Cân Bằng đặc - Rỗng Trong Quy Hoạch - Kiến Trúc - Nội Thất
Có thể bạn quan tâm
Cân bằng đặc – rỗng đã được đặt ra từ lâu trong quy hoạch – kiến trúc – nội thất. Cao ốc được xây chen chúc ở trung tâm phố cổ hay trang trí nội thất rườm rà, chi chít… đều là chuyện cân bằng đặc – rỗng, rộng ra là cân bằng âm – dương, hài hòa tự nhiên trong phong thủy.
Từ xa xưa, các bậc thức giả của nền văn hóa phương Đông đã quan niệm “dụng của cái không”, tạo ra khối tích nhằm sử dụng khoảng trống hữu ích (*), vì thế ngay trong một miếng đất, cách đào đắp cao – thấp để làm nhà lập vườn nhiều hay ít đã là tạo ra vùng âm – dương chứ chưa nói đến xử lý hình khối.
Cân bằng không phải chia đều
Không phải vô cớ mà mọi ý tưởng thiết kế, kinh doanh bất động sản cũng đều lấy cơ sở phân chia công năng, bởi điều đó thể hiện nhiều tương quan về các thành phần chủ đạo, đâu là tường ngăn, đâu là cửa, lối đi lại… để hình thành nên tốt xấu từ các thành phần cốt lõi ấy.
Một trong những phần thường bị điều chỉnh, đập phá khi xây nhà là kích thước cửa, khoảng giếng trời, lỗ trống cầu thang… gọi chung là những khoảng đặc – rỗng liên quan đến trong – ngoài của ngôi nhà. Nguyên do nằm ở việc xác lập từ đầu các mối tương quan, tỷ lệ giữa các phần đặc – rỗng để có được phân bố theo chính phụ, có ưu tiên, chứ không phải là chia đều. Tương quan đặc – rỗng mỗi ngôi nhà còn phụ thuộc vào tác động của ngoại cảnh. Ví dụ: nhà nằm ở vùng nông thôn, nhà vườn, biệt thự… có cây xanh bao bọc thì những hướng khí hậu tốt nên làm phần rỗng nhiều hơn đặc để thiên nhiên tràn vào nội thất. Gọi là rỗng nhưng thực ra vẫn có khoảng đệm (như hàng hiên, mái vươn xa…) để giảm bớt tác động trực tiếp của tự nhiên (mưa tạt, gió lùa, nắng xiên). Ở nước ta nhà xoay về hướng Tây chịu nắng khá gay gắt nên phải che chắn nhiều hơn, nhưng không hẳn là kín mít mà vẫn phải xen kẽ đặc – rỗng, có khối lồi lõm, có lam che chắn để xử lý linh hoạt.
Chuyện thóp hậu, nở hậu
Khi phần nhà phía sau nhỏ hơn, hẹp hơn so với mặt trước thì được gọi là “thóp hậu”, và khái niệm “nở hậu”, “thóp hậu” đã trở thành một trong những “tiêu chuẩn” để giới kinh doanh nhà đất đánh giá ưu – nhược một căn nhà, miếng đất. Thực sự đây là vấn đề liên quan đến môi trường và tâm lý; với nhà ống thì sự hơn kém nhau vài tấc có thể gây bất tiện trong sử dụng, tạo cảm giác chật chội. Nhà thóp hậu càng đi vào càng bị thu hẹp, tạo cảm giác tù túng, sắp đặt nội thất trở nên khó khăn. Nhưng vấn đề là phần sinh hoạt chủ yếu phải đủ, chứ không phải là so đo về kích thước trước – sau của tổng thể miếng đất hay ngôi nhà. Cụ thể như hình khối của công trình Nhà thờ Đức Bà nhìn từ trên cao xuống, không thể nói là thóp hậu được, và phần phía sau ít dùng đến thì nhỏ cũng không sao, phần gian chính để hành lễ là khu vực rộng rãi nhất.
Vì vậy, khoa phong thủy từ truyền thống đến hiện đại đều không quá đặt nặng chuyện nở hay “thóp hậu”. Gặp đất xéo thì làm nhà vuông, gặp nhà xéo thì làm phòng vuông, thậm chí đất vuông vẫn có thể làm nhà hay phòng xéo (**), miễn là không gian chính yếu được thuận tiện, thoải mái, thông thoáng. Cách thức sử dụng và xử lý không gian nội – ngoại thất như thế nào quan trọng hơn là sự chênh lệch vài ba tấc giữa kích thước mặt trước và mặt sau của miếng đất, ngôi nhà.
Thực tế xử lý nội thất nhà “thóp hậu” khá đơn giản, chỉ cần lấy một bên tường ổn định làm chuẩn để xác lập các không gian chính, phần xéo sẽ đặt các không gian phụ, đóng tủ tường, trổ giếng trời… nhằm xóa khiếm khuyết. Điều cốt lõi là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, hay bếp được vuông vức, dồn ngóc ngách về phía kho, vệ sinh, cầu thang… thì sẽ không còn cảm giác thóp hậu hay xéo góc nữa.
Đặc rỗng trên mặt bằng
Đối với nhà phố hiện nay khi xin phép xây dựng đều phải tuân thủ nguyên tắc chừa khoảng trống từ 10% đến 20% diện tích đất (tùy theo khu vực quy hoạch) chính là để tránh tình trạng làm “đặc” hết diện tích, không còn khoảng “rỗng” cho sự thông thoáng. Về phong thủy, nguyên tắc chung là không để bất kỳ một không gian phòng ốc nào trong nhà bị vây kín. Độ rộng của giếng trời còn giúp ánh sáng dương quang từ trên cao xuống được các phần sâu bên dưới. Lỗ trống cầu thang cũng là một khoảng rỗng theo chiều xiên giúp liên kết khí trong nhà được mạch lạc theo tuyến giao thông nhiều hơn.
Có lập luận cho rằng không cần trổ giếng trời vì đất đô thị tấc vàng, vì dùng máy lạnh là đủ (!?). Điều này thiếu cơ sở khoa học vì thứ nhất là không hề bỏ mất diện tích, chỉ không lấn chiếm, xây dựng hết mà thôi. Thứ nhì là khoảng giếng trời giúp tạo nên một miệng hút khí, cân bằng âm dương, làm nên dòng đối lưu tạo sự thông thoáng hơn. Thứ ba là cần phân biệt “không gian đi đến được và không gian nhìn ngắm hít thở được” trong phong thủy. Mở một giếng trời có thể không đi vào khoảng trống đó được nhưng lại được khoảng thông thoáng, thư giãn hữu dụng. Nội khí trong nhà nhờ đó liên kết với nhau tốt hơn, giảm tình trạng nhà ống bốn bề vây kín, dùng máy lạnh là giải pháp thụ động. Kinh nghiệm phong thủy truyền thống đã đúc kết “đa thiên tỉnh khắc sơn xuyên”, tức là dùng nhiều giếng trời (Thiên tỉnh) để tránh việc tạo nên những khe hẹp hun hút trong nhà (vùng Sơn xuyên) gây ra gió lùa, gió quẩn rất có hại.
Đặc rỗng trên mặt ngoài
Cũng như khuôn mặt con người, tương quan đặc – rỗng ngoại diện của ngôi nhà phải hài hòa tỷ lệ với nhau, đồng thời phải thể hiện cấu trúc nội thất của ngôi nhà đó. Nếu không quan tâm đến điều này, nhà có thể có các phần đặc – rỗng theo kiểu tạo hình khối, điêu khắc, sắp đặt… nhưng bên trong không gian thiếu hợp lý, khó sử dụng, nôm na là làm “đồ giả” chỉ nhằm trang trí cho mặt ngoài, ắt khiến trường khí nơi cư ngụ về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Với mặt trước nhà phố, chỉ riêng việc mở cửa các lầu cũng cần xem xét khác nhau hay rập khuôn. Điều này ứng với nguyên lý cân bằng âm – dương: phòng ở trên cao, tính dương nhiều thì nên mở hạn chế, có che chắn để ánh sáng không quá chói chang, giảm dương thịnh. Ngược lại, phòng ở dưới thấp hoặc phòng bị khuất kín, vốn ẩm thấp tối tăm, thì cửa nên mở sao cho tăng cường thêm nhiều ánh sáng, thông thoáng.
Việc bố trí các mảng lồi hay lõm, cong hay thẳng, vuông hay tròn, mái ngói hay mái bằng… của mặt ngoài nhà cũng gắn liền với yếu tố hài hòa âm – dương. Quá thuần dương (khối đặc) sẽ gây cảm giác bít bùng nặng nề, tù hãm nội khí hoặc ngược lại, thuần âm (mảng rỗng) nhiều thì tạo sự trống trải xuyên thấu từ ngoài vào trong sẽ gây tán khí, cảm giác bất an.
Nếu không phải là kiến trúc cổ điển phục chế, cửa hàng hay quán xá thì ngôi nhà hiện đại nên tránh làm mặt ngoài các chi tiết cổ xưa, giả tạo, đặt tượng thần, linh vật… bởi các chi tiết du nhập từ nơi khác sẽ có thể gây ngộ nhận về thị giác, khó hòa hợp với các sinh hoạt đương đại và luôn tồn tại nhiều dị biệt về văn hóa. Với sự trợ giúp của nhà chuyên môn, việc xử lý mặt tiền nhà hiện nay không hề quá phức tạp, miễn sao gia chủ có cái nhìn tổng thể, cân nhắc về cảnh quan chung và sự hài hòa trong ngoài, trên dưới, trước sau cho vấn đề thuộc về thẩm mỹ và văn hóa này.
(*) Chương 11, Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Lời dịch của GS Nguyễn Duy Cần, nói về “dụng của cái không”: Nhồi đất để làm chén bát/ Nhờ chỗ không, mới có cái dụng của chén bát/ Khoét cửa nẻo làm buồng/ Nhờ chỗ không, mới có cái dụng (**) Ví dụ công trình The Chapel đoạt giải “Kiến trúc của năm” vừa giới thiệu trên tạp chí Nội Thất số 216
- Ảnh Xuân Trang
Từ khóa » đặc Rỗng Trong Kiến Trúc
-
Mát Nhờ đặc Rỗng - Tạp Chí Kiến Trúc
-
Đặc & Rỗng - Ngoài & Trong - LANDTODAY
-
Áp Dụng Các Yếu Tố Rỗng Trong Kiến trúc Nhà ở
-
Đặc, Rỗng đan Xen Tạo Nên Không Gian Riêng Tư Mà Vẫn Tương Tác Tối ...
-
Cân Bằng đặc - Rỗng Cho Nhà - KIENTRUC.VN
-
Phong Cách Hiện Đại: Đặc điểm Và Ứng Dụng Trong Thiết Kế Kiến ...
-
Tính đặc Rỗng Trong Kiến Trúc đương đại - Đăng Nhập
-
Hình Khối Trong Kiến Trúc (Phần 2) - Mỹ Thuật MS
-
Đặc & Rỗng - Ngoài & Trong - .vn
-
Tương Quan đặc - Rỗng - BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
-
KTS BÙI THANH TÙNG: NGHỆ THUẬT ”TRỐNG MÀ KHÔNG RỖNG ...
-
CÁC QUY LUẬT BỐ CỤC HÌNH KHỐI KHÔNG GIAN CỦA CÔNG ...
-
Khám Phá Ngôi Nhà Có Không Gian Vòm Rỗng đặc Trưng Của Kiến Trúc ...