​CHỮ LỘC VÀ Ý NGHĨA TRONG CUỘC SỐNG - Đồ Thờ Hải Mạnh

CHỮ LỘC VÀ Ý NGHĨA TRONG CUỘC SỐNG

Chữ “Lộc” 禄 gồm 12 nét, có kết cấu trái phải, gồm bộ Thị 礻ở bên trái và chữ Lục 录 ở bên phải. Chữ “Lộc” là một chữ hình thanh. Những chữ có chứa bộ Thị thường là những chữ có liên quan đến chúc phúc, lễ bái, thờ cúng, tế tự hoặc thần tiên. Có thể giải thích là người xưa quan niệm lộc là do trời ban nên có bộ Thị. Còn chữ “Lục” ở đây đóng vai trò biểu âm, nó tạo âm “lu” cho chữ Lộc.

Chữ “Lộc” có nghĩa gốc là phúc khí, tốt lành, bổng lộc. Người xưa coi việc có thể hưởng bổng lộc triều đình là nguyện vọng chính của mình, đồng thời quan lộc cũng là một loại đại diện cho sự vinh dự. Văn hóa “Lộc” vẫn còn truyền đến đời nay và ý nghĩa của nó ngày càng được mở rộng hơn, không chỉ đại diện cho quan lộc và còn đại diện cho của cải và địa vị.

“Lộc” thường đi kèm với cụm “Phúc - Lộc - Thọ” 福禄寿 /fú lù shòu/, là thuật ngữ được sử dụng trong văn hóa Trung Hoa và những nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ nó, để nói về ba điều cơ bản của một cuộc sống tốt đẹp là: những điều lành (Phúc), sự thịnh vượng (Lộc) và tuổi thọ (Thọ). Mỗi điều tượng trưng cho một vị thần. Ba vị này thường gọi chung là ba ông Phúc-Lộc-Thọ hay Tam Đa. Ông Lộc hay Thần Tài tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Theo truyền thuyết, Ông Lộc được sinh tại Giang Tây, sống trong thời Thục Hán của Trung Quốc. Ông còn là một quan lớn của triều đình, có nhiều tiền của. Ông thường mặc áo màu xanh lục vì trong tiếng Hoa, "lộc" phát âm gần với “lục", tay cầm "cái như ý" hoặc thường có một con hươu đứng bên cạnh (hươu 鹿 /lù/ cũng được phát âm giống "lộc").

“Lộc” biểu tượng cho một trong những hạnh phúc lớn nhất của đời người đó là tài tộc dồi dào, may mắn, phúc tốt lành. Vào dịp Tết nguyên đán, cùng với chữ Phúc, Thọ, người Việt Nam thường treo bộ tranh 3 chữ Phúc – Lộc – Thọ để cầu mong tài lộc. Người dân còn có tục lệ đi hái lộc vào những ngày đầu năm mới. Người ta hái những lộc non về như đem tài lộc, may mắn về với gia đình trong suốt năm. Biểu tượng của chữ “Lộc” là con hươu, bởi trong chữ Hán, “con hươu” đồng âm với chữ “Lộc”. Con hươu được một ông quan có đủ áo mũ, cân đai cưỡi lên là biểu tượng của Lộc. Người xưa nói rằng, hươu có khả năng tìm được nấm Linh và cỏ Chi nên ai dùng được các thần dược này thì lúc nào cũng phấn chấn, lạc quan, mạnh mẽ và dĩ nhiên là Thọ lâu. Như vậy là vừa có Lộc vừa có Thọ. Bên cạnh đó còn có hình tượng cá chép. Cá chép tiếng Hán cũng đồng âm với chữ “Lộc” (người Việt đọc là Lý chứ không đọc Lộc). Đây là lý do tranh Tết treo cá Chép nuốt Trăng. Đó là ước mơ vượt Vũ môn, hóa rồng để có quyền lực. Có quyền ắt sẽ có lộc.

Hoa Mẫu đơn là hoa phú quý. Cho nên người cầu lộc không thể thiếu hoa này. Bộ 3 Mẫu Đơn - Ngọc Lan - Hải Đường gọi là “Ngọc đường phú quý”, nghĩa là “giàu sang điện ngọc”; khi kết hợp bộ tứ Sen – Cúc – Mận - Mẫu Đơn thì gọi là “Tứ quý bình an”, nghĩa là “bình an bốn mùa”.

Từ khóa » Từ Ghép Với Lộc