Những điều Cần Biết Về Giấc Ngủ Của Trẻ Sơ Sinh - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Giấc ngủ có tác động đến trẻ nhỏ như thế nào?
  • 2. Vai trò quan trọng của giấc ngủ là gì?
  • 3. Sự tỉnh lại từ giấc ngủ của trẻ
  • 4. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh
  • 5. Chú ý khi quấn khăn ở trẻ
  •  6. Giúp bé ngủ ngon như thế nào?

Ngủ là một hiện tượng sinh lý rất quan trọng của con người. Giấc ngủ giúp hồi phục khả năng hoạt động của não bộ sau thời gian suy nghĩ, hoạt động, giảm stress. Ở trẻ nhỏ, việc ngủ còn mang một vai trò đặc biệt quan trọng đó chính là giúp phát triển trí tuệ ở trẻ. Do đó, để đảm bảo sự phát triển trí tuệ của trẻ, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu về đặc điểm giấc ngủ, vai trò của giấc ngủ, các rối loạn về giấc ngủ và một số mẹo giúp trẻ có giấc ngủ tốt.

1. Giấc ngủ có tác động đến trẻ nhỏ như thế nào?

Trẻ sơ sinh trung bình ngủ nhiều cả ngày. Việc thức dậy của trẻ chỉ để ăn, bú và thường cố định sau vài giờ. Những bậc cha mẹ mới vừa sinh con đầu thường khó biết hay hiểu được thời gian và tần suất ngủ của những trẻ sơ sinh. Và cũng thật không may mắn khi trong những ngày tháng đầu đời gần như không có lịch trình định sẵn và nhiều trẻ sơ sinh có những chu kỳ thức ngủ không cố định. Cũng như thật sự sai lầm khi nghĩ rằng trẻ thường thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm.

Thông thường, trẻ sơ sinh ngủ tổng cộng khoảng 8 đến 9 giờ vào ban ngày . Và tổng cộng khoảng 8 giờ vào ban đêm. Nhưng vì bé có dạ dày nhỏ – tất nhiên rồi. Do đó trẻ phải thức dậy mỗi vài giờ để ăn. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ không bắt đầu ngủ liên tục không thức trong đêm (giấc 6 đến 8 tiếng) cho đến khi trên 3 tháng tuổi. Nhưng thực sự thì điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng bé. Một số em bé không ngủ liên tục trong đêm cho đến gần 1 năm tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, em bé của bạn sẽ thức dậy và sẵn sàng ăn ít nhất 3 giờ một lần. Con bạn có thường xuyên ăn hay không phụ thuộc vào những gì bé được cho ăn và tuổi của bé.

>> Xem thêm: Trẻ không muốn đi ngủ : Bạn cần phải làm gì?

Hãy theo dõi những thay đổi trong chu kỳ giấc ngủ của bé

Nếu em bé của bạn đã ngủ liên tục, và đột nhiên thức dậy thường xuyên hơn, có thể có một vấn đề nào đó đã xảy ra.

Hoặc em bé của bạn có thể đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng và cần ăn thường xuyên hơn. Ngày nay, người ta thấy rằng một số rối loạn giấc ngủ đơn giản là do những thay đổi trong sự phát triển hoặc do có gì đó kích thích trẻ từ môi trường bên ngoài.

2. Vai trò quan trọng của giấc ngủ là gì?

Ngủ chính là lúc để não bộ phát triển. Giấc ngủ tham gia vào quá trình phát triển của trẻ thông qua hormone tăng trưởng. Có tới 80% tế bào não được tạo ra trong 3 năm đầu đời, liên quan mật thiết đến thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ của trẻ. Không chỉ có vai trò trong việc phát triển thể chất, giấc ngủ còn có ý nghĩa đối với việc phát triển trí tuệ, bởi lúc ngủ là thời gian để não bộ có thể xử lý những thông tin mà trẻ tiếp nhận được trong ngày.

Nếu không vì lý do bất khả kháng, trẻ nên được mọi điều kiện để có được một giấc ngủ ngon, đảm bảo cả thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể khiến cho trẻ hay quấy khóc, cáu kỉnh. Lâu dài có thể dẫn đến giảm trí nhớ, giảm khả năng học tập, thậm chí là rối loạn hành vi, cảm xúc khi trẻ trưởng thành.

>> Xem thêm: Giấc ngủ kinh hoàng ở con trẻ có thật sự kinh hoàng?

3. Sự tỉnh lại từ giấc ngủ của trẻ

Sau khi thức dậy, thông thường, trẻ sẽ trải qua 2 giai đoạn “thức tỉnh”.

3.1 Giai đoạn thức tỉnh yên lặng

Khi thức dậy từ một giấc ngủ, bé tỉnh lại, mở mắt và yên tĩnh lắng nghe, tiếp thu các kích thích (âm thanh, mùi, màu sắc, ánh sáng, va chạm) từ bên ngoài. Trong giai đoạn này bé có thể nhìn chằm chằm vào một vật gì đó, di động mắt theo dõi vật đó, phản xạ lại với các kích thích khác.

3.2 Giai đoạn khóc

Sau giai đoạn yên lặng, lẽ dĩ nhiên các bé sơ sinh sẽ khóc. Cơ thể bé có thể uốn éo, cử động và khóc to. Trong giai đoạn này, bất kỳ cảm giác hoặc kích thích nào gây ra sự khó chịu cho bé sẽ làm em khóc to hơn. Do đó, lúc này cần làm dịu bé, đặt bé vào một môi trường yên tĩnh, thoải mái. Cụ thể hơn, bạn có thể:

  • Ẵm bé, ôm bé vào lòng.
  • Quấn khăn giữ vừa chặt bé và đặt bé vào trong môi trường yên tĩnh, an toàn.
  • Trẻ sơ sinh thường thức dậy vì đói, do đó, cách tốt nhất là cho bé bú trước khi bé bước vào giai đoạn khóc này. Việc bé khóc có thể làm bé từ chối bú bình hoặc bú sữa mẹ. Thông thường, ở trẻ sơ sinh, khi trẻ khóc là lúc trẻ đang rất đói.

4. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh

4.1 Nguyên nhân sinh lý

Có 2 loại giấc ngủ: REM (Rapid Eye Movement: chuyển động mắt nhanh, với các biểu hiện nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, não tăng chuyển hóa,…) và NREM (Non Rapid Eye Movement: không chuyển động mắt nhanh).

Bên trái: REM - giai đoạn mắt đảo nhanh. Bên phải: NREM - giai đoạn mắt không đảo
Bên trái: REM – giai đoạn mắt đảo nhanh. Bên phải: NREM – giai đoạn mắt không đảo.

REM là giai đoạn mơ nhiều: Trong giai đoạn này, người ngủ có cằm thả lỏng. Nhưng ngược lại, mặt cũng như các ngón tay, ngón chân lại xoắn vặn.

Một số vấn đề khác liên quan REM:

Sóng điện não nhỏ và không đều đặn với hàng loạt các hoạt động của mắt. Trong nhiều trường hợp sóng não đồ giống hệt như lúc thức. Các hoạt động cơ thể tăng lên một cách đáng kể: huyết áp dao động nhưng có thể tăng đáng kể, mạch tăng không đều và người ngủ phải đối mặt với những vấn đề về tim mạch và có nguy cơ cao của cơn đau thắt ngực. Thở không đều và tăng mức tiêu thụ oxy. REM chính là giai đoạn mà các giấc mơ xuất hiện.

Ở trẻ sơ sinh, giấc ngủ NREM và giấc ngủ REM chiếm thời gian gần như bằng nhau (50%). Trong khi ở người trưởng thành, giấc ngủ NREM chiếm đến 75% tổng thời gian ngủ. Tương ứng, giấc ngủ REM ở người lớn chỉ chiếm 25%.

Giấc ngủ REM ở trẻ sơ sinh nhiều hơn người lớn khiến cho việc đánh thức trẻ dễ dàng hơn. Chỉ với cử động nhẹ là trẻ có thể tỉnh giấc hoàn toàn. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Làm sao để mỗi đêm chăm sóc trẻ sơ sinh không là nỗi ám ảnh?

4.2 Nguyên nhân bệnh lý

Các bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, thần kinh,… đều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh. Một số bệnh lý mạn tính cũng có thể khiến cho giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng và ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

5. Chú ý khi quấn khăn ở trẻ

Đây là một hành động thường gặp giúp bé an tâm ngủ ngon. Khi thực hiện đúng, bé sẽ dễ dàng ngủ. Tuy nhiên nếu không làm đúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của em.

để hai chân của bé hoạt động khi quấn khăn
Hãy để hai chân của bé hoạt động khi quấn khăn.

Quấn khăn cho trẻ sơ sinh một cách giữ bé nằm khít khao trong chăn. Mục đích để để giữ cho tay và chân không bị di lệch ra ngoài. Điều này có thể làm cho em bé cảm thấy an toàn và giúp bé ngủ. Bạn có thể mua một chiếc chăn quấn đặc biệt được thiết kế để làm cho việc quấn dễ dàng hơn.

Không quấn khăn ở trẻ lớn

Đừng quấn khăn nếu em bé của bạn được 2 tháng tuổi trở lên, hoặc nếu em bé của bạn đã có thể tự lăn. Việc quấn tã có thể làm tăng nguy cơ mắc SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Hội chứng này có thể xảy ra nếu em bé quấn khăn tự lăn và nằm sấp (mặt hướng xuống nền cứng).

Đừng quấn khăn chặt hông và 2 chân trẻ

Khi bạn quấn khăn, hãy cho bé đủ chỗ để di chuyển hông và chân. Đừng cố gắng quấn khăn nhằm đặt hai chân của bé nằm thẳng và song song với nhau. Điều này làm tăng nguy cơ bé mắc phải các bệnh lý khớp hông. Các vấn đề khớp hông này có thể giảm khả năng tăng trưởng và phát triển chính xác dẫn đến bị vẹo, tật. Điều này còn có thể gây ra một vấn đề gọi là loạn sản xương hông và trật khớp.

Xem xét lại việc quấn khăn khi trời nóng

Ngoài ra, hãy cẩn thận khi quấn khăn cho bé nếu thời tiết ấm áp hoặc nóng. Sử dụng chăn dày trong thời tiết ấm áp có thể khiến bé quá nóng gây ra sự hiểu lầm là bé bị sốt do bệnh. Vì vậy hãy dùng khăn mỏng, hoặc khăn màng để quấn trẻ trong thời tiết nóng nực.

 6. Giúp bé ngủ ngon như thế nào?

Em bé có thể không thể hình thành thói quen sinh học của riêng mình. Đặc biệt là đối với việc đi ngủ. Bạn có thể giúp bé ngủ dễ dàng bằng cách nhận biết các dấu hiệu sẵn sàng cho giấc ngủ. Từ đó dạy bé tự ngủ, và cung cấp môi trường phù hợp để có giấc ngủ của em thoải mái và an toàn.

>> Tham khảo bài viết: Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có an toàn không?

Các dấu hiệu bé sẵn sàng ngủ là gì?

Em bé của bạn có thể có dấu hiệu sẵn sàng cho giấc ngủ khi bạn nhìn thấy các dấu hiệu sau:

  • Dụi mắt.
  • Ngáp.
  • Nhìn xa xăm.
  • Tập trung nhìn vào gì đó một cách hơi căng thẳng.
giấc ngủ của trẻ
Dụi mắt là một dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ngủ.

Làm thế nào bạn có thể giúp em bé ngủ?

Khi đến giờ đi ngủ, nhiều bậc cha mẹ muốn cho bé ngủ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ ngủ trong khi đang bú và điều này hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên nó có thể không tốt nếu bạn muốn giúp bé có một thói quen đi ngủ tốt. Vì nếu một đứa trẻ lớn hơn một chút ngủ trong khi đang ăn hoặc đang được bế thì điều này có thể dễ dàng trở thành một thói quen. Em bé của bạn sau đó có thể bắt đầu mong đợi được nằm trong vòng tay của bạn để ngủ. Trong thời gian đang bế trên tay, nếu bạn vô tình đánh thức bé thì, bé có thể không thể tự ngủ trở lại được và khóc.

Tạo thói quen ngủ cho bé

Sau thời kỳ sơ sinh, hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên cho phép bé ngủ trong vòng tay của bạn. Tuy nhiên, sau đó bạn sẽ đặt bé nằm trên giường trong khi em vẫn còn thức. Bằng cách này, bé học cách tự đi ngủ. Chơi nhạc nhẹ trong khi bé đang buồn ngủ cũng là một cách tốt để giúp tạo thói quen đi ngủ.

Tạo thói quen ngủ cho trẻ là việc rất quan trọng. Vừa giảm áp lực cho các bậc phụ huynh vừa tạo ra tính tự lập riêng cho bé sau này. Với một đồng hồ sinh học về giấc ngủ tốt, các bậc cha mẹ có thể chăm sóc con tốt hơn. Việc nhận ra lúc nào bé buồn ngủ và hỗ trợ bé ngủ cũng vô cùng cần thiết.

Từ khóa » Chu Kỳ Giấc Ngủ Của Trẻ