Cảm Nhận Của Em Về Hai Khổ Thơ Sau: "Ngửa Mặt Lên Nhìn Mặt..."

Tổng hợp dàn ý và các bài Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau: "Ngửa mặt lên nhìn mặt..." do Top lời giải tổng hợp và biên soạn. Với dàn ý và các bài văn mẫu dưới đây, các bạn sẽ có những tài liệu học tập môn Ngữ Văn thật bổ ích. Cùng tham khảo nhé!

Mục lục nội dung Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau:Dàn ý Cảm nhận của em về hai khổ thơ:  "Ngửa mặt lên nhìn mặt..."Bài văn Cảm nhận về hai khổ thơ:  "Ngửa mặt lên nhìn mặt..." - Mẫu 1Bài văn Cảm nhận về hai khổ thơ:  "Ngửa mặt lên nhìn mặt..." - Mẫu 2Bài văn Cảm nhận về hai khổ thơ:  "Ngửa mặt lên nhìn mặt..." - Mẫu 3

Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng

 

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình.”

(Trích Ánh trăng, Nguyễn Duy, SGK Ngữ văn lớp 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014, tr.156)

Yêu cầu chung:

- Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận văn học.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.

- Triển khai vấn  nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc. 

- Sáng tạo: Cách diễn đat độc đáo, có suy nghĩ riêng, mới mẻ, phù hợp với vấn đề nghị luận.

- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn xác chính tả, dùng từ, đặt câu, ngữ pháp.

Dàn ý Cảm nhận của em về hai khổ thơ:  "Ngửa mặt lên nhìn mặt..."

a. Mở bài

Thời gian vẫn trôi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng…nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi với thời gian. Trước khi chết, vua Phổ cầm tay Moda và nói “Ta tiêu biểu cho trật tự, ngươi tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến ngươi”. Có lẽ về sau, chúng ta vẫn sẽ không quên “Ánh trăng”  của Nguyễn Duy. Một bài thơ hay, ngọt ngào, da diết, là tiếng lòng thổn thức của Nguyễn Duy gửi đến thế hệ bạn đọc. Đặc biệt là hai khổ thơ cuối, là dòng cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng

 

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình.”

b. Thân bài

* Khái quát chung:

Thi phẩm “Ánh trăng” ra đời vào năm 1978, in trong tập thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy –tập thơ đạt giải A của Hội nhà Văn Việt Nam năm 1984. Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại gắn với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Theo dòng tự sự ấy mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái "giật mình" ở cuối bài thơ. 

* Cảm nhận khổ thơ:

- Khổ 5:

=> Thật vậy, vầng trăng đã từng gắn bó với tuổi thơ, với cuộc đời người lính, đã trở thành người bạn tri kỉ, ngỡ không bao giờ quên. nhưng hoàn cảnh sống đổi thay, con người cũng thay đổi, có lúc cũng trở nên vô tình. Sau chiến thắng trở về thành phố, quen “ánh điện cửa gương”, khiến cho vầng trăng tình nghĩa vô tình bị lãng quên nhưng một tình huống đời thường xảy ra làm cho con người phải giật mình tỉnh ngộ, phải đối mặt với vầng trăng mà sám hối:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt 

Có cài gì rưng rưng 

Như là đồng là bể 

Như là sông là rừng”

Vần thơ có cái gì đó khiến lòng người cảm động. Hai từ "mặt" trong cùng một dòng thơ: mặt người và mặt trăng, mặt đối mặt, lòng đối lòng. Bao cảm xúc bên trong nhân vật trữ tình lúc này cũng như cánh cửa sổ "bật tung" ra, trào dâng đến nỗi như "có cái gì rưng rưng". “Rưng rưng” là biểu hiện xúc động, nước mắt đang ứa ra, sắp khóc. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái "rưng rưng", cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính. Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng- biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, "như là đồng là bể, như là sông là rừng". Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm. Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như "có cái gì rưng rưng", đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc. Đọc bốn câu thơ, ta thấy thương thay cho trăng và tiếc thay cho người chiến sĩ.

"Khéo trách người sao quá vội vàng

Bỏ lại bao kỉ niệm quá khứ

Khá trách người sao quá phũ phàng

Lãng quên những yêu thương tình tự".

Nhân vật trữ tình đã có biết bao lần có thể hội ngộ cùng trăng, nhưng người đều bỏ lỡ dịp đó. Người đã xem trăng như người dưng, và giờ là lúc người bị cắn rứt lương tâm tột độ. 

- Khổ 6:

=> Khổ cuối bài thơ, Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm trong suy tư, trong chiêm nghiệm về vầng trăng tình nghĩa một thời:

"Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình."

“Trăng tròn vành vạnh” là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Nó đối lập với con người vô tình đổi thay, đối lập với ánh điện cửa gương dễ bị chi phối bởi hoàn cảnh. Hai tiếng “kể chi” như một lời khẳng định thể hiện sự bao dung độ lượng của trăng. Ánh trăng được nhân hoá và khoảnh khắc “im phăng phắc” là cái lặng im của sự nghiêm khắc mà bao dung, của sự thấu hiểu và độ lượng, tha thứ. Sự im lặng của trăng đủ để nhà thơ “giật mình”.  Cái giật mình ấy làm cho con người trở nên đáng trọng hơn. Cái “giật mình” là cảm giác và phản xạ tâm lí có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái “giật mình” của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải đổi thay trong cách sống. Cái “giật mình” tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sùng bái hiện tại mà coi rẻ quá khứ. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người. Nguyễn Duy thầm nhắc nhở chính mình và cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong hoà bình, hưởng những tiện nghi hiện đại, đừng bao giờ quên công lao của biết bao người đi trước. Trân trọng, khắc ghi, tri ân kỉ niệm. “Uống nước nhớ nguồn”.

* Đánh giá, mở rộng:

- Đánh giá:

=> Với giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng, hai đoạn thơ trên đã gây nhiều xúc động cho người đọc. Nó như là lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc chân thành. Qua đoạn thơ, tác giả muốn nói rằng: phải thuỷ chung, trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với nhân dân, với đất nước, và ngay với chính bản thân mình. 

- Mở rộng:

=> Cũng lối sống thủy chung, ân tình đó ta lại liên tưởng tới bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.  

Bài thơ khẳng định: hãy sống ân tình, thuỷ chung với quê hương, với quá khứ, với lịch sử và nhân dân. Chẳng ai hạnh phúc nếu không biết trân trọng, tri ân và chung thuỷ với quá khứ.

c. Kết bài

- Khẳng định thành công về tác phẩm:

=> Tóm lại,  hai khổ thơ trên mang tính chất triết lí sâu sắc, nhẹ nhàng cảnh tỉnh ai đó đã lãng quên quá khứ tốt đẹp. Cần biết sống thủy chung, nghĩa tình. 

- Dư âm của tác phẩm:

=> Cuộc sống hôm nay dù không còn bom đạn chiến tranh nhưng vẫn còn đó một cuộc đấu tranh với chính mình để loại bỏ cái vô tình, bội bạc, để hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Hai khổ thơ trên đã, đang và sẽ soi rọi vào những góc tối của tâm hồn để con người nhận ra chính mình và có những cái "giật mình" đáng quý.

Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau: "Ngửa mặt lên nhìn mặt..."

Bài văn Cảm nhận về hai khổ thơ:  "Ngửa mặt lên nhìn mặt..." - Mẫu 1

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” – đó là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học từ bao đời nay. Chỉ bàn đến các tác phẩm văn học hiện đại lớp 9, hẳn chúng ta đều biết đến các tác phẩm thuộc chủ đề này: “Bếp lửa” của Bằng Việt, “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. Qua các bài thơ, các tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.

Bằng hình tượng “Ánh trăng” thấm đượm ý nghĩa nhân văn và tư tưởng triết luận, Nguyễn Duy đã thẳng thắn và quả cảm gửi tới chúng ta một bức thông điệp tha thiết, đẹp đẽ: “Hãy lắng lại một phút cái chen lấn, bận bịu của cuộc sống để nhìn lại bản thân mình!” – để trở về với cội nguồn đạo lý “nhớ nguồn” của dân tộc thông qua việc xây dựng nhân vật trữ tình biết tự soi rọi, tự ý thức về những lầm lỗi của mình, để hướng thiện.

Lời nhắn nhủ của nhà thơ giống như một câu chuyện nhỏ với giọng điệu tâm tình. Đây là câu chuyện của chính nhà thơ. Lời thơ mở đầu như đưa người đọc trở về với quá khứ tuổi thơ của tác giả với một giọng kể nhỏ nhẹ. Đó là một tuổi thơ gắn bó thân thiết với thiên nhiên. Tuổi thơ được cảm nhận những điều kì thú của thiên nhiên. Đến khi trở thành người lính, sống ở trong rừng vầng trăng lại thành tri kỉ. Người chiến sĩ có thể nằm ngủ dưới trăng, đứng gác dưới trăng, trăng cùng chia sẻ những gian lao của cuộc đời người lính. Trăng cũng đã cùng vui niềm vui thắng trận của người chiến sĩ. Rõ ràng tình cảm của người chiến sĩ và trăng là tình cảm keo sơn gắn bó, tưởng như tình cảm đó gắn bó mãi mãi. Nhưng câu chuyện chuyển biến về hiện tại, điều “ngỡ không bao giờ quên” bây giờ đã quên. Giọng thơ như trầm lắng lại với nét trầm ngâm, suy tư khi kể tới. Cảnh phồn hoa nơi đô thị tấp nập, đời sống của con người cũng bắt đầu thay đổi. Ánh sáng của điện đã thay cho ánh sáng của trăng. Bởi thế mà lòng người lúc này cũng thay đổi. Vẫn là vầng trăng xưa, bây giờ vầng trăng ấy lại đi qua ngõ. Thế nhưng người bạn ấy bây giờ đã thành người dưng tức là không hề quen biết. Sự đổi thay này diễn ra trong lòng người lính. Anh đã quên đi người bạn năm xưa, người bạn đã từng chịu chung gian khổ ở rừng, cùng gắn bó với anh tuổi ấu thơ. Giọng thơ thầm thì như lời trò chuyện. Anh đang trò chuyện với chính mình, suy nghĩ về việc mình đã thay đổi tình cảm quên đi vẻ đẹp của thiên nhiên, bình dị. Phải chăng, sự suy ngẫm này như một sự sám hối, tự trách mình. Sống trong hiện tại mà quên đi quá khứ, sống trong hòa bình có đầy đủ vật chất mà quên đi những ngày gian khổ.

Nhưng nhà thơ không dừng lại ở đó mà còn sáng tạo ra một cuộc sống chân thật mà cũng rất quen thuộc xảy ra ở đô thị đó là hệ thống đèn điện tắt cả. Một không gian phòng - đinh tối om. Người chiến sĩ cũng giống như bao người khác vội bật tung cửa sổ, đột ngột thấy vầng trăng. Như vậy trăng xưa lại đến với người vẫn tròn vẫn đẹp và thuỷ chung với mọi người.

Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng, là bể

Như là sông, là rừng

Người ngắm trăng và suy ngẫm bâng khuâng “Ngửa mặt lên nhìn mặt”. Hai chữ “mặt” trong một vần thơ, mặt trăng và mặt người đối diện nhau. Đó là nhìn mặt tri kỉ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu nay mình dửng dưng. Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Trăng chẳng nói chẳng trách nhưng tâm trạng của người lính có gì đó rưng rưng. Phải chăng đó là tâm trạng xúc động nghẹn ngào. Nước mắt như chực ứa ra. Bao kỉ niệm đẹp của một đời người đã ùa về trong tâm trí người chiến sĩ. Từ "rưng rưng" gợi tả nỗi xúc động của thi sĩ. Những kỷ niệm ngày nào bấy lâu tưởng bị chôn vùi nay lại ùa về đánh thức tâm hồn người trong cuộc "như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Câu trúc của câu thơ sóng đôi kết hợp với phép tu từ so sánh, từ “là" được nhắc lại bốn lần cho ta thấy ngòi bút của Nguyễn Duy thật tài hoa. Ông đã gợi ta được sự gắn bó chan hòa với thiên nhiên của người chiến sĩ trong quá khứ. Bởi lẽ nhớ tới đồng, tới sông, tới bể là nói tới thời ấu thơ, nói tới rừng là nói tới thời chiến tranh. Hai hình ảnh thơ này được lặp lại ở khổ thơ đầu. Như vậy vầng trăng trong đoạn thơ không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là biểu tượng của quá khứ tình nghĩa. Vầng trăng đã đánh thức dậy tất cả, từ những năm tháng hoa niên cho đến khi cầm súng hành quân đuổi giặc dưới những cánh rừng. Hóa ra những ký ức đẹp đẽ ấy đã không mất đi và con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Ký ức ấy chỉ tạm lắng xuống, con người trong lúc bận rộn có thể lãng quên đi nhưng chỉ cần một tác động nhỏ nào đó, chúng sẽ sống dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đằm sâu hơn, tạo nên vẻ đẹp không gì sánh nổi của tâm hồn con người.

Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm tong suy tư, trong chiêm nghiệm về "vầng trăng tình nghĩa" một thời:

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình

Bài thơ dừng ở cảm xúc "rưng rưng" cũng đã rõ chủ đề. Nhưng thêm một đoạn cuối, ý tưởng bài thơ được đẩy cao thêm, rõ hơn và mạnh hơn trong sự bình luận về một thái độ sống. Hình ảnh "vầng trăng” còn được nhà thơ nhìn lại "tròn vành vạnh" thật là đẹp, một cái đẹp viên mãn không hề bị khiếm khuyết dù ai kia thay đổi, vô tình. Ánh trăng sáng tròn đầy hay chính là cái đẹp của tình nghĩa thủy chung, nhân hậu? Ánh trăng vừa nghiêm khắc, lạnh lùng, vừa bao dung độ lượng: “kể chi người vô tình”. Chính ánh trăng vô ngôn, không một lời trách cứ ấy đã khiến cho “người vô tình” thấy rõ cái khiếm khuyết của bản thân mà không khỏi “giật mình“ tỉnh ngộ. Thật khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn trong hai chữ "giật mình". Cái "giật mình" chân thành thay cho một lời sám hối ăn năn. Dù lời sám hối ấy không được cất lên nhưng chính vì thế nó lại làm cho ý thơ trở nên ám ảnh, day dứt hơn. Cả bài thơ là vô nhân xưng, đến đây tác giả mới xưng "ta" để nhận lỗi, để tạ tội. Một cái giật mình tái mặt khi nhận ra chân tướng của chính mình. Đằng sau cái giật mình ấy người đọc cảm nhận được niềm ân hận day dứt của một con người đã nghiêm khắc nhìn thẳng vào mình để nhận ra cái sai của mình. Người xưa hay nói "trong cái rủi có cái may". Một sự cố rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng. Đó chính là cái hay và độc đáo của bài thơ có sức cảm hóa lòng người.

Đọc bài thơ người đọc đều cảm nhận thấy đây không chỉ là câu chuyện riêng của nhà thơ mà cũng là chuyện của mình. Từ câu chuyện ấy gợi ra cho người đọc sự suy ngẫm và liên tưởng tới cách sống của chính mình . Nhà thơ tâm sự với bạn đọc những điều sâu kín nơi lòng mình nhưng cũng là để gửi tới người đọc một bức thông điệp về cách sống đẹp trong hoàn cảnh đất nước hòa bình. Qua tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy ở bài thơ "Ánh trăng", chúng ta như được thanh lọc lại tâm hồn mình, như lay động miền ký ức mà có lúc vô tình chúng ta đã lãng quên. Mong sao những ai từng ở với sông, với biển, với đồng, với rừng… trong những năm tháng gian lao ấy luôn luôn có được tình cảm này.

Bài văn Cảm nhận về hai khổ thơ:  "Ngửa mặt lên nhìn mặt..." - Mẫu 2

“Đừng đánh mất quá khứ vì với quá khứ, người ta xây dựng tương lai” (Anatole France). Thật vậy, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” – đó là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học từ bao đời nay. Chỉ bàn đến các tác phẩm văn học hiện đại lớp 9, hẳn chúng ta đều biết đến các tác phẩm thuộc chủ đề này: “Bếp lửa” của Bằng Việt, “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. Qua các bài thơ, các tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.

Bằng hình tượng “Ánh trăng” thấm đượm ý nghĩa nhân văn và tư tưởng triết luận, Nguyễn Duy đã thẳng thắn và quả cảm gửi tới chúng ta một bức thông điệp tha thiết, đẹp đẽ: “Hãy lắng laị một phút cái chen lấn, bận bịu của cuộc sống để nhìn lại bản thân mình!” – để trở về với cội nguồn đạo lý “nhớ nguồn” của dân tộc thông qua việc xây dựng nhân vật trữ tình biết tự soi rọi, tự ý thức về những lầm lỗi của mình, để hướng thiện.

Lời nhắn nhủ của nhà thơ giống như một câu chuyện nhỏ với giọng điệu tâm tình. Đây là câu chuyện của chính nhà thơ . Lời thơ mở đầu như đưa người đọc trở về với quá khứ tuổi thơ của tác giả với một giọng kể nhỏ nhẹ . Đó là một tuổi thơ gắn bó thân thiết với thiên nhiên . Tuổi thơ được cảm nhận những điều kì thú của thiên nhiên. Đến khi trở thành người lính , sống ở trong rừng vầng trăng lại thành tri kỉ. Người chiến sĩ có thể nằm ngủ dưới trăng, đứng gác dưới trăng, trăng cùng chia sẻ những gian lao của cuộc đời người lính. Trăng cũng đã cùng vui niềm vui thắng trận của người chiến sĩ. Rõ ràng tình cảm của người chiến sĩ và trăng là tình cảm keo sơn gắn bó, tưởng như tình cảm đó gắn bó mãi mãi. Nhưng câu chuyện chuyển biến về hiện tại, điều “ngỡ không bao giờ quên” bây giờ đã quên. Giọng thơ như trầm lắng lại với nét trầm ngâm, suy tư khi kể tới. Cảnh phồn hoa nơi đô thị tấp nập, đời sống của con người cũng bắt đầu thay đổi. Ánh sáng của điện đã thay cho ánh sáng của trăng. Bởi thế mà lòng người lúc này cũng thay đổi. Vẫn là vầng trăng xưa, bây giờ vầng trăng ấy lại đi qua ngõ.

Thế nhưng người bạn ấy bây giờ đã thành người dưng tức là không hề quen biết.Sự đổi thay này diễn ra trong lòng người lính. Anh đã quên đi người bạn năm xưa, người bạn đã từng chịu chung gian khổ ở rừng, cùng gắn bó với anh tuổi ấu thơ. Giọng thơ thầm thì như lời trò chuyện. Anh đang trò chuyện với chính mình, suy nghĩ về việc mình đã thay đổi tình cảm quên đi vẻ đẹp của thiên nhiên, bình dị. Phải chăng, sự suy ngẫm này như một sự sám hối, tự trách mình. Sống trong hiện tại mà quên đi quá khứ, sống trong hoà bình có đầy đủ vật chất mà quên đi những ngày gian khổ.

Nhưng nhà thơ không dừng lại ở đó mà còn sáng tạo ra một cuộc sống chân thật mà cũng rất quen thuộc xảy ra ở đô thị đó là hệ thống đèn điện tắt cả. Một không gian phòng buyn-đinh tối om. Người chiến sĩ cũng giống như bao người khác vội bật tung cửa sổ , đột ngột thấy vầng trăng. Như vậy trăng xưa lại đến với người vẫn tròn vẫn đẹp và thuỷ chung với mọi người .

Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng, là bể

Như là sông, là rừng

Người ngắm trăng và suy ngẫm bâng khuâng “Ngửa mặt lên nhìn mặt ”. Hai chữ “mặt ”trong một vần thơ, mặt trăng và mặt người đối diện nhau. Đó là nhìn mặt tri kỉ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu nay mình dửng dưng. Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Trăng chẳng nói chẳng trách nhưng tâm trạng của người lính có gì đó rưng rưng. Phải chăng đó là tâm trạng xúc động nghẹn ngào. Nước mắt như trực ứa ra. Bao kỉ niệm đẹp của một đời người đã ùa về trong tâm trí người chiến sĩ. Từ “rưng rưng” gợi tả nỗi xúc động của thi sĩ. Những kỷ niệm ngày nào bấy lâu tưởng bị chôn vùi nay lại ùa về đánh thức tâm hồn người trong cuộc “như là đồng là bể,như là sông là rừng”. Câu trúc của câu thơ sóng đôi kết hợp với phép tu từ so sánh, từ “là” được nhắc lại bốn lần cho ta thấy ngòi bút của Nguyễn Duy thật tài hoa. Ông đã gợi ta được sự gắn bó chan hoà với thiên nhiên của người chiến sĩ trong quá khứ. Bởi lẽ nhớ tới đồng, tới sông , tới bể là nói tới thời ấu thơ, nói tới rừng là nói tới thời chiến tranh.

Hai hình ảnh thơ này được lặp lại ở khổ thơ đầu. Như vậy vầng trăng trong đoạn thơ không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là biểu tượng của quá khứ tình nghĩa.Vầng trăng đã đánh thức dậy tất cả, từ những năm tháng hoa niên cho đến khi cầm súng hành quân đuổi giặc dưới những cánh rừng. Hóa ra những ký ức đẹp đẽ ấy đã không mất đi và con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Ký ức ấy chỉ tạm lắng xuống, con người trong lúc bận rộn có thể lãng quên đi nhưng chỉ cần một tác động nhỏ nào đó, chúng sẽ sống dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đằm sâu hơn, tạo nên vẻ đẹp không gì sánh nổi của tâm hồn con người.

Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm tong suy tư, trong chiêm nghiệm về “vầng trăng tình nghĩa” một thời:

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình

Bài thơ dừng ở cảm xúc “rưng rưng’’ cũng đã rõ chủ đề. Nhưng thêm một đoạn cuối, ý tưởng bài thơ được đẩy cao thêm, rõ hơn và mạnh hơn trong sự bình luận về một thái độ sống. Hình ảnh “vầng trăng” còn được nhà thơ nhìn lại « tròn vành vạnh » thật là đẹp, một cái đẹp viên mãn không hề bị khiếm khuyết dù ai kia thay đổi, vô tình. Ánh trăng sáng tròn đầy hay chính là cái đẹp của tình nghĩa thủy chung, nhân hậu ? Ánh trăng vừa nghiêm khắc, lạnh lùng, vừa bao dung độ lượng : “kể chi người vô tình”.Chính ánh trăng vô ngôn, không một lời trách cứ ấy đã khiến cho “ người vô tình” thấy rõ cái khiếm khuyết của bản thân mà không khỏi “giật mình “ tỉnh ngộ.Thật khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn trong hai chữ “giật mình”. Cái “giật mình” chân thành thay cho một lời sám hối ăn năn. Dù lời sám hối ấy không được cất lên nhưng chính vì thế nó lại làm cho ý thơ trở nên ám ảnh, day dứt hơn. Cả bài thơ là vô nhân xưng, đến đây tác giả mới xưng « ta » để nhận lỗi, để tạ tội. Một cái giật mình tái mặt khi nhận ra chân tướng của chính mình. Đằng sau cái giật mình ấy người đọc cảm nhận được niềm ân hận day dứt của một con người đã nghiêm khắc nhìn thẳng vào mình để nhận ra cái sai của mình Người xưa hay nói  “trong cái rủi có cái may”. Một sự cố rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng.Đó chính là cái hay và độc đáo của bài thơ có sức cảm hóa lòng người.

Đọc bài thơ người đọc đều cảm nhận thấy đây không chỉ là câu chuyện riêng của nhà thơ mà cũng là chuyện của mình .Từ câu chuyện ấy gợi ra cho người đọc sự suy ngẫm và liên tưởng tới cách sống của chính mình . Nhà thơ tâm sự với bạn đọc những điều sâu kín nơi lòng mình nhưng cũng là để gửi tới người đọc một bức thông điệp về cách sống đẹp trong hoàn cảnh đất nước hoà bình .Qua tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy ở bài thơ « Ánh trăng », chúng ta như được thanh lọc lại tâm hồn mình, như lay động miền ký ức mà có lúc vô tình chúng ta đã lãng quên. Mong sao những ai từng ở với sông, với biển, với đồng, với rừng… trong những năm tháng gian lao ấy luôn luôn có được tình cảm này.

Bài văn Cảm nhận về hai khổ thơ:  "Ngửa mặt lên nhìn mặt..." - Mẫu 3

Trăng là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Trăng như một biểu tượng thơ mộng gắn với tâm hồn thi sĩ. Nhưng có một nhà thơ cũng viết về trăng, không chỉ tìm thấy ở đấy cái thơ mộng, mà còn gửi gắm những nỗi niềm tâm sự mang tính hàm nghĩa độc đáo. Đó là trường hợp bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Vầng trăng đã từng gắn bó với tuổi thơ, với cuộc đời người lính, đã trở thành người bạn tri kỉ, ngỡ không bao giờ quên. nhưng hoàn cảnh sống đổi thay, con người cũng thay đổi, có lúc cũng trở nên vô tình. Sau chiến thắng trở về thành phố, quen ánh điện cửa gương, khiến cho vầng trăng tình nghĩa vô tình bị lãng quên. nhưng một tình huống đời thường xảy ra làm cho con người phải giật mình tỉnh ngộ, phải đối mặt với vầng trăng mà sám hối:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng.

Rưng rưng là biểu hiện xúc động, nước mắt đang ứa ra, sắp khóc. Giọt nước mắt làm cho lòng người thanh thản lại, trong sáng lại. Bao kỉ niệm đẹp ùa về, tâm hồn gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng xưa, với đồng với bể,với sông với rừng. Cấu trúc câu thơ song hành với các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ cho thấy ngòi bút Nguyễn Duy thật tài hoa. Đoạn thơ hay ở chất thơ bộc bạch chân thành, ở tính biểu cảm, ngôn từ và hình ảnh thơ đi vào lòng người, khắc sâu một cách nhẹ nhàng mà thấm thía những gì nhà thơ muốn tâm sự với chúng ta. Khổ thơ cuối mang hàm ý độc đáo và sâu sắc:

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình.

Tròn vành vạnh là trăng rằm, một vẻ đẹp viên mãn. Trăng vẫn thuỷ chung mặc cho ai thay đổi, vô tình với trăng. Ánh trăng im phăng phắc, không một lời trách cứ. Trăng bao dung và độ lượng biết bao. Tấm lòng bao dung độ lượng ấy khiến cho ta phải giật mình. Sự giật mình để tự lột xác, để trở về. Trở về với chính mình tốt đẹp xưa kia. Đó là cái giật mình để tự hoàn thiện.

Tóm lại, với giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng, đoạn thơ trên đã gây nhiều xúc động cho người đọc. Nó như là lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc chân thành. Qua đoạn thơ, tác giả muốn nói rằng: phải thuỷ chung, trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với nhân dân, với đất nước, và ngay với chính bản thân mình.

>>> Xem thêm: Cảm nghĩ về hình ảnh vầng trăng trong quá khứ qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

---/---

Thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau: "Ngửa mặt lên nhìn mặt..." tiêu biểu được Top lời giải tuyển chọn từ những bài viết hay, xuất sắc nhất. Mong rằng các em sẽ có khoảng thời gian vui vẻ và hữu ích khi học môn Văn!

Từ khóa » Có Cái Gì Rưng Rưng