Chăm Sóc Giấc Ngủ Trẻ Sơ Sinh (Phần 1)

Sinh lý giấc ngủ trẻ sơ sinh

Trong vòng vài ngày ngày đầu, trẻ sơ sinh ngủ trung bình 16-18 giờ/ngày và ngủ từng giấc ngắn 2-4 giờ, đến 4 tuần tuổi trẻ ngủ khoảng 14 giờ/ ngày.

Giấc ngủ trẻ sơ sinh khác với giấc ngủ trẻ lớn và người lớn. Tuy nhiên cũng chia thành giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM - rapid eye movement) và giấc ngủ không cử động mắt nhanh (Non-REM - Non- rapid eye movement). Theo Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), một chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh có 5 giai đoạn:

· Giai đoạn 1: buồn ngủ - ngủ gà ngủ gật.

· Giai đoạn 2: ngủ thật sự – giấc ngủ REM hay còn gọi giấc ngủ hoạt động, trẻ giật mình, vặn mình, rên “è è”, mắt chuyển động bên dưới mi mắt nhắm. Nhịp thở thường không đều, ngưng thở 5-10 giây, sau đó bắt đầu đột ngột thở nhanh 50-60 lần/phút trong 10-15 giây rồi thở đều đặn lại cho đến khi chu kỳ lặp lại.

· Giai đoạn 3: giấc ngủ nhẹ nhàng, trẻ thở đều đặn hơn và ít cử động.

· Giai đoạn 4 và 5: giấc ngủ sâu và rất sâu– non REM hay còn gọi là giấc ngủ im lặng, trẻ nằm yên và không cử động, ngủ ngày càng sâu và khó đánh thức.

Chu kỳ ngủ ở trẻ sơ sinh ngắn (50 phút) khác với người lớn (90-100 phút) nên trẻ dễ bị thức giấc thường xuyên hơn. Trong giai đoạn giấc ngủ hoạt động, nhịp tim và nhịp thở không đều dễ đưa trẻ vào nguy cơ cao bị đột tử (SIDS).Chính vì trẻ dễ thức tỉnh nên bảo vệ trẻ không bị đột tử. Giấc ngủ hoạt động có thể quyết định sự phát triển não bộ của trẻ, còn giấc ngủ im lặng tốt cho sức khỏe và giúp củng cố trí nhớ.

Các yếu tố ảnh hưởng giấc ngủ

Một số trẻ dễ thức giấc và khó dỗ ngủ hơn những trẻ khác là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó đa số là từ môi trường và hành vi.

1. Môi trường:

· Nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng.

· Tiếp xúc quá nhiều ánh sáng đèn vào ban đêm, ít ánh sáng tự nhiên vào ban ngày.

· Tiếng ồn.

· Hoạt động xung quanh

2. Hành vi:

· Kích thích trẻ quá nhiều trước giờ ngủ (chơi đùa, nói chuyện): phải kết thúc trước 2-3 giờ.

· Cố gắng dỗ trẻ ngủ làm trẻ bị kích thích quá mức.

· Ngủ trưa trễ hoặc quá nhiều.

· Tính khí trẻ: trẻ dễ tính thường dễ ngủ hơn.

3. Ảnh hưởng của gia đình:

· Mong muốn không thực tế của cha mẹ về nhu cầu ngủ của trẻ

· Văn hóa

· Mẹ bị trầm cảm.

4. Bệnh lý:

Bất kỳ tổn thương thực thể nào cũng đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

Tài liệu tham khảo

1. www.healthychildren.org

2. www.parentingscience.com

3. http://hipdysplasia.org

4. American Academy of Pediatrics. SIDS and Other Sleep-Related Infant Deaths: Expansion of Recommendations for a Safe Infant Sleeping Environment. Pediatrics 2011;128:e1341–e1367

Từ khóa » Chu Kỳ Giấc Ngủ Của Trẻ