“Chó Nhảy Bàn độc” Có Nghĩa Là Gì? - Đông Tác

Độc giả: Thành ngữ “chó nhảy bàn độc” có nghĩa là gì? Có người nói “bàn độc” là chiếc bàn một chân đặt trước bàn thờ trên đó có thức ăn để cúng quải. Con chó vốn ham ăn nên trong những ngày cúng giỗ, người ta thường xua đuổi vì sợ nó ăn hỗn. Vì vậy mà khi nhảy được lên bàn độc thì nó mặc sức làm mưa làm gió. Nếu đúng như thế thì chiếc bàn độc là nét đặc thù về phong tục tập quán của vùng nào?

An Chi: Chúng tôi không tin rằng bàn độc là cái bàn một chân (kê trước bàn thờ trên đó có đặt thức ăn để cúng kiếng). Theo chúng tôi, đây chỉ là lối giải thích bằng từ nguyên dân gian cho rằng độc là một, là duy nhất (nên mới suy ra rằng đó là cái bàn “một chân”). Xuất phát điểm của từ nguyên dân gian trong trường hợp này có thể là từ tổ độc trác có nghĩa là (ngồi ở bàn) ăn một mình, đối với đồng trác là (ngồi) ăn chung. Có thể người ta đã hiểu sai độc trác thành cái bàn một chân (độc: một; trác: bàn) rồi chuyển cái nghĩa bị hiểu sai này sang cho từ tổ danh từ bàn độc trong tiếng Việt chăng”. Nhưng Đại Nam quốc âm tự vi của Huình-Tịnh Paulus Của lại giảng rằng bàn độc là “ghế lễ lớn có bốn chân xếp, cũng là bàn dọn ăn”. Vậy chữ độc ở đây không có nghĩa là một. Chẳng những thế, chính tả của nó cũng đã bị viết sai vì cách viết đúng phải là đọc. Chứng thực cho cách viết đúng này là các mục từ “bàn đạoc” (cột 22) và “bàn đọc” (cột 226) trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A. de Rhodes mà tác giả đã giảng là bàn thờ hoặc nơi cầu nguyện. Quyển từ điển này đã phân biệt rõ ràng hai vần oc và ôc: chữ đọc được viết là đạoc (X. cột 22) hoặc đăọc (X cột 205-206) còn chữ độc thì được viết là đọuc (X cột 220). Vậy đây là bàn đọc chứ không phải “bàn độc” vẫn biết rằng đọc chẳng qua cũng chỉ là một biến thể ngữ âm của độc , có nghĩa là xướng lên thành tiếng thành lời những điều đã được viết sẵn, in sẵn. Và bàn đọc chính là bàn tụng (hiện nay nhiều người vẫn còn dùng hai tiếng này), tức là cái bàn mà người ta đặt trước đầu quan tài, trên đó có bày hoa quả, trà rượu, lư hương, chân đèn… áp đầu quan tài có khung treo hình Phật, nơi nhà sư (hoặc thầy cúng) đặt lễ khí để gõ mõ tụng kinh mà cầu siêu cho người chết. Trong quá trình chuyển nghĩa của từ tổ đang xét, nghĩa gốc của nó lu mờ dần và mất đi. Bàn đọc đã được hiểu thành bàn cúng nói chung rồi với nghĩa này nó lại chuyển nghĩa thêm một lần nữa để chỉ cái bàn thờ (cái bàn cúng không nhất thiết là bàn thờ). Đây chính là nghĩa hiện hành được cho trong từ điển.

Vậy “chó nhảy (hoặc ngồi) bàn đọc” là chó nhảy (hoặc ngồi) bàn thờ. Thành ngữ này đã được Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ giảng như sau: “Vắng nhà hoặc cơn loạn-ly, trật-tự đảo-lộn, ai muốn làm chi thì làm”. Chúng tôi thì lại cho rằng đây không phải là chuyện xảy ra khi chủ vắng nhà, cũng chẳng phải chuyện xảy ra trong cơn loạn ly. Đây, theo chúng tôi, là thảm cảnh dở khóc dở cười xảy ra trong cơn lũ lụt: không những người phải chạy lụt, mà chó cũng phải chạy… nên mới nhảy lên bàn thờ mà ngồi. Đây chẳng qua là một trường hợp hoàn toàn bất khả kháng và chẳng qua cũng chỉ là một kiểu thích nghi với hoàn cảnh mà thôi. Có điều là kiểu thích nghi này quá hỗn láo. Hiền hơn nhiều là kiểu thích nghi - cũng để chạy lụt - mà Nguyễn Đình Chiểu đã nói đến trong câu thứ 6 của bài thơ “Nước lụt”:

“Lổm xổm (hoặc lóc ngóc) giường cao thấy chó ngồi”.

Còn trong câu thành ngữ đang xét thì người ta muốn điển hình hoá nên mới đem cái bàn đọc ra mà nói để tăng tính bi kịch cho hoàn cảnh. Ngày nay câu này không còn được hiểu theo nghĩa gốc của nó nữa nên mới được dùng để ám chỉ những kẻ tài hèn sức mọn mà lại có địa vị cao sang (X. chẳng hạn: Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Hà Nội, 1989, tr.57 hoặc Nguyễn Như ý (chủ biên), Từ điển thành ngữ Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr. 148).

Theo: Bachkhoatrithuc

Từ khóa » Bàn độc Có Nghĩa Là Gì