Huyết áp Tâm Trương, Tâm Thu Là Gì? - MedJin

Nội dung
  • Huyết áp là gì?
  • mmHg là gì?
  • Huyết áp tâm thu, tâm trương là gì?
  • Các rối loạn liên quan tới huyết áp
  • Cần làm gì để duy trì huyết áp ổn định

Huyết áp là gì?

Huyết áp được định nghĩa là áp lực của dòng máu lên lòng mạch trong quá trình đi nuôi dưỡng các mô cơ quan trong cơ thể. Hệ tuần hoàn bao gồm tim và các mạch máu, tim có khả năng sinh công, tạo động năng cho máu đi khắp cơ thể, còn các mạch máu có tính đàn hồi nhằm chứa đựng và dẫn máu tới mọi cơ quan.

Khi tim đập tống máu vào động mạch, áp lực từ tim qua máu tác động vào thành mạch, thành mạch đàn hồi chuyển động năng thành thế năng rồi tác động ngược vào dòng máu từ đó duy trì dòng máu ổn định chảy đều đặn tới các mô trong cơ thể. Cũng từ đó mà ta có huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu sẽ tìm hiểu dưới đây.

Huyết áp của mỗi người thường ổn định, dao động quanh một chỉ số được gọi là chỉ số huyết áp bình thường. Để duy trì sự ổn định đó, cơ thể có rất nhiều cơ chế tác động vào để tránh sự dao động quá mức. Tựu trung lại, huyết áp được điều hòa bởi hai cơ chế chính là thần kinh và thể dịch.

Các mạch máu cũng như tim được điều khiển chính bởi hệ thần kinh tự chủ - điều khiển mà chúng ta không ý thức hay cảm nhận được. Chúng sẽ điều khiển sự co giãn mạch máu, tần số cũng như lực co bóp của tim từ đó ảnh hưởng đến trị số huyết áp.

Ví dụ như khi ta lao động nặng, nhịp tim đập nhanh và mạnh, đến lúc nghỉ ngơi, hệ giao cảm sẽ làm nhịp tim đập chậm lại đưa huyết áp về trị số bình thường. Ngoài ra, cơ thể có hệ thống các hormon cũng như các chất sinh học tại chỗ giúp điều hòa huyết áp luôn giữ cho chúng ổn định, không đi quá xa.

mmHg là gì?

Mỗi khi đo huyết áp, các y bác sỹ sẽ trả lời một chỉ số ví dụ 120/80 mmHg, và đơn vị ở đây mmHg có nghĩa là gì? Thực ra, mmHg chỉ là một trong nhiều đơn vị trong đo đạc áp suất được sử dụng nhiều trong vật lý và cũng được ứng dụng trong y học.

Ngoài sử dụng để đo huyết áp, mmHg còn được dùng trong đo nhãn áp, đo áp lực khoang, áp lực khoang màng phổi, đo thông khí,… Là đơn vị phổ biến và thường dùng nhất trong đo huyết áp.

Huyết áp tâm thu, tâm trương là gì?

Trong chỉ số huyết áp của người bình thường hay được nhắc đến hai chỉ số chính ví dụ 120/80 mmHg thì các chỉ số này là gì? Ý nghĩa của chúng ra sao? Cùng tìm hiểu dưới đây.

  • Huyết áp tâm thu (systole) được định nghĩa là áp lực của dòng máu lên lòng mạch trong thì tâm thu – là thời kì tim co bóp. Khi này, áp lực của dòng máu lên lòng mạch là lớn nhất trong một chu kỳ tim.

Huyết áp tâm thu với chỉ số bình thường theo Tổ chức y tế Thế giới WHO dao động trong khoảng 90-140 mmHg, thay đổi tùy vào chủng tộc, tôn giáo, giới tính và cơ địa. Nói một người có huyết áp tâm thu là 120 mmHg nghĩa là áp lực vào lòng mạch của dòng máu trong không khí là 120mmHg và 880mmHg trong chân không (do áp suất không khí 760mmHg).

Huyết áp tâm thu được cho là có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Não, gan, thận và thậm chí tim cần có một mức huyết áp đủ và ổn định để hoạt động bình thường, nếu huyết áp tâm thu giảm xuống quá thấp sẽ không đưa được chất dinh dưỡng và oxy đủ tới đây cho chúng hoạt động. Thận cần áp lực đủ lớn để có thể lọc máu, loại bỏ các chất độc hại cho cơ thể, cũng như vậy, nhiều cơ quan của não sẽ ngừng hoạt động nếu huyết áp tụt quá sâu. Ngược lại, khi huyết áp quá cao, các mạch máu tại các cơ quan này cũng có thể không chịu được áp lực mà vỡ ra hoặc tạo khối phình chèn ép vào cơ quan gây nhiều ảnh hưởng.

  • Huyết áp tâm trương (diastole) là huyết áp trong thời kỳ tâm trương – là khi tim giãn hết mức để chuẩn bị cho chu kì co bóp tiếp theo. Trong thì tâm trường, áp lực lên lòng mạch lên tới tối đa sau đó giảm dần tới mức huyết áp tâm trương là thấp nhất. Huyết áp tâm trương theo Tổ chức y tế Thế giới dao động trong khoảng trên 60 đến dưới 90 mmHg. Huyết áp tâm trương cần được duy trì thấp hơn huyết áp tâm thu khoảng 30 mmHg để quá trình trao đổi chất giữa mạch máu và mô cơ quan được ổn định nhất.

Các rối loạn liên quan tới huyết áp

Huyết áp là một trong những chỉ số sinh tồn của cơ thể, vì chúng rất quan trọng trong sự hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể, đồng thời chúng cũng phản ánh sự hoạt động của hệ tuần hoàn. Do đó, các rối loạn huyết áp cũng ảnh hưởng tới cả cơ thể. Thường có hai loại chính:

  • Tăng huyết áp: là khi huyết áp tâm thu và/hoặc tâm trương vượt ngưỡng bình thường của cơ thể là 140 và/hoặc 90mmHg. Tăng huyết áp thường là tăng huyết áp nguyên phát (90%) nghĩa là không tìm thấy nguyên nhân trực tiếp. Còn một số nguyên nhân được tìm thấy như rối loạn nội tiết, dị dạng mạch thận, tổn thương thận,… là tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp được phát hiện nhờ các phương pháp đo huyết áp nhằm xác định và thể bệnh từ đó đưa ra phương pháp điều trị.
  • Hạ huyết áp: là khi huyết áp dưới mức bình thường theo Tổ chức y tế Thế giới. Hạ huyết áp làm người bệnh thiếu dòng máu đi nuôi những cơ quan quan trọng của cơ thể.

Cần làm gì để duy trì huyết áp ổn định

Để duy trì huyết áp ổn định, cần tham khảo một số gợi ý sau đây:

  • Tập thể dục thường xuyên, vừa sức mình. Tập thể dục vừa làm tăng sức khỏe, sức đề kháng và đồng thời tiêu hao năng lượng, làm giảm tích trữ mỡ trong cơ thể.
  • Chế độ ăn nhiều rau xanh: rau mang tới đầy đủ chất xơ, nước và vitamin cho hoạt động các cơ quan trơn tru. Rau xanh cũng giúp cơ thể giảm tiêu thụ các chất giàu năng lượng là căn nguyên làm tăng cân.
  • Sử dụng hoa quả thường xuyên và hợp lý: mang lại nhiều vitamin, tăng cường sức đề kháng, nhiều loại hoa quả có ích cho sức khỏe.
  • Chế độ sinh hoạt điều độ không nên làm việc quá nặng và nhiều, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
  • Lối sống lành mạnh không rượu bia, thuốc lá,…

Trên đây là những thông tin cơ bản về huyết áp. Những kiến thức mang tính chất tham khảo về một vấn đề được nhiều người quan tâm. Hi vọng chút ít kiến thức mang đến cho bạn đọc thêm sự hiểu biết về con người mình.

Từ khóa » Phản Biết Huyết áp Tâm Thu Và Tâm Trương