Cái Ghẻ: Loài Ký Sinh Trùng đào Hang đẻ Trứng Trên Da Người

Cái ghẻ có tên khoa học Sarcoptes scabiei là loài chân đốt y học thuộc Họ Sarcoptidae. Loài cái ghẻ trước đây được gọi là Acarus scabiei trước khi giống Sarcoptes được công nhận và sau đó có tên khoa học là Sarcoptes scabiei. Loài S. scabiei có 3 phức hợp loài trong đó có phức hợp loài là S. scabiei var. hominis (ký sinh ở người), S. scabiei var. canis (ký sinh ở chó) và S. scabiei var. suis (ký sinh ở mèo) [1,2]. Mặc dù có kích thước cơ thể rất nhỏ nhưng nó chuyên “đào hang” để đẻ trứng và ký sinh trên da người và động vật.

1. Hình thể

Cái ghẻ trưởng thành toàn thân có hình bầu dục, mặt lưng gồ, mặt bụng phẳng, không có mắt, đây là đặc điểm để chúng ta có thể định danh Sarcoptes scabiei. Con trưởng thành có 8 chân. Trên mặt da có nhiều lằn song song và có nhiều lông, không có lỗ thở mà thở ngang qua da. Kích thước con cái khoảng 330 – 450 micrômét, con đực khoảng 200 – 240 micrômét. Miệng gồm một kiềm có răng, hai xúc biện hàm là ba đốt hình nón nối tiếp nhau, một môi dưới dính liền với hạ khẩu.

Trứng cái ghẻ có hình bầu dục, trong suốt, vỏ mỏng, kích thước (170 micrômét x 92 micrômét) [1,2].

Hình 1: Trứng Sarcoptes scabiei (a,b), Sarcoptes scabiei trưởng thành (c,d),được tìm thấy trên BN khám tại Viện Ký sinh Trùng – Côn Trùng TP.HCM.

2. Chu trình phát triển của cái ghẻ

Sau khi xâm nhập vào da ký chủ, cái ghẻ phá hủy mô dưới da làm thức ăn và đào đường hầm để làm nơi cư ngụ… Điều kiện thuận lợi cho chúng đào đường hầm là vào ban đêm, mỗi ngày đào được khoảng 3-5mm, những đoạn đường hầm kết thúc khi đụng tới lớp sừng của da. Đường hầm thường khó thấy, là biểu hiện lâm sàng đặc trưng nhất của bệnh ghẻ.

Giao cấu xong cái ghẻ đực chết, con cái về đêm tiếp tục đào đường hầm trong da và đẻ trứng. Mỗi lần đẻ 2-4 trứng, khoảng 2-3 ngày cái ghẻ đẻ 1 lần. Sau 3-4 ngày trứng nở ra ấu trùng có 6 chân. Ấu trùng đào đường hầm chui lên mặt da, xâm nhập vào nang lông hoặc chui vào lớp vảy thượng bì, tạo nên các bọc rất khó thấy bằng mắt thường. Khoảng 3-10 ngày ấu trùng lột xác lần một thành nhộng và lột xác hai lần thành con trưởng thành sau 8 ngày. Chu trình của cái ghẻ khoảng 8-15 ngày tùy vào nhiệt độ và khí hậu [1,2].

Hình 2: Chu trình phát triển của Sarcoptes scabiei (Nguồn Internet)

3. Vai trò gây bệnh

Ở người trưởng thành và trẻ lớn, ghẻ thường xuất hiện ở: kẽ ngón tay, các nếp gấp ở cổ tay, vùng khuỷu tay bên trong, lòng bàn chân, trong nách, lưng, mông, vùng quanh vú, xung quanh bộ phận sinh dục nam còn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí nhiễm thường: da đầu, mặt, cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân…. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể lan toàn cơ thể.

Hình 3: Tổn thương da trên BN nhiễm Sarcoptes scabiei đến khám tại Viện Ký sinh Trùng – Côn Trùng TP.HCM.

Cái ghẻ thường đào đường hầm vào ban đêm do đó người bệnh ngứa nhiều nhất là về đêm, lúc đi ngủ do cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang, làm người bệnh mất ngủ, lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể. Khi bám được vào bề mặt da, ghẻ cái chui sâu vào trong đẻ trứng, vùng da đó ngứa dữ dội do cơ thể phản ứng với các tác nhân dị ứng gây nên tình trạng ngứa, người bệnh gãi nhiều làm da bị trầy xước dễ bị bội nhiễm gây viêm da cấp tính với vi khuẩn (đặc biệt là Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes). Da bị sần lên, xuất hiện mụn nước, mụn mủ, … dẫn đến sự phát triển của bệnh chốc lở (loét da). Bệnh chốc lở có thể trở nên phức tạp do nhiễm trùng da sâu hơn như áp xe, cũng như bệnh xâm lấn nghiêm trọng và nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh [3].

Nhiễm trùng da liên quan đến bệnh ghẻ là một yếu tố nguy cơ phổ biến đối với các biến chứng qua trung gian miễn dịch như viêm cầu thận sau liên cầu khuẩn cấp tính (bệnh thận) và có thể là bệnh thấp khớp. Bằng chứng về tổn thương thận có thể được tìm thấy ở 10% trẻ em bị bệnh ghẻ nhiễm ở những nơi nghèo tài nguyên, dân cư đông đúc, khí hậu ấm và điều kiện vệ sinh kém trong, vấn đề này tồn tại trong nhiều năm sau khi nhiễm trùng góp phần gây tổn thương thận vĩnh viễn. [3]

Sự diễn biến của bệnh ghẻ thường phức tạp do nhiễm vi khuẩn, dẫn đến sự phát triển của các vết loét da, do đó, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng máu, bệnh tim và bệnh thận mãn tính.

Ghẻ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa da với da của người bị ghẻ. Khi ngứa người bệnh gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu…,bệnh ghẻ lây lan do nằm chung giường, mặc quần áo chung. Lây qua tiếp xúc da khi quan hệ tình dục nên xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bệnh có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể, vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, ở trại giam, …

Nếu có triệu chứng hoặc sinh hoạt tập thể có nguồn lây nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám phát hiện điều trị sớm hạn chế để lại biến chứng.

4. Chẩn đoán và điều trị

Các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh nhiễm cái ghẻ cũng giống như một số bệnh ngoài da khác, để chẩn đoán xác định tìm thấy đường hầm trên vị trí ngứa, hoặc có thể dùng con dao mổ cạo một vùng da bị ngứa để lên lam kính cho một giọt nước muối sinh ly và soi dưới kính hiển vi. Sau khi xác định được sự hiện diện của bọ ve và trứng, các bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán cuối cùng.

Điều trị cái ghẻ phải điều trị đồng thời cho tất cả mọi người đang sinh hoạt chung:tập thể, gia đình, nhà trẻ…tránh tình trạng tái nhiễm lẫn nhau, có thể sử dụng thuốc thoa hoặc thuốc uống; giặt sạch, phơi khô quần áo, chăn màn… [2].

Bệnh ghẻ có thể tái phát từng đợt theo chu kỳ 3 tuần do trứng còn sống sót và phát triển thành cái ghẻ trưởng thành. Do đó bắt buộc điều trị phải tuân thủ đúng phương pháp.

Thời gian gần đây Viện Sốt rét – KST – CT Tp. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một số bệnh nhân có cả người lớn và trẻ em đến khám bệnh Ký sinh trùng có triệu chứng lâm sàng ngứa, nổi mụn nước kẽ tay, mông…qua thăm khám bác sĩ chỉ định cạo mẫu da soi đã tìm thấy trứng cái ghẻ và cái ghẻ trưởng thành. Sau khi xác định là bệnh ghẻ, bệnh nhân được bác sĩ cấp toa điều trị và hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh.

5. Phòng bệnh

Vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ.

Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh[2].

Phạm Thị Thu Giang, Nguyễn Thị Khen

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Kim Dung (2010), Ký Sinh Trùng y học trang 326,327.

2. PGS.TS. Lê Thành Đồng (2018), “Các loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ Lâm Đồng”, trang 192 – 200.

3. https://www.who.int/neglected_diseases/diseases/scabies/en/ truy cập ngày 09/09/2019.

Từ khóa » Con Ghẻ ăn Gì