Chênh Lệch Huyết áp Tâm Thu Và Tâm Trương Khi Nào đáng Lo Ngại?

Nội dung bài viết

  • Các chỉ số: huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, hiệu áp là gì?
  • Hiệu áp thế nào là bình thường?
  • Chênh lệch huyết áp tâm thu và tâm trương trong từng trường hợp phản ánh điều gì?

Khi đo huyết áp thông thường chúng ta chỉ lưu ý đến các chỉ số huyết áp tâm thu, tâm trương và nhịp tim. Tuy nhiên bên cạnh đó chúng ta cũng cần quan tâm đến một chỉ số quan trọng khác là hiệu áp (chênh lệch huyết áp tâm thu và tâm trương). Đây là chỉ số giúp ta tiên đoán tình trạng tim mạch của người bệnh, dựa trên kết hợp cùng với các biểu hiện lâm sàng để có hướng xử lý phù hợp. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết dưới đây nhé!

Các chỉ số: huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, hiệu áp là gì?

Huyết áp là áp lực của máu tác dụng lên thành mạch được biểu hiện bởi hai thông số, tính bằng đơn vị mmHg (milimet thủy ngân):

  • Huyết áp tâm thu: số tối đa phản ánh sức co bóp của tim.

  • Huyết áp tâm trương: số tối thiểu ghi nhận sức cản của thành động mạch.

Hiệu áp là hiệu số chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và tâm trương.

Ví dụ: Huyết áp tâm thu đo được là 120 mmHg. Huyết áp tâm trương đo được 80 mmHg. Lúc này hiệu áp của bạn là : 120-80 = 40 mmHg.

Hiệu áp là một yếu tố dự đoán tử vong và thương tật độc lập ở bệnh nhân có huyết áp bình thường và bệnh nhân cao huyết áp. Nhiều nghiên cứu cho rằng hiệu áp là tốt hơn so với huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Mặc dù không phải tất cả các nghiên cứu đồng ý với điều này.

Khi đo huyết áp, chúng ta cũng cần đánh giá chênh lệch huyết áp giữa 2 chỉ số này để dự đoán các nguy cơ sức khỏe
Khi đo huyết áp, chúng ta cũng cần đánh giá chênh lệch huyết áp giữa 2 chỉ số này để dự đoán các nguy cơ sức khỏe

Hiệu áp thế nào là bình thường?

Hiệu áp bình thường có phạm vi từ 40-60 mmHg. Hiệu áp có xu hướng ngày càng tăng ở những người lớn tuổi (thường sau độ tuổi 50). Nguyên nhân thường là do sự xơ cứng của thành mạch máu ngày càng tăng theo tuổi tác.

Hiệu áp từ 40 mmHg trở xuống được coi là hiệu áp hẹp. Áp lực mạch thấp cho thấy cung lượng tim giảm. Trường hợp hiệu áp xuống thấp nhỏ hơn hoặc bằng 20 mmHg (một số trường hợp có thể là 25 mmHg) được gọi là huyết áp kẹp.

Hiệu áp từ 55-60 mmHg trở lên được gọi là hiệu áp rộng. Áp lực mạch càng cao càng tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim, đặc biệt ở nam giới.

>> Xem thêm: Có nên khám hậu COVID không?

Chênh lệch huyết áp tâm thu và tâm trương trong từng trường hợp phản ánh điều gì?

1. Chênh lệch huyết áp tâm thu và tâm trương hẹp (Hiệu áp hẹp)

Hiệu áp hẹp xảy ra có thể do sự tăng huyết áp tâm trương hoặc do giảm huyết áp tâm thu.

Nguyên nhân

  • Do mất máu nội mạch: Thường gặp ở bệnh nhân biến chứng suy tim, sốt xuất huyết hoặc do chấn thương.
  • Các bệnh lý về van tim: hẹp van động mạch chủ, hẹp van hai lá. Hẹp van động mạch chủ làm giảm huyết áp tâm thu do giảm lượng máu tống đi. Hẹp van hai lá làm huyết áp tâm trương tăng do ứ máu ở thì tâm trương.
  • Các bệnh lý khác: suy tim, cổ trướng, tràn dịch ngoài màng tim.

Triệu chứng

  • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
  • Tức ngực, khó thở, hơi thở ngắn, có thể hụt hơi.
  • Suy giảm trí nhớ, giảm tập trung. Đôi khi ớn lạnh.
Các nguyên nhân gây hiệu áp hẹp có thể gây triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, khó thở...
Các nguyên nhân gây hiệu áp hẹp có thể gây triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, khó thở…

Hiệu áp hẹp nói lên điều gì?

Hiệu áp hẹp có thể dự đoán độc lập về tử vong do bệnh lý tim mạch ở những bị suy tim từ nhẹ đến nặng. Các nghiên cứu cho thấy hiệu áp hẹp có thể dẫn đến kết quả xấu ở những trường hợp này. Hiệu áp hẹp cũng liên quan với sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở những người bị suy tim mãn tính.

Cách xử trí khi gặp hiệu áp hẹp

  • Nằm nghỉ ngơi thư giãn.
  • Cố gắng hít thở sâu và đều.
  • Ngừng các công việc gắng sức để đảm bảo cho tim điều hòa hoạt động ổn định.
  • Liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn uống thuốc điều hòa huyết áp ổn định.

Cách phòng ngừa tình trạng hiệu áp hẹp

  • Có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
  • Theo dõi và kiểm soát huyết áp thường xuyên.
  • Tuân thủ các điều trị bệnh lý.
  • Tập luyện thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.
  • Lập tức đến các cơ sở y tế thăm khám khi có triệu chứng bất thường.

2. Chênh lệch huyết áp tâm thu và tâm trương rộng (Hiệu áp rộng)

Nguyên nhân

  • Lớn tuổi: Giảm tính đàn hồi thành mạch do tuổi tác và tăng vận tốc sóng mạch do sự xơ cứng dẫn đến hiệu áp rộng ở người già.
  • Sốc nhiễm trùng: Nhiễm trùng gây phản ứng viêm miễn dịch. Các cytokin tiết ra trong phản ứng này gây giãn mạch, tăng tính thấm nội mạc và giảm kháng lực mạch ngoại biên.
  • Hở chủ: dẫn đến một lượng lớn máu từ tâm thất xuống động mạch chủ trong tâm thu. Giảm mạch trong tâm trương là do sự trào ngược vào tâm thất và các động mạch chủ ngoại biên.
  • Tăng cung lượng tim.
  • Cường giáp: Hormon giáp có rất nhiều tác dụng trên hệ tim mạch, cũng như các hệ cơ quan khác. Nó gây tăng thể tích máu, tăng co bóp cơ tim và giảm kháng lực mạch, gây hiệu áp rộng.
Các hormone gia tăng trong bệnh cường giáp cũng góp phần ảnh hưởng đến hiệu áp
Các hormone gia tăng trong bệnh cường giáp cũng góp phần ảnh hưởng đến hiệu áp

Hiệu áp rộng nói lên điều gì?

Hiệu áp rộng là một triệu chứng rất có ý nghĩa, tùy thuộc vào từng trường hợp. Có bằng chứng mạnh mẽ cho rằng hiệu áp rộng làm tăng nguy cơ rung nhĩ và nguy cơ suy tim. Điều trị hiệu áp rộng mạn tính hoặc tăng huyết áp tâm thu đơn độc giúp giảm nguy cơ của các kết cục xấu. Một số nghiên cứu cũng cho thấy hiệu áp tăng làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh thận nặng.

Xử trí với hiệu áp rộng

  • Thông thường các điều trị cao huyết áp sẽ giúp dẫn đến giảm hiệu áp. Tuy nhiên mỗi loại thuốc hạ áp có ảnh hưởng khác nhau đến huyết áp và hiệu áp. Nitrat đã được chứng minh làm giảm huyết áp tâm thu trong khi vẫn giữ mức huyết áp tâm trương.
  • Bổ sung axit folic trong chế độ ăn uống cũng giúp làm giảm hiệu áp ở nam giới có huyết áp tâm thu bình thường hoặc hơi cao.

Hiệu áp (chênh lệch huyết áp tâm trương và tâm thu) là một chỉ số quan trọng giúp dự đoán nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ khi gặp các bất thường về sức khỏe và các chỉ số tim mạch để được tư vấn điều trị và xử lý kịp thời.

Từ khóa » Phản Biết Huyết áp Tâm Thu Và Tâm Trương