Chuẩn Mực Ngôn Ngữ
CHÚC MỪNG NĂM MỚI!
- Trang chủ
- Gramatyka opisowa Jęz.Wietn.
- Historia jęz. Wietn.
- NGÔN NGỮ HỌC MIÊU TẢ
- Ngôn ngữ học đại cương
- Wykład monograficzny
Chuyên mục
- 1
- Chân dung các nhà ngôn ngữ học
- Chuẩn mực ngôn ngữ
- Dịch thuật và ngôn ngữ học
- Tiếng Việt và Dịch thuật
- Ngôn ngữ học ứng dụng
- Ngôn ngữ học lịch sử
- Lịch sử tiếng Việt
- Nguồn gốc ngôn ngữ
- Ngôn ngữ học miêu tả
- Ngữ âm tiếng Việt
- Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt
- Ngôn ngữ học nhân học
- Ngôn ngữ học tri nhận
- Ngữ cú học
- Ngôn ngữ học đại cương
- Ngôn ngữ học đối chiếu
- Đối chiếu cấp độ ngữ pháp
- Đối chiếu cấp độ từ vựng
- Đối chiếu ngữ âm-âm vị
- Ngôn ngữ nghệ thuật
- Ngôn ngữ và văn hóa
- Ngữ dụng học
- Ngữ nghĩa học
- NGỮ NGHĨA HỌC ÂM VỊ
- Ngữ nghĩa từ vựng học
- Những vấn đề đại cương
- Ngữ pháp học
- Nhập môn ngôn ngữ học
- Từ loại
- Từ vựng học
- Danh học
- Từ ngữ nghề nghiệp
- Từ vựng ngoại lai
- Tiếng địa phương
- xây dựng thuật ngữ
- Văn bản học
Thư viện
- Tháng Mười 2012
- Tháng Sáu 2012
- Tháng Năm 2012
- Tháng Tư 2012
- Tháng Ba 2012
- Tháng Mười 2011
- Tháng Tám 2011
- Tháng Năm 2011
- Tháng Tư 2011
- Tháng Ba 2011
- Tháng Hai 2011
- Tháng Một 2011
- Tháng Mười Hai 2010
- Tháng Mười Một 2010
- Tháng Mười 2010
- Tháng Chín 2010
- Tháng Tám 2010
- Tháng Bảy 2010
- Tháng Sáu 2010
- Tháng Năm 2010
- Tháng Tư 2010
- Tháng Ba 2010
- Tháng Hai 2010
- Tháng Một 2010
Blogroll
- CHUYỆN ĐỜI & CHUYỆN MÌNH
- NGÔN NGỮ & VĂN HÓA
- TRANG CHUYÊN VĂN HỌC
- WordPress.org
Meta
- Đăng ký
- Đăng nhập
Theo dõi
- Entries (RSS)
- Comments (RSS)
Tiếng Việt sẽ bao gồm 33 kí tự?
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tám 9, 2011
Đó là đề xuất thêm ký tự F, J, W,Z trong bảng chữ cái tiếng Việt đã được đưa vào dự thảo thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính của Bộ GD-ĐT.
Tối 8/8, ông Quách Tuấn Ngọc – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người trực tiếp soạn thảo thông tư trên – cho biết dự thảo sẽ công bố trong tháng 8/2011 để xin ý kiến các nhà ngôn ngữ học, tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến ban hành chính thức vào tháng 10/2011.
Giải thích về việc bổ sung các ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt, ông Ngọc cho rằng chữ viết của VN hiện nay được sáng tạo trên việc sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt nhưng đã phức tạp hóa bằng các chữ kép thay thế cho nhóm ký tự F, J, W, Z khiến cho tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong cộng đồng người sử dụng máy tính thì các ký tự trên đã trở nên quen thuộc, chủ yếu phục vụ việc gõ các ký tự riêng của tiếng Việt là ă, â, ê, ơ, ư. Vì vậy, việc thừa nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái tiếng Việt là cần thiết để thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt trên môi trường máy tính và sách giáo khoa.
Dự thảo thông tư trên còn một nội dung khác là làm rõ xung quanh chữ “y” và “i” trong những trường hợp phát âm giống.
Nếu thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 ký tự.
(Theo Tuổi trẻ) _________________________________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: bảng chữ cái tiếng Việt, cải cách chữ viết tiếng Việt, dự thảo thay đổi bẳng chữa cái | Leave a Comment »
TIẾNG TÂY LÀM RỐI RẮM TIẾNG TA
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 8, 2011
Lê Đình Tư (Bài đã đăng trong Tạp chí Tri thức trẻ)
Có thể nói không ngoa rằng, hiện nay có nhiều người Việt Nam bỗng nhiên trở nên mù chữ vì không đọc được và hiểu được hết những gì người ta viết trên báo chí của Việt Nam. Đó là do sự du nhập ồ ạt các từ ngữ nước ngoài vào tiếng Việt mà không có sự kiểm soát của ý thức xã hội.
Sự vay mượn từ ngữ tiếng nước ngoài luôn luôn xảy ra đối với mọi ngôn ngữ. Tuy nhiên, đối với nhiều ngôn ngữ, sự vay mượn đó được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ý thức xã hội mà đại diện là những cơ quan hay tổ chức có đủ quyền lực để quyết định về những trường hợp vay mượn cụ thể. Mục đích của sự kiểm soát này trước mắt là nhằm bảo vệ sự trong sáng của tiếng nói của dân tộc, nhưng về lâu dài là bảo vệ ngôn ngữ dân tộc khỏi sự diệt vong. Hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới đang mất đi với nhịp độ rất nhanh trước sự truyền bá rộng rãi của một vài ngôn ngữ lớn.
Báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng nói chung được coi là công cụ vừa để phổ biến tiếng chuẩn của ngôn ngữ dân tộc vừa để bảo vệ tiếng mẹ đẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố ngoại lai. Ấy thế nhưng ở ta, nhiều người đang nắm giữ các phương tiện thông tin đại chúng lại không thấy được vai trò xã hội của mình. Không những thế, chính các phương tiện thông tin đại chúng lại đang góp phần đáng kể, nếu không muốn nói là chủ yếu, vào việc làm cho tiếng mẹ đẻ bị méo mó đi, thông qua việc tiếp nhận và sử dụng thiếu nguyên tắc các từ ngữ nước ngoài. Nhờ vào sức mạnh tác động của mình, các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang góp phần phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, và hơn thế nữa, đang làm cho nhiều người Việt Nam trở nên mù chữ từng phần.
Thật là khó tưởng tượng nổi khi mà chỉ trên một trang của một tờ báo nọ (xin miễn nêu tên), chúng tôi đã nhặt ra được cả chục câu viết lai căng, lổn nhổn những từ nước ngoài – đó là những câu viết hoặc câu nói đặc trưng cho các biệt ngữ mà dạng gây ác cảm nhất đối với xã hội là tiếng lóng. Quả thực, đọc những ví dụ sau đây, nhiều người không khỏi nghĩ đến một thứ tiếng lóng:
– “Cô bé hát dân ca hay, là “giọng ca trẻ” của tỉnh Nghệ An, thường xuyên tham dự những program ca nhạc đài truyền hình tỉnh tổ chức.”.
– “Trả lời câu hỏi, các teen muốn bước chân vào nghề MC cẩn có những yếu tố gì, chị trả lời hồn nhiên: “Với lứa tuổi bọn em, để làm MC tốt thì phải tự tin, bản lĩnh, có kiến thức chuyên môn, có duyên, đặc biệt phải lỳ và liều.”
– “Nét “lỳ và liều” ở cô MC trẻ trung này chính là việc không có năng khiếu dẫn vẫn giới thiệu rất “oai” trong profile như thế.”
– “…dẫu sao trở thành một MC có hiểu biết thì vẫn hơn là một MC diễn theo kịch bản.”
– “Tại sao mình không được như những bạn gái khác, đi chơi, đi shopping.”
– “Thời gian vừa qua, Diễn đàn tuổi teen đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ 8x, 9x.”
– “Trong số đầu tiên, mời các bạn hãy cùng tìm hiểu về công việc MC – một người được đa số các teen đang tham gia và đạt được một số thành công bước đầu.”
– “Một trong số đó là Diệp Chi – MC của gamesshow truyền hình dành cho sinh viên…”
Tôi không biết có bao nhiêu độc giả Việt Nam đọc được và hiểu được hết ý nghĩa của những câu nói lai căng mang màu sắc tiếng lóng như thế, bởi vì trong bài, người ta không hướng dẫn cách đọc cũng không giải thích ý nghĩa của những từ ngữ vay mượn của tiếng nước ngoài. Nhưng tôi dám chắc rằng, khi đọc cái thứ tiếng Việt này, nhiều độc giả cảm thấy mình bị coi thường, bị hạ thấp vì đó là những câu viết rất cẩu thả, vi phạm rất nhiếu nguyên tắc của chuẩn mực tiếng Việt. Các từ ngữ nước ngoài được bê nguyên xi vào trong tiếng Việt mà hoàn toàn không có một chút Việt hóa nào. Điều này chắc chắn sẽ làm cho nhiều độc giả không đọc được hết tiếng Việt, và như vậy, họ trở nên mù chữ từng phần. Có lẽ ngày nay, nhiều người nghĩ rằng, khi nói hay viết mà có đệm tiếng Tây thì câu nói hay câu viết của mình sẽ sang trọng hơn, bản thân họ sẽ được đánh giá cao hơn. Và vì cái “sự sang” này mà người ta cứ cố chêm cho bằng được một từ tiếng Tây vào những câu nói hay câu viết mà chẳng cần biết cái từ tiếng Tây đó có làm cho tiếng Việt trở nên trong sáng hơn không, rõ nghĩa hơn không. Chẳng hạn, trong một tờ báo khác, người ta cho chạy một hàng chữ lớn: “Những ngành “hot” ở các trường đại học trong năm 2007”. Độc giả bình thường có thể đặt câu hỏi: Tại sao người ta phải cố chêm cái từ ‘hot’ (nóng) của tiếng Anh (vốn là từ biệt ngữ trong tiếng Việt) vào nhan đề của một bài báo viết về một vấn đề hết sức nghiêm túc như vậy? Cái từ ‘hot’ của tiếng Anh đó liệu có làm cho tên bài báo trở nên rõ nghĩa hơn hay diễn cảm hơn không? Và, Không biết nên đọc cái từ tiếng Anh đó là “hót” hay “hốt”? Ở một tờ báo khác, khi viết về một vấn đề văn hóa, người ta đã chêm xen từ ngữ nước ngoài để tạo ra cách viết nửa Tây nửa ta rất khó hiểu như sau: “Nhạt liveshow, đậm phòng trà”, trong đó ‘liveshow’ được hiểu là ‘biểu diễn ca nhạc sân khấu lớn’ còn’ phòng trà’ ở đây là ‘phòng trà ca nhạc, sân khấu ca nhạc mini, ở đó biểu diễn ca nhạc mà các ca sĩ hát trực tiếp. Hay: “Sau mùa liveshow và ào ạt ra mắt album mới vào cuối năm, phần lớn các ca sĩ tên tuổi dành khoảng thời gian sau tết để nghỉ ngơi, du lịch…”
Đó thực sự chỉ là thói sính dùng từ nước ngoài, một cách làm sang nhờ vào tiếng Tây. Cách nói chêm nguyên xi từ nước ngoài vào các câu văn như vậy hoàn toàn chỉ là sở thích của các cá nhân chứ không phải là việc làm xuất phát từ nhu cầu của ngôn ngữ hay trách nhiệm xã hội của nhà báo đối với ngôn ngữ dân tộc.
Hiện tượng sính dùng từ nước ngoài còn tạo ra những cách nói hay cách viết hết sức phi lí. Phi lí là do người ta sử dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa của các từ vay mượn. Chẳng hạn, trong một tờ báo, người ta đưa tin như sau:
“Đồng Nai: “Nhóm côn đồ tuổi teen tấn công trưởng công an xã” Lúc 1 giờ sáng ngày 21/2, một nhóm côn đồ tuổi từ 19 đến 22 đã dùng gạch, đá, gậy tấn công trung tá Hoàng Đình Sấm..”
Quả thật, nếu dịch đoạn văn này cho người Anh nghe thì có lẽ họ sẽ vô cùng kinh ngạc vì ‘tuổi teen’ ở Việt Nam lại bao gồm cả ‘tuổi ty’ (tuổi hai mươi trở lên). Và họ sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa, khi mà ở một tờ báo khác, ‘tuổi teen’ được quan niệm là độ tuổi từ hai mươi trở lên, vì tác giả một bài báo viết về các cặp nam nữ ‘tuổi teen’ đi Nhà nghỉ như sau: “Đặc điểm chung của những cặp này là đều rất trẻ, thậm chí dưới 20 tuổi.”.
Có thể thấy rằng, việc du nhập vô nguyên tắc các từ ngữ nước ngoài đang làm cho tiếng Việt trở nên rối rắm, khó hiểu và kì lạ. Đã đến lúc cần phải có một chính sách ngôn ngữ hợp lí để dọn dẹp những rác rưởi mà các cá nhân đã tạo ra do thái độ vô trách nhiệm đối với ngôn ngữ dân tộc, để không đến nỗi người Việt Nam ta trong thế kỉ hai mốt này lại không thể đọc trôi chảy một trang báo viết bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình.
________________________________________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: bệnh sính từ nước ngoài, biệt ngữ, mù chữ từng phần, ngôn ngữ lớn, tiếng lóng, vay mượn từ ngữ | 1 Comment »
Pari là xứ mô?
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Hai 8, 2011
Lê Đình Tư (Bài đã đăng trong Tạp chí Tri thức trẻ)
Người Việt tứ xứ gặp nhau thường có thói quen nhại tiếng nhau hay trêu chọc nhau về cách sử dụng địa phương của các từ ngữ tiếng Việt. Ấy là do mỗi vùng, miền có những cách phát âm khác nhau, có những từ ngữ khác nhau và đặc biệt là có cách sử dụng khác nhau những từ ngữ phổ thông. Một ví dụ điển hình là trường hợp ‘cào cào’ và ‘châu chấu’. Con châu chấu trong tiếng phổ thông là “Bọ cánh thẳng đầu tròn, thân mập, màu nâu và vàng, nhảy giỏi, ăn hại lúa” nhưng đối với các địa phương từ Bắc Trung Bộ trở vào thì đó lại là con cào cào. Còn châu chấu ở những địa phương đó phải là loại “Bọ cánh thẳng đầu nhọn, mình dài, nhảy giỏi, ăn hại lá lúa, lá ngô…” mà trong tiếng phổ thông thì lại là con cào cào. Do đó, khi người Bắc nói nạn châu chấu thì trong Nam phải nói là nạn cào cào và ngược lại. Thế mới có chuyện, khi trên vô tuyến truyền hình Trung uơng nói về nạn cào cào ở Đồng bằng Cửu Long thì người Bắc cứ nghĩ về những con bọ cánh thẳng nhọn đầu mà mỗi khi đi gặt hay đi làm cỏ lúa các bà mẹ thường bắt về cho trẻ con nướng lên, ăn vừa bùi vừa thơm. Giá ở miền Bắc mà có nạn cào cào thì hay biết mấy, có lẽ sẽ có nhiều nhà hàng đặc sản mọc lên. Ấy thế nhưng, người các địa phương từ khu Bốn cũ trở vào mà nghe nói đến việc ăn cào cào thì có lẽ họ sẽ bị lộn mửa. Ở đó, người ta chỉ biết ăn châu chấu thôi. Châu chấu ăn được nên hiếm lắm, thỉnh thoảng mới bắt được vài con. Hay như trường hợp con tép, con tôm cũng vậy. ‘Con tép’ có nơi thì dùng để chỉ ‘con cá nhỏ’, có nơi lại dùng để chỉ ‘con tôm nhỏ’. Thế là nảy sinh những cuộc cãi cọ nhau, và “Chửi cha không bằng pha tiếng”, những cuộc tranh cãi tưởng chừng vô thưởng vô phạt về ‘con tôm con tép’ ấy đôi khi lại dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng, vượt lên trên khuôn khổ của những cuộc tranh luận thuần túy ngôn ngữ và có thể mang lại những hậu quả khôn lường.
Mấy năm trước, tôi có dịp làm quen với một tiến sĩ y tế cộng đồng người miền Trung. Trong một văn bản tập huấn về KHHGĐ, dịch giả người miền Bắc đã dùng từ ‘bánh rau’ thay vì ‘bánh nhau’ (nhau bà đẻ). Mặc dù dịch giả đã “chua” thêm từ ‘bánh nhau’ trong dấu ngoặc đơn, nhưng vị tiến sĩ nọ vẫn không chịu, và dứt khoát đòi chỉ được dùng từ ‘bánh nhau’ và bỏ hoàn toàn từ ‘bánh rau’, với lí lẽ rằng người miền Trung sẽ không ai nhịn được cười nếu vẫn để từ đó trong văn bản. Là một người hiệu đính, tôi thấy cách làm như dịch giả nọ là rất ổn, vì cứ tùy theo từng địa phương mà sử dụng dạng này hay dạng kia của từ, chẳng chết ai cả. Thế nhưng, cái từ nhỏ nhoi đó lại trở thành lí do để vị tiến sĩ đó bật lên một nhận xét động trời: “Đó là sự bá quyền của tiếng Bắc.” Một nhận xét có thể nói là rất chính trị, bật lên từ một cái góc tâm linh sâu thẳm nào đó trong con người của vị tiến sĩ. Song, nếu vị tiến sĩ đó biết được rằng, “nhau” hay “rau” thì cũng rứa cả, cùng sinh ra từ một gốc, thì chắc cũng chẳng có chuyện to tát như vậy. Ở thời kì cách đây khoảng trên một nghìn năm, người Việt chưa có cách phát âm khác nhau của những từ như dức, diếc, dăn deo, dăn dúm. Về sau, cái âm ‘d’ đó mới được tách ra làm hai là ‘d’ và ‘nh’, thành thử, bên cạnh dức đầu có thêm nhức đầu, diếc móccó thêm nhiếc móc, dăn deo có thêm nhăn nheo, dăn dúm có thêm nhăn nhúm. Một số địa phương lại có cách phát âm ‘d’ thành ‘r’, cho nên hiện nay mới tồn tại đến ba cách phát âm của cùng một từ, ví dụ: dức đầu/rức đầu/nhức đầu; dổ mạ/rổ mạ/nhổ mạ; dăn deo/răn reo/nhăn nheo; dòm ngó/ròm ngó/nhòm ngó. Một vài năm trước, đi trên đường phố Hà Nội, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những biển quảng cáo: ”Ruộm hấp” mà có nhiều người ngoại tỉnh thắc mắc: ‘Ruộm’ nghĩa là gì? Đó chẳng qua là ‘nhuộm’ mà thôi. Vậy nên, nói là “nơi chôn rau cắt rốn” hay “nơi chôn nhau cắt rốn” thì cũng đều là nói về nơi chôn cái rau (cái nhau) và cắt cái cuống rốn của con người ta sau khi cất tiếng chào đời, tức là nơi quê cha đất tổ, chứ không ai nghĩ rau ở đây là rau ăn cả. Đó chẳng qua chỉ là sự biến đổi ngữ âm rất bình thường trong ngôn ngữ, hoàn toàn chẳng có sự áp đặt của ai, chẳng có sự “bá quyền” của một phương ngữ nào cả.
Như vậy, các cuộc cãi cọ xuất phát từ những khác biệt phương ngữ ở ta có liên quan đến một vấn đề rất nghiêm túc: vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt. Nếu có sự chuẩn hóa để toàn xã hội chấp nhận một hình thức từ chung cho mọi miền đất nước thì vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, nếu như những sự biến đổi ngữ âm hay biến đổi ngữ nghĩa, như trong một vài ví dụ đã nêu ở trên, là hiện tượng khách quan, có vẻ “vô thưởng vô phạt”, thì thời gian gần đây, chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi rất chủ quan của tiếng Việt, và nếu không có biện pháp khắc phục thì hậu quả sẽ rất tai hại.
Một lần, trong một buổi tiếp chuyện các bậc cao niên trong làng đến chơi, có bác đột nhiên hỏi tôi: – Này anh giáo, chứ cái xứ Peơruýtxơ là xứ mô, hầy? – Thưa bác, bác có thể nhắc lại cho rõ được không ạ? Tôi tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại. – Cái xứ Pe – ơ – ruýt – xơ là xứ mô? Bác nông dân nhắc lại một cách rành rẽ từng âm tiết. Thế là rõ. Bác nông dân không thể nhầm được. Nhưng tôi thì tôi chịu. Tôi không thể nhớ ra đó là xứ nào. Tôi đành chữa ngượng: – Bác tính, đời sống đắt đỏ, ai cũng phải bươn trải kiếm thêm nên có ít thời gian theo dõi những thay đổi tên vùng, tên đất trên thế giới. Cháu sẽ về tra cứu và trả lời cho bác sau.
Nhưng tôi cảm thấy đó là sự nhục nhã. Sau này, tìm hiểu mãi, tôi mới biết cái xứ Peơruýtxơ té ra là cách phát âm tiếng Anh của từ ‘Paris’, thủ đô của nước Pháp, mà các cụ ngày xưa vẫn gọi là Ba Lê còn ngày nay được gọi chính thức là Pari. Thế là tôi được giải thoát khỏi sự đau khổ.
Nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về cái cách phát âm hết sức chủ quan của cá nhân các phát thanh viên nước ta. Dường như họ không cần biết là một tên gọi đã được định hình từ bao nhiêu năm nay, đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong tiếng phổ thông thì phải phát âm cho đúng với chuẩn mực chung, chứ không phải là người biết tiếng Anh thì phát âm theo kiểu tiếng Anh, người biết tiếng Pháp thì phát âm theo kiểu tiếng Pháp… Nhưng điều đó đang diễn ra rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta. Quả vậy, nếu chịu khó để ý đến các địa danh đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, tên gọi nước ngoài được người ta đọc hết sức tùy tiện. Thủ đô Luân Đôn của nước Ạnh cứ được phát âm là Lân Đần, thủ đô của nước Nga lúc thì phát âm là Mátxcơva, lúc thì phát âm là Mốtxcâu, lúc lại phát âm là Mốtxcơva; nước Ítxraen có người cứ đọc thành Ítx roa-oeo. Ngay như thủ đô của nước Lào, người này thì đọc là Viên Chăn, người khác lại đọc là Viêng Chăn. Hay như nước Xinhgapo cạnh ta, có lúc được đọc là Xinhgapua, có lúc lại đọc thành Xanhgapo. Rồi WTO, người thì đọc là ‘vê kép tê ô’, người thì lại đọc là ‘vê đúp tê ô’, người khác lại đọc là ‘đáp liu ti ô’, ‘đáp bờ liu ti âu‘, ‘vê tê ô’ … Và sự tùy tiện đó dường như cũng chẳng có ai thấy cần phái chỉnh sửa, phê phán. Có lẽ sẽ có người lí sự: Chấp gì mấy ông nhà quê tối tăm đó. Dân có học, chắc chẳng ai có khó khăn gì trong việc này. Song, sự thật thì không phải như vậy. Chỉ xin nêu một ví dụ: Hiện nay, phần lớn các nhà trí thức của ta không biết viết tên nước Xinhgapo thế nào cho đúng. Điều đó có lẽ cũng chẳng có gì là lạ vì trên báo chí, người ta cũng viết rất lung tung: lúc thì viết là Xingapo, lúc thì viết là Singapo, lúc khác thì lại là Singapore hoặc Xinhgapo. Nhưng vấn đề là viết như thế nào là đúng? Viết theo âm của tiếng nào? Chưa ai có đủ thẩm quyền để trả lời được câu hỏi này. Như vậy là, chẳng cứ gì các bác nhà quê ít học mà ngay cả các nhà trí thức của ta cũng không biết viết và đọc thế nào cho chuẩn. Đó thực sự là một điều kinh khủng đối với một ngôn ngữ. Và tình hình này đang làm cho thế hệ trẻ hiện nay không biết dựa vào đâu để viết/đọc cho đúng,. Hậu quả tất nhiên sẽ là: họ cũng lại nhiễm phải cái thói tùy tiện của các thế hệ đi trước.
Nhưng đâu chỉ có chuyện đọc và viết. Sự tùy tiện còn biểu hiện trong cách sử dụng từ ngữ. Một ví dụ: Từ ‘quốc tế’ đang được lạm dụng quá đáng. Vốn là một tính từ dùng để chỉ những gì thuộc về quan hệ giữa các nước trên thế giới (tiếng Anh: ‘international’ có nghĩa là có tính chất liên quốc gia/dân tộc hay có tính chất toàn thế giới), từ này đang được sử dụng với nghĩa tương đương với từ ‘thế giới’. Vì vậy, thay vì nói “Tin thế giới” người ta hay dùng “Tin quốc tế”, một cách nói khá tối nghĩa, vì nếu giải thích theo một cách khác thì ‘tin quốc tế‘ là tin tức về quan hệ giữa các nước, hoặc là tin tức toàn thế giới, nhưng phải hiểu là quốc tế/thế giới đó không bao gồm Việt Nam, vì luôn luôn có sự đối lập giữa “Tin quốc tế” và “Tin trong nước”. Như vậy, “Tin quốc tế” đúng ra phải nói là “Tin nước ngoài” vì nó không bao gồm “tin trong nước”, và không có lí gì chúng ta lại tự coi mình không phải là một phần của “quốc tế”. Sự lộn xộn về khái niệm đó được lặp đi lặp lại ở rất nhiều trường hợp khác.Ví dụ: Đáng lẽ phải nói “cầu thủ nước ngoài” thì người ta lại nói “cầu thủ quốc tế”, khiến cho ý nghĩa trở nên rất mơ hồ, vì làm gì có cầu thủ nào gọi là cầu thủ quốc tế! Chỉ có cầu thủ của nước này hay nước kia, hoặc cầu thủ nước ngoài chơi cho một đội của một nước nào đó mà thôi. Đương nhiên, sẽ có người lí luận rằng: Viết thế nào cũng được, miễn là hiểu đúng là được rồi. Chẳng hạn, khi nói “một cầu thủ tầm cỡ quốc tế” mà hiểu là “cầu thủ tầm cỡ thế giới” thì cũng chẳng chết ai. Nhưng nếu vậy thì “cầu thủ tầm cỡ khu vực” sẽ phải hiểu là “cầu thủ không có tính chất quốc tế”. Cho nên, những khái niệm như “đẳng cấp quốc tế”, “bằng cấp quốc tế” “tiêu chuẩn quốc tế”, “quốc tế công nhận”… mà chúng ta đang dùng nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong giao tiếp hàng ngày, thực ra là những khái niệm rất mơ hồ, có khi tạo ra những cách nói vô nghĩa. Do vậy, các từ ngữ đó cần phải được cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng. Bởi vì sự mơ hồ trong cách hiểu ý nghĩa của các từ sẽ tạo ra những cái vòng luẩn quẩn và bế tắc.
Khái niệm (hay ý nghĩa) gắn với từ là một cái gì đó rất khó nắm bắt. Nó liên quan đến toàn bộ hệ thống ngôn ngữ. Do đó, cần phải có kiến thức rất sâu và rộng về ngôn ngữ mới có thể xác định nó một cách chính xác. Việc hiểu chính xác ý nghĩa của các từ đã khó, nhưng việc cải tiến nó hay cách tân nó càng khó hơn. Một từ, nếu bị sử dụng sai lệch, sẽ làm cho hệ thống ngôn ngữ bị xáo trộn, dẫn đến những cách nói, cách hiểu không rõ ràng, mang tính đại khái và rất chủ quan, chẳng giống ai. Gần đây, chẳng hạn, người ta đã phát triển khá nhiều loại bệnh viện trên cơ sở hiểu biết mơ hồ về khái niệm (ý nghĩa) mà từ bệnh viện biểu thị. Ở Thành phố HCM, người ta đã mở ‘bệnh viện máy vi tính’, còn ở Hà Nội thì có ‘bệnh viện xe máy’. Thoạt nghe thì dường như không có gì đáng nói cả, vì ai cũng hiểu là người ta muốn nói tới ‘xưởng sửa chữa máy vi tính’, hay ‘xưởng sửa chữa xe máy’. Nhưng đó chỉ là sự liên tưởng có tính chủ quan, sự “đoán mò” kiểu như khi ta nghe một từ tiếng lóng, hay thậm chí một câu thơ có nghĩa nước đôi chẳng hạn, chứ không phải là căn cứ vào ý nghĩa thực sự của từ. Nếu nói về ý nghĩa thực sự của từ thì đương nhiên, ta không thể phát triển một loại bệnh viện gọi là ‘bệnh viện chó’. Nhưng điều đó vẫn cứ đang xảy ra. Dường như người ta quên mất (hay không biết) rằng bệnh viện chỉ là ‘nơi khám và chữa bệnh cho người’. Khi cần xác định thêm tính chất chuyên môn của bệnh viện, người ta thêm các từ đi kèm như: bệnh viện phụ sản, bệnh viên lao, bệnh viện K, bệnh viện nhi…. Xét trong hệ thống đó, ‘bệnh viện chó’ không biết nên hiểu là ‘bệnh viện chữa một loại bệnh có tên gọi là chó’, hay đây là ‘bệnh viện chữa bệnh không tốt mà người ta chửi là bệnh viện chó’. Hơn nữa, bệnh viện là một cơ sở y tế, chứ không phải là cơ sở cơ khí, điện tử hay thú y. Không chỉ có tiếng ta mà các thứ tiếng khác cũng đều như vậy. Chỉ có điều, ở các nước khác, người ta nắm rất rõ cái khái niệm mà từ bệnh viện biểu thị, nên người ta không cho phép khai triển những “sáng kiến” ngôn ngữ kiểu này như ở ta. Cho nên, người ta không có các bệnh viện máy vi tính, bệnh viện xe máy, hay bệnh viện chó. Vậy, tại sao chúng ta không nói xưởng sửa chữa máy vi tính, xuởng sửa chữa xe máy, hay trạm thú y như từ trước tới nay vẫn dùng? Các tên gọi mới “bắt mắt” hơn, hay “hoành tráng” hơn chăng? Điều chắc chắn là: những tên gọi đó không rõ ràng. Mà tên gọi đã không trong sáng thì chất lượng cũng rất đáng ngờ. Còn nếu các tác giả của những tên gọi đó muốn làm một cuộc cách mạng trong tiếng Việt thì có lẽ cũng nên kiểm tra lại xem mình hiểu hệ thống tiếng Việt tới mức nào. Bởi vì, với những sáng kiến tùy tiện kiểu như trên, rồi đây con cháu chúng ta có thể sẽ có sáng kiến ngược lại: gọi bệnh viện là ‘xưởng chữa bệnh cho người’. Và khi ấy, các bệnh nhân thay vì ‘xuất viện’, sẽ ‘xuất xưởng’, để cho các máy móc và thú vật xuất viện. Và trong xu thế hội nhập hiện nay, người nước ngoài đến Việt Nam sẽ vô cùng ngơ ngác, vì ở thế kỉ 21 này, người Việt vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa người, vật và động vật, giữa y tế, cơ khí, điện tử và thú y. Hơn thế nữa, rồi đây các trường học ở nước ta sẽ phải xây dựng lại mục tiêu đào tạo: trường đại học bách khoa sẽ đào tạo các bác sĩ cho máy vi tính, ô tô, xe máy, tủ lạnh … còn trường đại học y khoa sẽ đào tạo kĩ sư chữa bệnh cho người.
Sự mơ hồ trong việc sử dụng các khái niệm (tức là ý nghĩa của từ) không chỉ liên quan đến hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ. Nó có thể đưa đến những sai lầm tai hại trong những hoạt động khác. Một ví dụ điển hình là từ ‘khuyến học’. Ở thời kì mà phần lớn dân số nước ta mù chữ thì khuyến học là một phong trào hết sức cần thiết và đã được phát động đúng lúc. Khái niệm ‘khuyến học’ khi ấy đã được hiểu chính xác, và vì thế, việc khuyến học đã góp phần tích cực cho công cuộc chấn hưng dân tộc: xóa nạn mù chữ và nâng cao trình độ dân trí cho xã hội ta. Song, ở giai đọan hiện nay, khi mà xã hội chúng ta đang đấu tranh quyết liệt với nạn dạy thêm, học thêm tràn lan thì việc khuyến học trở thành một việc làm đi ngược với chủ trương đó. Chưa “khuyến” mà con cháu chúng ta đang phải học ngày 3-4 ca, vậy nếu “khuyến” nữa thì không biết các cháu còn phải học thêm những ca nào nữa đây? Cho nên, vì hiểu không đúng khái niệm, các hội khuyến học hiện nay ở ta chỉ làm mỗi một việc, đó là tặng thưởng tiền hoặc hiện vật cho các cháu học giỏi, còn việc các cháu có vì những phần thưởng đó mà học chăm chỉ hơn không thì chẳng ai dám chắc. Chẳng có cháu nào lại nghĩ là mình phải học cho giỏi để được nhận phần thưởng của các ‘hội khuyến học’. Các cháu học ngày học đêm là vì muốn lọt được vào cái cổng đại học bé tí của các trường đại học, chứ không phải là do khuyến học. Cho nên, nhiều khi, hội khuyến học chỉ được mở ra để khuếch trương thành tích học tập của con cháu nhằm làm vẻ vang cho các gia đình, dòng họ hay làng xã… Không có nước nào mà nhà nhà khuyến học, làng làng khuyến học, xã xã khuyến học như ở ta. Thế thì làm sao mà chống được nạn học thêm và dạy thêm!
Thật quả đúng là “Cái sảy nảy cái ung”. Cứ cái đà này thì không biết tiếng Việt của chúng ta sẽ đi về đâu. Liệu vài chục năm nữa nó có trở thành một thứ ngôn ngữ pha tạp, hổ lốn, lộn xộn như nhiều người đang lo ngại hay không? Ở nhiều nước, người ta thiết lập những cơ quan chuyên trách để kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của tiếng mẹ đẻ. Một cơ quan như vậy, thiết nghĩ, cũng rất cần thiết ở nước ta, để làm sao cho dân ta không đến nỗi phải hỏi nhau: Pari là xứ nào?
_________________________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: ý nghĩa của từ, biến đổi ngữ âm, biến đổi ngữ nghĩa, phát âm từ nước ngoài, tiếng Việt đại chúng, tiếng địa phương | Leave a Comment »
Tiếng Việt trên con đường chuẩn hóa
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Một 8, 2011
Lê Đình Tư
1. Sự phát triển của hệ thống ngữ pháp từ Trung đại đến Hiện đại
Song song với sự phát triển của hệ thống ngữ âm và từ vựng, hệ thống ngữ pháp của tiếng Việt cũng đã thay đổi khá nhiều để trở thành công cụ giao tiếp ngày càng hiện đại hơn. Quá trình phát triển hệ thống ngữ pháp của tiếng Việt có thể chia thành hai giai đoạn:
– Giai đoạn Trung đại ước chừng kéo dài từ đầu thế kỉ 16 cho đến đầu thế kỉ 19. Đây là giai đoạn bắt đầu có sự tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ châu Âu, mà trước hết là tiếng Tây Ban Nha, sau đó là tiếng Pháp và đến các ngôn ngữ châu Âu khác. Kết quả của quá trình tiếp xúc này là tiếng Việt đã thay đổi ở cả ba khía cạnh: khía cạnh chữ viết (dùng chữ Latinh thay cho chữ Hán) , khía cạnh từ vựng và đặc biệt là khía cạnh cấu trúc ngữ pháp. Một ví dụ: Trước kia, trong ngôn ngữ văn học người ta rất hay sử dụng cách viết các câu đối xứng từng đôi một (gọi là văn biền ngẫu). Ví dụ:
Một cành hoa trong vườn nhà vua, Một vầng trăng ở dưới ao tiên. (Mạc Đĩnh Chi)
Đó là một lối viết rất gò bó, và thường phù hợp với các kiểu câu trong thơ hay văn tế. Trong khi đó, cuộc sống và thế giới hiện đại rất phong phú đòi hỏi phải có những cấu trúc phức tạp hơn và tự do hơn. Hơn nữa, trong quá trình dịch các tác phẩm văn học (truyện ngắn, tiểu thuyết) hoặc khoa học của các tác giả châu Âu sang tiếng Việt, các dịch giả Việt Nam cũng đã bắt đầu tiếp nhận những cách viết của người châu Âu, từ đó bổ sung các cấu trúc mới hoặc cải tiến các cấu trúc cũ của tiếng Việt. Tuy nhiên, giai đoạn này cách viết cũ vẫn còn được sử dụng khá phổ biến.
– Từ giữa thế kỉ 19, tiếng Việt đã phát triển sang giai đoạn tiếng Việt hiện đại. Ở giai đoạn này, tiếng Việt tiếp tục hoàn thiện cấu trúc của mình để đáp ứng những yêu cầu khác nhau cộng đồng người Việt trong việc sử dụng nó làm công cụ giao tiếp và tư duy. Vào thời kì đầu của giai đoạn này, tiếng Việt có sự tiếp xúc sâu đậm với ngôn ngữ văn học và văn hoá Pháp. Trong điều kiện đó, tiếng Việt một mặt cố gắng tránh những ảnh hưởng tiêu cực của tiếng Pháp nhưng mặt khác đã chủ động lựa chọn những cái có lợi về mặt cấu trúc ngữ pháp và sau đó là về mặt từ vựng để hoàn thiện mình. Đáng chú ý là trong giai đoạn này, xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà cách mạng lớn có ảnh hưởng tới việc cải tiến tiếng Việt. Trong quá trình sáng tác của mình, họ đã có ý thức cải tiến cấu trúc câu tiếng Việt. Kết quả là trong tiếng Việt dần dần hình thành những cách viết, những cấu trúc ngữ pháp gần với các cấu trúc của tiếng Pháp hoặc của các ngôn ngữ châu Âu hơn. Câu văn tiếng Việt, vì thế ngày càng trở nên hiện đại hơn, phức tạp hơn nhờ đó có thể dùng để phân tích những diễn biến tâm lý, các trạng thái khác nhau trong quan hệ tình cảm của các nhân vật cũng như để mô tả các khía cạnh phong phú của cuộc sống con người và xã hội.
Quá trình thay đổi này còn có tác dụng thống nhất tiếng Việt, để tiếng Việt trở thành ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ văn học chung cho toàn thể cộng đồng dân tộc.
2. Vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt
Với sự thành công của Cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam độc lập, lần đầu tiên tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ chính thức của quốc gia, được sử dụng trong mọi hoạt động chính trị, xã hội. Tình hình mới này đặt ra cho tiếng Việt yêu cầu phải được chuẩn hóa. Trước hết, hệ thống ngữ âm tiếng Việt đã được chuẩn hoá một bước để có thể được đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường phổ thông. Đó là hệ thống bao gồm các âm được lựa chọn từ các phương ngữ chủ yếu của tiếng Việt với sáu thanh điệu. Hệ thống từ vựng của tiếng Việt cũng trở nên phong phú hơn nhờ được bổ sung một khối lượng đồ sộ từ ngữ mới, đặc biệt là các hệ thống thuật ngữ khoa học-kĩ thuật. Các nguyên tắc chính tả cũng được xây dựng để thống nhất cách viết trong cả nước. Điều đó được thể hiện trong các từ điển mô tả hệ thống từ vựng của tiếng Việt. Đặc biệt, các hệ thống phong cách chức năng của tiếng Việt cũng đã được xây dựng và nhờ đó, có thể đưa ra những yêu cầu về cách viết các loại văn bản.
Nhờ những cố gắng chuẩn hóa tiếng nói dân tộc, sự khác biệt giữa các phương ngữ và đặc biệt là giữa các thổ ngữ có xu hướng giảm dần và tiếng Việt đang hướng tới một sự thống nhất cao hơn.
Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, có thể nêu lên những đặc điểm chủ yếu của tiếng Việt như sau:
– Ngữ pháp tiếng Việt đã có sự biến đổi và hoàn toàn có khả năng diễn đạt tất cả các nội dung thông báo trong giao tiếp thông thường cũng như giao tiếp nghệ thuật.
– Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức của toàn thể cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ Việt Nam: Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ văn hoá, ngôn ngữ toàn dân mà còn là ngôn ngữ chính thức trong giáo dục, khoa học và chính trị.
– Mặc dù vậy, tiếng Việt vẫn chưa được chuẩn hóa hoàn toàn, nhất là trong lĩnh vực phát âm, chính tả và các hệ thống thuật ngữ khoa học.
____________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ, Lịch sử tiếng Việt | Thẻ: giai đọan Trung đại, ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ toàn dân, sự phát triển hệ thống ngữ âm, sự phát triển hệ thống ngữ pháp, sự phát triển hệ thống từ vựng, văn biền ngẫu | 2 Comments »
Danh từ tiếng Việt
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Hai 11, 2010
Lê Đình Tư
1. Danh từ riêng
1.1. Khái niệm Danh từ riêng
– Danh từ riêng trong tiếng Việt là từ chỉ tên người, tên đất, tên cơ quan, tổ chức, tôn giáo, phong trào, tên gọi các thời đại, tên các loại sách báo và tên gọi những ngày lễ, tết trong năm.
– Danh từ riêng có thể là từ thuần Việt, như: Bông, Cám, Tèo, Bột…, nhưng cũng có thể là tên Hán-Việt, như: Nguyệt, Trường, Dũng, Đông Kinh, Kinh Bắc…, hoặc là tên phiên âm từ các thứ tiếng Ấn-Âu, như: Hêlêna, Giôn, Ađam, Pari, Béclin.
– Trước đây, các danh từ riêng Ấn-Âu thường được phiên âm qua tiếng Hán nhưng ngày nay, tiếng Việt áp dụng cách phiên âm trực tiếp từ nguyên ngữ hoặc từ một ngôn ngữ Ấn-Âu khác được sử dụng rộng rãi trên thế giới (ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp).
1.2 Cách viết danh từ riêng
– Cách viết tên người: + Tên người Việt Nam, Trung Quốc (đọc theo âm Hán-Việt) hoặc tên người nước khác được phiên âm qua tiếng Hán: Viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết và không dùng dấu nối, Ví dụ: Trần Văn Tạo; Đinh Tiên Hoàng; Lý Bạch; Lỗ Tấn; Thành Cát Tư Hãn. + Tên người nước ngoài được phiên âm trực tiếp hoặc thông qua một ngôn ngữ Ấn-Âu khác: Hiện vẫn được viết theo hai cách: 1) Viết hoa chữ cái đầu của tên gọi, các âm tiết viết liền nhau và không có gạch nối, ví dụ: Frăngxoa; Ivan; Napôlêông, Ađam; 2) Viết hoa chữ cái đầu của tên gọi, các âm tiết viết cách nhau và giữa các âm tiết có gạch nối, ví dụ: Na-pô-lê-ông, Frăng-xoa, Oa-sinh-tơn, Huy-gô.
Tuy nhiên, để có thể đạt được sự thống nhất trong việc dạy viết trong các trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định tạm thời về việc viết tên riêng trong sách giáo khoa, theo đó cách viết thứ hai được chọn sử dụng (tạm thời) làm cách viết chuẩn.
– Cách viết tên địa lí: + Tên địa lí Việt Nam, Trung Quốc (đọc theo âm Hán-Việt) và tên địa lí của các nước khác phiên âm qua tiếng Hán: Viết hoa các chữ đầu của âm tiết và không dùng dấu nối. ví dụ: Sầm Sơn, Hạ Long, Bắc Kinh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Phần Lan. + Tên địa lí đọc theo âm Việt hoặc âm Hán-Việt có kèm theo từ chỉ phương hướng hay vị trí đã trở thành một bộ phận của tên gọi: Viết hoa tất cả các chữ cái đầu âm tiết, ví dụ: Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Triều Tiên, Đông Âu. + Tên các nước hoặc các vùng lãnh thổ và tên địa lí của các nước khác được phiên âm trực tiếp hoặc phiên âm qua một thứ tiếng Ấn-Âu khác: Hiện vẫn tồn tại hai cách viết: 1) Viết hoa chữ cái đầu và viết liền các âm tiết, giữa các âm tiết không có dấu gạch nối, ví dụ: Chilê, Braxin, Oasinhtơn, Mátxcơva, Tôkyô (Tokyo), và 2) Viết hoa chữ cái đầu và viết cách các âm tiết, giữa các âm tiết có dùng dấu gạch nối, ví dụ: Béc-lin, Pa-ri, Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô.
Cách viết thứ hai phù hợp với quy định tạm thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Cách viết quốc hiệu, tên cơ quan, tổ chức, phong trào: Hiện vẫn tồn tại hai cách viết: + Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu. Nếu trong quốc hiệu hoặc tên tổ chức hay cơ quan bao gồm tên riêng khác thì viết hoa tên riêng đó theo nguyên tắc đã nêu trên. Ví dụ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Việt Nam; Quốc hội Hoa Kỳ; Đại học bách khoa. + Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các từ tạo nên tên gọi, ví dụ: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Bộ Giao thông Vận tải.
Cách viết thứ hai phù hợp với quy định tạm thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Cách viết tên các sách báo: Viết hoa chữ đầu của âm tiết thứ nhất, nếu có tên riêng thì viết hoa theo những nguyên tắc nêu trên, ví dụ: Việt sử học, báo Nhân dân, tạp chí Khảo cổ học, Hồ Chí Minh toàn tập.
– Cách viết tên các ngày lễ, tết trong năm: Hiện vẫn được viết theo nguyên tắc sau: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất, ví dụ: tết Nguyên đán, tết Trung thu, tiết Đại hàn, tiết Lập xuân. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có nhiều người viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết.
[Xem thêm: QUY TẮC VIẾT TÊN RIÊNG TIẾNG VIỆT của BỘ Giáo dục và Đào tạo]
_________________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ, Ngữ pháp miêu tả tiếng Việt | Thẻ: cách viết danh từ riêng, cách viết quốc hiệu, cách viết tên cơ quan, cách viết tên người, cách viết tên địa lí, Danh từ riêng | 1 Comment »
Để lâu câu sai hoá… đúng
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Mười Một 11, 2010
Nguyễn Đức Dân
Nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thuỵ Sĩ Charles Bally viết: “Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay”. Điều này có nghĩa là những cách nói sai hiện nay nếu không phê phán, quyết liệt ngăn cấm kịp thời thì sẽ trở thành những cách nói đúng trong tương lai!
Sai từ thừa chữ…
Ví dụ: cách nói “chiếc đồng hồ mới cứng” hiện nay được coi là đúng. Ấy thế nhưng cách đây 40 năm nó bị coi là sai, vì lúc đó “mới cứng” chỉ dùng cho tiền giấy bạc mới in, còn cứng. Một ví dụ khác: cách nói “Hỗ trợ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn” hiện nay được coi là bình thường. Trước đây, đó là cách nói sai. Vì hỗ là lẫn nhau, là từ hai phía, hỗ trợ là sự giúp đỡ nhau từ hai phía. Lẽ ra phải nói “trợ giúp/giúp đỡ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn”.
Ngay từ đầu những cách nói sai mới cứng, hỗ trợ không bị phê phán, uốn nắn nên dần dần được nhiều người dùng, kết cục thành cách nói được xã hội chấp nhận.
Những từ ngữ sai bắt nguồn từ quy định của cơ quan công quyền thì hết cách sửa, vì nó đã thành thuật ngữ của một khái niệm pháp lý. Ví dụ: xe môtô có dung tích xilanh trên 50cm3 thì ngành công an gọi là “xe phân khối lớn”. Mọi người phải chấp nhận thuật ngữ này, dù học trò tiểu học cũng biết rằng không có khái niệm phân khối lớn và phân khối nhỏ. Bây giờ không ai sửa được cái từ ngữ “xe phân khối lớn” vô nghĩa về khái niệm này nữa!
Dùng từ ngữ dư thừa cũng là sai. Chúng ta nêu ở đây một kiểu dư thừa rất hay gặp trong cấu tạo từ ghép có một yếu tố Hán – Việt và nay đã thành “đúng”: cây đại thụ, đường quốc lộ, người nông dân…
Từ Hán – Việt thụ là cây. Thế nên cách nói “Ông là một cây đại thụ trong giới sử học” là dư, nhưng cách nói này hiện nay được coi là đúng. Và đúng tới mức không thể bỏ từ cây. Còn câu “Ông là một đại thụ trong giới sử học” lại bị coi là không bình thường (!). Từ Hán – Việt nông dân là “người lao động sống bằng nghề làm ruộng” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Vậy thì “người nông dân” cũng là dư. Những cách nói dư này đã trở thành bình thường đến nỗi đã đi vào cả thơ văn. Trong bài Viếng bạn, Hoàng Lộc viết: “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ”.
Vậy là câu dư để lâu cũng thành đúng!
… đến sai cả cụm, cả câu
Có những kiểu câu sai ngữ pháp nay cũng thành đúng. Năm 1975, trong mục Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo Nhân Dân, nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Thản với bút danh Vương Thịnh đã viết về một loại lỗi ngữ pháp “Qua thực tế, cho thấy…” Kiểu lỗi này được nhiều nhà ngôn ngữ học tiếp tục thảo luận với tên gọi “sai về trạng ngữ”, nhưng không được xã hội và nhất là các cơ quan truyền thông và công quyền lên án mạnh mẽ nên nó tiếp tục được “duy trì” và nay thành căn bệnh khó chữa. Trên các trang báo, trong các bài viết, xuất hiện không hiếm những câu như “Theo khảo sát mới đây của các nhà nghiên cứu, cho thấy nạn tự tử ở Nhật Bản ngày càng…” (Chào buổi sáng, VTV1, 14.9.2010)
Thành ngữ “Chân đăm đá chân chiêu” nói về dáng đi của người say rượu chân phải đá chân trái. Ngày nay không mấy người biết tiếng Việt cổ: đăm là phải, chiêu là trái như trong tục ngữ “tay chiêu đập niêu không vỡ”. Nhưng từ “chiêu” gần âm với từ “xiêu”, người ta liên tưởng tới hình ảnh người say thì đi xiêu vẹo, lảo đảo. Thế là thành ngữ trên được nhiều người nói thành “chân nam đá chân xiêu”.
Khi một lỗi sai, một lỗi dư thừa nào đó trở nên phổ biến thì chúng ta hãy dè chừng: chúng dễ trở thành những từ đúng trong tương lai. Một kiểu nói sai, nếu để lâu từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà càng về sau thì những người rõ cội nguồn (etymology) của nó càng ít đi nên họ dễ lầm tưởng là đúng.
Phải phát hiện “tế bào lạ”
Những từ ngữ sai nào dễ được chấp nhận? Đó là những từ ngữ sai có điểm tựa là “cơ sở lôgic về nghĩa”, là “từ nguyên dân gian” có vẻ hợp lý.
Chiều 9.7.1995, một nhân viên toà soạn báo nọ hỏi tôi, viết xán lạng hay sáng lạn mới đúng? Tôi cười: “Cả hai, mỗi cách viết đều sai một nửa, đúng một nửa”. Một mặt, do không biết gốc của xán lạn nên nhiều người liên tưởng tới ánh sáng, tới sáng sủa, sáng rực rỡ trên những ngọn núi cao, cuối cùng đã viết xán lạn thành sáng lạn. Mặt khác, ngoại trừ xán lạn, trong tiếng Việt không còn từ nào mà tiếng thứ hai là lạn, trong khi đó từ lạng là một đơn vị trọng lượng thì gặp hàng ngày. Ấy thế là xán lạn thành xán lạng!
Chiều 16.5.1999, trên đài truyền hình Trung ương, nhạc sĩ HK giới thiệu về chèo giảng giải: nếu hát chèo có dở nhưng có tiếng trống đệm hay, thì sẽ cứu vãn được cho ca sĩ, đó là vụng chèo khéo… trống (!). Người Nam bộ có hát chèo đâu mà thành ngữ này vẫn dùng rất phổ biến? Thực ra trong “vụng chèo khéo chống”, hai từ chèo, chống liên quan đến mái chèo và cây sào, nghĩa đen của thành ngữ này nói về chuyện đi lại trên sông nước, còn nghĩa bóng lại là “làm thì dở, kém nhưng lại khéo biện bạch, chống chế”.
Tiếng Việt có cách nói đơn giản “xe cộ đi lại”, “những phương tiện đi lại trên đường”. Nhưng trong chương trình Chào buổi sáng của VTV1 và báo chí nói chung, cách nói này bị thay bằng một cụm từ Hán – Việt dài gấp đôi: “xe cộ tham gia giao thông”, “những phương tiện tham gia giao thông trên đường”. Trong hầu hết các trường hợp, có thể thay “tham gia giao thông” bằng “đi lại”. Cơ quan truyền thông đừng làm tiếng Việt dở đi!
Con đường của một câu sai thành đúng như sau: Một cách nói A lúc đầu bị coi là sai. Do không sửa ngay, dần dần A trở thành cách nói tranh chấp với cách nói B vốn được coi là đúng. Tế bào lạ A này dần dần chiếm ưu thế và đẩy B trở thành cách nói “cổ” ít dùng. Cuối cùng, A hoàn toàn thắng thế và trở thành chuẩn mới.
Một khi những cách dùng sai đã trở thành đúng thì các nhà ngôn ngữ học không thể áp đặt kiểu “nói đúng phải là…”, bởi lúc đó người ta không theo nữa. Dạy con từ thuở còn thơ. Lỗi sai cũng phải được nghiêm khắc phê phán ngay từ lúc chúng mới bơ vơ vào tiếng Việt!
(theo SGTT) ________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: câu sai ngữ pháp, etymology, lôgich về nghĩa, lỗi ngữ pháp, những cách nói sai, sai từ thừa chữ, từ nguyên dân gian | 3 Comments »
BÀN THÊM VỀ MỘT SỐ THUẬT NGỮ TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI CÓ NGUỒN GỐC TỪ TIẾNG NƯỚC NGOÀI
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Năm 1, 2010
NGUYỄN TẤN HÙNG
Hiện nay, có một số thuật ngữ triết học, chính trị học có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta nhưng chưa thật chính xác, đầy đủ do cách dịch chưa sát nguyên nghĩa hoặc do bản thân từ ngữ chuyển nghĩa không bao quát hết nội dung của ngôn ngữ gốc. Trong bài viết này, tác giả làm rõ một số bất cập trong việc phiên dịch các thuật ngữ triết học, chính trị học… sang tiếng Việt nhằm góp phần vào việc nghiên cứu, học tập lý luận một cách hiệu quả hơn.
1. Về các thuật ngữ chỉ tên và các hình thức nhà nước
Chúng tôi nhận thấy rằng, có một số tên nhà nước trên thế giới được dịch ra tiếng Việt thiếu chính xác, hoặc đã thay đổi rồi nhưng chúng ta vẫn gọi theo tên cũ.
Nước “Mỹ” là cách gọi không khớp với tên của nhà nước đó hiện nay là United States of America (USA). Đây là một Nhà nước liên bang gồm 50 tiểu bang hợp nhất lại. Từ “states” có nghĩa là tiểu bang; “united” có nghĩa là thống nhất, hợp nhất lại. Trong tiếng Việt, nước Mỹ còn có tên gọi là “Hoa Kỳ” (cờ hoa), nhưng thực ra, lá cờ nước Mỹ gồm “sao và vạch” (stars and stripes) chứ không phải là “hoa”. Trên lá cờ Mỹ có 13 vạch đỏ và trắng đại diện cho 13 xứ thuộc địa của Anh đã nổi dậy giành độc lập trong cuộc cách mạng 1776 và 50 ngôi sao năm cánh đại diện cho 50 tiểu bang hiện nay ở Mỹ.
Nhiều nhà nước trên thế giới được tổ chức theo hình thức liên bang; tên nhà nước có thể có từ “liên bang”, như Liên bang Nga, Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Liên bang Nigiêria… Nhưng cũng có những nhà nước liên bang không dùng từ “federation” hoặc “federal”, mà dùng từ “united” (hợp nhất, thống nhất lại, cũng có nghĩa là liên bang, liên minh), như trường hợp United States, United Kingdom, United Arab Emirates. “Unnited Kingdom” (UK), tên đầy đủ là “Unnited Kingdom of Great Britain and Northern Irland”, tiếng Việt gọi là “Vương quốc Anh”. Thật ra, nó không chỉ có nước Anh, mà còn có ba nước khác nữa là Bắc Ailen, Xcôtlen (Scotland) và Wales. “Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất” (United Arab Emirates) là một liên bang gồm 7 tiểu vương quốc (emirate) hợp nhất lại.(*)
Nước “Dân chủ Hy Lạp” (tiếng Hy Lạp phiên âm latinh: Elleniki Demokratia) là tên gọi chính thức của nhà nước này, nhưng trong nhiều thứ tiếng khác trên thế giới nó có tên gọi là “Cộng hòa Hy Lạp” (tiếng Anh: Hellenic Republic). Dân chủ và cộng hòa có gì khác nhau? Đây là những hình thức nhà nước trong lịch sử. Thuật ngữ “dân chủ” (tiếng Anh: democracy, tiếng Hy Lạp phiên âm latinh: demokratia) bắt nguồn từ hai từ Hy Lạp: demos (nhân dân) và kratos (sự cai trị, sức mạnh), gộp lại có nghĩa là sự cai trị của nhân dân. Thuật ngữ “cộng hòa” (tiếng Anh: republic) có nguồn gốc từ hai từ Hy Lạp “res” (công việc) và “publika” (chung). Thuật ngữ này hàm ý: nhà nước cộng hoà là “công việc chung”, khác với chế độ quân chủ (tiếng Anh: monarchy có nguồn gốc tiếng Hy Lạp: monos (một) và arkhos (người cai trị). Cộng hoà và dân chủ trong thời cổ đại Hy Lạp là hai hình thức nhà nước khác nhau. Platôn phản đối nhà nước dân chủ Aten và chủ trương xây dựng một nhà nước cộng hoà lý tưởng. Nhà nước cộng hoà của Platôn là “công việc chung” của đẳng cấp nhà triết học, chứ không phải là công việc chung của nhân dân, vì theo Platôn, số đông nhân dân thì không có tri thức để cai trị nhà nước. Ngày nay, cộng hoà cũng có nghĩa là dân chủ, vì nhà nước cộng hoà là công việc chung của nhân dân. Cộng hoà là hình thức nhà nước phổ biến hiện nay trên thế giới, mặc dù có nhiều nước vẫn gọi nhà nước của họ là “vương quốc”, hoặc không dùng từ cộng hòa để gọi tên nhà nước của họ.
2. Về cách đặt tên cho một học thuyết, một trường phái
Để đặt tên cho một học thuyết, một trường phái triết học, chính trị – xã hội, người ta thường có mấy cách sau: Cách đơn giản nhất là lấy tên người sáng lập, có khi để nguyên tên cộng thêm đuôi “ism” (dịch ra tiếng Việt là chủ nghĩa, đạo, giáo), như chủ nghĩa Mác (Marxism), chủ nghĩa Lênin (Leninism), chủ nghĩa Mao (Maoism), chủ nghĩa Thomas (Thomism), Phật giáo (Buddhism, xuất phát từ Buddha), v.v., hoặc biến danh từ riêng thành tính từ rồi mới cộng thêm “ism” vào. Thí dụ, Khổng giáo (Confucius (Khổng Tử) Confucian Confucianism), chủ nghĩa Cantơ (Kant Kantian Kantianism), chủ nghĩa Hêghen (Hegel Hegelian Hegelianism), v.v.. Cách phổ biến thứ hai trong việc đặt tên cho một học thuyết và cũng là cách gây ra những sự rắc rối cho người nghiên cứu là lấy khái niệm trung tâm trong học thuyết đó để đặt tên cho nó. Thí dụ, Đạo gia là một trường phái triết học ở Trung Quốc cổ đại do Lão Tử sáng lập; khái niệm trung tâm của học thuyết này là “Đạo”. Khái niệm này thật khó phiên dịch, nên ngay cả phương Tây cũng phải gọi nó là Daoism hoặc Taoism.
Trong triết học, chính trị học, xã hội học hiện đại, khi đặt tên cho học thuyết của mình, tác giả của nó tìm một thuật ngữ phản ánh được bản chất của học thuyết đó. Do đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng, việc tìm hiểu và giải thích đúng tên của một học thuyết hay trường phái có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu cũng như giảng dạy học thuyết đó.
Vì không hiểu khía cạnh này nên nhiều người nghiên cứu và giảng dạy thường ít quan tâm đến tên của học thuyết đó, hoặc chỉ thỏa mãn với cái tên đã được dịch ra tiếng Việt mà không quan tâm tìm hiểu nguồn gốc của thuật ngữ.
Thuật ngữ “Pragmatism” là do tác giả của nó – Charles Sander Peirce đặt ra. Ông dùng thuật ngữ này có một hàm ý sâu xa của nó. Ta hãy nghe sự phân tích của William James, một trong ba nhà sáng lập chủ nghĩa thực dụng, người đã biến chủ nghĩa thực dụng thành học thuyết lý luận. Trong bài giảng của mình với tiêu đề “What Pragmatism Means?” (Chủ nghĩa thực dụng có nghĩa là gì?), James viết: “Một cái nhìn sơ qua về lịch sử của tư tưởng này sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn thế nào là chủ nghĩa thực dụng. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “pragma”, có nghĩa là hành động, nó là nguồn gốc của các từ “thực tiễn”, “thực tế” của chúng ta. Thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa vào triết học bởi ông Charles Peirce năm 1878”(1).
Chủ nghĩa thực dụng là một trào lưu triết học ra đời nhằm chống lại các hệ thống triết học duy tâm, kinh viện, giáo điều trước đây. Nó nhấn mạnh vai trò của hành động, của thực tiễn, của kinh nghiệm, của hiệu quả thực tế chứ không phải là của lý luận suông, của những cái trừu tượng, không tưởng, xa rời thực tế. William James nói: “Nhà thực dụng đại diện cho một thái độ hoàn toàn quen thuộc trong triết học, thái độ kinh nghiệm chủ nghĩa, nhưng hình như đối với tôi, nó đại diện cho thái độ này dưới hình thức vừa triệt để hơn, vừa ít bị phản đối hơn. Nhà thực dụng kiên quyết và vĩnh viễn quay lưng lại với một loạt những thói quen thâm căn cố đế của các nhà triết học chuyên nghiệp. Anh ta xa lánh với sự trừu tượng và sự thiếu bằng chứng, với những giải pháp câu chữ, những lý lẽ tiên nghiệm, với những nguyên lý cố định, những hệ thống khép kín, với những cái được cho là tuyệt đối, là bản nguyên. Nó hướng tới tính cụ thể, sự đầy đủ bằng chứng, tới những sự kiện thực tế, tới hành động, tới sức mạnh”(2).
Ở nước ta, vì không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với lý luận của học thuyết này, chỉ hiểu qua trung gian là các từ điển, các sách được viết trong thời kỳ bao cấp ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây nên chủ nghĩa thực dụng chỉ được hiểu ở khía cạnh tiêu cực của nó (tất nhiên, chủ nghĩa thực dụng có mặt tiêu cực của nó), như là “chỉ biết có lợi nhuận”, “lợi ích vật chất trước mắt, không quan tâm đến những mặt khác”, v.v.. Còn mặt tích cực của nó là chống lại tư biện, giáo điều, ảo tưởng, xa rời thực tế; đề cao kinh nghiệm, hiệu quả thực tế… thì không được đề cập đến. Cần nhắc lại rằng, khi gọi tên một học thuyết, chúng ta phải trung thành với tên gốc của nó, không được tự tiện đặt ra một tên khác để gọi học thuyết đó theo cách hiểu sai về thực chất của nó. Thí dụ, pragmatism (chủ nghĩa hành động, triết học thực tiễn) thì gọi là “chủ nghĩa thực dụng”, conservatism (chủ nghĩa bảo tồn) thì gọi là “chủ nghĩa bảo thủ”, communism (chủ nghĩa cộng đồng) thì gọi là “chủ nghĩa cộng sản”, v.v..
Thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh” bắt nguồn từ tiếng latinh “existentia” do chính ông tổ của trào lưu triết học này (nhà triết học Đan Mạnh Soren Kierkegaard (1813 – 1855) sử dụng lần đầu tiên, sau đó được các nhà triết học khác của trường phái này tiếp tục sử dụng. Thuật ngữ “existentia” (tiếng latinh), “existence” (tiếng Pháp, Anh) phản ánh quan điểm cơ bản của trào lưu triết học này, được dịch ra tiếng Việt là “hiện sinh” thì không thoả đáng về ngữ nghĩa, nhưng rất tiếc chưa có nhà nghiên cứu nào đặt vấn đề phải xem xét lại cách dịch thuật ngữ này trong tiếng Việt. Vì thế, chúng tôi cho rằng, tuy tên gọi này trong tiếng Việt đã dùng quen rồi khó thay đổi, nhưng cần phải được giải thích thêm mới giúp tránh được cách hiểu lệch lạc về tư tưởng cơ bản của trào lưu triết học này. (2)
Từ “hiện sinh” trong tiếng Việt có nghĩa là “cuộc sống hiện tại”, vì người ta hiểu sai là các nhà triết học trường phái này chỉ biết có cuộc sống trước mắt, không cần quan tâm đến tương lai (hiểu cuộc sống hiện sinh là “sống gấp”). Thực ra, những nhà hiện sinh Pháp, như Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir không chỉ biết sống cho hiện tại, mà còn là những người tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống phát xít ở Pháp, ủng hộ phong trào đấu tranh vì tự do của các dân tộc khác trên thế giới. Sartre và Camus là những người được tặng giải thưởng Nobel. Sartre tích cực tham gia và chủ trì phiên tòa thứ hai của Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; còn Beauvoir là người tích cực đấu tranh trong phong trào đòi quyền bình đẳng phụ nữ.
Đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh không phải là cổ vũ cho sự “sống gấp”, mà là nhấn mạnh tính chủ quan. Đây là đóng góp quan trọng nhất và cũng là sai lầm lớn nhất của trào lưu triết học này. Thuật ngữ “existence” (tiếng Anh, Pháp) hay “Dasein” (tiếng Đức) là khái niệm nói lên sự tồn tại cá nhân cụ thể, là tồn tại có ý thức , là “tồn tại cho nó” chứ không phải “tồn tại tự nó”. Ý thức mà chủ nghĩa hiện sinh đề cao là những cảm xúc chủ quan của cá nhân, sự tự do lựa chọn không bị quy định bởi bất cứ cái gì khác ngoài trách nhiệm mà cá nhân tự ý thức được. Luận điểm cơ bản của nó – “Hiện sinh có trước bản chất” – nói lên đầy đủ quan niệm đó. Chủ nghĩa hiện sinh đề cao sự tự do lựa chọn và trách nhiệm cá nhân, về một phương diện nhất định, có thể coi đây là một đóng góp quan trọng; tuy nhiên, vì nó phủ nhận tính tất yếu và quy luật khách quan, nên sự tự do lựa chọn của cá nhân có thể dẫn đến những sai lầm không thể cứu vãn nổi
3. Về một số thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc nhưng bị hiểu sai trong tiếng Việt
Muốn hiểu được tiếng Việt thì phải có một kiến thức nhất định về thuật ngữ Hán – Việt, cũng giống như muốn đọc tiếng Anh, Pháp, Nga… thì phải hiểu nguồn gốc Hy Lạp, latinh của nhiều thuật ngữ trong các thứ tiếng này. Nhiều khi nếu có nghi ngờ về cách hiểu quen thuộc đối với một số thuật ngữ Hán – Việt thì cần tham khảo cách dịch các thuật ngữ này trong các thứ tiếng phương Tây, như tiếng Anh. Thí dụ, “tính” trong câu nói của Khổng Tử “Tính tương cận, tập tương viễn” là gì? Nhiều người thường hiểu “tính” là ý thức, là nhân cách, nhưng nếu tham khảo các sách phương Tây thì thấy “tính” tức là bản tính tự nhiên của con người (human nature), mầm mống của nó đã có sẵn khi con người sinh ra không đợi phải được giáo dục, học tập mới có. Cách hiểu này không có gì mới lạ nếu ta đọc đoạn trích sau đây từ Tuân Tử: “Phàm là người thì đều giống nhau: đói thì muốn ăn, lạnh thì muốn ấm, mệt thì muốn nghỉ, thích điều có lợi mà không thích điều có hại cho mình. Đấy là cái con người sinh ra vốn đã có, không đợi đến khi học hành mới có”.
“Nho” trong Nho gia có nghĩa là gì? Có nhiều cách hiểu khác nhau ở Việt Nam, Trung Quốc về từ này và khó có thể khẳng định cách hiểu nào là chính xác. Ở phương Tây, “nho” được dịch là scholar có nghĩa là “học giả”. Nho gia 儒? 家? được dịch là trường phái các học giả (school of the scholars). Từ “giáo” trong “Nho giáo”, “Khổng giáo”, “tam giáo” có nghĩa là gì? Nhiều người thường hiểu “giáo” là tôn giáo. Ở phương Tây, từ Nho giáo 儒? 教 được dịch là “Study of the Scholars”, Khổng giáo 孔 教 được dịch là “Teaching of Confucius”; “giáo” là giáo dục, học thuyết, chứ không phải là tôn giáo. Phương Tây thường lấy tên của Khổng Tử (được một nhà truyền giáo phương Tây dịch ra tiếng latinh là Confucius) để đặt tên cho trường phái này là Confucianism (chủ nghĩa Khổng Tử, Khổng giáo)(3).
Trước đây, ở nước ta đã từng có thời kỳ “tam giáo” được các nhà nước phong kiến lấy làm nội dung học tập, thi cử. Tam giáo (Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo) không có nghĩa là “ba tôn giáo”, mà chỉ là ba học thuyết. Tam giáo được nghiên cứu với tư cách là những học thuyết triết học, đạo đức, chứ không phải ở khía cạnh tôn giáo. Trong khi trả lời một nhà báo Liên Xô, Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi sinh ra trong một gia đình nhà Nho An Nam… Thanh niên trong những gia đình ấy thường học Khổng giáo, đồng chí biết chắc Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử”(4).
Trong bài thơ “Dạ bán”(5) của Hồ Chí Minh có những khái niệm “thiện”, “ác” là những thuật ngữ có liên quan đến ngôn ngữ triết học Trung Quốc. Để hiểu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh trong bài thơ này, cần phải nhắc lại cuộc tranh luận trong phái Nho gia về bản tính của con người. Mạnh Tử cho rằng, bản tính con người là “thiện”. Sách Tam Tự Kinh ra đời thời nhà Tống đã đứng trên quan điểm của Mạnh Tử khi cho rằng, “Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Tính tương cận, tập tương viễn”. Tuy nhiên, một nhà Nho khác là Tuân Tử lại có quan điểm ngược lại, cho rằng bản tính con người là “ác”. Ông nói: “Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả nguỵ giả”, nghĩa là “Bản tính con người là ác, còn thiện là ngụy” (do con người làm ra). Ông lập luận: “Tính người ngày nay, trời sinh có kẻ hiếu lợi; do đó, mới sinh ra vấn đề tranh đoạt mà mất đi đức tính khiêm nhường… Trời sinh người ta có thứ dục vọng bởi tai mắt, thích nghe cái hay, nhìn cái đẹp; do đó, mới sinh ra vấn đề dâm loạn, mà mất đi lễ nghĩa, đạo lý văn hóa. Vậy thì, nếu cứ chiều theo tính và thuận theo tình của con người, thì sẽ diễn ra cảnh tranh giành, phạm tội loạn ly, rồi quy hết về bạo lực… Cứ nhìn theo đó thì đã quá rõ ràng, tính người là ác vậy”.
Hồ Chí Minh có một cách nhìn khác với hai quan điểm trên của Mạnh Tử và Tuân Tử. Con người không có bản tính cố hữu là thiện hay ác. Đứa trẻ khi chưa được giáo dục nó có bản tính tham ăn, ích kỷ, dưới con mắt của người lớn không ai cho đó là “ác” cả. Bản tính tự nhiên của đứa trẻ có thể trở thành thiện hay ác khi đứa trẻ lớn lên đến một độ tuổi nhất định và phải thông qua giáo dục xã hội cùng với sự rèn luyện của bản thân đứa trẻ đó. Hồ Chí Minh cho rằng nhân cách con người phần nhiều do giáo dục, rèn luyện mà có và chỉ biểu hiện ra trong quan hệ và hoạt động xã hội. Khi ngủ thì ai cũng như nhau. Đến khi thức dậy (nghĩa là khi hành động) mới phân ra người thiện, kẻ ác. Ngục trung nhật ký là một tác phẩm viết bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh, nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nhiều học giả Trung Quốc, trong đó có nhà thơ nổi tiếng Quách Mạt Nhược, đã nhận xét trong tập thơ này có nhiều bài thơ mà trình độ sánh ngang với thơ Đường, thơ Tống – những thời kỳ đỉnh cao của thơ Trung Quốc. Đã có nhiều bản dịch ra tiếng Việt, nhưng chưa có bản nào phản ánh được hết giá trị của tác phẩm. Bài thơ Dạ bán thể hiện một tư tưởng triết học sâu sắc của Hồ Chí Minh về nguồn gốc, phương thức biểu hiện nhân cách, đạo đức của con người. Tuy nhiên, Nam Trân mặc dù hiểu đúng (thể hiện trong cách giải thích), nhưng khi dịch ra thơ thì lại chưa chuyển tải đúng tư tưởng triết lý của bài thơ. Thiện được dịch là “hiền”, ác là “dữ” thì không chính xác, vì thiện, ác là những phạm trù đạo đức, thuộc cấp độ ý thức xã hội; còn hiền, dữ chỉ là cá tính, thuộc cấp độ tâm lý cá nhân. Hiền chưa hẳn là thiện, dữ chưa hẳn là ác. Sự khác nhau về nhân cách (thiện, ác) mới là cái không có sẵn, phần nhiều do giáo dục mới có. Còn sự khác nhau về cá tính, như hiền lành (điềm tính, dễ tính, nhu mì) hay hung dữ (hung hăng, nóng nảy, dễ bị kích động), hoạt bát hay trầm tính, v.v. không phải chủ yếu là do giáo dục; chúng một phần có liên quan đến cấu trúc thần kinh, nhiễm sắc thể, hoocmôn, hóa chất, v.v., trong cơ thể của mỗi người. Điều này đã được khoa học và tâm lý học hiện đại nghiên cứu.(4)
Hơn nữa, trong tiếng Việt, nói thiện, ác thì ai cũng hiểu được, cần gì phải dịch ra hiền, dữ làm sai nghĩa đi.
________________________________________ (1) William James, What Pragmatism Means, có thể đọc bài này ở đia chi: http://www.marxists.org/ reference/subject/philosophy/works/us/james.htm hoặc ở nhiều trang web khác (2) William James, What Pragmatism Means, có thể đọc bài này ở đia chi: http://www.marxists.org/ reference/subject/philosophy/works/us/james.htm hoặc ở nhiều trang web khác (3)Confucianism, http://en.wikipedia.org/wiki/Confucianism (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.477. (5) Hồ Chí Minh, Sđd., t.3.
________________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ, Từ vựng học, xây dựng thuật ngữ | Thẻ: chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa và trường phái, tên gọi chính thức quốc gia, tên học thuyết, Thuật ngữ chính trị-xã hội, thuật ngữ triết học | 1 Comment »
ĐỪNG ĐÁNH MẤT CHỦ QUYỀN NGÔN NGỮ
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Tư 8, 2010
Lê Đình Tư (Bài đã đăng trong Tạp chí Tri thức trẻ)
Ngày nay, người Việt Nam trong các thành phố lớn đang bị bao vây tứ phía bởi những tên gọi nước ngoài và những từ ngữ vay mượn không chính thức của các thứ tiếng nước ngoài không được Việt hóa. Đi dọc theo các con phố của các thánh phố lớn, nhiều người có cảm giác như lạc vào thành phố của một nước nào đó, với nhan nhản những từ ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn … được giữ nguyên dạng gốc. Có rất nhiều những biển hiệu và từ ngữ bằng tiếng nước ngoài mà người dân bình thường không đọc được và cũng không hiểu được ý nghĩa của chúng.
Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu biển hiệu hay từ ngữ nước ngoài là tên gọi của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Trong trường hợp này, việc sử dụng các tên gọi nước ngoài được coi là hiển nhiên, không ai cảm thấy khó chịu, cho dù người ta không hiểu được ý nghĩa của các từ ngữ đó. Đấy không chỉ là tên gọi mà còn là thương hiệu của các công ti hay doanh nghiệp đó. Chẳng hạn, chúng ta không cần dịch tên gọi công ti DAEWOO của Hàn Quốc sang tiếng Việt là Đại Vũ hay công ti HYUNDAI là Hiện Đại, vì đó không chỉ là tên gọi của các công ti mà còn là thương hiệu quốc tế của các công ti đó. Trong những trường hợp này, người ta không cần phải biết ý nghĩa của các tên gọi, bởi vì tên gọi của các doanh nghiệp tự nó đã phản ánh phạm vi hoạt động hay sản phẩm của doanh nghiệp đó.
Cũng sẽ chẳng có ai phản đối, nếu tên gọi của các cơ quan hay tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được trương lên bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tên gọi không phải là thương hiệu mà là sự mô tả ngắn gọn lĩnh vực hoạt động của cơ quan hay tổ chức đó. Nói cách khác, tên gọi ở đây phản ánh tính chất hay chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hay tổ chức mang tên gọi. Vì vậy, sẽ là thiếu sót, nếu các tên gọi này không được ghi kèm với tên gọi tương đương trong tiếng Việt, tức là không được dịch sang tiếng Việt. Mọi người Việt Nam đều có quyền được biết các cơ quan hay tổ chức nước ngoài đó làm gì ở Việt Nam, và dịch tên gọi nước ngoài sang tiếng Việt là cách duy nhất để mọi người có thể hiểu được và hiểu đúng các tên gọi đó. Cũng chính vì hiểu được tên gọi mà mọi người biết được lí do tại sao cơ quan hay tổ chức đó có mặt tại Việt Nam. Chẳng hạn, nếu tên gọi của tổ chức SIDA (Cơ quan Hỗ trợ Phát triển của Thụy Điển) không được dịch sang tiếng Việt thì có thể sẽ có nhiều người hiểu lầm đó là cơ quan phòng chống AIDS (bệnh AIDS cũng được gọi là SIDA). Còn nếu có ai đó cho rằng, đối với những người biết tiếng Anh, các tên gọi nước ngoài hoàn toàn không gây khó khăn gì cho việc hiểu ý nghĩa của chúng thì điều đó không phải bao giờ cũng đúng. Nếu không được dịch sang tiếng Việt hoặc không ghi dạng đầy đủ của tên gọi nước ngoài thì ngay cả những người biết ngoại ngữ chưa chắc đã hiểu đúng những tên gọi đó. Chẳng hạn, tổ chức EAST, có thể sẽ được hiểu là Phương Đông (t. Anh: east = phương đông), trong khi nó là tên viết tắt tiếng Pháp của Tổ chức Nước Nông nghiệp và Y tế Vùng Nhiệt đới. Ngay cả những tên gọi viết tắt tiếng Anh của các cơ quan hay tổ chức Việt Nam như TCV, nếu không dịch sang tiếng Việt thì nhiều người Việt cũng không biết đó là Hội Tim học Tôn Thất Tùng –Việt Nam. Đối với những người không biết tiếng Anh (chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội ta), đương nhiên, khó khăn trong việc tìm hiểu ý nghĩa của các tên gọi càng tăng lên gấp bội. Thế nhưng, rất tiếc là có nhiều tên gọi của các cơ quan, tổ chức nước ngoài không có tên gọi tương đương trong tiếng Việt.
Sẽ khá khó chịu, nếu tên gọi của các doanh nghiệp hoặc cơ quan, tổ chức của Việt Nam được ghi bằng tiếng Anh hay một thứ tiếng nước ngoài nào đó, bởi vì không có lí do gì người Việt Nam lại không được biết tên gọi của các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp của nước mình. Người Việt Nam, nói chung, không có nhu cầu phải biết Ngân hàng Quân đội có tên tiếng Anh là Military Bank hay Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có tên là Viet Nam Red Cross. Đối với họ, tên gọi tiếng Việt của các doanh nghiệp, cơ quan hay tổ chức Việt Nam là hoàn toàn đủ để họ có thể tiến hành các hoạt động giao dịch. Cho nên, tên gọi tiếng Anh chỉ có ý nghĩa đối với người nước ngoài hoặc đối với người Việt Nam khi giao dịch với người nước ngoài. Nếu tên gọi của các doanh nghiệp hay cơ quan, tổ chức Việt Nam chỉ được ghi bằng tiếng nước ngoài thì người Việt Nam không biết tiếng nước ngoài sẽ có cảm giác như mình bị chế nhạo, đơn giản là vì họ trở thành những người “vô tri”. Việc trương các tên gọi của các doanh nghiệp hay tổ chức Việt Nam bằng tiếng nước ngoài ở những vị trí cao nhất thường gây cảm giác khó chịu như vậy. Hơn thế nữa, việc làm này còn gây nên cảm giác về sự mất chủ quyền của ngôn ngữ dân tộc, nhất là khi tên gọi bằng tiếng Việt hoàn toàn bị loại bỏ. Song, thực tế này có thể quan sát thấy ở khắp các thành phố lớn trên đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, gây cảm giác khó chịu nhất là sự tạp nham của các từ ngữ và/hoặc biển hiệu nước ngoài được trương lên tùy tiện, không theo một nguyên tắc nào ở các thành phố của ta. Điều đó tạo ra một cảm giác về sự lộn xộn, nhếch nhác của các đường phố của ta. Thay vì cửa hàng hay hiệu, người ta thấy đầy rẫy những shop với những biến tướng như shop men, Shop Fashion, shop Thủy, Baby’ shop. Thay vì Giảm giá, người ta thấy vô số những Sale hay Sale off. Rồi nào là Shoes (giầy), Veston (áo vét tông), Complet (com lê), leather (đồ da)… được dùng để thay cho các từ ngữ hay biển hiệu tiếng Việt, ngay cả ở những nơi mà, có lẽ, cả năm không có người nước ngoài nào đến thăm. Hơn thế nữa, có nhiều biển hiệu hay từ ngữ tiếng nước ngoài còn bị viết sai lỗi chính tả, nghĩa là ngay cả chủ nhân của những biển hiệu đó cũng không phải là người thạo ngoại ngữ. Đó chẳng qua chỉ là thói sùng bái từ nước ngoài chứ tuyệt nhiên không phải là biểu hiện của sự cố gắng để tạo ra thương hiệu Việt Nam, bởi vì trong các cửa hàng đó, chủ yếu người ta bán hàng hóa nước ngoài, có khi chỉ là hàng lỗi mốt của nước ngoài. Vì vậy, kết quả là tiếng nước ngoài không làm cho đường phố của chúng ta trở nên sang trọng hơn mà chỉ làm tăng cảm giác về sự nhếch nhác của các cửa hàng và vì thế, làm tăng cảm giác nhếch nhác của các đường phố.
Vài năm trước, có một nhà sử học người Nhật Bản đã nói với tôi, đại ý: Việt Nam đang phải đối mặt với một cuộc xâm lăng tệ hại nhất trong lịch sử của mình. Đó không phải là một cuộc xâm lăng bằng gươm đao hay súng đạn. Đó cũng không phải là một cuộc xâm lăng để giành chiếm đất đai hay lãnh thổ. Cuộc xâm lăng đó cũng không có kẻ thù. Đó là một cuộc xâm lăng của một lực lượng hùng hậu các doanh nghiệp nước ngoài được người Việt Nam mời đến để góp phần phát triển đất nước. Cuộc xâm lăng này có sức tàn phá rất ghê gớm về lâu dài. Đó là sự tàn phá về văn hóa, xã hội, về ý thức hệ và về môi trường. Chỉ có sự khôn ngoan và ý thức dân tộc sâu sắc mới có thể chống lại cuộc xâm lăng đó.
Đi trên các đường phố Việt Nam, với đầy rẫy những biển hiệu và từ ngữ nước ngoài được trương lên ở vị trí trang trọng nhất, lấn át hay thậm chí thay thế các biển hiệu và từ ngữ tiếng Việt, chúng ta không khỏi nghĩ đến chủ quyền của dân tộc mà biểu hiện ở đây là chủ quyền ngôn ngữ. Chúng ta đang đánh mất chủ quyền ngôn ngữ. Không phải do một thế lực thù địch nào đó, mà là do chính chúng ta, do sự vô ý thức, sự thiếu hiểu biết về hậu quả lâu dài của việc đánh mất chủ quyền ngôn ngữ.
___________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: Chủ quyền ngôn ngữ, Tên gọi nước ngoài, Từ ngữ vay mượn, Tiếng Tây trong tiếng Việt | Leave a Comment »
ĐỪNG TÙY TIỆN ĐỔI MỚI TIẾNG VIỆT!
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 30, 2010
Lê Đình Tư (Bài đã đăng trong Tạp chí Tri thức trẻ)
Việc bổ sung từ ngữ cho tiếng Việt bằng cách vay mượn từ ngữ tiếng nước ngoài đương nhiên là một việc bình thường như đối với mọi ngôn ngữ khác, khi sự vay mượn đó là cần thiết, nghĩa là khi trong tiếng Việt chưa có các từ ngữ để biểu thị những khái niệm mới. Chính vì vậy, quá trình tiếp xúc giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ khác thường để lại những dấu ấn trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Đó là sự hiện diện của lớp từ vựng vay mượn hay còn gọi là từ vựng ngoại lai. Quá trình vay mượn từ ngữ của các thứ tiếng khác trong tiếng Việt đã diễn ra ngay từ thời kì xa xưa, trong giai đoạn nó đang hình thành, rồi về sau nó tiếp tục được bổ sung thêm vốn từ ngữ vay mượn của tiếng Hán và các thứ tiếng châu Âu hoặc châu Á khác. Đó là do vị trí địa-chính trị đặc biệt của Việt Nam, một trong số ít những quốc gia trên thế giới đã trở thành nơi hội tụ, gặp gỡ của nhiều tinh thần văn hóa-chính trị khác nhau, trong đó sự gặp gỡ của tiếng Việt với các ngôn ngữ thuộc những loại hình khác nhau là một trong những yếu tố gây tác động mạnh mẽ nhất đến đời sống xã hội của cộng đồng người Việt. Trong hệ thống tiếng Việt, chúng ta có thể quan sát thấy những ảnh hưởng của một loạt ngôn ngữ như: tiếng Trung (tiếng Hán), tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Khơme, tiếng Nhật, tiếng Thái… Dấu tích cụ thể của những ảnh hưởng đó là một tỉ lệ lớn các từ ngoại lai mượn của các ngôn ngữ thuộc những loại hình khác nhau trong tiếng Việt. Nhìn bề ngoài và nếu chỉ xét riêng về tỉ lệ các từ ngoại lai, người ta có thể coi tiếng Việt bản địa chỉ là dấu tích còn lại của một thứ tiếng Việt xa xưa, bởi vì tổng cộng có tới khoảng 60-80% đơn vị từ vựng trong thứ tiếng này là từ vay mượn của các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, tình hình thực tế không cho phép chúng ta khẳng định điều đó, vì đa số các từ ngoại lai trong tiếng Việt không còn mang những nét đặc trưng của các ngôn ngữ gốc mà chủ yếu mang những nét đặc trưng (ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp) của tiếng Việt. Đó là do chúng đã được Việt hóa hóa cao độ để hoàn toàn phù hợp với hệ thống của tiếng Việt, khiến cho người Việt trong nhiều trường hợp không nhận ra tính chất ngoại lai của chúng. Ngày nay, có lẽ ít người Việt nào lại nghĩ là từ (cái) đầu, (căn) buồng là từ vay mượn của tiếng Hán hay (nhà) ga, (cái) phanh là từ mượn của tiếng Pháp.
Việt hóa các yếu tố ngoại lai diễn ra trên tất cả các phương diện: ngữ âm, từ vị và ngữ pháp. Về mặt ngữ âm chẳng hạn, sự Việt hóa đã tạo cho các yếu tố ngoại lai diện mạo của những đơn vị từ vựng tiếng Việt, khiến cho sự tồn tại của chúng trong tiếng Việt không phá vỡ tính hệ thống của nó, nghĩa là làm cho người Việt bình thường khi nghe từ ngoại lai không cảm thấy “chướng tai” và tự mình có thể nói hay đọc được các từ ngữ đó mà không cảm thấy “ngượng giọng”. Một cụm từ tiếng Anh không được Việt hóa như live show sẽ phá vỡ hệ thống ngữ âm của tiếng Việt và gây khó khăn cho đại đa số người Việt trong khi nghe cũng như khi nói.
Trên phương diện ngữ pháp, việc vay mượn rất ít khi xảy ra. Sỡ dĩ như vậy là vì ngữ pháp chính là cái phần quan trọng nhất quyết định ngôn ngữ này hay ngôn ngữ kia là một ngôn ngữ độc lập hay chỉ là một biến thể địa phương của một ngôn ngữ nào đó. Chẳng hạn, nếu xét về phương diện phát âm và từ vựng thì giữa các phương ngữ Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ có sự khác biệt khá lớn, nhưng do không có sự khác biệt đáng kể nào về mặt ngữ pháp giữa các phương ngữ đó nên người Việt sống ở các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam vẫn hiểu được nhau. Giả dụ, với sự khác biệt về ngữ âm và từ vựng của mình, nếu tiếng Trung Bộ có cấu trúc ngữ pháp khác với tiếng Việt phổ thông mà giống với cấu trúc của tiếng Anh thì tiếng nói đó chẳng người Việt nào ở những vùng khác hiểu được. Ví dụ: Nếu người Trung Bộ nói: “Rứa chi mần bọ?” thì người vùng khác sẽ nghĩ có lẽ đây là một thứ tiếng nước ngoài. Chính nhờ cái hệ thống ngữ pháp chung cho tất cả các tiếng địa phương mà người Việt ở đâu cũng hiểu được nhau, và do đó, tiếng nói của các cư dân địa phương khác nhau chỉ được coi là phương ngữ của tiếng Việt chứ không phải là những ngôn ngữ độc lập. Như vậy, việc đưa các cấu trúc ngữ pháp của một ngôn ngữ nào đó vào tiếng Việt để “đổi mới” tiếng Việt sẽ có hậu quả tai hại hơn nhiều so với việc vay mượn từ ngữ, bởi vì điều đó có thể dẫn đến nguy cơ biến tiếng Việt thành một phương ngữ của một ngôn ngữ ngữ khác, hoặc chí ít cũng làm cho người Việt không hiểu được nhau hoặc hiểu sai nhau. Với hơn 60% từ ngữ vay mượn của tiếng Hán (tiếng Trung), nếu tiếng Việt “nhập khẩu” thêm các cấu trúc ngữ pháp (cấu trúc ngược) của tiếng Hán thì chắc chắn ngày nay tiếng Việt sẽ được coi là một phương ngữ của tiếng Hán. Cho nên, các thế cha ông người Việt xưa kia thực sự là những nhà thông thái, khi sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc vẫn bảo vệ được tiếng Việt khỏi sự diệt vong.
Đương nhiên, đôi khi sự vay mượn cấu trúc tiếng nước ngoài vẫn xảy ra trong tiếng Việt. Đó là sự vay mượn các cấu trúc theo kiểu mô phỏng, nhưng đó thường là những cấu trúc có nhiều điểm giống với cấu trúc của tiếng Việt. Dẫu vậy, ngay cả trong những trường hợp này, người ta vẫn phải Việt hóa các cấu trúc cho phù hợp với hệ thống ngữ pháp tiếng Việt. Chẳng hạn, tuy mô phỏng cấu trúc thành ngữ của tiếng Anh là “To be armed to the teeth”, nhưng tiếng Việt không nói hoàn toàn theo ngữ pháp tiếng Anh là “được vũ trang đến những cái răng” mà nói là “được vũ trang đến tận răng”, Chính việc sử dụng cái từ “tận” rất Việt và từ “răng” mang sẵn ý nghĩa tập hợp (= những cái răng) đã khiến chúng ta cảm thấy thành ngữ này không “Tây” một chút nào. Vì vậy, có thể nói rằng, nguyên tắc Việt hóa các yếu tố vay mượn của tiếng nước ngoài phải được tuân thủ trên tất cả các cấp độ của tiếng Việt.
Như tôi đã viết (xem thêm Tri thức trẻ, số 234-246), cấu trúc “X đến từ Y.” vi phạm trật tự bình thường của cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Người Việt coi trật tự của các từ như vậy là trật tự nghịch. Nếu kết hợp các từ theo một trật tự nghịch thì người Việt hoặc là không hiểu hoặc là có thể hiểu theo nghĩa khác, hay ít nhất cũng cảm thấy chướng tai. Chẳng hạn, nếu một người Việt nói thế này: “Tôi vừa mới đến từ còng” thì đa số người nghe sẽ hiểu là: “Tôi vừa mới đến Từ Còng”, chứ ít ai hiểu là: “Tôi vừa mới từ Còng đến.”. Đó là do áp lực của cấu trúc thuận trong tiếng Việt. Hơn nữa, vì động từ đến vốn là cách nói rút gọn của cụm động từ đi đến, trong đó đến là từ chỉ phương hướng hay điểm đích của động từ chuyển động đi, nên không bao giờ từ và đến đi liền với nhau. Vì vậy, việc “cách tân” hay “hiện đại hóa” tiếng Việt bằng cách “nhập khẩu” cấu trúc nghịch của tiếng Anh cộng với sự kết hợp những yếu tố không thể kết hợp trực tiếp với nhau sẽ phá vỡ hệ thống ngữ pháp của tiếng Việt.
Việc sử dụng một yếu tố nào đó của tiếng Việt đương nhiên phải dựa vào ý nghĩa thực sự của yếu tố đó trong tiếng Việt. Không thể căn cứ vào ý nghĩa của một từ tương đương trong một ngôn ngữ khác để biện mình cho cách dịch của một cá nhân nào đó. Động từ đến trong tiếng Việt luôn luôn bao hàm ý nghĩa “di chuyển”, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một số cá nhân biết tiếng Anh, do đó không thể căn cứ vào ý nghĩa của từ to come trong tiếng Anh để giải thích rằng “Anh ta đến từ Việt Nam” có ý nghĩa giống như “Anh ta là người Việt Nam” hay “Anh ta quê ở Việt Nam”, nghĩa là phủ nhận ý nghĩa “di chuyển” của động từ đến của tiếng Việt. Người Việt bình thường không cần biết động từ to come trong tiếng Anh có ý nghĩa gì. Cho nên, việc căn cứ vào ý nghĩa của động từ này trong tiếng Anh để gây áp lực đối với cách hiểu ý nghĩa của từ đến trong tiếng Việt là một việc làm phi lí mà chỉ có những người quá tôn sùng tiếng nước ngoài mới có thể nghĩ tới. Chỉ có thể hiểu được sự phi lí đó, nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có thể “hiện đại hóa” tiếng Anh bằng cách nói: “He from Vietnam comes.” (= Anh ta từ Việt Nam đến) để thay cho cách nói cũ kĩ: “He comes from Vietnam.” (= Anh ta đến từ Việt Nam) được không?
Đương nhiên, ở đây còn phải nghĩ tới một vấn đề lớn hơn: Ai có thẩm quyền quyết định việc “đổi mới” hay “hiện đại hóa” tiếng Việt? Nếu mỗi cá nhân biết một ngoại ngữ nào đó chốc chốc lại “nhập khẩu” một cấu trúc của tiếng nước ngoài thì chẳng bao lâu nữa tiếng Việt sẽ biến mất giống như hàng trăm ngôn ngữ khác trên thế.
Các thế cha ông người Việt xưa kia đã bảo vệ thành công tiếng Việt khỏi sự diệt vong. Các thế hệ những dịch giả tên tuổi đã thực sự lao tâm khổ tứ để các câu văn dịch của họ hoàn toàn không chút pha tạp, mặc dù họ đã tạo ra được rất nhiều cấu trúc mới cho tiếng Việt, làm cho tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ hiện đại như ngày nay. Họ không mắc sai lầm vì tránh được sự phụ thuộc vào cấu trúc tiếng nước ngoài. Họ đã làm chủ được cái “thần” của tiếng Việt và ngoại ngữ. Còn ngày nay, chúng ta đang bê nguyên xi từ ngữ và cấu trúc tiếng nước ngoài vào tiếng mẹ đẻ. Điều đó không chỉ nói lên thái độ làm việc mà còn nói lên sự thiếu hiểu biết về cái công cụ giao tiếp quan trọng nhất của người Việt Nam là tiếng mẹ đẻ. Với quan niệm “hiện đại hóa” ngôn ngữ như hiện nay, liệu một vài chục năm nữa, các thế hệ sau có còn nói: “Tôi có hai người bạn.” hoặc “Tôi chỉ có hai người bạn”, hay là sẽ nói: “Tôi có bạn hai người.” hoặc: “Tôi có hai người bạn chỉ.”?
_________________________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: Cấu trúc ngược, Nhập khẩu cấu trúc, Từ vựng ngoại lai, Đổi mới tiếng Việt | Leave a Comment »
TIẾNG TÂY KHÔNG LÀM SANG TIẾNG VIỆT
Posted by tuldvnhloc trên Tháng Ba 15, 2010
Lê Đình Tư (Bài đã đăng trên Tạp chí Tri thức trẻ)
Hiện nay, trong xã hội ta dường như đã hình thành nên một tầng lớp những người nói một thứ tiếng Việt khá khó hiểu đối với đại bộ phận dân chúng. Đó là một thứ tiếng Việt mà từ cách phát âm đến cách dùng từ, thậm chí cả các kết cấu ngữ pháp đều mang dáng dấp của một ngôn ngữ pha trộn, đặc trưng cho thứ tiếng Việt chuyển tiếp của những người nước ngoài đang học tiếng Việt, hay những Việt kiều rời Việt Nam từ nhỏ, khi tiếng Việt của họ chưa được định hình vững chắc hoặc do lâu năm sống ở nước ngoài nên quên một số quy tắc hoặc từ ngữ của tiếng Việt. Cái thứ tiếng Việt của họ nhiều khi nghe lơ lớ, nửa tây nửa ta nên thường gây khó khăn cho người dân bình thường.
Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là những người nước ngoài thực sự hoặc là những Việt kiều thực sự, vì người Việt ta vốn có lòng vị tha, lại rất coi trọng những người nước ngoài biết nói tiếng Việt, một thứ tiếng mà ngay cả người Việt cũng cho là khó học. Nhưng đằng này, họ lại là người Việt chính hiệu, không những thế cái thứ tiếng Việt pha tạp đó lại được sử dụng ở những nơi mà lẽ ra, nó phải được thể hiện dưới dạng chuẩn mực nhất và trong sáng nhất – đó là trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực ra, một cách không chính thức, tất cả chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng những thứ ngôn ngữ pha tạp mà các nhà khoa học gọi là các thứ tiếng xã hội hay biệt ngữ. Tiếng xã hội hay biệt ngữ là một thứ ngôn ngữ được tạo ra và sử dụng trong một phạm vi hẹp, trong khuôn khổ của các nhóm hay tầng lớp xã hội, tức những người có quan hệ công việc hàng ngày với nhau, ví dụ như trong các nhóm học sinh, sinh viên, giáo viên, lái xe, bộ đội, hoặc trong giới buôn lậu, tiêm chích, trộm cắp, v.v… Trong các thứ tiếng xã hội đó, chúng ta có thể nhận thấy sự pha trộn những yếu tố chuẩn với những yếu tố lệch chuẩn. Các yếu tố lệch chuẩn có thể là những từ ngữ bình thường, vẫn tồn tại trong ngôn ngữ toàn dân, nhưng được sử dụng với ý nghĩa khác, ví dụ: “phao” (= tài liệu chuẩn bị sẵn được đưa vào phòng thi để quay cóp); “nộp tiền ngu” (= nộp lệ phí thi lại), “đứt cước” (= hỏng việc hay thất bại). Đó có thể là những từ ngữ mới, do các nhóm xã hội đó tự tạo ra, ví dụ: “xê” (= một chỉ vàng), “xao li” (= nói dối, nói láo); “sọi” (= một nghìn đồng). Đó còn là những từ hay tên gọi được làm biến dạng đi theo những quy ước của các nhóm xã hội, ví dụ: “Cô Loan” (= Đài Loan), “vitamin E” (đàn bà), “vitamin T” (= tiền), “Trần Văn Chuồn” (= chuồn, bỏ đi). Nhưng đó cũng có thể là những yếu tố tiếng nước ngoài được đưa vào lời nói nhằm tạo nên những hiệu quả giao tiếp nào đó hoặc để che đậy những nội dung bí mật mà chỉ những người “trong cuộc” mới giải mã được. Một học sinh học tiếng Pháp, trong khi nói chuyện với bạn bè của mình, có thể sử dụng một thứ tiếng Việt “bồi” kiểu như: “Chốn biu rô” (chốn văn phòng), hay “Toa với moa kết nghĩa ami” (Mình với cậu kết bạn với nhau) mà không bị phản đối gì vì trong nhóm bạn bè của mình, đó là thứ ngôn ngữ “của nhà làm”, ai cũng hiểu được. Tương tự, một học sinh học tiếng Anh có thể dùng xen những từ như nâu (không), gơn (cô gái), đai (chết), xì tai (phong cách), xêm xêm (gần như nhau) trong các câu nói của mình khi nói chuyện với bạn cùng học mà người nghe vẫn chấp nhận vì đấy là cách để bạn bè cùng trang lứa vui đùa với nhau.
Tuy nhiên, đối với những người “ngoại đạo” thì cách nói pha trộn như vậy thường gây phản cảm vì người ta không hiểu, hoặc cho đó là thứ ngôn ngữ lai căng hay một thứ tiếng lóng bí mật và đáng ngờ. Vì vậy, một cách tự nhiên, trong ý thức của xã hội, tiếng Việt sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông thường phải là thứ tiếng Việt của toàn dân, một thứ tiếng Việt phổ thông, trong sáng để ai cũng có thể hiểu được. Hơn nữa, trong văn hóa của người Việt Nam, nếu một người trẻ tuổi sử dụng một câu tiếng Việt “bồi” kiểu “Nâu vấn đề.” (Không có vấn đề gì) trong khi nói chuyện với người hàng trên như ông bà, bố mẹ thì sẽ bị cho là vô lễ, thiếu giáo dục.
Ây thế nhưng, trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta, có rất nhiều yếu tố lệch chuẩn mang tính chất nước ngoài và đặc trưng cho các thứ tiếng xã hội. Việc sử dụng các yếu tố lệch chuẩn trước hết thể hiện ở cách phát âm các tên gọi nước ngoài. Một điều rất dễ nhận thấy là nhiều tên gọi nước ngoài vốn đã được định hình từ bao nhiêu năm nay, đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong tiếng phổ thông, bỗng nhiên bị một số phát thanh viên “sửa lại” theo cách phát âm của một thứ tiếng nào đó mà phát thanh viên đó biết. Và thế là những tên gọi này không còn chuẩn mực nữa, vì người biết tiếng Anh thì phát âm chúng theo kiểu tiếng Anh, người biết tiếng Pháp thì phát âm theo kiểu của tiếng Pháp: Thủ đô Luân Đôn của nước Ạnh cứ được phát âm là Lân Đần, thủ đô Mátxcơva của nước Nga, lúc thì phát âm là Mốtxcâu, lúc lại phát âm là Mốtxcơva; thủ đô Pari của Pháp nhiều lúc được phát âm thành Peơruýtxơ; nước Ítxraen có người cứ đọc thành Ítxroaoeo. Ngay như nước Xinhgapo cạnh ta, lúc thì được đọc là Xinhgapua, có lúc lại đọc thành Xanhgapo. Sự lệch chuẩn không chỉ diễn ra trong ngôn ngữ nói mà cả trong ngôn ngữ viết. Chỉ xin nêu một ví dụ: Hiện nay, phần lớn người Việt không biết viết tên nước Xinhgapo thế nào cho đúng. Điều đó có lẽ cũng chẳng có gì là lạ vì trên báo chí, người ta cũng viết rất lung tung: lúc thì viết là Xingapo, lúc thì viết là Singapo, lúc khác thì lại là Singapore hoặc Xinhgapo. Điều đáng ngạc nhiên là những hiện tượng lệch chuẩn như vậy chẳng có ai thấy cần phải sửa đổi hay phê phán.
Nếu như việc phát âm lệch chuẩn gây nên cảm giác về sự lai căng của ngôn ngữ thì việc sử dụng những từ ngữ nước ngoài được đưa vào một cách không chính thức lại tạo ra cảm giác về sự khó hiểu của ngôn ngữ. Chẳng hạn, khi nghe câu: ”Họ có nhiều phaxilitix hơn chúng ta.” thì có thể đoán trước được là đại đa số khán/thính giả của đài truyền hình Việt Nam không hiểu từ phaxilitix (t. Anh: facilities = những tiện nghi) nghĩa là gì, bởi vì đó là từ được vay mượn không chính thức vào tiếng Việt và chỉ có những người biết tiếng Anh mới hiểu được ý nghĩa của nó. Thế mà không có ai giải thích cho người nghe về ý nghĩa của từ này, cứ như thể tất cả các khán/thính giả Việt Nam đều thông thạo tiếng Anh vậy. Bởi thế, đối với một khán giả bình thường, đó là một thứ ngôn ngữ hoàn toàn giống như tiếng lóng của một nhóm xã hội nhất định mà khi nghe, người ta vẫn thường liên tưởng tới mục đích che đậy những nội dung bí mật nào đấy, nên thường gây nên ác cảm ở những người nghe không nằm trong nhóm xã hội đó. Hiện tượng vay mượn không chính thức nhưng lại sử dụng tràn lan các từ ngữ nước ngoài trong các lĩnh vực như âm nhạc, thể thao, giải trí… trên các phương tiện thông tin đại chúng ở ta đang tạo ra những thứ tiếng xã hội khá lộn xộn và cũng đang gây nên những phản cảm như vậy. Người ta nói đến các emxi (người dẫn chương trình), cátxê (tiền mặt), sô (biểu diễn), laivờ sâu (biểu diễn trực tiếp), nhạc claxich (nhạc cổ điển), nhạc congtruy (nhạc đồng quê) nhạc đăngxơ (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ), huligân (côn đồ)… một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu, cũng biết. Thực ra, chúng ta có thể đồ rằng ngay cả những người đang sử dụng những từ này của tiếng Anh cũng chưa chắc đã hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Như từ emxi chẳng hạn. Đó là một từ viết tắt trong tiếng Anh (MC = Master of Ceremonies), có nghĩa là người dẫn chương trình có nhiệm vụ giới thiệu các tiết mục biểu diễn (tất nhiên ở đây ta chỉ nói đến ý nghĩa đã được lựa chọn để vay mượn vào tiếng Việt), nhưng có phát thanh viên ở ta đã giới thiệu với khán giả truyền hình một emxi về thú chơi cây cảnh mà lẽ ra phải giới thiệu là phóng viên. Đó không phải là trường hợp nhầm lẫn cá biệt mà là hiện tượng có tính phổ quát về sự mơ hồ trong việc tiếp thu và sử dụng các từ ngữ nước ngoài, khiến cho xã hội ta hiện nay bị loạn các emxi tự phong: Chúng ta có cả các loại emxi cây cảnh, emxi trò chơi, emxi cầu truyền hình, emxi ăn hỏi, emxi đám cưới, emxi khai trương, emxi khai giảng, emxi khánh thành… mà không cần phải có tay nghề ở mức nghệ nhân (master) như ở các nước.
Vấn đề đáng phê phán là: Mục đích của việc vay mượn các từ ngữ nước ngoài vào trong tiếng Việt hiện nay rất không rõ ràng. Người ta đang vay mượn những từ ngữ đã có các yếu tố tương đương trong tiếng Việt. Vì vậy, không thể giải thích được lí do tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta phải nói nhạc claxich thay cho nhạc cổ điển, hay nhạc congtruy thay cho nhạc đồng quê. Chính sự mù mờ về mục đích vay mượn từ ngữ ngoại lai đang tạo ra những cách nói dư thừa trong tiếng Việt như: các fan hâm mộ, các sô diễn, tiền cátxê, emxi dẫn chương trình, một buổi diễn laivờ sâu, hoặc cách nói tối nghĩa như: “Thày X chạy mỗi ngày ba sô.”. Đặc biệt, một từ như từ “teen” được vay mượn vào tiếng ta bất chấp cả sự khác biệt về hệ thống cấu tạo từ của hai thứ tiếng, khiến cho việc sử dụng nó trở nên khá rối rắm. Cái từ teen chỉ phù hợp với tiếng Anh là thứ tiếng có cách cấu tạo những số từ từ 13 đến 19 bằng cách thêm yếu tố teen vào phía sau. Vì cái bộ phận teen chung cho các số từ đó nên người Anh có thể sử dụng từ teenage để chỉ độ tuổi thanh thiếu niên từ mười ba đến mười chín tuổi hoặc teenager để chỉ những người nằm trong độ tuổi đó. Đây cũng là độ tuổi trong đó có một số tuổi trùng với tuổi dậy thì nên teenager đôi khi còn hàm chứa ý nghĩa “tuổi nổi loạn”. Tiếng Việt ta không có cách cấu tạo từ như vậy, nhưng chúng ta có nhiều cách để nói về những độ tuổi khác nhau, phù hợp với hệ thống tiếng Việt, ví dụ: tuổi thanh thiếu niên, tuổi mới lớn, tuổi ô mai, tuổi dậy thì, tuổi chanh cốm, tuổi xanh, tuổi học trò, tuổi trăng tròn, tuổi mười bảy, tuổi đôi mươi, tuổi vị thành niên. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có tuổi đá buồn. Tiếng ta không nghèo nàn đến mức phải mượn từ teen của tiếng Anh, mà thực ra chẳng hợp gì với các cách nói về độ tuổi cả: Nó không phải là tuổi học trò, cũng không phải là tuổi dậy thì hay tuổi vị thành niên… Đơn giản đây chỉ là độ tuổi mà trong tiếng Anh các số đếm chỉ tuổi có chứa bộ phận teen, ví dụ: thirteen, fourteen, fifteen… Số đếm tương đương của chúng ta là mười ba, mười bốn, mười lăm… nên tất nhiên chúng ta cũng có thể nói tuổi mười hay tuổi mươi được. Nhưng nếu nói như vậy thì tuổi mười sẽ bao gồm cả tuổi lên mười, tuổi mười một và mười hai, vì cách cấu tạo các số đếm của tiếng ta là như vậy. Rõ ràng là ở đây, người Việt không thấy có lí do gì để nói về độ tuổi theo cách này, chứ tuyệt nhiên không phải là do tiếng Việt chúng ta quá kém cỏi hay không sang trọng. Sự vay mượn thiếu nguyên tắc này đã làm cho tiếng Việt có thêm một từ mà từ cách viết đến cách sử dụng đều không phù hợp với hệ thống ngôn ngữ và văn hóa của người Việt Nam, và đồng thời cũng đang tạo ra những cách hiểu không thống nhất. Có nhiều người, khi nói tới tuổi teen cứ nghĩ đó là tuổi học trò. Thật oan uổng cho những cô cậu học trò ở độ tuổi từ sáu đến mười hai tuổi cũng bị vơ vào số đó. Lại có người hiểu đó là tuổi vị thành niên nên viết: “Nhà nghỉ trên đường Hoàng Quốc Việt là điểm hẹn lí tưởng của lứa tuổi teen ngây thơ”. Không lẽ ở ta các cô cậu mười ba, mười bốn tuổi đã ồ ạt rủ nhau đến các nhà nghỉ, hoặc không lẽ những thanh niên mười tám, mười chín tuổi (tuổi thành niên) ở ta vẫn còn nằm ở lứa tuổi ngây thơ? Do sự mù mờ này mà chính tác giả đó ở chỗ khác lại viết: “Đặc điểm chung của những cặp này là đều rất trẻ, thậm chí dưới 20 tuổi.” (???). như vậy tuổi teen lại được hiểu là tuổi trên hai mươi. Không những thế, từ teen lúc thì được dùng làm tính từ, ví dụ: tuổi teen, lúc khác lại được dùng làm danh từ khiến cho người nghe/người đọc không biết đâu mà lần, ví dụ: “Teen bây giờ khác quá.”, “…những thắc mắc của các teen về chuyện học hành, thi cử, yêu đương…”. Bản thân cái việc đưa nguyên xi dạng chữ viết tiếng Anh vào tiếng Việt như vậy cũng là một điều cần phải lên án mạnh mẽ vì nó vi phạm trắng trợn hệ thống chữ viết của tiếng Việt.
Như vậy có thể thấy, nhiều trường hợp vay mượn các yếu tố tiếng nước ngoài vào tiếng Việt không có lí do chính đáng: Chúng không có tác dụng bổ sung những từ ngữ đang thiếu cho tiếng Việt, không làm cho tiếng Việt trở nên chính xác hơn hay phong phú hơn, cũng không làm cho nó sang trọng hơn. Một điều chắc chắn rằng, sự vay mượn lộn xộn và cẩu thả các yếu tố nước ngoài đang tạo ra những biệt ngữ xã hội. Chỉ có điều những biệt ngữ xã hội đó lại đang hoạt động trong chức năng của ngôn ngữ toàn dân. Đó thật sự là một “lỗi hệ thống” trong tiếng Việt hiện nay của chúng ta.
_____________________________________________________
Posted in Chuẩn mực ngôn ngữ | Thẻ: Tiếng Tây trong tiếng Việt, Tiếng Việt không sang?, Vay mượn từ ngữ nước ngoài | 3 Comments »
« Những bài viết trước Tạo một blog miễn phí với WordPress.com. Trang này sử dụng cookie. Tìm hiểu cách kiểm soát ở trong: Chính Sách Cookie- Theo dõi Đã theo dõi
- TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC Đã có 215 người theo dõi Theo dõi ngay
- Đã có tài khoản WordPress.com? Đăng nhập.
-
- TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC
- Tùy biến
- Theo dõi Đã theo dõi
- Đăng ký
- Đăng nhập
- Báo cáo nội dung
- Đọc trong WordPress
- Quản lý theo dõi
- Ẩn menu
Từ khóa » Chuẩn Ngôn Ngữ Là Gì
-
Ngôn Ngữ Tiêu Chuẩn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "chuẩn Mực Ngôn Ngữ" - Là Gì?
-
Chuẩn Ngôn Ngữ Là Gì - Học Tốt
-
Chuẩn Hoá Tiếng Việt Về Mặt Từ Vựng - Vietlex :: Ngon Ngu Hoc
-
Chuẩn Mực Ngôn Ngữ. Các Loại Chuẩn Mực Ngôn Ngữ
-
Ngôn Ngữ Chuẩn Mực - Luận Văn, đồ án, đề Tài Tốt Nghiệp
-
Phương Ngữ Và Vấn đề Chuẩn Hóa Ngôn Ngữ | Ngành Văn Học
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Tiêu Chuẩn Hóa Ngôn Ngữ - Also See
-
Chuẩn Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Một Số Vấn đề Về Chuẩn Mực Hoá Ngôn Ngữ: Nhu Cầu Mượn Từ
-
Vấn đề Chuẩn Hoá Từ Vựng Tiếng Việt (phần 1)
-
Ngành Ngôn Ngữ Học Là Gì? Điểm Chuẩn Và Các Trường đào Tạo
-
Báo Chí Cần đi đầu Trong Chuẩn Hóa Ngôn Ngữ - Báo Nhân Dân
-
Giáo Dục Chuẩn Mực Ngôn Ngữ Giao Tiếp Cho Học Sinh