Cái đẹp - Từ điển Wiki

Cái đẹp (tiếng Nga : prekrasnoe, tiếng Pháp : beauté) là phạm trù mỹ học xác định các hiện tượng theo quan điểm về sự hoàn thiện, xem các hiện tượng đó như là có giá trị thẩm mĩ cao nhất. Có thể xem các hiện tượng là đẹp khi với tính toàn vẹn cụ thể cảm tính của chúng thể hiện những giá trị nhân bản, xã hội, do sự khẳng định giá trị của con người trong thế giới, chứng tỏ sự mở rộng giới hạn tự do của xã hội và con người, thúc đẩy sự phát triển hài hòa của nhân cách, làm nảy sinh và bộc lộ ngày càng đầy đủ những sức mạnh và năng lực của con người.

Bởi vậy, việc cảm thụ cái đẹp thức tỉnh niềm vui sướng, tình yêu vô tư, cảm giác tự do, xác nhận và làm giàu lí tưởng thẩm mĩ. Trong lịch sử mĩ học, cái đẹp và sự cảm thụ cái dẹp được xem xét ở bình diện mối quan hệ giữa cái tinh thần và cái vật chất, cái khách quan và cái chủ quan, cái tự nhiên và cái xã hội, giữa nội dung và hình thức. Đặc trưng của cái đẹp được xác định thông qua mối quan hệ của nó với các loại hình giá trị khác: giá trị thực dụng (lợi ích), giá trị nhận thức (chân lý), giá trị đạo dức (cái thiện).

Đối với vấn đề cái đẹp là thuộc tính khách quan hay chỉ là vấn đề chủ quan, các khuynh hướng, học thuyết mĩ học khác nhau có những cách giải quyết khác nhau, tùy thuộc vào phương pháp luận triết học, trước hết là cách giải quyết vấn đề cơ bản của triết học.

Mĩ học mác-xít nhấn mạnh sự liên hệ cố tính quy luật giữa cái đẹp và hoạt động lao động của con người, coi hoạt động này là cơ sở nảy sinh cảm quan thẩm mĩ. Mĩ học mác-xít coi cái đẹp là thuộc tính khách quan bởi vì nó là giá trị nhân bản – xã hội được tạo ra trong sự tác động qua lại của tự nhiên và xã hội, của con người và con người trong quá trình thực tiễn xã hội lịch sử.

Sự đánh giá cái đẹp (bộc lộ qua tình cảm thẩm, lý tưởng thẩm mĩ) lại có tính chất chủ quan, và có thể chân thực hoặc giả dối tùy theo chỗ nó tương ứng hay không tương ứng với cái đẹp như là giá trị khách quan. Mĩ học mác-xít cũng nhấn mạnh sự liên hệ biện chứng giữa cái hữu ích với cái đẹp và cái thiện, trong khi nhiều học thuyết mĩ học khác đem đối lập cái đẹp với cái hữu ích và với sự nhận thức.

Nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt của việc sáng tạo và thể hiện cái đẹp, nhưng các tác phẩm nghệ thuật chỉ đẹp, tức là có giá trị nghệ thuật khi nó thể hiện chân thực đời sống trong mọi biểu hiện thẩm mĩ của nó thông qua lăng kính của lí tưởng nhân đạo, thể hiện được sự phong phú về tinh thần của cá nhân con người, và dưới một hình thức hoàn thiện bậc thầy.

Từ khóa » Cái đẹp Có Nghĩa Là Gì