hơn khi làm việc.

bảng tiến độ thi công công trình 5

+ Bước 2: Sắp xếp thứ tự cho công việc

Việc làm này rất quan trọng, nó giúp cho cả dự án hoàn thành đúng với tiến độ và kế hoạch đề ra. Muốn vậy, bạn phải biết được mối quan hệ giữa các công việc với nhau, từ đó sắp xếp thứ tự một cách khoa học và bàn bải.

Theo đó, bạn có thể sắp xếp:

  • Công việc này xong mới đến công việc khác
  • Các công việc có thể tiến hành song song
  • Các công việc sẽ được kết thúc cùng với nhau

+ Bước 3: Định lượng tài nguyên cho các công việc

Tài nguyên bao gồm:

  • Số lượng nhân công
  • Số lượng vật tư
  • Chi phí cố định
  • Máy móc, thiết bị

Các tài nguyên này đã được chuẩn bị từ trước. Việc của bạn ở bước này là phải định lượng được nguồn tài nguyên này phục vụ cho các công việc cụ thể để có thể đạt được mục tiêu đề ra.

+ Bước 4: Tính toán thời gian thực hiện công việc

Ở bước này bạn phải trả lời được câu hỏi: Cần bao nhiêu thời gian để hoàn thiện được một công việc trong kế hoạch?

Bạn có thể ước lượng thời gian bằng các cách sau đây:

  • Hỏi chuyên gia, những người đã có kinh nghiệm trong việc ước tính thời gian;
  • So sánh với các dự án tương đương;
  • Ước lượng tham số hóa (sử dụng phần mềm dự toán như GXD, Acitt, G8,... để định mức hao phí tài nguyên cho các công việc sẽ mất bao nhiêu thời gian);
  • Dùng phân tích PERT để đánh giá thời gian của một hoạt động, áp dụng công thức: (Thời gian bi quan + 4 x Thời gian khả thi + Thời gian khả quan) / 6

bảng tiến độ thi công công trình 6

+ Bước 5: Xây dựng bảng tiến độ

Ở bước này bạn sẽ sắp xếp tiến độ, các nguồn lực tài nguyên và thời gian của mỗi công việc thành một kế hoạch tổng thể. Bạn có thể sử dụng những công cụ sau đây để xây dựng bảng tiến độ:

  • Phương pháp Đường găng (Critical Path Method)
  • Phần mềm MS Project

+ Bước 6: Theo dõi và quản lý

Sau khi đã có bảng tiến độ, nhà thầu xây dựng sẽ dựa vào đó để thi công theo đúng kế hoạch và đảm bảo tiến độ đề ra. Còn phía chủ đầu tư thì căn cứ vào bảng tiến độ để biết được quá trình thi công đã/đang đến đâu, có trùng khớp với kế hoạch hay không.

Mẫu bảng tiến độ thi công mới nhất 2024

- Nội dung cần có trong bảng tiến độ

Bảng tiến độ thi công công trình có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, song phải tuân thủ có đầy đủ các nội dung sau đây:

Những nội dung ở phía trên bảng, bao gồm:

  • Tên bảng: BẢNG TIẾN ĐỘ THI CÔNG hoặc BẢNG TIẾN ĐỘ KẾ HOẠCH THI CÔNG
  • Tên công trình: [...]
  • Địa điểm thi công: [...]
  • Thời gian thi công: [...]

Những nội dung ở bên trong bảng, bao gồm:

  • Nội dung ở cột:

* Cột 1: Cột số thứ tự

* Cột 2: Nội dung công việc

* Cột 3: Tiến độ thi công trên (ngày), bên trong cột 3 sẽ chia nhỏ thành các cột ghi ngày.

  • Nội dung ở hàng: Là công việc cụ thể của các hạng mục.

- Mẫu bảng tiến độ thi công chuẩn nhất

mẫu bảng tiến độ thi công công trình

Tùy vào từng công trình và công việc cụ thể mà bảng tiến độ thi công công trình có thể linh hoạt thay đổi so với mẫu bảng nói trên. Tuy nhiên về nguyên tắc thì vẫn phải đáp ứng đầy đủ các nội dung cần có và trình bày theo dạng bảng một cách khoa học và chuyên nghiệp.

Xem thêm:

  • Hướng dẫn thi công ván khuôn móng băng đầy đủ nhất
  • Xây nhà kiêng gì? Những điều nên tránh khi xây nhà
  • Hướng dẫn cách tính gạch - cát - xi măng xây nhà chính xác nhất
TGĐ - KSXD Quang Vũ

TGĐ - KSXD Quang Vũ (tên thật là Nguyễn Quang Vũ), anh là Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kiến trúc và Xây dựng Phúc An (Phúc An Corp.), với hơn 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn - thiết kế - thi công các công trình dân dụng và công nghiệp. Xuất thân là một Kỹ sư xây dựng sinh ra & lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Anh quan niệm rằng "không có giá trị bền vững nào bằng niềm tin của khách hàng."

Đánh giá của bạn

Gửi đánh giá

Từ khóa » Tiến độ Ngang Là Gì