Cách Lập Báo Cáo Tài Chính Cơ Bản, Chi Tiết Qua 7 Bước - MISA AMIS

Lập báo cáo tài chính là bước quan trọng để doanh nghiệp nắm rõ tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động. Đảm bảo báo cáo chính xác giúp minh bạch thông tin, đáp ứng yêu cầu pháp lý và xây dựng niềm tin với nhà đầu tư, đối tác. Hãy tập trung vào quy trình chuẩn và các nguyên tắc kế toán để tạo ra báo cáo đáng tin cậy.

banner

ebook-bao-cao-tai-chinh

Mục lục Hiện 1. 7 Bước lập Báo cáo tài chính năm chi tiết Bước 1: Tập hợp, sắp xếp chứng từ kế toán Bước 2: Hạch toán các nghiệp vụ phát sinh Bước 3: Tính chi phí khấu hao, chi phí trả trước và phân bổ Bước 4: Hạch toán các khoản ước tính, điều chỉnh Bước 5: Kiểm tra đối chiếu số liệu sổ sách Bước 6: Thực hiện các bút toán kết chuyển Bước 7: Lập báo cáo tài chính trên phần mềm hỗ trợ kê khai thuế 2. Hướng dẫn nộp báo cáo tài chính online 3. Quy định pháp luật cần tuân thủ khi lập báo cáo tài chính 4. Thời hạn nộp báo cáo tài chính 5. Lập báo cáo tài chính cần lưu ý gì? 5.1. Lưu ý khi lập bảng cân đối kế toán 5.2. Lưu ý khi lập báo cáo kết quả kinh doanh 5.3 Lưu ý khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ 5.4. Lưu ý khi lập bản thuyết minh báo cáo tài chính Tạm kết

1. 7 Bước lập Báo cáo tài chính năm chi tiết

Để lập BCTC, kế toán cần phải qua các bước từ công việc kế toán chi tiết đến kế toán tổng hợp, gồm 7 bước cơ bản sau:

Các bước lập báo cáo tài chính
7 bước lập báo cáo tài chính đơn giản, dễ hiểu

Bước 1: Tập hợp, sắp xếp chứng từ kế toán

Kế toán cần thu thập tất cả chứng từ kế toán phản ánh hoạt động kinh tế của doanh nghiệp như hóa đơn, sổ phụ ngân hàng, bảng lương, phiếu nhập xuất kho, hồ sơ tài sản… Sau đó, sắp xếp chúng theo thứ tự thời gian hoặc danh mục bảng kê thuế, đồng thời kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của chứng từ. 

Bước 2: Hạch toán các nghiệp vụ phát sinh

Dựa trên các chứng từ kế toán được tổng hợp và sắp xếp ở bước 1, kế toán cần ghi chép, phản ánh các nghiệp vụ đó vào sổ sách kế toán. Việc ghi nhận này có thể thực hiện trên excel hoặc phần mềm kế toán.

Có thể sử dụng phần mềm kế toán như MISA AMIS Kế toán để hạch toán nhanh và chính xác. Phần mềm này phân tách các phân hệ kế toán riêng biệt, giúp việc hạch toán dễ dàng hơn. Đồng thời, MISA AMIS Kế toán hỗ trợ sao chép các phiếu hạch toán có bút toán tương tự nhau, giúp tiết kiệm thời gian và hạn chế sai sót.

Sử dụng phần mềm kế toán giúp mang lại nhiều sự thuận tiện và hiệu quả trong công việc của kế toán
Sử dụng phần mềm kế toán giúp mang lại nhiều sự thuận tiện và hiệu quả trong công việc của kế toán

Dùng ngay miễn phí

Bước 3: Tính chi phí khấu hao, chi phí trả trước và phân bổ

Kế toán cần phân loại các nghiệp vụ phát sinh như chi phí trả trước, khấu hao… Đối với phần hành tài sản cố định và chi phí trả trước, kế toán cần hạch toán phân bổ chi phí phát sinh hàng tháng với thời gian phân bổ hợp lý đúng quy định.

Nếu hạch toán với phần mềm kế toán, kế toán cập nhật thông tin chung, giá trị và thời gian phân bổ của các Tài sản cố định và các khoản chi phí trả trước vào phần hành tương ứng. Đồng thời lập bảng Excel theo dõi song song trích khấu hao, phân bổ chi phí trả trước. Nên đối chiếu, so sánh kết quả phân bổ trên phần mềm với bảng Excel.

Một số doanh nghiệp đặc thù, để phục vụ yêu cầu quản trị chi phí, có thể sẽ cần thêm bảng phân bổ chi phí bằng Excel.

  • Các khoản chi phí như tiền lương, BHXH, BHYT các chi phí mua ngoài khác… được phân bổ cụ thể cho từng mã sản phẩm, hợp đồng, dự án.
  • Các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng…cần phân bổ chi tiết đến từng bộ phận, phòng ban.

Bút toán phân bổ tự động trên phần mềm kế toán MISA
Bút toán phân bổ tự động trên phần mềm kế toán MISA

Bước 4: Hạch toán các khoản ước tính, điều chỉnh

Cuối năm, kế toán rà soát để điều chỉnh hoặc hạch toán bổ sung vào phần mềm kế toán:

  • Bút toán đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ
  • Các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh….
  • Các khoản chi phí của năm cần trích trước: Lương tháng 13, thưởng tết âm lịch, chi phí kiểm toán, chi phí mang tính chất thường xuyên tiền thuê nhà, điện, nước, nguyên vật liệu,…
  • Bổ sung doanh thu chưa thực hiện chuyển sang thực hiện với các chương trình tri ân khuyến mại khách hàng…
  • Các bút toán phân loại lại khoản đầu tư, tiền gửi thấu chi, phân loại lại công nợ ngắn hạn dài hạn, các khoản vay ngắn hạn dài hạn, …
  • Các bút toán điều chỉnh sai sót (nếu có)
  • ………..

Bước 5: Kiểm tra đối chiếu số liệu sổ sách

Thứ nhất, kiểm tra, đối chiếu số liệu kế toán từng Tài khoản, giữa các Tài khoản với nhau, giữa Tài khoản với chứng từ thực tế phát sinh…

  • Kiểm tra việc chuyển số dư cuối kỳ trước sang đầu kỳ này của tất cả các tài khoản có số dư (Cả Sổ cái và Số chi tiết), đối với các phần hành Công nợ, Kho hàng hóa, các bạn cần kiểm tra lại số dư của từng đối tượng Khách hàng, Nhà cung cấp; kiểm tra số lượng và giá trị từng loại hàng hóa.
  • Kiểm tra sự phù hợp của chứng từ kế toán và hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
  • Kiểm tra đối chiếu giữa sổ chi tiết với sổ tổng hợp tài khoản (Sổ cái)

Thứ hai, kế toán cần nắm chắc những lưu ý trong quá trình kiểm tra, rà soát các Tài khoản để lên Báo cáo tài chính.

Đối chiếu trên phần mềm MISA AMIS
Đối chiếu trên phần mềm MISA AMIS Kế toán

Bước 6: Thực hiện các bút toán kết chuyển

Sau khi rà soát kiểm tra và bổ sung các bút toán còn thiếu, Kế toán sẽ thực hiện kết chuyển lãi/lỗ trong năm.

Lưu ý cần kết chuyển lãi/lỗ năm ngoái trước khi thực hiện kết chuyển lãi/lỗ năm nay. Sau khi kết chuyển, các tài khoản đầu 5,6,7,8,9 không còn số dư.

Đối với những doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, kế toán cần kết chuyển lần thứ nhất để xác định lãi, tính ra số thuế phải nộp, hạch toán bổ sung bút toán ghi nhận thuế và chi phí thuế phát sinh. Sau đó thực hiện kết chuyển lại để ra con số lợi nhuận cuối cùng.

Với phần mềm kế toán, bút toán kết chuyển có thể được cài đặt tự động, chỉ cần nhập thời gian, kết chuyển sẽ được thực hiện nhanh chóng thuận tiện.

Bước 7: Lập báo cáo tài chính trên phần mềm hỗ trợ kê khai thuế

Đây là bước cuối cùng trong quy trình lập báo cáo tài chính. Sau khi đảm bảo rằng tất cả các số liệu và nghiệp vụ kế toán đã chính xác và đầy đủ, kế toán sẽ bắt đầu lập báo cáo tài chính. Theo quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC, báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề và loại hình, không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp.

Nếu bạn sử dụng bảng Excel để hạch toán và lập báo cáo tài chính, bạn cần nhập từng chỉ số vào mỗi báo cáo thông qua Bảng cân đối số phát sinh của các tài khoản. Hãy kiểm tra kỹ lại các thông tin trong báo cáo tài chính, đặc biệt là báo cáo lưu chuyển tiền tệ, và đảm bảo các chỉ tiêu được thực hiện chính xác theo từng hoạt động tài chính, giúp phản ánh rõ ràng dòng tiền trong doanh nghiệp.

Để hoàn thành việc khai báo báo cáo tài chính, kế toán cần thực hiện trên phần mềm HTKK. Các bước thực hiện sẽ tuân theo trình tự sau:

Bước 1: Đầu tiên, mở phần mềm HTKK đã cài sẵn trên máy tính, sau đó đăng nhập bằng tài khoản doanh nghiệp đã đăng ký.

Đăng nhập vào phần mềm HTKK
Đăng nhập vào phần mềm HTKK

Bước 2: Chọn phần “Báo cáo tài chính”. Bước này sẽ thay đổi tùy thuộc vào chính sách kế toán từng doanh nghiệp khác nhau được áp dụng nhằm chọn đúng bộ BCTC phù hợp khi tiến hành kê khai.

Chọn mục Báo cáo tài chính
Chọn mục Báo cáo tài chính

Bước 3: Chọn tính năng “niên độ tài chính”: tiếp theo đó, màn hình sẽ hiển thị giao diện “Niên độ tài chính”. Tại đây, cần hoàn tất việc nhập đầy đủ các thông tin được yêu cầu rồi nhấn “Đồng ý” để giao diện “Nhập tờ khai” hiển thị.

Chọn niên độ tài chính
Chọn niên độ tài chính

Bước 4: Nhập tờ khai: Tại đây cần điền đủ thông tin yêu cầu ở 03 biểu: Cân đối kế toán, Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, Lưu chuyển tiền tệ gián tiếp. Sau khi đã hoàn tất, nhấn vào ô “Ghi” và đợi màn hình hiển thị thông báo “Đã ghi dữ liệu thành công!” là xong.

Điền tờ khai
Điền tờ khai

Bước 5: Bước cuối chỉ cần “Kết xuất XML” và lưu đúng file đã kết xuất hoàn thiện vào máy tính của mình để làm dữ liệu kế toán nộp lên cơ quan thuế. Như vậy là xong các bước lập báo cáo tài chính bằng phần mềm HTKK.

2. Hướng dẫn nộp báo cáo tài chính online

Chỉ cần có kết nối mạng, kế toán có thể nộp BCTC qua hệ thống thuế điện tử eTax của Tổng cục Thuế. Các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Truy cập vào cổng thông tin Thuế điện tử của Tổng cục Thuế theo đường dẫn: https://thuedientu.gdt.gov.vn/.

cổng thông tin Thuế điện tử của Tổng cục Thuế
Vào cổng thông tin Thuế điện tử của Tổng cục Thuế

Bước 2: Chọn mục “Doanh nghiệp” rồi đăng nhập vào hệ thống Thuế điện tử bằng tài khoản của doanh nghiệp theo hướng dẫn 1,2,3 như trong ảnh.

Chọn mục “Doanh nghiệp” rồi đăng nhập
Chọn mục “Doanh nghiệp” rồi đăng nhập

Bước 3: Sau khi đăng nhập thành công, chọn chức năng “Khai thuế”, chọn tiếp “Nộp tờ khai XML” rồi tải tờ khai lên tại ô “Chọn tệp tờ khai”.

chọn “Khai thuế”
Chọn “Khai thuế”

Bước 4: Khi tờ khai đã được tải lên, chọn vào ô “Ký điện tử” để tiến hành ký số.

chọn vào ô “Ký điện tử”
Chọn vào ô “Ký điện tử”

Bước 5: Sau khi đã ký số, nhấn vào ô “Nộp tờ khai” để hoàn tất việc nộp tờ khai Báo cáo tài chính năm.

Nhấn vào ô “Nộp tờ khai”
Nhấn vào ô “Nộp tờ khai”

Bước 6: Nộp phụ lục “Thuyết minh báo cáo tài chính” và “Bảng cân đối tài khoản”.

Nộp phụ lục “Thuyết minh báo cáo tài chính” và “Bảng cân đối tài khoản”
Nộp phụ lục “Thuyết minh báo cáo tài chính” và “Bảng cân đối tài khoản”

Bước 7: Thực hiện ký điện tử rồi nhấn nộp tờ khai để hoàn thành việc nộp phụ lục cũng như các bước nộp Báo cáo tài chính năm.

Tiến hành ký điện tử
Tiến hành ký điện tử và nộp tờ khai

Tới đây là đã hoàn tất việc nộp bctc năm. Kế toán cần lưu ý và tuân thủ đúng thời hạn nộp đã được pháp luật quy định.

Xem thêm: Phần mềm hỗ trợ kê khai thuế HTKK mới nhất hiện nay

3. Quy định pháp luật cần tuân thủ khi lập báo cáo tài chính

Khi lập báo cáo tài chính, kế toán cần hiểu rõ doanh nghiệp của mình thuộc chế độ kế toán nào, để chọn mẫu báo cáo tài chính theo thông tư đúng chuẩn pháp luật. Chế độ kế toán của các doanh nghiệp sẽ khác nhau tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, cụ thể:

  • Doanh nghiệp siêu nhỏ: Áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 132/2018/TT-BTC hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC.
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ (bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ): Được áp dụng theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
  • Doanh nghiệp có quy mô lớn: Riêng đối các doanh nghiệp lớn sẽ áp dụng nộp Báo cáo tài chính năm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.

4. Thời hạn nộp báo cáo tài chính

Về thời hạn nộp báo cáo tài chính, căn cứ vào Khoản 3 Điều 29 Luật kế toán 2015:

  • Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước: Báo cáo tài chính năm của Doanh nghiệp phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
  • Đối với Doanh nghiệp nhà nước sẽ có quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính theo quý và theo năm riêng.

XEM THÊM: Kỳ lập và thời hạn nộp báo cáo tài chính năm 2024 chính xác nhất

5. Lập báo cáo tài chính cần lưu ý gì?

5.1. Lưu ý khi lập bảng cân đối kế toán

Kế toán doanh nghiệp cần chú ý một số điểm sau khi lập bảng cân đối kế toán:

  • Tuân thủ nguyên tắc chung về lập và trình bày báo cáo tài chính
  • Các khoản mục Tài sản và nợ phải trả được trình bày thành ngắn hạn và dài hạn, tùy theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp và phân thành ngắn hạn, dài hạn theo nguyên tắc:
    • Tài sản và nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại ngắn hạn
    • Tài sản và nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại dài hạn
    • Trường hợp các doanh nghiệp không phân biệt rõ giữa ngắn hạn và dài hạn thì các tài sản và nợ được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần

Khi lập bảng cân đối kế toán, doanh nghiệp căn cứ các tài liệu như:

  • Sổ kế toán tổng hợp;
  • Sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc bảng tổng hợp chi tiết;
  • Bảng cân đối kế toán năm trước.

5.2. Lưu ý khi lập báo cáo kết quả kinh doanh

Kế toán cần loại trừ các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí phát sinh từ các giao dịch nội bộ khi lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa doanh nghiệp và đơn vị cấp dưới.

Kế toán căn cứ các tài liệu dưới đây để lập báo cáo kết quả kinh doanh:

  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm trước.
  • Sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết trong kỳ dùng cho các tài khoản từ loại 5 đến loại 9.

5.3 Lưu ý khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Việc lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hàng năm và các kỳ kế toán giữa niên độ cần tuân thủ quy định của chuẩn mực kế toán “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” và chuẩn mực kế toán “báo cáo tài chính giữa niên độ”.

Doanh nghiệp cần lưu ý các chỉ tiêu không có số liệu thì không phải trình bày và doanh nghiệp được đánh lại số thứ tự nhưng không được thay đổi mã số của các chỉ tiêu.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo 2 phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương pháp phù hợp với doanh nghiệp mình.

5.4. Lưu ý khi lập bản thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính dùng để phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin khác theo yêu cầu chuẩn mực kế toán cần phải đáp ứng được các nội dung sau:

  • Các thông tin về cơ sở lập và trình bày báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng
  • Trình bày các thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán chưa được trình bày trong các báo cáo tài chính khác.
  • Cung cấp các thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các bctc khác.

Tạm kết

Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về cách lập báo cáo tài chính. Hy vọng với những chia sẻ của MISA, kế toán có thể dễ dàng nắm bắt được cách làm và tự lập được BCTC của doanh nghiệp. Nhằm giúp tiết kiệm thời gian, và tăng tính chính xác, phần mềm kế toán MISA AMIS kế toán hỗ trợ kế toán lập báo cáo tài chính nhanh chóng và tự động, hạn chế sai sót. Chỉ với một lần nhấp chuột, phần mềm kế toán MISA AMIS tự động lập và xuất BCTC, không cần tốn nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo tính chính xác.

Phần mềm MISA AMIS Kế toán – Thay kế toán giải quyết 80% tác vụ thủ công

Loading

Đánh giá bài viết [Tổng số: 6 Trung bình: 5]

Từ khóa » Cách Làm Báo Cáo Tài Chính Hàng Tháng