CHẤT HOẠT ĐỘNG BỀ MẶT TRONG SỮA RỬA MẶT (PHẦN 1)

Làm sạch bằng sữa rửa mặt là một bước vô cùng quan trọng trong quy trình skincare. Để tránh mất quá nhiều thời gian để trải nghiệm nhiều loại sữa rửa mặt mới tìm được chân ái, thường thì mình sẽ chọn cách đọc thành phần của sản phẩm. Phần 1 ngày hôm nay mình sẽ giới thiệu tổng quan về chất hoạt động bề mặt – thành phần chính trong sữa rửa mặt. Phần 2 mình sẽ nói sâu hơn về chất hoạt động bề mặt tác động lên là da như thế nào nhé.

Có gì trong bài viết này

Toggle
  • 1. Giới thiệu chung về chất hoạt động bề mặt
  • 2. Vai trò Chất hoạt động bề mặt
  • 3. Phân loại
    • 3.1. Chất hoạt động bề mặt Anion
      • 3.1.1.Các dạng chất hoạt động bề mặt Anion:
      • 3.1.2. Ưu và nhược điểm chất hoạt động bề mặt Anion
    • 3.2. Chất hoạt động bề mặt cation
    • 3.3. Chất hoạt động bề mặt lưỡng tính
    • 3.4. Chất hoạt động bề mặt Non-ionic
  • 4. Chất hoạt động bề mặt hoạt động như thế nào?
  • 5. Lời tạm kết
  • 6. Tài liệu tham khảo

1. Giới thiệu chung về chất hoạt động bề mặt

Khi còn học Đại học, mình chỉ gặp cụm từ Chất hoạt động bề mặt một lần, học xong rồi cũng quên béng. Vì Chất hoạt động bề mặt nghe có vẻ hơi xa lạ đến khi dấn thân vào giới skincare. Mình thật sự ngạc nhiên về mức độ sử dụng phổ biến của nó.

Chất hoạt động bề mặt được biết là thành phần hoạt động chính trong công thức sữa rửa mặt có chức năng tẩy rửa làm sạch hiệu quả. Có rất nhiều loại chất hoạt động bề mặt, nhưng cấu trúc chung của nó, nói một cách dễ hiểu, gồm hai đầu:

  • Đầu ưa nước : thường là một nhóm ion hoặc không ion, hòa tan được trong nước
  • Đầu kị nước (ưa dầu-không tan trong nước): thường là mạch hidrocacbon dài với nhiệm vụ lấy các phân tử dầu trên da.

2. Vai trò Chất hoạt động bề mặt

Chất hoạt động bề mặt ngày nay ngoài việc sử dụng làm chất tẩy rửa còn được ứng dụng rất phổ biến khác như làm chất hòa tan, chất nhũ hóa, là tác nhân chống tạo bọt, khử bọt hay khử dầu [6]. Cho những bạn chưa hiểu rõ về nhũ hóa, mình xin giải thích ngắn gọn thế này. Hiểu một cách đơn giản nhất, chất nhũ hóa vẫn là một dạng chất hoạt động bề mặt có tác dụng giảm sự phân pha giữa dầu và nước – hai thành phần không thể thiếu trong các loại mỹ phẩm. Chất này ngăn các giọt dầu lắng đọng; giúp dầu phân tán đều trong mỹ phẩm

Trong thế giới mỹ phẩm, Chất hoạt động bề mặt còn đóng nhiều vai trò quan trọng, chẳng hạn như giữ cho các chất lỏng không trộn lẫn vào nhau như dầu và nước lại được trộn đều nhau. Vì mỹ phẩm là hệ keo, dễ keo tụ theo thời gian, ví dụ như một số mỹ phẩm để lâu ngày bị tách lớp. Hiện tượng này được giải thích do nền nhũ hóa không bền sau một thời gian dài. Do đó, chất hoạt động bề mặt có khả năng giữ cho mỹ phẩm ổn định chức năng của nó ở thời gian dài.

Một điều quan trọng nữa, hiếm khi các Chất hoạt động bề mặt được sử dụng đơn lẻ, mà nó thường được kết hợp với nhiều Chất hoạt động bề mặt khác. Nhờ mix các Chất hoạt động bề mặt, sữa rửa mặt có tác dụng làm sạch hiệu quả hơn.

3. Phân loại

Có hàng ngàn loại Chất hoạt động bề mặt khác nhau và thật khó để biết được loại nào được sử dụng cho ứng dụng cụ thể nào. Trong mỹ phẩm, các Chất hoạt động bề mặt có thể được phân nhóm theo đặc tính điện tích của các đầu ưa nước của chúng. Trong bài viết này, mình xin liệt kê 4 nhóm chính thường gặp nhất thôi nhé.

– Anionic

– Cationic

– Lưỡng tính

– Không ion (Non-ionic)

Các dạng chất hoạt động bề mặt thường gặp

3.1. Chất hoạt động bề mặt Anion

Vì đây là chất hoạt động bề mặt được sử dụng nhiều nhất trong sữa rửa mặt nên phần này mình xin nói sâu hơn.

3.1.1.Các dạng chất hoạt động bề mặt Anion:

Chất hoạt động bề mặt Anion khi cho vào trong nước sẽ tách ra các anion, chẳng hạn như cacboxylat (-COO–), sulfat (-OSO3–), sulfonat (-SO3–),cacboxybetaine (-NR2CH2COO–), sulfobetaine (-N(CH3)2C3H6SO3–) [5]… Các anion này với đặc tính phân cực mạnh, sẽ hòa tan rất tốt với nước (nước là phân tử phân cực) do đó chúng có khả năng làm sạch bề mặt rất mạnh. Đây là loại Chất hoạt động bề mặt được sử dụng nhiều nhất trong sữa rửa mặt vì nó hỗ trợ quá trình tẩy rửa được dễ dàng hơn do đặc tính tạo bọt, lấy dầu làm các chất bẩn không tan bị đẩy lên, lơ lửng trên bề mặt bọt.

Các Chất hoạt động bề mặt anion phổ biến thường gặp:

  • Natri lauryl sulfat (SLS).
  • Amoni lauryl sulfat (ALS).
  • Hoặc các dẫn xuất ethoxyl natri lauryl sulfat (SLES).

3.1.2. Ưu và nhược điểm chất hoạt động bề mặt Anion

Ba chất hoạt động bề mặt SLS, ALS, SLES được sử dụng phổ biến vì tác dụng tạo bọt, làm sạch tuyệt vời với ưu điểm giá thành tương đối rẻ [5]. Nhưng nhược điểm lớn của dẫn xuất sunfat này là gây rát, khó chịu, kích ứng với một số người có làn da mẫn cảm [4]. Vấn đề này bên Twins chúng mình đã từng đề cập đến ở bài viết trước. Các bạn có thể xem lại theo link mình để ở phần Tài liệu tham khảo nhé [7].

Tuy nhiên, còn phải tùy vào bạn thuộc loại da nhạy cảm nào và công thức sữa rửa mặt đó để kết luận bạn có phù hợp hay không. Thực tế, có nhiều sản phẩm chứa gốc sunfat nhưng vẫn có thể sử dụng được cho da nhạy cảm. Nên việc đọc hiểu toàn diện mỹ phẩm thật là nan giải quá đi. Hiểu được điều đó, Twins chúng mình có đội ngũ tư vấn có thể giúp các bạn phân tích thành phần sản phẩm nè.

3.2. Chất hoạt động bề mặt cation

Chất hoạt động bề mặt Cation là những chất có điện tích dương trên đầu ưa nước. Khi hòa tan trong nước, phần ưa nước sẽ tách ra cation. Chất hoạt động bề mặt cation ngoài khả năng làm sạch còn có khả năng nhũ hóa và hòa tan. Điều đặc biệt chúng hấp thụ rất tốt trên tóc, làm mượt tóc nên thường chúng được sử dụng phổ biến hơn trong các sản phẩm chăm sóc tóc.

Các Chất hoạt động bề mặt cation thường là:

  • CTAB : Cetyl trimethylammonium bromide
  • CPC : Cetylpyridinium chloride
  • POEA : Polyethoxylated tallow amine
  • BAC : Benzalkonium chloride
  • BZT : Benzethonium chloride

Hiện nay, Chất hoạt động bề mặt cation thường được sử dụng nhất trong mỹ phẩm là Quats tức dạng amoni bậc 4 [5]. Đây là những hợp chất chứa Nito khi hòa tan trong nước sẽ tách ra điện tích dương. Điện tích dương này làm cho chúng bị hút tĩnh điện đến các vị trí âm điện (vùng bị tổn thương) trên tóc và protein trên da, làm cho chúng chống lại sự rửa trôi.

Thách thức lớn nhất của Chất hoạt động bề mặt cation là chúng không tương thích với các Chất hoạt động bề mặt anion. Vì hỗn hợp chất hoạt động bề mặt cation và anion có thể tạo thành muối cation-anion không tan. Điều này dẫn đến rất khó sản xuất các sản phẩm có khả năng làm sạch khi chỉ sử dụng Chất hoạt động bề mặt Cation. Bên cạnh đó, các Chất hoạt động bề mặt cation rất dễ gây kích ứng cho da, do đó phải xem xét kĩ khi được pha chế mỹ phẩm, do đó trong bài viết này mình xin phép được bỏ qua.

3.3. Chất hoạt động bề mặt lưỡng tính

Một số Chất hoạt động bề mặt có khả năng mang cả điện tích dương và điện tích âm tùy thuộc vào môi trường pH. Đặc tính này được gọi là “zwitterionic” và được gọi là Chất hoạt động bề mặt lưỡng tính. Ví dụ điển hình cho Chất hoạt động bề mặt thú vị này gồm:

  • Sodium Lauriminodipropionate
  • Disodium Lauroamphodiacetate [5].

Chất lưỡng tính chủ yếu được sử dụng trong mỹ phẩm như chất hoạt động bề mặt thứ cấp. Chúng có thể giúp tạo bọt, cải thiện độ dưỡng và thậm chí giảm kích ứng. Chúng cũng được sử dụng cho dầu gội đầu trẻ em và các sản phẩm làm sạch khác cần độ dịu nhẹ. Hạn chế là chúng không có đặc tính làm sạch tốt và không hoạt động tốt như chất nhũ hóa.

3.4. Chất hoạt động bề mặt Non-ionic

Các Chất hoạt động bề mặt có nhóm phân cực không bị ion hóa trong dung dịch nước. Phần ưa nước chứa nguyên tử oxi, nito hoặc lưu huỳnh. Phần kỵ nước là mạch hidrocacbon dài, không bị ion hóa nên không tích điện. Do đó, hoạt chất ít bị ảnh hưởng bởi nước cứng và pH của môi trường. Tuy nhiên chất hoạt động bề mặt không ion có nhược điểm là ít có khả năng lấy dầu và tạo bọt kém. Để làm tăng khả năng làm sạch trong sữa rửa mặt thì chất này thường được kết hợp với chất hoạt động bề mặt Anion.

Một số Chất hoạt động bề mặt Non-ionic thường gặp [5]:

  • Polyoxyethylene
  • Polyhydric alcohol ester: Ví dụ điển hình là monoglyceride, diglyceride, ester của axit béo sorbitan…
  • Ethyleneoxide-propyleneoxide block polymers

4. Chất hoạt động bề mặt hoạt động như thế nào?

Để hiểu được cơ chế hoạt động của chất hoạt động bề mặt, trước tiên mình xin phân loại các dạng chất bẩn:

  • Chất bẩn cơ học trơ: cát, bụi,…
  • Chất bẩn có thành phần hóa học ưa nước: nước ngọt, nước trái cây,…
  • Chất bẩn có thành phần hóa học kị nước: dầu, mỡ,…

Đối với những chất bẩn như cát, bụi và những chất có khả năng tan trong nước, việc rửa sạch thật dễ dàng ngay khi da mặt được tiếp xúc với nước. Nhưng với khí hậu Việt Nam, đa số chúng ta có làn da hỗn hợp và da dầu. Như bạn đã biết thì nước và dầu không thể hòa tan tốt vào nhau, do đó chất hoạt động bề mặt có hai đầu này sẽ là một cầu nối rất tốt giữa nước và dầu nhờn trên da mặt. Quá trình làm sạch này gồm hai cơ chế chính:

  • Lấy đi các chất bẩn bám lên da.
  • Giữ các vết bẩn đã lấy đi dạng lơ lửng để tránh cho chúng không bám trở lại da mặt.

Khi dùng sữa rửa mặt trên da, đầu ưa nước của Chất hoạt động bề mặt sẽ liên kết tốt với nước, và đầu kia liên kết với dầu, nhờ sự kết hợp này mà các bụi bẩn và chất cặn bã trên da được loại sạch hiệu quả.

5. Lời tạm kết

Đọc đến đây rồi chắc các bạn cũng đã mường tượng được chất hoạt động bề mặt là gì và nó gồm những loại nào. Nhưng mình chưa đủ để kết luận được làn da của mình phù hợp với chất hoạt động bề mặt nào đâu. Hẹn các bạn phần 2, mình sẽ giải đáp câu hỏi này và nói thêm sự tác động của nó lên làn da nhé ^^.

6. Tài liệu tham khảo

[1] K. Ananthapadmanabhan, et al. (2004), “Cleansing without compromise: the impact of cleansers on the skin barrier and the technology of mild cleansing”, Dermatologic therapy. 17, pp. 16-25. [2] A. Lips, et al. (2003), On skin protein–surfactant interactions, Society of Cosmetic Chemists Meeting, Washington, DC, pp. 8-9. [3] C. Prottey, et al. (1975), “Factors which determine the skin irritation potential of soaps and detergents”, J Soc Cosmet Chem. 26 (1), pp. 29-46. [4] https://chemistscorner.com/what-kinds-of-surfactants-are-used-in-cosmetics/ [5] Sách New Cosmetic Science, Takeo Mitsui, et al. (1997), pp.129-134. [6] https://chemistscorner.com/cosmetic-surfactants-part-1. [7] http://twinsskin.com/khoa-hoc-lan-da/cach-tri-mun-cho-da-dau-nhay-cam-don-gian-hieu-qua/#Nhung_thanh_phan_can_tranh_khi_lua_chon_san_pham_tri_mun doinguhoasinhdoinguhoasinh

Từ khóa » Các Amoni Bậc Iv Không Bị Vô Hoạt Bởi